Việc đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa đang được các cấp, ngành và địa phương quan tâm. Qua đó tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, góp phần tạo nên nhiều tấm gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực. Đây cũng là động lực để mọi người cùng xây dựng những tế bào xã hội vững chắc.
Xây tổ ấm bền vững
Gia đình là tế bào, là thiết chế xã hội bền vững để giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc. Vì vậy, việc xây dựng gia đình văn hóa là nội dung quan trọng, cốt lõi trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” luôn được các cấp chính quyền quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Từ đó, các chuẩn mực đạo đức về gia đình truyền thống được gìn giữ, tình làng nghĩa xóm ở khu dân cư được củng cố, phát huy, góp phần bảo vệ truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương.
Một trong những tiêu chí quan trọng của gia đình văn hóa đó là vợ chồng, con cái trong gia đình phải luôn duy trì sự hòa thuận, êm ấm, hạnh phúc. Và trong mỗi gia đình, niềm hạnh phúc càng được nhân lên gấp bội khi các thành viên trong gia đình biết yêu thương, chia sẻ.
Tâm sự về điều này, anh Nguyễn Long ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) bày tỏ: “Mặc dù công việc bận rộn, thường xuyên phải đi sớm về khuya, nhưng tôi thấu hiểu được những nỗi vất vả của vợ. Vì vậy, ngoài thời gian làm việc ở ngoài, tôi san sẻ phần nào công việc nhà với vợ như: dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, trồng rau, nuôi gà, cùng nhau nuôi dạy con cái. Tôi nghĩ cuộc sống gia đình chỉ thật sự hạnh phúc khi cả vợ lẫn chồng biết tạo điều kiện cho nhau có thời gian nghỉ ngơi, giải trí và học tập, biết sẻ chia những chuyện buồn vui trong cuộc sống”.
Còn chị Trần Thị Điệp ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) cho biết, chồng chị là một ngư dân bám biển, quanh năm ở ngoài khơi, nhưng mỗi khi được ở nhà, chồng chị luôn cố gắng đỡ đần vợ từ việc chăm sóc gia đình đến nuôi dạy con cái. Với chị, hạnh phúc là khi nhận được những gì mình mong muốn và hơn nữa là tình yêu thương và chia sẻ từ người chồng.
Xác định vai trò quan trọng của gia đình văn hóa trong xây dựng đời sống văn hóa, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự “vào cuộc” của các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở Phú Yên được đẩy mạnh và đã đạt được kết quả tích cực, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, cho biết đến năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 234.000/253.000 hộ được công nhận gia đình văn hóa, đạt 92,5%. Đặc biệt, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” được các tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Hầu hết các thôn, buôn, khu phố trong tỉnh đã tổ chức cho nhân dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa.
Nâng cao nhận thức
Tuy nhiên, thực tế cho thấy cuộc sống hiện đại của các gia đình ngày nay xảy ra rất nhiều mâu thuẫn, xích mích. Trong đó có mâu thuẫn liên quan đến gia đình bên nội, bên ngoại; mâu thuẫn trong việc chăm sóc con, cho con đi học; mâu thuẫn về vấn đề tài chính. Từ những mâu thuẫn ấy có thể dẫn đến việc cãi nhau, chiến tranh lạnh; thậm chí là “bát đũa xô nhau” xảy ra thường xuyên trong mỗi gia đình. Nghiêm trọng hơn, việc bất đồng quan điểm của cha mẹ làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của con cái, khiến con cái buồn phiền và không chú tâm vào việc học.
Chị Nguyễn Thị Tựa ở xã An Mỹ, huyện Tuy An, chia sẻ: “Mâu thuẫn xảy ra trong mỗi gia đình là việc không thể tránh khỏi. Tuy nhiên đã là người một nhà thì mỗi khi xảy ra mâu thuẫn, các thành viên trong gia đình nên ngồi lại thẳng thắn bàn bạc với nhau để đưa ra cách giải quyết tốt nhất”.
Ngoài cuộc vận động chung của Sở VH-TT-DL Phú Yên, hầu hết, các hội, đoàn thể đều triển khai các phong trào thi đua riêng gắn với việc xây dựng gia đình văn hóa như phong trào “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan” của Hội LHPN, phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” của LĐLĐ tỉnh. Những phong trào thi đua này đã góp phần đáng kể trong việc trang bị cho người dân những kiến thức về nuôi dạy con cái; người chồng biết chia sẻ, cảm thông với vợ và người vợ biết nhường nhịn để xây dựng gia đình thêm hạnh phúc.
Theo bà Đặng Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, dù xã hội có phát triển đến đâu, gia đình vẫn là nơi chốn bình yên của mỗi người. Ở đó luôn hiện hữu các giá trị đạo đức tốt đẹp như sự thủy chung của vợ chồng; hiếu nghĩa của con cháu đối với ông bà, cha mẹ; sự thuận hòa, yêu thương của các anh chị em trong gia đình. Và phụ nữ chính là người gìn giữ, trao truyền và phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ ấy.
Chính vì thế nhiều năm nay, Hội LHPN tỉnh luôn chú trọng đến hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Mặt khác, để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc bền vững, tạo nên những tế bào lành mạnh cho xã hội đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ cán bộ, hội viên, phụ nữ mà cần có sự góp sức của cộng đồng, xã hội.
THIÊN LÝ - NGUYỄN YÊN