Ngày 23/11, tại huyện Sông Hinh, UBND tỉnh tổ chức lễ đón Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê Phú Yên”.
Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 24.000 người Ê Đê, sinh sống chủ yếu tại huyện Sông Hinh và Sơn Hòa. Người Ê Đê sinh sống ở Phú Yên từ lâu đời và theo tín ngưỡng đa thần. Hệ thống thần linh theo quan niệm của người Ê Đê Phú Yên rất đa dạng và hiện hữu trong mọi sự vật, hiện tượng.
Vì vậy, trong quá trình sinh sống và lao động sản xuất, người Ê Đê Phú Yên tiến hành các lễ nghi nông nghiệp theo vòng đời cây trồng, cũng như các nghi lễ theo vòng đời người để cầu mong sức khỏe và tuổi thọ.
Các nghi lễ gồm cúng đặt tên, cúng thổi tai, cúng trưởng thành, hỏi chồng, bắt chồng, tiễn đưa, bỏ mả... Trong đó, lễ cúng trưởng thành là một nghi lễ rất quan trọng trong đời người, khẳng định từ thời điểm này người đàn ông Ê Đê được cộng đồng thừa nhận là người trưởng thành, có thể gánh vác các công việc nặng nhọc của gia đình, buôn làng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng nhấn mạnh, lễ cúng trưởng thành nói riêng cũng như các nghi lễ vòng đời của người Ê Đê Phú Yên thể hiện sự kết nối giữa gia đình và cộng đồng.
Qua nghi lễ, các phong tục, tập quán xã hội được duy trì; trang phục truyền thống được sử dụng một cách trân trọng, văn hóa cồng chiêng cũng được thực hành cùng với các điệu nhảy, điệu múa truyền thống, tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc của người Ê Đê Phú Yên.
Mặt khác, lễ cúng còn là nguồn tư liệu dân gian cho việc nghiên cứu văn hóa, nghi lễ, phong tục, tập quán của các dân tộc... góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của đồng bào, tăng cường ý thức đại đoàn kết dân tộc, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là niềm vui của không chỉ đồng bào Ê Đê nói riêng, mà còn là niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh nói chung.
THIÊN LÝ