Thứ Tư, 09/10/2024 03:26 SA
Bà Tỉnh – truyện ngắn của LÊ TIẾN
Thứ Hai, 26/11/2018 07:00 SA

Minh họa: Internet

Con đã bảo với bà bao nhiêu lần rồi, là từ giờ bà đừng đi bán rau nữa, bây giờ bà có thiếu thốn gì nữa đâu. Cơm các con nuôi bà không thiếu một bữa, quần áo các con mua cho bà đầy cả một tủ, bà ngồi chơi không phải sướng hơn sao! Mỗi tháng thằng Tài còn biếu bà một triệu để ăn quà, bà còn thiếu cái gì? Bà không nghe thiên hạ nó chửi vào mặt các con bà sao! Con bà là quản đốc của một công ty nước ngoài, ai cũng có chức có quyền mà phải để bà hàng ngày thức khuya dậy sớm đi bán rau...

 

Bà không nói gì, quay lại bỏ đôi quang thúng vào một góc rồi lặng lẽ đi vào trong nhà. Tư ngồi xuống bực thềm thở dài, bởi nhiều lần Tư đã góp ý với bà cụ là đừng đi bán rau nữa, nhưng chỉ vài hôm sau đâu lại vào đấy. Góp ý không được Tư chuyển sang xin, xin bà nhưng bà vẫn không nghe, đến lần này thì Tư phải lớn tiếng đối với bà, mà chung quy lại thì cũng chỉ muốn tốt cho bà mà thôi.

 

Bà năm nay cũng vừa tròn bảy mươi tuổi. Người ta hay gọi bà là bà Tỉnh Dậu bởi hồi trước bà còn hay đi xa buôn gà con, về già bà mới chuyển đi bán rau. Dáng bà nhỏ nhưng bước đi vẫn còn nhanh nhẹn lắm, mất mỗi một cái là về già bà đâm ra khó tính, thi thoảng lại dỗi như trẻ con mỗi khi không vừa ý. Sau khi bị thằng con trai cả cấm đoán không cho đi bán rau thế là bà dỗi cả ngày không chịu ăn cơm. Tối Tư vừa đi làm về thì nghe vợ với các con nói lại, anh sốt ruột lắm. Bữa tối vừa dọn ra, như người có lỗi Tư đi vào trong buồng mời bà ra ăn cơm. Trong buồng tối om, điện bà cũng chẳng thèm bật, nhưng nghe thấy tiếng Tư đi vào, lại như các lần trước được thể bà lại làm mình làm mẩy quay mặt vào tường. Tư có mời kiểu gì bà cũng nhất quyết chẳng chịu ra ăn cơm, Tư đành đi ra. Cô vợ Tư thì khéo hơn, thấy vậy xới cơm vào một cái chén thêm cả thức ăn đầy đủ rồi sai thằng con trai bê vào để trên bàn cạnh giường.

 

Tư sốt ruột thi thoảng lại đi qua cánh cửa buồng đến cái tủ quần áo, giả vờ để lấy cái này cái kia, sợ bà ngại... nhưng mục đích chính là liếc mắt vào xem bà đã ăn chưa.

 

Qua chín giờ tối chén cơm vẫn còn nguyên trên bàn, Tư lo lắng. Còn bà Tỉnh sau khi nhịn cả ngày cũng thấy đói, mấy lần nhấp nhổm dậy định ra ăn, nhưng cứ thấy Tư lại lượn lờ qua, bà lại nằm xuống. Cô vợ Tư thấy thế mới kéo Tư ra một góc nói:

 

- Anh cứ lượn lờ như thế bà làm sao ăn cơm!

 

Tư thấy vợ nói vậy, ra ghế ngồi im, lát sau sai thằng con trai ra ngó vào xem thế nào. Thằng cu vào nhòm rồi vui mừng chạy ra báo tin bà đang ngồi ăn cơm. Tư mừng, rón rén ra cánh cửa buồng xem thế nào, vừa thò mặt nhòm vào thì bắt gặp ánh mắt của bà Tỉnh nhòm ra, cả hai đều giật mình.

 

Có lần hai vợ chồng nhà Tư đang tranh nhau cái ti vi để xem các chương trình mình yêu thích, Tư thì thích xem bóng đá, còn vợ Tư thì nhất quyết đòi xem phim “Cô dâu tám tuổi”. Cũng như mọi lần vợ Tư thắng, trong gia đình nhà Tư âm đang thịnh và dương thì đang suy. Tư ngồi ghế lầm bầm: “Phim phò gì mà chiếu mấy năm chưa hết, tám tuổi gì nghìn tuổi thì có, thà bật cải lương cho bà xem còn hay hơn”. Bà Tỉnh đang ngồi ghế, nghe hai chữ cải lương phát liền ra cầm điều khiển bật hết kênh này kênh kia. Tư cười thầm trong bụng, còn vợ Tư cũng chẳng dám hé răng nửa lời, sợ bà dỗi thì mệt lắm...

 

Bà Tỉnh còn có cái thói quen ăn trầu rồi nhổ ra cái bực thềm trước nhà, đỏ choét cả lối đi, vợ Tư nhiều lần phải dội nước cũng bực lắm, nhưng nói bà hôm trước hôm sau bà lại nhổ. Một lần, bà Tỉnh không tìm thấy cái bình vôi nên chửi um nhà. Mắng con dâu rồi bà ra trước mặt Tư kể lể: “Vợ mày ghét tao không cho tao ăn trầu nên vứt cái bình vôi đi”. Rồi thì: “Nó dội có mấy gáo nước thôi mà cũng nói tao không ra gì. Nhà tao, tao thích nhổ nước trầu ở đâu thì tao nhổ”... Vợ Tư ức lắm không nói được gì chạy vào trong giường úp mặt vào gối khóc tu tu. Vài hôm sau bà vừa mua cái bình vôi mới thì vợ Tư tìm thấy cái bình vôi cũ trong gầm giường, đem ra đưa bà:

 

- Bình vôi của bà để lấp sau cái túi đỗ nhỏ trong gầm giường đây này, thế mà bà mắng con mấy hôm trời!

Bà Tỉnh thấy thế hơi ngại nhưng cũng chỉ trả lời cụt ngủn:

 

- Ờ tao quên.

 

Cũng may vợ Tư là người chịu đựng giỏi, biết nghĩ, chứ nếu phải mấy con mụ bán thịt bán cá thì lành làm gáo vỡ làm muôi, không phải nó chả bật lại tanh tách rồi...

 

Mấy hôm sau như đâu lại vào đấy. Bà Tỉnh vừa gánh đôi quang thúng lên vai thì nhìn thấy Tư đã đứng ngay đằng sau. Bà nói:

 

- Mẹ trót đặt cọc ít tiền mua rau của người ta rồi... mày để mẹ đi bán mấy hôm cho xong rồi hứa không đi bán nữa!

 

Tư nhất quyết không cho bà đi, bởi không ít lần bà cũng nói với Tư như thế, bà có giận dỗi gì thì Tư cũng chịu, giờ già rồi buôn mấy mớ rau lãi lời được bao nhiêu mà thức khuya dậy sớm, gánh gánh gồng gồng nhỡ xe cộ va nó quệt cho thì khổ, Tư lo lắng và luôn nghĩ những trường hợp xấu nhất xảy ra đối với bà, kể từ hôm đó Tư khóa cổng lại, dặn vợ con là bao giờ đi làm mới được đưa chìa khóa cho bà và Tư nhất nhất giữ quan điểm của mình. Chả phải nói, hôm đó bà Tỉnh lại tiếp tục nhịn ăn. Tư đi làm về thấy vậy cũng chẳng chịu ăn cơm, vào giường bà ngồi nhịn đói cho đến khi bà ăn thì mới thôi. Thế là bà Tỉnh phải chịu: “Ờ thì cá chuối đắm đuối vì con”. Tư ngồi bên xúc cơm cho bà ăn, bà vừa ăn vừa sụt sịt khóc lóc nói thế.

 

Hôm sau, Tư bị tai nạn ngã gãy tay phải bó bột xin công ty ở nhà một thời gian. Cả ngày Tư cứ hết ra lại vào, buồn thối ruột, mà nhất là lúc vợ đi làm, con thì đi học. Bà Tỉnh thì cũng hết ra hiên ngồi rồi lại vào giường nằm, thi thoảng bà mới bật ti vi xem, bởi không phải lúc nào cũng có chương trình bà yêu thích. Hai cái bóng cứ quanh quẩn ra chạm mặt nhau một cái, vào chạm mặt nhau một cái mà cả ngày chẳng nói với nhau câu nào. Một ngày trôi qua, hai ngày trôi qua, rồi một tuần trôi qua... Tư bắt đầu thấy mình thật vô dụng, Tư chán cái cảnh ăn không ngồi rồi cả ngày mà chẳng làm được việc gì ra hồn. Bất giác Tư nhìn bà Tỉnh, bà ngồi yên lặng lẽ, đôi mắt vô hồn nhìn xa xôi, bà đang buồn hay đang nghĩ ngợi một điều gì chẳng rõ. Từ hôm ở nhà bà ít nói hẳn đi, thi thoảng nhớ chợ bà lại đi bộ ra ngồi nói chuyện với mấy bà buôn bán cùng chốc lát lại đi bộ về, nhưng những điều đó cũng chẳng thể nào lấp đầy những nỗi trống vắng ở trong lòng bà. Tư giật mình nghĩ về mình bây giờ và nghĩ về mình sau này...

 

Sáng hôm sau trời trở gió mùa, Tư vừa tỉnh giấc thì nghe thấy tiếng của chùm chìa khóa va vào nhau, bà Tỉnh đã lấy chùm chìa khóa để trong túi áo khoác của Tư để mở cổng. Thấy vậy, Tư dậy cầm thêm chiếc áo và đi ra ngoài, bà Tỉnh đang gánh đôi quang thúng trên vai đi ra phía cổng thì nghe thấy tiếng của Tư đằng sau, bà giật mình ngoảnh lại ấp úng:

 

- Mẹ...

 

Chưa để bà hết câu, Tư đã nói:

 

- Mẹ mặc thêm cái áo cho đỡ lạnh rồi hẵng đi!

 

Bà Tỉnh hạ đôi quang thúng xuống đất, mắt bà rưng rưng khi Tư khoác tấm áo vào vai bà. Bà Tỉnh không thể hiểu hành động của Tư vừa rồi, nhưng bà cảm thấy xúc động, bà cố kìm giọt nước mắt cho Tư khỏi nhìn thấy rồi quẩy đôi quang thúng lên và đi... Tư thương bà, nhưng Tư cũng chẳng thể làm gì hơn ngoài sự quan tâm khi có thể. Kể từ đây Tư phải chấp nhận và bỏ ngoài tai lời đồn thổi của thiên hạ về gia đình mình, bởi người ta chẳng bao giờ chịu đứng ở vị trí người khác để thấu hiểu... Hạnh phúc ư, nó đâu phải là sự ngồi không như mọi người vẫn nghĩ. Bởi có những thói quen theo thời gian đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi con người. Một hôm nào đó con người ta cảm thấy vô cùng hụt hẫng vì thiếu vắng... Tư nghĩ như thế. Tư không chắc là mình sẽ đúng nhưng Tư cảm thấy nhẹ lòng hơn...

 

Gió đang thổi xô nhau trên những ngọn cây, bóng bà Tỉnh vừa khuất vào con đường làng vẫn còn chưa sáng hẳn.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek