Thời gian qua, liên tiếp nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại khiến dư luận xã hội bức xúc, các bậc phụ huynh lo lắng, bất an; từ đó có thể nảy sinh tâm trạng tiêu cực lên con cái. Hiện việc phòng, chống bạo hành, xâm hại trẻ em không phải chuyện riêng của một cá nhân, gia đình mà là trách nhiệm của cả cộng đồng.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hoa ở xã An Chấn (huyện Tuy An) có con gái còn nhỏ tuổi nên lúc nào chị cũng lo lắng cho sự an toàn của con. Giống như các bạn trong lớp mẫu giáo, khả năng cháu có thể tự vệ, chống lại kẻ xấu là rất khó. Vì vậy, chị bắt đầu dạy con hiểu biết về cơ thể của mình, cách chăm sóc và bảo vệ cơ thể; sau đó, dạy con tôn trọng giá trị bản thân, cách giao tiếp với người khác để được hạnh phúc và an toàn.
Chị Hoa cho biết: Tôi luôn nói với con cơ thể của con là bất khả xâm phạm. Bất cứ ai đụng vào vùng đồ lót của con, con cần kiên quyết nói không, tránh xa, chạy khỏi kẻ đó và nói lại cho cha mẹ, thầy cô biết. Tôi cũng dạy con các quy tắc an toàn căn bản như không nhận quà của bất cứ người nào nếu cha mẹ chưa đồng ý, không đi đường vắng, không đi theo bất kỳ ai nếu chưa xin phép cha mẹ.
Còn anh Bùi Văn Tuấn ở phường 1 (TP Tuy Hòa) cho rằng, cha mẹ nên chú ý các mối quan hệ xung quanh con, trong nhà, hàng xóm, bạn bè và quan hệ ở trường lớp. Cha mẹ cần tạo cho con một môi trường sống an toàn như chọn nơi tin cậy để gửi con, chọn khu vực chơi an toàn cho trẻ, chọn người trông coi trẻ tử tế... Muốn vậy, cha mẹ cần quan sát và giám sát liên tục.
Thông thường, cha mẹ chú ý bảo vệ con gái nhiều hơn, sợ con yếu đuối dễ bị những kẻ xấu hãm hại. Tuy nhiên, bé trai cũng cần phải học cách bảo vệ mình. Tất cả những yếu tố không an toàn với trẻ gái đều nguy cơ tương tự với bé trai. Vì vậy, bé trai cũng cần học cách bộc lộ, chia sẻ cảm xúc, kể với cha mẹ việc gì đã xảy ra.
Theo thống kê của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, số trẻ bị người thân, người quen xâm hại rất cao, độ tuổi trung bình của trẻ bị xâm hại là 9 tuổi. Tại Việt Nam, từ năm 2011 đến nay, cả nước đã có trên 2.000 vụ xâm hại trẻ, riêng ở Phú Yên có trên 100 vụ. Những con số này khiến nhiều người phải giật mình, đặc biệt đa phần kẻ xâm hại trẻ là người quen. Vì vậy, trẻ em bị hại thường âm thầm chịu đựng sự ám ảnh, giày vò tâm lý, còn kẻ xâm hại thì lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, cho biết: “Rào cản lớn nhất là tâm lý của các gia đình và quan niệm đạo đức xã hội. Khi rơi vào trường hợp đó, các gia đình thường có tâm lý sợ mọi người dị nghị, ảnh hưởng đến con cái và gia đình nên họ chọn cách giải quyết vấn đề trong im lặng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng. Bởi kẻ xấu cho rằng, họ thực hiện hành vi đồi bại đó thì các gia đình cũng không dám đấu tranh”.
Thực tế cho thấy để không xảy ra các trường hợp trẻ bị xâm hại, trước hết cần dạy cho các em biết cách tự bảo vệ mình và mạnh dạn tố cáo, chia sẻ với người lớn khi bị xâm hại. Bên cạnh đó, việc phòng chống bạo hành, xâm hại trẻ em không phải chuyện riêng cá nhân nào mà là trách nhiệm của cả cộng đồng. Sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội cần chặt chẽ, mỗi mắt xích đều có chức năng, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng để phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em, mục đích là bảo vệ tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em - tế bào của gia đình và xã hội.
Đến nay, Sở LĐ-TB-XH đã phối hợp với Sở VH-TT-DL và các đơn vị liên quan tổ chức lồng ghép thành lập được 275 CLB Gia đình phát triển bền vững tại 73 xã, phường, thị trấn triển khai mô hình; 35 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình tại 6 xã. Thông qua các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và các nhóm phòng chống bạo lực sẽ góp phần thay đổi nhận thức về việc xâm hại trẻ em ngay trong gia đình.
MỸ AN - NGUYỄN YÊN