Thứ Tư, 09/10/2024 03:23 SA
Lausanne quyến rũ
Chủ Nhật, 02/12/2018 13:05 CH

Trung tâm TP Lausanne - Ảnh: NGUYỄN THANH

Trong thần thoại Hy Lạp, Olympia là vùng đất của thần Zeus, chúa tể của các vị thần. Đây là nơi khởi nguồn cho những Thế vận hội (Olympic) từ xa xưa và kéo dài mãi đến nay. Không chỉ trong lĩnh vực thể thao, thuật ngữ Olympic còn dùng trong những cuộc thi về các môn khoa học tự nhiên và xã hội. Thế nhưng không phải tại cái nôi Hy Lạp, mà TP Lausanne tuyệt đẹp của Liên bang Thụy Sĩ mới được mệnh danh là Thành phố Olympic. Rất nhiều yếu tố lịch sử đã mang đến danh hiệu này. Không những vậy, Lausanne còn nổi tiếng về du lịch, văn hóa, nghiên cứu và học thuật.

 

Trung tâm thể thao quốc tế

 

Nằm bên bờ hồ Geneva, Lausanne là thành phố lớn thứ tư của Thụy Sĩ, đồng thời là thành phố lớn nhất sử dụng tiếng Pháp trong đất nước không có tiếng nói riêng này (tùy từng vùng mà tiếng Đức, Pháp, Ý, Romansh là ngôn ngữ chính thức). Suốt chiều dài lịch sử, Lausanne gắn bó với nước Pháp trên nhiều phương diện. Năm 1915, bá tước người Pháp Pierre de Coubertin, người sáng lập phong trào Olympic hiện đại đã thiết lập văn phòng tổ chức Olympic ở Lausanne (nay là Ủy ban Olympic quốc tế - International Olympic Committee) và nung nấu ý tưởng xây dựng một bảo tàng để lưu giữ những di sản Olympic và những hiện vật liên quan đến quá trình phát triển của phong trào này. Ngoài Ủy ban Olympic quốc tế, nơi đây còn có Tòa án trọng tài thể thao và 55 tổ chức thể thao quốc tế.

 

Có lẽ tinh thần yêu thích thể thao và chăm chỉ rèn luyện thể dục của mỗi người dân Lausanne cùng với thiên nhiên tươi đẹp đã làm cho thành phố vinh dự được chọn là nơi hội tụ của các cơ quan, tổ chức này. Chỉ với 140.000 dân, thành phố có 23 bảo tàng nên còn được gọi là thành phố văn hóa (Ville de Culture). Quan trọng nhất là Bảo tàng Olympic được khai trương vào năm 1993 và nhận giải thưởng về kiến trúc bảo tàng của châu Âu, chỉ một năm sau đó Lausanne được mang danh hiệu Thành phố Olympic. Được thiết kế lẩn khuất trong thiên nhiên bởi hai kiến trúc sư người Mexico và Lausanne, khách có thể vào theo hướng từ đường phố trên cao xuống ngang qua một khu rừng hoặc từ bờ hồ Geneva đi lên. Dù đi theo hướng nào thì từng mảng kiến trúc cũng lộ dần ra gây ngạc nhiên pha lẫn thú vị. Bên bờ hồ là tượng một nhóm vận động viên nâng cao trên đầu biểu tượng lá cờ năm vòng tròn đan xen của Olympic do Coubertin phác thảo năm 1914, vượt qua đường phố ven hồ là hồ nước nhiều bậc với các cột nước phun trắng xóa, lần theo các bậc thang khách tiến lên khoảng sân trên đồi phía trước bảo tàng là thấy tượng các võ sĩ đấu vật, tượng hai vận động viên đua xe đạp cúi mình nhấn chân lên bàn đạp xe, một đoạn đường chạy bộ kiểu mẫu… Ấn tượng nhất là tượng phần thân trên của người đàn ông với nhiều múi cơ bắp săn chắc được phân thành nhiều mảng theo phương đứng đặt trên một bệ cao. Có một hệ thống tự động điều khiển những múi cơ bắp này nhập vào rồi lại tách ra cứ sau vài phút, có chàng trai nào nhìn hình ảnh này mà không muốn tích cực tập luyện để có một thân hình cường tráng như thế!

 

Trước sân có biểu tượng thể hiện kỷ lục nhảy cao thế giới của những vận động viên nam và nữ với đầy đủ tên, quốc tịch, năm xác lập và thông số kỷ lục lập được. Nhìn thẳng vào thấy rõ năm vòng tròn Olympic nhiều màu trên vách bảo tàng ngay sau biểu tượng này mà lòng tôi bâng khuâng tự hỏi không biết chừng nào người Việt mới có tên trong các kỷ lục như thế này.

 

Một thoáng xúc động khác khi nhìn bể chứa ngọn lửa Olympic luôn luôn cháy cùng với bức tượng khiêm tốn của Pierre de Coubertin kề bên. Bất cứ khách nào đến đây cũng muốn ghi lại hình ảnh của mình tại nơi này, âu đó cũng là điều dễ hiểu vì lòng thành kính và trân trọng với người cha đẻ của phong trào hết sức ý nghĩa và có tác dụng vô cùng tích cực này.

 

Bên trong bảo tàng là một không gian rộng lớn, nhưng không phải chỉ là các phòng với các tủ kính trưng bày hiện vật, hình ảnh treo tường, các bức tượng bất động và những bảng thuyết minh dài dòng, ngược lại, bảo tàng có sự tương tác tích cực đến người tham quan. Rất nhiều phòng chiếu phim, công nghệ kỹ thuật số được áp dụng tối đa hỗ trợ cho khách cảm nhận những thời điểm tuyệt vời của các vận động viên, chia sẻ cảm xúc với những khán giả cùng tham quan với mình. Mọi thứ liên quan đến Thế vận hội từ cổ đại đến ngày nay đều có tại bảo tàng này.

 

Đi theo con đường nhựa cong cong xuyên qua rừng cây là một số tượng đài ngoài trời khác. Bức tượng khẩu súng bị bịt nòng với dòng chữ “Không bạo lực” biểu thị tinh thần yêu chuộng hòa bình. Bức tượng David khỏa thân phỏng theo kiệt tác mà nhà điêu khắc lỗi lạc Michelangelo thực hiện năm 504, được xem như biểu tượng của vẻ đẹp trẻ trung và đầy sức mạnh, đã được tái hiện ở nhiều thành phố châu Âu nhưng đều có màu trắng với chiều cao như nguyên bản là 4,34m, riêng ở đây bức tượng mang màu đen, không rõ các nhà quản lý có ý tưởng gì khi chọn màu này.

 

Năm 2020 đang đến gần, Lausanne sẽ tổ chức Thế vận hội trẻ mùa đông (Winter Youth Olympic) và Giải vô địch Khúc côn cầu trên băng (IIHF World Championship) không chỉ vì đây là Thành phố Olympic mà còn vì những cơ sở hạ tầng thể thao tuyệt vời của mình. Các biểu ngữ giăng ở trung tâm thành phố cho thấy quyết tâm chuẩn bị tốt cho những sự kiện này.

 

Tác giả bên đài phun nước và vòi nước uống - Ảnh: ĐỖ XUÂN

 

Thành phố văn hóa, du lịch, nghiên cứu và học thuật

 

Được xây dựng trên ba ngọn đồi, tiếp giáp với hồ Geneva mênh mông và nhiều khu rừng xen lẫn, nhà cửa và phố xá nhấp nhô, thấp thoáng bên những tán cây xanh, thực sự tôi không biết nên gọi đó là thành phố trong rừng hay rừng trong thành phố với mỗi người dân có hơn 20m2 cây xanh, thành phố chỉ rộng hơn 41km2 mà có đến 16km2 là rừng, trong lúc tiêu chuẩn châu Âu là 12-15m2 cây xanh cho mỗi người. Dân ở đây thích gọi những con đường là Chemin (tiếng Pháp là đường mòn) hơn là Rue (đường phố) vì tình yêu thiên nhiên của họ. Những con đường dốc phẳng lì với những tòa nhà cổ kính hai bên dẫn xuống hồ Geneva. Trung tâm thành phố có bến cảng Ouchy ven hồ, tại đây có những tòa nhà hành chính treo cờ của hàng trăm tập đoàn đa quốc gia, có bến du thuyền đậu san sát, các cột phun nước, thiên nga, chim trời bay lượn, bơi lội tự do. Trên hồ rộng 582km2 là hàng đoàn tàu du lịch chạy bằng hơi nước mang cờ Pháp và Thụy Sĩ chở khách đến những thành phố ven bờ của hai nước.

 

Dọc đường phố ven hồ tôi đã sững sờ bên những cây thông Nam Mỹ đường kính 3m và những khóm hoa rực rỡ, ngồi bên bức tượng bán khỏa thân hay đi dọc theo những khách sạn cổ kính. Có những dải đất nhô ra hồ tạo thành điểm ngắm cảnh tuyệt vời, đồ lưu niệm bán trong quầy hoặc bày cả ra mặt sân, những em bé nằm trên chiếc xe đẩy dạo chơi cùng cha mẹ, những khách du lịch đủ màu da. Đối diện với Bảo tàng Olympic là con tàu Bateau Salon Helvétie đóng năm 1926 giờ đây được neo đậu vĩnh viễn để làm bảo tàng, có các cầu nối dẫn từ bờ hồ đến, khách ra vào tự do ngắm nhìn nội thất sang trọng của tàu cũng như cảnh trên hồ và những ngọn núi bên bờ phía nước Pháp. Do địa hình đồi núi nên trung tâm thành phố có những cầu cạn nối những khu vực cao dày đặc các cửa hàng bày bán những thương hiệu hàng đầu thế giới, tất nhiên không thể thiếu chocolate và pho mát trứ danh trong nước cũng như các loại đồng hồ Thụy Sĩ nổi tiếng toàn cầu, bên dưới là một tầng thấp khác với các đường phố, công trình kiến trúc cổ. Dưới cầu Charles - Bessières có dòng sông cổ nay đã bồi lấp là hệ thống tàu điện ngầm bánh cao su chạy qua 28 ga. Lausanne là thành phố nhỏ nhất thế giới có hệ thống vận chuyển nhanh này, ngoài ra cũng có xe buýt điện nối toa từ thế kỷ XIX nên giao thông ở trung tâm thành phố rất yên ả dù khách du lịch khá đông. Phố cổ Lausanne êm đềm với những con đường, những khoảnh sân lát đá theo hình vòng xuyến, những ngôi nhà cổ với cửa gỗ bạc màu thời gian và mái ngói nâu sẫm, những đài phun nước đầy hoa và vòi nước uống được vì Thụy Sĩ là nơi có nước máy sạch nhất thế giới.

 

Bước chân du khách chậm rãi trên các viên đá 500 năm tuổi của phố để ngắm những giáo đường cổ kính như Saint Laurent với đồng hồ trên tháp nóc, Saint François có bốn đỉnh tháp màu xanh, lô nhô những tháp kề nhau của Lausanne, Nôtre Dame… Bên trong các giáo đường thật hoành tráng với những hàng cột cao vút, những mái vòm ấn tượng, những cửa kính màu kể các câu chuyện trong kinh thánh, những hầm mộ của các tu sĩ ngày xưa trong không gian yên ắng làm cho khách vào trong cảm thấy thời gian như ngừng trôi.

 

Lausanne có nhiều trường đại học đẳng cấp quốc tế như Đại học Bách khoa Liên bang Lausanne (EPFL), Học viện Khoa học và Công nghệ thể thao quốc tế (AISTS), các trường Thương mại BSL (Business School Lausanne), SCPSU Business School… Trường Quản lý khách sạn nổi tiếng về chương trình đào tạo nhân viên khách sạn, đầu bếp chuyên nghiệp và chuyên gia du lịch hàng đầu thế giới. Học viên của trường này đến từ hơn 90 nước trên thế giới, đây là ngôi trường ước mơ của những người làm công tác du lịch. Đại học Lausanne thành lập từ năm 1537 hiện nay có hàng ngàn sinh viên quốc tế đến từ 120 nước, nơi đây đã từng là nơi theo học của hơn mười tổng thống Thụy Sĩ, hai quốc vương Thái Lan, một số thủ tướng các nước và nhiều nhân vật nổi tiếng khác. Tôi đã đứng trầm ngâm trước ngôi chùa Thái nhỏ dựng trong công viên ven hồ, quà tặng của vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej cho thành phố nơi mình đã theo học.

 

Ai đã đến Lausanne mà không đến khu rừng Saubavelin nơi có ngọn tháp cùng tên làm hoàn toàn bằng gỗ cao 35m với 151 bậc thang xoắn ốc để ngắm nhìn thành phố từ trên cao. Tôi đã lạc lối vào tháp mấy lần mới tìm ra được nhưng không có cơ hội trèo lên vì tháp đang sửa chữa, nhưng cũng nhờ vậy mà thấy được thêm cách mà người Lausanne trân trọng thiên nhiên: một bảng tưởng niệm bằng gỗ bên một hàng rào gỗ vây quanh một gốc cổ thụ 324 năm tuổi (đã chết, chỉ còn lại phần gốc được cưa ngang cách mặt đất khoảng 1m để bảo đảm an toàn), ghi rõ thân cây đã được lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử Lausanne!

 

Lausanne cũng là thành phố toàn cầu với 42% dân số là công dân nước ngoài. Đại văn hào người Pháp Voltaire từng sống ở đây đã ví Lausanne như “Athens của phương Bắc”. Tôi chưa biết Athens, nhưng với những gì đã biết về Lausanne, có thể nói đây là một thiên đường nơi hạ giới.

 

NGUYỄN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek