Tôi không còn nhỏ nhưng vẫn cứ thích cái cảm giác háo hức mong đợi xuân về. Tôi thích cảm giác một hôm bất chợt nhận ra những cơn gió xuân ấm áp đang ùa về xua tan dần cái lạnh lẽo của mùa đông. Gió mơn man từng lá cây ngọn cỏ đang trở mình thay áo mới để đón chào mùa xuân.
Minh họa: HƯNG DŨNG |
Gió lướt qua những con đường cuốn đi những rác rưởi, bụi bặm, để lại không khí tinh tươm, sạch sẽ. Những bụi hoa dại nhỏ bé ven đường thường ngày vẫn lặng lẽ kiên cường chịu đựng cái lạnh buốt với những cơn mưa dai dẳng của mùa đông bỗng chốc vươn mình trổ hoa khoe sắc.
Có bầy trẻ thơ cứ thích đuổi bắt những chú bướm vàng đang vờn bên những cánh hoa tươi. Câu chuyện của chúng không chỉ là chiến tích bắt được chú bướm hay hái được cành hoa nào mà còn là niềm kiêu hãnh khi nói về những bộ quần áo mới mà mẹ vừa mua cho, rồi chúng tính sẽ mặc lúc nào để đi đâu trong những ngày Tết sắp tới.
Không khí Tết cứ như thế, theo chị gió xuân từ đường làng tràn vào các ngõ, đến từng mái nhà. Sáng nay, mẹ giục tôi giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa. Ba cùng anh trai sơn lại tường nhà cho đẹp. Còn ông nội thì đang lúi húi bên xấp giấy đỏ tươi. Tôi thích nhất là nhìn ông trong khoảnh khắc này, trông ông vừa giống ông tiên vừa giống ông đồ. Ông cắt những mảnh giấy nhỏ hình chữ nhật, dài bằng bàn tay, dùng bút lông mực đen viết lên đó những chữ kiểu thư pháp để đem dán lên bàn thờ, cột nhà, các cửa ra vào, cổng, sân, và cả những cây ăn quả trong vườn.
Tôi cũng không biết tục dán giấy đỏ vào xuân của người Nùng chúng tôi có tự bao giờ nhưng màu đỏ của những tờ giấy như này đã rất quen thuộc đối với chúng tôi mỗi độ xuân về. Ông thường dạy chúng tôi là với người Nùng mình, màu đỏ biểu tượng cho sự may mắn, bình yên và hạnh phúc, xua đuổi tà ma, giúp vạn vật sinh sôi phát triển. Vậy nên Tết đến xuân về, mình phải trang hoàng nhà cửa bằng giấy đỏ, dán giấy đỏ vào tất cả nhà cửa, cây cối để hạnh phúc được bền vững, sinh sôi, đơm hoa kết trái.
Sau mỗi lần như thế, anh em tôi vẫn thường tranh phần được đem những tờ giấy đỏ ông đã viết xong đem dán những nơi mà ông quy định. Chúng tôi thích nhất là đi dán giấy đỏ vào những gốc cây đào, cây hồng, cây mận, cây cam, cây quýt, cây mít, cây chanh... trong vườn. Tôi cứ thích thú tưởng tượng kiểu mỗi lần dán giấy vào mỗi gốc cây xong là mình nghe được cái màu đỏ chói ấy đang lay gọi cây: “Mùa xuân đến rồi! Thức dậy mau đi, đâm chồi nảy lộc và đơm hoa kết trái nhiều, thật nhiều vào nhé!”. Và đầu óc của một cô bé hay mơ mộng là tôi lại nghĩ tới những cành cây trĩu quả trong mùa tới.
Chúng tôi đã lớn dần lên theo từng mùa xuân có màu giấy đỏ với lời dạy của ông như thế. Giờ đây, dù đã trưởng thành nhưng tôi vẫn thích được về bên cha mẹ, bên ông mỗi dịp Tết đến xuân về, để thấy màu của Tết. Vẫn thích nghe ông nhắc lại ý nghĩa của màu giấy đỏ trong ngày Tết. Vẫn thích giành phần để được chạy ra vườn, đến từng gốc cây để dán giấy đỏ, để được trở về tuổi thơ. Để nhận ra rằng, có những ký ức êm đềm, có những câu chuyện êm đềm như lời ru mang hơi thở nguồn cội đã nuôi ta trưởng thành theo từng năm tháng.
Tết đến xuân về, nhà cửa cũng được chúng tôi chăm chút, trang trí bằng nhiều vật dụng, tranh ảnh theo xu hướng hiện đại, song chưa bao giờ quên dán giấy đỏ. Nó như một điều gì đó rất thiêng liêng nếu thiếu thì như thể mùa xuân chưa về đến nhà mình vậy. Cứ phải được dán giấy đỏ thì chúa xuân mới mang Tết, mang hạnh phúc; bình yên và sự sinh sôi đến với nhà mình. Vì thế, với tôi, màu đỏ chính là màu của Tết.
MỘC MIÊN