Thứ Tư, 27/11/2024 21:32 CH
Dịch giả Đăng Thư: 30 năm sống với chữ
Chủ Nhật, 09/12/2018 13:00 CH

Đến với dịch thuật từ năm 1988, vừa ngẫu nhiên vừa không thể chọn lựa, ngoảnh lại anh đã có 30 năm sống với chữ, làm một nghệ sĩ thầm lặng trên những trang sách. Âm thầm, say mê và cẩn trọng, anh đưa hơn 50 tác phẩm văn học nước ngoài đến hoặc trở lại với bạn đọc Việt Nam, trong đó có những tác phẩm kinh điển như Hai kinh thành, Sherlock Holmes…, có tiếng vang như Khi loài vật lên ngôi, Nhà Golden… Anh là dịch giả Đăng Thư, tên thật Trần Đức Tài, sống tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) và yêu mến mảnh đất Phú Yên.

 

Dịch giả Đăng Thư sắp “trình làng” “đứa con” mới nhất: dịch phẩm Người cân linh hồn của nhà văn André Maurois - tác phẩm hư cấu mà sau 30 năm kể từ khi xuất bản, bạn đọc ở những đất nước xa xôi vẫn gửi thư, điện tín để hỏi nhà văn rằng: Người cân linh hồn có thật hay không?

 

Trước Người cân linh hồn, Đăng Thư có hai dịch phẩm ấn tượng trong năm 2018: Nhà Golden - “một áng dụ ngôn bi tráng về nước Mỹ hiện đại” của Salman Rushdie và Hai kinh thành - tác phẩm được Charles Dickens tự nhận là hay nhất mà mình từng chấp bút, một câu chuyện lịch sử đau thương với những mưu mô, hận thù song hành tình yêu vượt lên trên cái chết.

 

Dịch giả Đăng Thư

 

“Dốc hết sức, rồi thì… quên đi”

 

* Hoàn thành dịch phẩm Hai kinh thành - tác phẩm văn học kinh điển và Nhà Golden - một trong những tiểu thuyết xuất sắc của năm 2017, cảm giác của anh như thế nào?

 

- Nếu dịch nhiều rồi, kinh nghiệm nhiều rồi thì cảm giác sẽ rất khác với lúc mới vào nghề. Tôi dịch cuốn sách đầu tay Bay vào nguy hiểm của Arthur Hailey & John Castle, in vào năm 1988.

 

Khi đó tôi mong đợi từng ngày chờ sách in xong, đọc đi đọc lại, đối chiếu với bản thảo xem biên tập viên đã sửa những gì, thậm chí đôi khi còn bực dọc vì chữ mà mình trăn trở đã bị sửa khác đi. Khi đã có kinh nghiệm rồi, mình thấy chuyện đó không quan trọng.

 

Lúc mới vào nghề, tôi cố gắng đuổi theo chữ, bây giờ chữ nó cuốn mình đi, và đi xong thì thôi. Tôi chỉ mong nhìn thấy sách, xem cái bìa chứ không đọc lại vì suốt thời gian dịch, mình đã sống với tác phẩm.

 

Và trong thời gian chờ đợi tác phẩm được in, mình đã làm công việc khác, sống một cuộc đời khác trong một tác phẩm khác rồi. Nếu cứ “ôm ấp” mãi một cuốn sách trong đầu thì sẽ bị “phân thân”.

 

Tôi nghĩ đó là cách của người làm nghề chuyên nghiệp: dốc hết sức vào tác phẩm, xong rồi thì quên đi và chuyển sang tác phẩm khác.

 

* Khi dịch, dịch giả sống trong tác phẩm văn học với nhiều cảm xúc, cảm giác, trong đó có nỗi cô đơn. Theo anh, nỗi cô đơn của dịch giả có gì khác biệt với nỗi cô đơn của tác giả?

 

- Người viết văn, dịch thuật đều cô đơn, một mình đối diện với những ý tưởng, với chữ. Nhưng nghề dịch khác với nghề viết ở chỗ dịch giả chỉ tung tẩy trong giới hạn cho phép chứ không được tự do như nghề viết. Dịch giả, ở một góc độ nào đó, giống như nghệ sĩ biểu diễn, trình tấu tác phẩm của người khác bằng một nhạc cụ khác. Còn khen chê là tùy ở người nghe.

 

Dịch thuật là một công việc khắc nghiệt, thù lao không cao, trong khi sự đầu tư cho lao động thì cao. Nghề dịch là một nghề bạc bẽo, sách hay thì người ta khen tác giả, sách dở thì chê người dịch. Đó là cuộc chơi, chấp nhận được thì chơi.

 

Đối với tôi, dịch là một cuộc chơi cho mình. Khi được đề nghị dịch những cuốn sách mà tôi chưa biết thì tôi phải đọc trước, nếu không thích sẽ không làm. Vì dịch một cuốn sách mình không thích hay dịch một cuốn sách mình thích, thù lao như nhau, vậy việc gì mình phải làm công việc mà mình không thích?

 

Dịch thuật giúp giỏi… tiếng Việt

 

* Trong cuộc chơi này, điều gì làm anh thích thú và gắn bó lâu như vậy?

 

- Cũng khó mà nói lắm, đôi khi nghề chọn người. Và càng dịch thì thấy mình giỏi… tiếng Việt, và đó là một ngôn ngữ nghệ thuật để mình tung tẩy, chứ không phải đơn giản là đọc thông viết thạo tiếng Việt. Một người chơi nhạc giỏi thì chơi nhạc thuộc phong cách nào ra phong cách đó, không lẫn lộn.

 

Người dịch cũng vậy, phải biết mỗi thời đại, mỗi tác giả có một giọng điệu riêng và khi dịch thì làm sao “bật” được sự khác biệt đó. Bạn đọc Hai kinh thành của Charles Dickens và Nhà Golden của Salman Rushdie, tuy cùng một người dịch nhưng hai “giọng” hoàn toàn khác nhau. Tôi cố gắng tái hiện không chỉ nội dung mà cả văn chương, tinh thần của tác phẩm và của thời đại đó.

 

* Anh tìm thấy điều gì khi dịch Nhà Golden?

 

- Nhà văn Salman Rushdie thì tôi đã biết rồi, nhưng khi đọc Nhà Golden lại thấy lạ, vì ông ấy đổi cách viết, rất mới. Và ông ấy khai thác đề tài đương đại, tái hiện bức tranh xã hội Mỹ đương đại - một xã hội gần như không thể phân định, trong đó con người đi tìm chính mình cũng là việc vất vả.

 

Theo tôi, các nhân vật trong Nhà Golden đều bi kịch, họ đều tự chối bỏ chính mình hoặc không tìm ra mình là ai. Tác phẩm xoay quanh một gia đình gồm ông bố và ba người con, sau đó là người vợ mới của ông bố, kết cục tất cả đều chết, mỗi người một cái chết bi đát khác nhau.

 

Sách xoay quanh vấn đề bản thể, căn tính, quá khứ. Khi chối bỏ quá khứ thì mình không còn tương lai. Tôi thấy đề tài đó sâu sắc, đọc thích nên nhận lời dịch.

 

Hai dịch phẩm mới của dịch giả Trần Đức Tài (Đăng Thư): Hai kinh thành và Nhà Golden - Ảnh: YÊN LAN

 

Ưng ý nhất là cuốn sách chưa xuất bản

 

* Trước khi có 30 năm sống với chữ và làm một nghệ sĩ thầm lặng trên những trang sách văn học nước ngoài, anh đến với công việc dịch thuật như thế nào?

 

- Tôi vào nghề này đơn giản vì cuộc sống. Lúc đó tôi ở Sài Gòn, không có việc làm, không hộ khẩu, không bằng cấp. Nghề này không đòi hỏi hộ khẩu, bằng cấp. Mình mang bản dịch tới nhà xuất bản, họ đọc được, in thì mình có thù lao. Tôi không biết làm gì khác thì làm công việc này, và thấy mình làm được. Hồi đó dịch rất vất vả, vật lộn với chữ.

 

Bây giờ cũng vất vả, nhưng mình coi đó là sự thách thức thú vị để vượt qua. Công việc này vẫn không đơn giản chút nào, nhưng thái độ của mình đối với chữ, đối với công việc đã khác. Muốn giữ được nghề, muốn yêu nghề dài lâu thì làm những gì mình thích.

 

* Sherlock Holmes có phải là một dịch phẩm ưng ý của anh?

 

- Ưng ý nhất là cuốn sách mình đang làm và chưa xuất bản, còn xong rồi thì thôi. Nhưng không ưng ý cũng không có nghĩa là mình không dốc hết tâm huyết với tác phẩm đó. Sherlock Holmes của Conan Doyle cũng là một thách thức, vì trước đó đã có quá nhiều bản dịch, người dịch sau sẽ chịu áp lực lớn.

 

Bản dịch đó được đánh giá tốt, được độc giả đón nhận, nhưng tôi dịch xong thì không nghĩ đến nữa. Tôi đã đọc rất nhiều tài liệu, tác phẩm văn học liên quan đến tác giả, tác phẩm đó và lựa chọn cách tiếp cận khác với những dịch giả trước.

 

Theo tôi, Sherlock Holmes có vẻ đẹp văn chương, sức sống của tác phẩm chính là văn chương. Mình hiểu tác phẩm rõ hơn thì tự tin thể hiện hơn.

 

* Xin cảm ơn anh!

 

“Là một dịch giả, một nhà phê bình, lẫn người biên tập, tôi luôn dành một sự ngưỡng mộ và kính trọng lớn lao với dịch giả Đăng Thư - Trần Đức Tài. Trước hết là ở kỷ luật làm việc: anh Tài luôn đặt ra số lượng chữ nhất định mỗi ngày mà anh phải hoàn thành, và luôn cán mốc tuyệt đối. Anh chưa bao giờ trễ hẹn một bản dịch cho bất kỳ một đơn vị xuất bản nào. Đây là một việc không tưởng.

 

Thứ nữa, sau khi được anh chia sẻ về cách làm việc, tôi nhận ra, duy trì thói quen từ thời dịch mà dùng máy đánh chữ (cách đây 30 năm), anh Tài luôn đọc, suy nghĩ rất kỹ, trước khi hạ bút, chính vì thế bản dịch của anh sau khi hoàn thành chỉ đọc lại sửa chữa mo rát chút đỉnh, chứ không mất quá nhiều thời gian biên tập nữa. Anh bảo làm như vậy để duy trì sự hứng thú lâu dài. Quả thực cho đến giờ phút này tôi vẫn cố gắng miệt mài để có thể học theo cách làm này của anh.

 

Anh Tài thể hiện sự chuyên nghiệp trong dịch thuật còn ở chỗ, anh luôn tự đào tạo mình thành người đọc/nghiên cứu chuyên nghiệp. Bất kỳ tác giả nào anh muốn dịch, anh đều tìm và đọc cho gần bằng hết các tác phẩm của họ, chẳng hạn như Capek, Ray Bradbury, Hrabal, Dickens. Không chỉ dừng ở đó, anh luôn đọc các sách và bài báo khoa học của giới học thuật viết về các tác phẩm/tác giả đó. Đây chính là cách làm của một dịch giả chuyên nghiệp, bởi chỉ có vậy ta mới nắm được phong cách của tác giả, và sự biến thiên của phong cách ấy qua từng tác phẩm khác nhau, hiểu thấu được các lớp lang ngôn ngữ, các điển tích, điển cố.

 

Anh Tài dịch đa dạng, tiểu thuyết lẫn phi hư cấu. Văn chương có lẽ là mảnh đất để anh dụng võ, tái tạo trong tiếng Việt những tác phẩm kinh điển của văn chương thế giới bằng một thứ ngôn ngữ linh hoạt, đa dạng mà rất đỗi chính xác. Bạn đọc có thể tìm đọc Hai kinh thành của Charles Dickens - một tác phẩm dịch xuất sắc của nửa đầu năm 2018, để thấy được sự tài hoa trong nghệ thuật chuyển ngữ của dịch giả Đăng Thư”.

 

Dịch giả Hạnh Quyên (Hà Nội)

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek