Thứ Năm, 28/11/2024 09:40 SA
Tiếng cồng chiêng giữa lòng thành phố
Chủ Nhật, 11/11/2018 13:06 CH

Học sinh Trường phổ thông DTNT tỉnh biểu diễn cồng chiêng tại lễ khai giảng năm học mới - Ảnh: THIÊN LÝ

Giữa lòng TP Tuy Hòa, từ ngôi Trường phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) tỉnh, tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên vào những buổi chiều muộn. Âm thanh của cồng chiêng không chỉ đơn thuần là tiếng nhạc mà còn là sợi dây kết nối các em học sinh trong trường lại với nhau, góp phần bảo tồn và phát huy tinh hoa, giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

 

Rộn ràng nhịp chiêng trẻ

 

Trong trang phục quần xanh áo trắng với chiếc áo ghi lê khoác trên mình, các nam sinh tay đánh chiêng, chân bước điệu nghệ, người lắc lư theo điệu nhạc. Trong khi đó, các nữ sinh xúng xính trong những bộ xà rông truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số nhún nhảy theo nhịp điệu của tiếng chiêng. Với tiếng vỗ tay cổ vũ không ngớt của các bạn và thầy cô giáo, các em biểu diễn những tiết mục đánh cồng chiêng kết hợp với những điệu múa uyển chuyển, thuần thục như những chàng trai cô gái trưởng thành trong các lễ hội của buôn làng.

 

Chắc có lẽ ít ai biết được ở ngay trong lòng TP Tuy Hòa, nét đẹp văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang được chính các thế hệ trẻ và thầy cô Trường phổ thông DTNT tỉnh trân trọng, bảo tồn. Không gian gìn giữ nét tinh hoa ấy không phải là cảnh sắc núi non hùng vĩ hay những thảm cỏ xanh mướt cùng tiếng chim hót vang cả rừng xanh... mà chỉ vỏn vẹn trong khoảng sân trường.

 

Tiếng cồng chiêng vang lên và lan xa. Âm thanh vang vọng quen thuộc của núi rừng lại cất lên trong lòng phố thị không chỉ mang đến cho tôi mà tất cả thành viên trong đội cồng chiêng của Trường phổ thông DTNT tỉnh cảm xúc rạo rực, hân hoa về sắc màu của âm thanh lễ hội...

 

Trường phổ thông DTNT tỉnh có hơn 300 học sinh, tất cả đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, như Ê Đê, Chăm, Ba Na, Tày, Thái, Nùng... Với đặc thù là học sinh dân tộc thiểu số nên ngoài nhiệm vụ giảng dạy, chăm sóc học sinh, công tác gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là văn hóa cồng chiêng được nhà trường hết sức quan tâm. Hơn 20 năm trước, được sự nhất trí của giáo viên và phụ huynh, nhà trường đã trích một phần ngân sách để mua một bộ cồng chiêng từ xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) mang về trường.

 

Có cồng chiêng, nhà trường chọn những em đã biết đánh để thành lập đội cồng chiêng của trường. Hơn nữa, nhằm nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ GD-ĐT đã tặng thêm cho trường một bộ cồng chiêng giúp các em tiếp tục giữ gìn và truyền lửa văn hóa dân tộc. Sau thời gian sử dụng, nhiều cồng chiêng bị hư hỏng nặng nên từ hai bộ, gom lại một bộ cồng chiêng với 24 cái.

 

Anh Trương Pa Ven, Bí thư Đoàn Trường phổ thông DTNT tỉnh, cho biết: Đội cồng chiêng của trường hiện có 24 học sinh tham gia. Các em hầu hết đã được tiếp xúc với cồng chiêng ở buôn làng. Qua vòng tuyển chọn, các em được tập luyện và tham gia biểu diễn vào các dịp như khai giảng năm học mới, các ngày lễ lớn trong năm, lễ hội của trường, Đoàn Thanh niên, tổng kết năm học... Ngoài ra, hơn 10 thành viên trong đội Arap cũng đã góp phần tô điểm thêm sắc màu trong ngày hội của trường.

 

Bảo tồn văn hóa độc đáo

 

Nhằm duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, đầu năm 2017, nhà trường đã mời một số nghệ nhân ở xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) về truyền dạy những kỹ năng, cách thức diễn tấu cồng chiêng trong dịp lễ hội cho các em học sinh. Các nghệ nhân gạo cội rất vui mừng khi biết có những người trẻ nối nghiệp, giữ gìn nét văn hóa truyền thống nên đã vui vẻ, chỉ dạy một cách tận tình, tâm huyết.

 

Các bạn nam thì đánh cồng chiêng, các bạn nữ thì múa xoan, a ráp... Trong tiếng cồng chiêng, những điệu múa đung đưa, nhịp nhàng uyển chuyển, hòa quyện cùng âm thanh đặc trưng, tạo ra tiết mục độc đáo và hấp dẫn cho người xem.

 

Là con trai đầu trong gia đình có ba anh em trai ở xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa), Lê Thanh Hoài đã biết đánh cồng chiêng từ năm lớp 6. Mỗi khi buôn làng có lễ bỏ mả, Hoài được người lớn trong buôn nhờ đánh cồng chiêng, cũng là cơ hội để em rèn luyện. Khi được vào Trường phổ thông DTNT tỉnh, bằng những kỹ năng đã tích lũy, Thanh Hoài hướng dẫn lại những bạn chưa biết. Từ đó, Thanh Hoài được bạn bè ví như một trong những “linh hồn” của đội cồng chiêng.

 

Cũng như Thanh Hoài, KPắ Y Trinh ở xã Krông Pa chia sẻ: “Hiện tại, em đảm nhận đánh cồng lớn. Giờ em đã tự tin đánh được các bài như: Mừng lúa mới, Nhịp chiêng ngày mùa… Em cũng mong muốn chỉ lại cho những bạn mới vào đội để tất cả học sinh đều biết đánh những bài chiêng và nhảy những bài nhạc truyền thống của dân tộc mình…”.

 

Còn Hà Sơn My, lớp 12B, ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh), mặc dù là người dân tộc Thái, nhưng My bị thu hút bởi những giai điệu cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên ngay từ lần đầu tiên thấy các bạn biểu diễn. My kể lại: “Lúc ấy, nghe có tiếng nhạc, em cứ ngỡ là có người đang mở máy. Khi xuống sân trường, em mới biết, các bạn đang tập đánh cồng chiêng. Từ buổi ấy, em thấy thích những giai điệu độc đáo này. Vì thế, khi được tham gia đội múa trong nhóm chiêng của trường em thích lắm”.

 

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa truyền khẩu và kiệt tác phi vật thể của nhân loại (ngày 25/11/2005). Sự kiện này đã khẳng định giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng, là niềm vui, niềm tự hào không những của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên mà còn là của nhân dân cả nước. “Tuy nhiên, sự du nhập ồ ạt của nhiều thể loại âm nhạc hiện đại khiến không ít người lo lắng về hiện tượng “chảy máu” cồng chiêng, về sự mai một, về nguy cơ biến dạng văn hóa cồng chiêng.

 

Chính vì vậy, đưa văn hóa cồng chiêng vào trường học không những góp phần gìn giữ, phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên mà còn bảo tồn, phát triển, tạo sự đa dạng, phong phú bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, di sản văn hóa của nhân loại. Đồng thời kích thích tinh thần nỗ lực học tập, rèn luyện của các em học sinh”, cô Minh Thị Kim Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông DTNT tỉnh nói.

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek