Thứ Tư, 09/10/2024 03:23 SA
Ngăn chặn “phổ cập” danh hiệu văn hóa bằng quy định mới
Thứ Ba, 04/12/2018 13:00 CH

Một tiết mục tại Hội thi Gia đình văn hóa tỉnh Phú Yên năm 2018 - Ảnh: THIÊN LÝ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/11/2018. Những quy định chặt chẽ, cụ thể trong nghị định này sẽ góp phần đẩy lùi tính hình thức và bệnh thành tích; nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) trong thời gian tới.

 

Còn nặng tính hình thức

 

Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”... luôn được các cấp chính quyền quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Trong đó, xây dựng “Gia đình văn hóa” là một trong những nội dung quan trọng, cốt lõi trong phong trào TDĐKXDĐSVH, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nếp sống văn minh, tuân thủ pháp luật, gìn giữ các chuẩn mực đạo đức về gia đình truyền thống, phát huy và bảo vệ những giá trị văn hóa tốt đẹp, thúc đẩy toàn dân phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 234.000/253.000 hộ được công nhận Gia đình văn hóa, đạt 92,5%.

 

Tuy nhiên, nhận thức về mục đích, ý nghĩa xây dựng phong trào của một số địa phương chưa sâu sắc và toàn diện, nhất là gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động, triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phong trào tại một số địa phương chưa cao, còn nhiều biểu hiện phân tán, thiếu thống nhất.

 

Trên thực tế, tại một số địa phương, sau khi đã được công nhận “Gia đình văn hóa”, “Thôn, buôn, khu phố văn hóa”, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, họ bắt đầu thỏa mãn với thành tích đạt được, không có biện pháp giữ vững và phát huy hiệu quả của các phong trào, giữ gìn và nâng chất các tiêu chí đã được công nhận. Đặc biệt, việc bình xét các danh hiệu văn hóa ở một số địa phương còn dễ dãi, không thực hiện đúng văn bản hướng dẫn, quy định.

 

Ông Võ Văn Thành, Trưởng Ban Công tác mặt trận khu phố Mỹ Lệ Tây, thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hòa) chia sẻ: “Việc bình xét “Gia đình văn hóa” ở khu phố, người dân vẫn còn cả nể, ngại va chạm nên nhiều hộ được công nhận gia đình văn hóa vẫn chưa khách quan, chính xác. Một số thành viên trong gia đình đạt “Gia đình văn hóa” còn vi phạm pháp luật, nói tục chửi thề... chưa thực sự phản ánh đúng bản chất và ý nghĩa của danh hiệu”.

 

Chị Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu) chia sẻ: “Trong quá trình bình xét “Gia đình văn hóa tiêu biểu”, một vài gia đình có thắc mắc về các tiêu chí. Vì vậy, việc tuyên truyền và thực hiện công tác xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình đồng bộ, sâu rộng là điều quan trọng. Đặc biệt, việc bình xét phải được tiến hành dân chủ công khai, trưng cầu ý dân, bình xét trên cơ sở những tiêu chí cụ thể chứ không thể bình xét theo kiểu “tùy hứng qua cầu”, thích chọn ai thì chọn”.

 

Đảm bảo chính xác, công khai

 

Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, Chính phủ đã ban hành Nghị định 122/2018/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Nghị định có nhiều điểm mới, như bổ sung tiêu chí bình xét; thực hiện bình xét theo thang điểm phù hợp với từng vùng, miền, khu vực; quy định chi tiết hình thức tôn vinh, khen thưởng; quy định các nhóm trường hợp không được xét tặng danh hiệu…

 

Theo nghị định nói trên, thang điểm tối đa làm căn cứ xét công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa và Khu dân cư văn hóa là 100 điểm. Tổng điểm của mỗi tiêu chuẩn Gia đình văn hóa và Khu dân cư văn hóa không dưới 50% số điểm tối đa.

 

Trong đó, đối với danh hiệu Gia đình văn hóa, hộ gia đình thuộc quận, huyện tại thành phố trực thuộc Trung ương đạt từ 90 điểm trở lên; hộ gia đình thuộc xã, phường, thị trấn thuộc miền núi, hải đảo hoặc xã đặc biệt khó khăn hoặc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Chính phủ đạt từ 60 điểm trở lên; hộ gia đình không thuộc trường hợp quy định tại hai điểm trên đạt từ 85 điểm trở lên.

 

Đối với danh hiệu Khu dân cư văn hóa, khu dân cư thuộc quận, huyện tại thành phố trực thuộc Trung ương đạt từ 90 điểm trở lên; khu dân cư thuộc xã, phường, thị trấn thuộc miền núi, hải đảo hoặc xã đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ đạt từ 60 điểm trở lên; khu dân cư không thuộc trường hợp quy định tại hai điểm trên đạt từ 80 điểm trở lên.

 

Đáng chú ý, giấy khen Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa được tặng không quá 15% tổng số gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa đủ 3 năm liên tục, khu dân cư được công nhận danh hiệu Khu dân cư văn hóa đủ 5 năm liên tục. Đây cũng là một trong những giải pháp khắc phục “bệnh hình thức”, chạy theo “hư danh” được quy định cụ thể tại Nghị định 122.

 

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, bên cạnh những quy định về tiêu chí bình xét, thang điểm, Nghị định 122 còn có những điều khoản hướng dẫn chặt chẽ, cụ thể về quy trình bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa hàng năm.

 

Thời gian tới, Sở VH-TT-DL sẽ đẩy mạnh chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về xét tặng danh hiệu, giấy khen Gia đình văn hóa và danh hiệu, giấy khen Khu dân cư văn hóa; tạo cơ sở đẩy lùi bệnh hình thức vẫn còn tồn tại ở cơ sở như trong thời gian qua.

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek