Thứ Ba, 08/10/2024 11:35 SA
Tết cổ truyền trong chiến khu thời binh lửa
Thứ Ba, 29/01/2019 13:00 CH

Cuộc hội ngộ các lão tướng: Võ Nguyên Giáp, Đồng Văn Cống, Hoàng Cầm (giữa) và Lê Văn Tường - Nguồn: Internet

Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc ta đồng nghĩa với sum vầy, đoàn tụ: Mọi con đường đều hướng về quê hương/ Mọi hàng cây đều hướng về nguồn cội. Thời bình là vậy, còn thời chiến thì sao khi có hàng vạn người lính xa nhà ngược xuôi trên những nẻo đường chinh chiến? Họ có được ăn Tết không? Và họ lấy gì ăn Tết giữa núi rừng thiếu thốn trăm bề? May mắn từng nhiều lần gặp gỡ trò chuyện với những vị tướng lĩnh chỉ huy chiến trường, chúng tôi đã ghi lại một số nét về Tết cổ truyền trong chiến khu một thời binh lửa…

 

Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, là một trong những vị chỉ huy gắn bó gần xuyên suốt chiến trường Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sinh thời, trò chuyện với chúng tôi, danh tướng tâm sự rằng vì hoàn cảnh chiến tranh nên khi tới Tết cổ truyền, không có dịp đoàn tụ gia đình, hầu như ai cũng có nỗi niềm riêng se sắt trong lòng. Có người đã năm bảy cái Tết xa quê. Nỗi khát khao sum họp thức dậy trong trái tim những người lính còn rất trẻ. Thậm chí có người sau phút giao thừa đã lặng lẽ ra treo võng giữa hai cây rừng nằm đắp chăn đơn khóc thầm.

 

Hiểu được tâm tư người lính giữa những ngày thiêng liêng của dân tộc, của năm cũ bước sang năm mới, Tư lệnh Trần Văn Trà cùng các cấp chỉ huy luôn chăm lo cho chiến sĩ ăn Tết chu đáo trên tinh thần tự lực, tự cung tự cấp. Từ cơ quan chỉ huy cao nhất chiến trường đến từng đơn vị bộ đội đều có tiêu chuẩn ăn Tết. Nghèo vật chất nhưng giàu tình nghĩa, phong phú về tinh thần, ấm áp như một đại gia đình, đảm bảo cho người lính… vui như Tết!

 

Tại các cơ quan thuộc Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền, cuối năm đều có bộ phận chuẩn bị cho Tết cổ truyền, ngoài sự nỗ lực chung của mọi người. Nhà ở chiến khu cất cùng một kiểu hình vuông, hai chái, lợp lá trung quân đã được trang trí bằng các loại đèn làm bằng tre và giấy pơ-luya nhuộm đủ các màu với nhiều hình thù trông rất sinh động, vui mắt. Cây nêu trước sân dựng lên. Có những ngôi nhà còn dựng cổng chào tam quan bằng lá đủng đỉnh, với đôi liễn ghi câu đối viết theo lối chữ nho trông rất đẹp. Con đường Thống Nhứt xuyên rừng nối các cơ quan bộ vốn lặng lẽ bỗng chốc rộn ràng, mới mẻ hẳn lên.

 

Các chị nuôi, anh nuôi được sự hỗ trợ của các cô quân y, văn phòng và những người khéo tay cùng nhau gói bánh tét, bánh chưng, bánh ít, làm các loại mứt, dưa hành, củ kiệu và nấu nướng các loại thịt rừng săn bắn hoặc chăn nuôi. Người miền Nam giỏi gói bánh tét. Người Bắc giỏi làm bánh chưng. Có cả một vài món đặc sản cung đình do những người gốc Huế làm. Nồi quân dụng cỡ lớn đặt trên bếp Hoàng Cầm nấu bánh lửa đỏ bập bùng. Trai gái quây quần vừa làm vừa tán chuyện cười đùa rôm rả. Đôi khi tình yêu trai gái cũng nảy nở quanh nồi bánh tét, bánh chưng.

 

Các tướng lĩnh: Nguyễn Thị Định, Trần Văn Trà (ngồi giữa), Trần Độ, Lê Trọng Tấn ở Bộ Tư lệnh Miền trong chiến khu - Nguồn: Internet

 

Nhân nhắc đến bếp Hoàng Cầm chúng tôi lại nhớ tới một danh tướng khác là Thượng tướng Hoàng Cầm, bí danh Năm Thạch. Ông không phải là người “đẻ” ra cái bếp trùng tên mình. Tác giả của cái bếp không khói độc đáo này từ thời chống Pháp là một ông Hoàng Cầm khác trong lực lượng hậu cần, mang quân hàm đại tá trước khi về hưu. Nghĩa là trong quân đội ta có ba người mang tên Hoàng Cầm nổi tiếng. Một ông Hoàng Cầm thi sĩ, tác giả của những bài thơ Về Kinh Bắc, Lá diêu bông, Mưa Thuận Thành… nguyên Trưởng đoàn Văn công Quân đội. Một ông Hoàng Cầm đại tá sinh ra cái bếp lừng danh. Và một ông Hoàng Cầm danh tướng cầm quân lập nhiều công trận khắp chiến trường Đông Dương, từng giữ các trọng trách Tư lệnh Quân đoàn 4, Tư lệnh Quân khu 4, Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào, Tổng Thanh tra quân đội. Ở chiến trường Đông Nam Bộ thời đánh Mỹ, trước khi được cử về thành lập và làm Tư lệnh Quân đoàn 4, tướng Hoàng Cầm là Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam sát cánh cùng tướng Tư lệnh Trần Văn Trà.

 

Thượng tướng Hoàng Cầm có mười cái Tết chung vui cùng bộ đội trên chiến trường miền Nam. Ông tâm sự rằng chẳng ai muốn xa gia đình vào dịp Tết cổ truyền, nhưng chiến tranh buộc người lính phải hoàn thành nhiệm vụ, chấp nhận hy sinh chuyện riêng tư. Hoàng Cầm từng ăn Tết cùng lính Sư đoàn 312 thời đánh Pháp ở núi rừng Tây Bắc khi ông là sư đoàn phó, còn Lê Trọng Tấn là sư đoàn trưởng, Trần Độ là chính ủy. Khi vượt biển vào chiến trường Đông Nam Bộ, cả ba vị chỉ huy cao nhất Sư đoàn 312 năm xưa lại có dịp đoàn tụ, ăn Tết chung với nhau. Tướng Trần Độ được cử làm phó chính ủy, còn tướng Lê Trọng Tấn và Hoàng Cầm là Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam. Đặc biệt hơn, trong Chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài giữa năm 1964, cả ba ông cùng được giao trọng trách cao nhất: Lê Trọng Tấn làm tư lệnh, Trần Độ làm chính ủy và Hoàng Cầm là phó tư lệnh, cùng nhau chỉ huy chiến dịch đầu tiên hiệp đồng binh chủng, dùng quả đấm chủ lực, giành thắng lợi quan trọng.

 

Thượng tướng Hoàng Cầm còn cho biết, ở nhiều nơi của miền Đông Nam Bộ do chính quyền Việt Nam Cộng hòa kiểm soát, mặc dù có đồn bót địch nhưng dân lính và địch, ta hay lẫn vào nhau, đụng nhau giữa dòng người xe tấp nập. Có lúc lính Sài Gòn biết có Quân Giải phóng đang lẫn vào trong dân nhưng lờ đi vì họ cũng muốn cho êm thấm, nhất là dịp xuân về ai cũng muốn hưởng không khí ngày Tết cổ truyền chung của người Việt. Nhờ vậy mà các anh nuôi thường giả trang mua được những vật dụng cần thiết phục vụ cho các đơn vị đóng quân. Các cơ sở cách mạng hoặc người dân có cảm tình cũng dễ dàng tiếp tế cho bộ đội thức ăn thức uống trong ba ngày Tết. Tướng Hoàng Cầm bảo rằng cảnh quan nhiều vùng miền Đông Nam Bộ gần Sài Gòn thời chống Mỹ rất giống những vùng giáp ranh giữa chiến khu Việt Bắc với Hà Nội thời chống Pháp, thật khó phân biệt đâu là chiến tranh đâu là hòa bình và đâu là ta đâu là địch. Đất nước có những thời kỳ lạ lùng như vậy. Và đã là người Việt với nhau, cho dù đang đối đầu trên chiến trường, thì ai cũng mong muốn có được cái Tết cổ truyền an vui, lòng cùng hướng về cội nguồn ông bà tổ tiên!

 

Nói tới chiến trường miền Đông Nam Bộ chúng tôi không thể quên một vị tướng kỳ cựu “nằm vùng” ở đây xuyên suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đó là Trung tướng Nguyễn Hữu Xuyến, bí danh Tám Kiến Quốc.

 

Theo trung tướng Nguyễn Hữu Xuyến, trận Cổ Cò xuân 1947 là trận giao thông chiến đầu tiên của miền Nam và có lẽ cũng là đầu tiên của cả nước. Tiếng súng vừa dứt, đồng bào các ngả kéo đến đông nghịt chúc mừng và ủy lạo bộ đội bằng rất nhiều bánh trái, thực phẩm. Vừa thắng trận bộ đội lại vừa được tiếp tục ăn Tết cổ truyền với nhân dân.

 

Sang thời chống Mỹ, tướng Nguyễn Hữu Xuyến nhớ nhất là xuân Mậu Thân 1968 mà bộ đội được “ăn Tết trước” để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy vào các thành phố, thị xã. Tại cơ quan Bộ Tư lệnh Miền, mặc dù chuẩn bị khá chu đáo các loại thực phẩm ngày Tết, từ rượu thịt, bánh tét, bánh chưng đến các loại hoa quả, kẹo mứt nhưng các nhà lãnh đạo chỉ ăn qua loa, ai cũng đứng ngồi không yên, lo kiểm tra mọi khâu chuẩn bị cho trận đánh lịch sử. Những người lính cấp dưới cũng được ăn Tết trước, dù chưa biết rõ thông tin nhưng cũng linh tính điều hệ trọng sắp diễn ra. Một không khí bí mật và phấn khởi bao trùm cả chiến khu. Và cũng như mọi năm, vào giây phút giao thừa thiêng liêng, mọi người cùng vây quanh chiếc đài bán dẫn nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thơ chúc Tết. Riêng giao thừa xuân Mậu Thân 1968 có khác, bài thơ chúc Tết của lãnh tụ cũng đồng thời là tín hiệu cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy bắt đầu. Tiếng súng hòa trong tiếng pháo xuân rền vang khắp miền Nam.

 

Và đó cũng là lúc ca khúc quen thuộc của nhạc sĩ Xuân Hồng vang lên khắp núi rừng:

 

Mùa xuân về trong chiến khu

Tiếng chim rừng vang hót khắp nơi

Mùa xuân về trong chiến khu

Gió đưa cây rừng cành lá vi vu

Chim hót mừng mùa xuân thắng lợi.

Mai vàng, mai vàng đang nở lưng đồi

Chào anh bộ đội thêm một tuổi đời

Mừng anh thêm một tuổi quân

Thêm nhiều chiến công toàn dân đang mong….

 

PHAN HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek