Thứ Ba, 21/01/2025 15:36 CH
Đi chơi tết
Thứ Năm, 23/01/2020 09:00 SA

Minh họa: HƯNG DŨNG

Đó là cái Tết năm tôi đang học lớp một. Lớp một quan trọng lắm nhé! Má nói nay lớn rồi, phải tự làm mọi thứ, tự học, tự chơi. Điều quan trọng là chị tôi sinh em bé, và thằng nhỏ chút xíu đó đã trở thành trung tâm vũ trụ, nên má tôi chỉ có di chuyển xung quanh nó với bán kính không quá 10 mét. Nhân cơ hội ấy, tôi nằn nì, kỳ kèo xin má cho tôi tự đi chơi Tết với chúng bạn. Dĩ nhiên là bạn bè gần nhà và trong số đó có mấy đứa lớn tuổi hơn tôi, đã “trải nghiệm” chuyện đi chơi Tết. May quá, cuối cùng má tôi cũng gật!

 

Đó là buổi sáng mùng hai Tết đẹp tuyệt vời, đẹp hơn tất cả mọi ngày. Tôi mặc quần áo mới, tay nắm chặt mấy đồng bạc giấy má cho. Má tôi dắt ra tận bến xe lam, trả tiền xe, dặn dò dượng Bảy lái xe ngó chừng tôi, nói với mấy đứa bạn lớn trong đám nhóc đi chơi rằng tôi còn khờ đủ thứ. Tôi có hơi mắc cỡ chút xíu về chuyện này nhưng bụng dạ vui quá nên bỏ qua. Hồi đó, xe lam (Lambro) còn gọi là xe lam ba bánh, là loại xe chở khách phổ biến.

 

Xe có hai phần, phần tài xế lái phía trước và thùng xe có hai hàng ghế cho khách ngồi phía sau. Đồ đạc, hàng hóa của khách thường treo ở sau đuôi xe, chất lên mui xe hoặc bỏ trong thùng xe, ngay chỗ để chân hành khách. Nhóm con nít xóm tôi hôm ấy bao luôn chuyến xe để đi chơi Tết và quy trình bất di bất dịch thời đó là lên núi Nhạn chơi sau đó xuống biển Tuy Hòa nghịch cát rồi về. Hôm đó trời rất trong, rất xanh!

 

Đó là chuyến đi chơi Tết thú vị nhất trong đời tôi. Dượng Bảy lái xe ưu ái cho tôi được ngồi đàng trước ghế lái, chỗ dượng. Nghĩa là tài xế ngồi giữa cầm lái, tôi và một đứa nhỏ nữa, ngồi hai bên dượng trên cùng một băng ghế. Với tôi, chuyện được ngồi trước, trên chuyến xe lam giống như được ngồi ở khoang hạng thương gia trên máy bay bây giờ.

 

Lần đầu tiên tôi được đối xử như một hành khách thực sự, vì trước đây đi với má tôi toàn phải ngồi trên đùi má hoặc bị bắt ngồi trên cái gói đồ gì đó bên dưới sàn xe. Ngồi trước chỉ lo vịn chắc cửa xe, khi xe cua trái, cua phải hay chạy nhanh, nhưng được ngắm đường sá, người, xe ngay trước mặt. Tôi nhìn say sưa từng cái cây, ngôi nhà lướt qua kính xe.

 

Dượng Bảy lái xe ở gần nhà tôi là một người rất hiền và ít nói. Cho tới khi dượng qua đời, tôi vẫn chỉ nhớ câu lặp đi lặp lại của dượng: “Vịn chặt, coi chừng té! Vịn chặt, coi chừng té!”. Đoạn đường từ bến xe lam gần nhà tôi đến núi Nhạn chỉ dài khoảng 3 cây số, nhưng trong thời thơ ấu của tôi, nó là con đường nối liền nhà quê với thành thị. Núi Nhạn là biểu tượng, là dấu mốc của phố bắt đầu từ đây, cũng như biển đánh dấu hết phố.

 

Đường Trần Hưng Đạo là trục đường chính, nối núi Nhạn với biển. Nhà văn Võ Hồng trong truyện ngắn Chuyến về Tuy Hòa ví đường Trần Hưng Đạo như cây lụi xiên qua phố, có nhắc đến núi Nhạn, có nhắc đến những rạp hát, hiệu buôn gần núi Nhạn. Nhà văn tả nhân vật chính nhìn lên núi Nhạn rưng rưng cảm xúc và ngồi chiêm nghiệm về những nỗi hưng phế, thăng trầm của cuộc đời. Tôi không đứng nhìn hay ngồi nhìn, mà đã lên núi Nhạn từ lúc sáu, bảy tuổi nhé!

 

Đó là chuyến đi chơi, dù chỉ lên núi, xuống biển, nhưng nhiều cảm xúc nhất. Gần 15 đứa nhỏ nhà quê đi vô phố chơi Tết, vui tưng bừng như một đàn chim sổ lồng, đứa nào cũng e thẹn mà hớn hở. Sau khi được dượng Bảy lái xe chở đến tận chân núi Nhạn, dặn dò chỗ xe đậu chờ, cả bọn xuống xe đi bộ lên núi. Hồi đó làm gì có bậc tam cấp hay con đường thảm nhựa sang trọng như bây giờ. Núi Nhạn cây cối lộn xộn, um tùm và chỉ có một con đường mòn lên núi.

 

Cả bọn vừa đi vừa thở, cứ tưởng tượng chuyện má tôi kể về những con khỉ trên núi Nhạn chạy nhảy chọc phá con nít, bắt con nít ẵm lên núi làm con, hay chuyện con đười ươi giống người mà lông lá đen thui phủ kín, hễ gặp người là nó cầm tay thật chặt cười mãi, cười mãi đến khi người sợ hãi tắt thở mà chết.

 

Nhiều người nói đi vô rừng thì phải lấy hai ống tre đeo vô tay, hễ gặp con đười ươi thì rút tay ra khỏi ống tre bỏ chạy. Núi Nhạn những năm đó không phải là rừng rậm hoang vu như má tôi kể. Ngày Tết người ta lên núi chơi, thắp nhang trong đền thờ trên tháp cũng nhiều nhưng trong trí não của tôi lúc ấy, nó vẫn là nơi linh thiêng và xa lạ. Tôi không dám nói ra nỗi sợ hãi của mình, sợ chúng bạn cười, nhưng tôi cứ vừa đi vừa lấm lét nhìn xung quanh, sợ con khỉ, con đười ươi ở đâu đó chạy ra túm lấy tôi. Lên tới đỉnh, cảm giác thật tuyệt vời.

 

Tháp trên cao, cổ kính, có một vài cái cây nhỏ không hiểu sao mọc được trên gờ tháp ở tít trên cao. Nhìn xuống phía dưới là núi Chóp Chài quê tôi, là nhà cửa, dòng sông, cửa biển… Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy làng Ngọc Lãng và con sông Chùa từ trên núi Nhạn. Trước đó, tôi hay theo má đi đò ngang qua sông Chùa để đến Ngọc Lãng. Té ra con sông cũng có lúc nhỏ lại và làng quê tưởng rộng cũng chỉ là một vùng cây lá xanh xanh. Trên núi Nhạn có mấy người bán cà rem (kem cây).

 

Mấy đứa rủ nhau mua cà rem ăn. Tới lúc đó, tôi mới phát hiện ra mấy tờ tiền má cho tôi đã làm rớt mất, không biết do nắm chặt tay vào yên xe mà tôi làm rớt hoặc là làm mất trên đường lên núi? Tôi vừa lo lắng vừa buồn, đến mức nhìn tụi bạn mút cà rem cũng không thấy thèm, quên luôn cả cảm giác khát nước! Xuống lại dưới núi, dượng Bảy đang chờ ở xe hỏi cháu làm rớt tiền trên xe phải không, tôi mừng như sống lại, cười nói huyên thuyên, mặt mày chắc nở như cái bánh bao. Từ núi đi xuống biển gần bằng từ nhà đến chân núi, nắng lên càng lúc càng gay gắt, đám con nít bắt đầu mệt nên chỉ chạy nhảy sơ sơ trên bãi cát, không xây nhà hay chơi trò bịt mắt bắt dê như dự định.

 

Tôi khát nước, cứ nhìn những con sóng vỗ vào bờ và tan ra, lại vỗ vào bờ, lại tan ra, thấy nó giống nước mía quá chừng. Cả bọn chạy nhảy reo hò mỗi khi có một con sóng ập vô làm ướt chân. Lần đầu tiên, tôi thấy đại dương thật rộng lớn, vì nó được tiếp giáp và cộng hưởng với trời xanh bao la. Sau này, tôi cũng nghiệm ra rằng tâm hồn, trí não mình chỉ có thể lớn nếu mình hiểu và được ở cạnh một cái lớn hơn.

 

Và mỗi lần đọc bài thơ Thương tiến tửu của thi tiên Lý Bạch: “Quân bất kiến: Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai/ Bôn lưu đáo hải bất phục hồi…” (Dịch nghĩa: Anh không thấy/Nước sông Hoàng Hà chảy từ trên trời xuống/ Chảy ra đến biển không quay trở lại nữa), tôi vẫn tưởng tượng về sông Hoàng Hà lẫn lộn chung với hình ảnh trời biển nối liền nhau ở quê tôi. vừa cười đùa. Tôi hơi sợ vì

 

Sợ mấy đứa nhỏ dang nắng lâu sẽ bị cảm nên dượng Bảy phải chạy bộ xuống tận dưới bãi gọi về. Mấy đứa nhỏ tiếc nuối rời khỏi bãi cát trước khi cố gắng chạy xuống rìa nước dẫm chân một chút cho ướt. Mệt quá, trên chuyến xe lam trở về, có đứa còn ngủ gục. May quá, tôi ngồi trước xe, phần sợ bị rớt xuống đường, phần có dượng Bảy luôn miệng nhắc, nên vẫn rất vui vẻ, tỉnh táo. Về tới nhà, tôi hân hoan, rạng rỡ đến mức má tôi hứa để Tết sau má tôi sẽ cho tôi đi chơi tiếp!

 

Từ cái Tết được đi chơi này, những cái Tết sau vẫn tiếp nối như năm tháng nối liền năm tháng. Thỉnh thoảng, trong kho ký ức Tết của tôi, cái Tết được đi chơi năm tôi học lớp một lại hiện ra sau nhiều lớp bụi thời gian. Chả hiểu sao, lúc nhỏ, được rời tay mẹ đi chơi mình mừng đến vậy?! Bây giờ, chỉ ước ao mẹ còn để dẫn mẹ đi chơi Tết!

 

LAM DUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Màu của tết
Thứ Tư, 22/01/2020 13:00 CH
Cuối năm hoa cải nhớ nhà
Thứ Tư, 22/01/2020 12:00 CH
Tết xưa
Thứ Tư, 22/01/2020 09:00 SA
Tết ngồi nhớ lại
Thứ Ba, 21/01/2020 21:08 CH
Bà mẹ, thằng con và nhỏ hàng xóm
Thứ Ba, 21/01/2020 20:58 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek