Thứ Tư, 02/10/2024 11:24 SA
Về đất cổ Mê Linh
Thứ Năm, 06/03/2008 14:35 CH

Xe bon bon trên con đường làng quang đãng, hai bên là cánh đồng hoa hồng trải rộng. Cảm giác thật đặc biệt khi biết rằng mình đang đi trên vùng đất cổ. Mê Linh - cái tên quá đỗi thân quen qua những trang sử chống ngoại xâm. Cái tên gắn liền với cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử giữ nước của hai nữ anh hùng dân tộc.

 

080306-dat-to.jpg

Đền thờ Hai Bà Trưng  – Ảnh: KHẮC SIÊU

 

ĐẤT CỔ, THÀNH CỔ

 

Theo sử sách, đây là lãnh thổ của bộ lạc Mê Linh xưa - một vùng đất trải rộng bên đôi bờ sông cuộn đỏ phù sa. Mê Linh nằm trong cái nôi của nước Văn Lang, “nơi có dòng sông Hồng uốn khúc như rồng thiêng bao bọc. Xa xa phía tây, núi Ba Vì sừng sững như một án thư; phía đông, dãy Tam Đảo như một bức hoành phi chắn ngang phương Bắc”. Dưới ách đô hộ của nhà Hán, nước ta có 9 quận. Lúc bấy giờ, Mê Linh thuộc quận Giao Chỉ và là thủ phủ đầu tiên của Giao Chỉ. Thành cổ Phong Châu ở phía tây bắc phủ Giao Chỉ.

 

Cái tên Mê Linh gắn liền với cuộc khởi nghĩa giành độc lập đầu tiên của hai nữ anh hùng dân tộc. Trưng Trắc, Trưng Nhị quê ở làng Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay). Cha của hai bà là một Lạc tướng. Truyền thuyết kể rằng: Năm 17 tuổi, Trưng Trắc đã giả trai tham gia đấu võ và quật ngã một tên tướng nhà Hán.

 

Mùa xuân năm Canh Tý (40 sau Công nguyên), Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị khởi binh ở Phong Châu. Được đồng bào ở các quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố hưởng ứng, chẳng bao lâu, hai bà hạ được 65 thành trì ở Lĩnh Nam. Trưng Trắc được suy tôn làm vua, hiệu là Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh. Bà xá thuế 2 năm cho nhân dân quận Giao Chỉ và Cửu Chân, đồng thời chuẩn bị chống lại cuộc phản công xâm lược của nhà Hán.

 

Thời gian độc lập của nước ta thật ngắn ngủi, chỉ có 3 năm. Đến năm 43, Trưng Trắc, Trưng Nhị đã hy sinh anh dũng trong cuộc quyết chiến không cân sức với quân xâm lược do Mã Viện cầm đầu, song cuộc khởi nghĩa của hai bà đã “chấn động cả cõi trời Nam”. Lá cờ khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử giữ nước của dân tộc được phất cao bởi hai phụ nữ! Quên thân bồ liễu, họ đã đứng lên giành lại độc lập cho nước nhà. Đây là “sự thức tỉnh của tinh thần dân tộc, là sự phủ định hiên ngang cái uy quyền “bình thiên hạ” của nhà Hán”…

 

Dấu vết thành cổ trên kinh đô Mê Linh của triều đại Trưng Vương vẫn còn đây, nhắc nhớ về quãng thời gian độc lập ngắn ngủi nhưng có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn. Thành Mê Linh dài 1.750m, tựa như con rắn cuộn mình. Thành có hai lớp bằng đất, mỗi lớp cao 3m, mặt thành 1,5m, ở giữa có đường hành quân. Các cụ ngày xưa gọi là thành ống.

 

Ông Nguyễn  Huy Canh, một người dân Mê Linh và cũng là quản lý, hướng dẫn viên của Khu di tích đền Vua bà, kể: Chúng tôi vẫn còn nhìn thấy lớp thành ngoài cùng. Thành cao, vững chãi, bên ngoài có hào sâu, các cụ ngày xưa trồng tre kín mít, con gà không lọt ra ngoài đồng được. Có 10 cái cổng để đi ra đồng. Thời chống Pháp, đây là vùng tranh chấp giữa ta và địch. Làng có thành cổ Mê Linh bao bọc, quân kháng chiến hoạt động trong làng, ban ngày ra quấy nhiễu giặc Pháp. Khi giặc đến,  các cụ sập cổng lại, chúng không tấn công vào bên trong được; quân ta theo một cái cổng nào đó rút đi.

 

Dự án khôi phục thành cổ Mê Linh đã được xây dựng, để nhắc nhở thế hệ sau về một thời oanh liệt, bất khuất của người xưa.

 

VIẾNG ĐỀN VUA BÀ

 

Đền thờ Hai Bà Trưng (đền Vua bà) được xây dựng tại làng Hạ Lôi, nơi chôn nhau cắt rốn của hai nữ anh hùng. Người làng kể rằng: Khi hai bà mất, dân làng lập miếu thờ tại gia đình bà. Đến triều đại nhà Đinh (970-979), miếu thờ được lợp ngói. Và dân gian truyền tụng: Hơn 1.000 năm sau khi gieo mình xuống Hát Môn (huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây), hai bà hóa thạch trôi về đất Đồng Nhân (Hà Nội) phù cho nhà Lý. Vua Lý Anh Tông cho xây dựng đền thờ hai bà ở bến Đồng Nhân (nay thuộc quận Hai Bà Trưng - Hà Nội), đồng thời cho xây dựng tam tòa chính điện ở làng Hạ Lôi để trả ơn hai bà.

 

Đền Vua bà được cho là tọa lạc trên trán con voi trắng, thế đất “bạch tượng uyển hồ” (voi trắng uống nước trong hồ), địa linh sinh nhân kiệt.  Không chỉ thờ Trưng Trắc - Trưng Nhị, nơi đây còn thờ phụ mẫu của hai bà, ông Thi Sách chồng Trưng Trắc, phụ mẫu của ông Thi Sách cùng lục bộ nữ tướng của Hai Bà Trưng. Trong đợt trùng tu đền Vua bà vào năm 2004, bức tượng gỗ hai nữ anh hùng được dát vàng. Những dòng chữ Lạc Hùng chính thống, Hải đức sơn công (công lao đức độ như biển cả núi cao), Vạn cổ hương (tiếng thơm lưu truyền muôn thuở) cũng được dát vàng…

 

Hai bên đền có tả mạc hữu mạc, là nơi khách dừng chân. Ở sân ngoài, người ta cẩu một tảng đá lớn trên mỏm núi về đặt tại đó, khắc lời thề khởi nghĩa của hai bà: “Một xin rửa sạch quốc thù/Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng…”. 18 con voi tượng trưng 18 đời vua Hùng. Khuôn viên đền còn có hồ Mắt Voi, Vòi Voi và ao Tắm Voi; có phòng trưng bày các hiện vật: mũi tên đồng, mũi lao đồng triều Trưng Vương, các loại bát men, bình vôi, ấm nước… thời Hai Bà Trưng. Những hiện vật đã vượt qua bao thử thách trong suốt gần 2.000 năm để kể những câu chuyện ít ỏi và rời rạc về cuộc sống thời Trưng Vương. 

 

HOA HỒNG MÊ LINH

 

Huyện Mê Linh được thành lập vào năm1977. Một năm sau, huyện này sáp nhập vào Hà Nội. Đến năm 1991, Mê Linh tách khỏi Hà Nội, trở về với tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc). Huyện Mê Linh có 17 xã, trong đó xã Mê Linh nổi tiếng với ngôi đền Vua bà, với nghề trồng hoa hồng.

Những cánh đồng hoa hồng ngút mắt của Mê Linh không chỉ có các giống được mang ra từ Đà Lạt, đưa xuống từ Sa Pa hay nhập về từ Pháp, Ý… Giống hoa hồng Hà Lan đỏng đảnh khó tính cũng đã có mặt ở đây. Đi trên con đường làng quang đãng, những cánh đồng hoa trải ra trong tầm mắt. Hoa hồng không chỉ điểm tô vùng đất cổ mà còn mang lại cuộc sống ấm no cho người dân Mê Linh, khi chúng được thương lái đưa đến rất nhiều nơi: Thanh Hóa, Lạng Sơn, Nam Định, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng và xuất khẩu…

 

Hoa hồng đã vươn lên và khoe sắc trên vùng đất của nước Văn Lang xưa - vùng đất gắn liền với những chiến công và triều đại của vị nữ vương đầu tiên trong lịch sử dân tộc.

 

LÂM VY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek