Dạo ấy đất nước mình vẫn đang chiến tranh. Thời chiến thanh niên không thể đứng ngoài cuộc. Ở các đô thị miền Nam, phong trào đấu tranh chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngày càng dâng cao.
Minh họa: TRẦN QUYẾT THẮNG |
Sau những ngày sôi động xuống đường biểu tình chống bầu cử tổng thống độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu, nhóm chúng tôi bị cảnh sát truy lùng rất gắt. Cả nhóm được đón vào căn cứ Thị ủy Đà Lạt để lánh nạn cũng là để nhận định tình hình và đưa ra phương thức hoạt động mới. Sau 2 tháng ở rừng, cả nhóm lần lượt trở về thành phố trong những đêm tối trời.
Những ngày gần Tết, trời cao nguyên xanh trong, hoa dã quỳ nở vàng rực rỡ trên những cánh rừng, cả bọn đứa nào cũng nhớ nhà, nhớ mẹ, nên thống nhất kế hoạch là về quê ăn Tết, sau Tết mới trở lại trường, trở lại thành phố tiếp tục hoạt động. Chúng tôi mỗi đứa một quê, phần lớn ở các tỉnh miền Trung, vài đứa ở Nam Bộ. Thế là mạnh ai nấy tìm đường xuống núi về với mẹ sớm nhất.
Trên chuyến xe đò từ Đà Lạt về Tuy Hòa lòng tôi khấp khởi vui vì đã khá lâu chưa về thăm nhà và chưa được gặp má. Cuộc sống vừa học tập vừa hoạt động bí mật trong lòng địch hiểm nguy luôn rình rập, thần kinh căng thẳng. Không gì vui bằng, không gì thích bằng được chạy về với má trong cảm giác an toàn, ấm áp với tình yêu thương chăm sóc che chở của má như những ngày còn bé bỏng.
Bước lên thềm nhà, tôi đã cảm nhận được mùi mứt gừng thơm lừng từ sau bếp đưa lại. Tôi cất tiếng gọi má, má tôi bỏ chảo gừng chạy tới mừng vui. Bà nói: “Chờ mấy tháng không thấy thư, không biết con đang ở đâu. Nhưng má vẫn tin là Tết này con sẽ về với má”.
Thả cái túi xách trên tấm phản gỗ đã lên nước đen bóng, tôi dắt tay má xuống bếp ngồi xem bà tiếp tục làm mứt gừng, những lát gừng xắt mỏng đang thấm đường trên chảo nóng sôi lăn tăn. Tôi nhón một miếng vừa thổi vừa ăn. Nóng, cay, ngọt, thơm lựng, ngon tuyệt! Trong cái rổ tre của má vẫn còn đầy một rổ gừng nguyên củ sạch vỏ, nhưng đã xăm bằng những kim nhọn tạo nhiều lỗ nhỏ để cho củ gừng mềm dễ thấm đường khi cho vào chảo rim. Hết lứa này đến lứa khác má đã làm ra một thau mứt gừng lát và một thau mứt gừng củ. Tôi hỏi:
- Còn gì nữa không má?
- Còn, bánh in, bánh thuẫn, bánh bò má đã làm từ mấy ngày trước.
- Nhà mình ít người, làm chi nhiều vậy má?
- Tết mà con! Để bà con bạn bè đến chơi có mà mời người ta cho vui.
Ngày xưa mỗi khi xuân về Tết đến, mọi nhà đều tự làm ra cái Tết cho nhà mình, ăn Tết cũng với tinh thần tự cấp tự túc. Nhà nhà làm ra Tết, cả làng xôn xao với Tết tạo nên không khí Tết rộn ràng với hoa với bánh mứt. Để làm ra một loại bánh, mứt phải mất nhiều ngày từ chuẩn bị nguyên liệu cho đến sản phẩm cuối cùng đều bằng thủ công theo công thức truyền miệng với nhau nhưng phải nói là rất đồng bộ, khá chuẩn và ngon.
Để có một cái Tết ấm cúng đủ bánh trái, má tôi đã phải bắt đầu từ sau ngày rằm tháng Chạp. Ngày đi làm đồng, chiều tối về làm bánh Tết để trước hết là kịp có cúng đưa ông Táo về trời, tiếp đó là cúng tất niên vào chiều 30 rước ông bà tổ tiên về ăn Tết và cúng ông bà cũng như tiếp khách trong những ngày Tết. Ngoài làm ruộng, má tôi còn có thêm nghề may. Thời đó ở quê ngoài làm nông còn có nghề may là hiện đại lắm, sang lắm.
Một tay má vừa chăm mấy thửa ruộng đủ nước cho lúa đang thì con gái được xanh tốt trong những ngày đầu năm hứa hẹn một mùa trĩu hạt, vừa chuẩn bị cái Tết cho gia đình, lại vừa may quần áo Tết cho phụ nữ và trẻ con trong xóm. Do vậy mà nhà lúc nào cũng đông người tới lui đo, may, thử quần áo, trẻ con mặc áo Tết đi khoe khắp xóm làng làm cho màu sắc Tết càng tươi vui. Sáng ngày cuối cùng của năm âm lịch tôi ngồi gói bánh chưng, bánh tét, má hướng dẫn tỉ mỉ kỹ thuật gói bánh. Bà nói: Bánh tét thì phải gói chặt bánh mới ngon và để được lâu.
Đến trưa thì cho vào nồi to, canh lửa cho đến trước giờ giao thừa vớt bánh, đặt lên bàn thờ chờ đón giao thừa thắp nhang vái ông bà tổ tiên. Mùi hương và mùi bánh mới thơm ngát. Không gian ấm cúng, trầm mặc, thiêng liêng của thời khắc khởi đầu một năm mới với lòng cầu mong sự bình an và nhiều may mắn.
Ngày nay công nghệ và dịch vụ phát triển, mọi thứ lo cho ngày Tết đã có sẵn ở chợ và các siêu thị, chỉ cần chiều 30 Tết xách giỏ đi một vòng là có đủ. Có phải vì vậy mà không khí xôn xao, nao nức chuẩn bị đón Tết ở mỗi nhà và của cả xóm làng dần biến mất? Hay do tuổi tác cứ dày lên với những ngày tháng dài lăn lóc trên đời mà trái tim tôi đã ít mềm hơn để không khí Tết không còn đủ sức làm xao lòng như những ngày xưa chạy về với má?
Tết xưa ở quê từ bàn tay gầy guộc, nhọc nhằn của má không đắt tiền, không hoành tráng như bây giờ, nhưng phong phú và ấm áp, yên bình và náo nức đã đi vào ký ức làm hành trang theo tôi bôn ba mãi trên những nẻo đường đời.
HOÀNG NGUYÊN