Thứ Tư, 09/10/2024 09:27 SA
Cô giáo tôi... – truyện ngắn của Y NGUYÊN
Thứ Hai, 22/10/2018 07:20 SA

1. Chuyện thứ nhất: Nhập cư

 

Cô lên vùng kinh tế mới với đôi bàn tay trắng, một nách ba con, nghe nói mới mất chồng. Chồng bị bạo bệnh, chút vốn liếng dành dụm được cũng theo bệnh tật ra đi, mình mẹ con cô queo quắt, héo dần đi trong căn nhà cũ. Bạn bè tới thăm, bảo: không được, cứ như vầy thì mày chết mất. Đi thôi! Đi. Ông chú của bạn đang làm chủ tịch xã S, khu kinh tế mới vùng cao hứa sẽ sắp xếp nơi ăn chốn ở, bố trí việc làm cho. Đất mới cần người trí thức như cô. Núi rừng hoang vu hơi buồn chút, nhưng - tình cảnh hiện tại như cô thì ở phố cũng đâu có vui gì?

 

Đất mới đón người mới khá sốt sắng. Ông chú chủ tịch đề nghị cơ cấu cô vô chân... phó chủ tịch xã. Địa phương đang thiếu cán bộ trầm trọng. Cô lắc đầu cương quyết. Cháu là nhà giáo, chỉ ưng đi dạy. Ai nói cũng không nghe. Trường sở mới lập nhếch nhác, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, giáo viên ít, người phải “ôm show” dạy hai ba môn. Cực trăm bề. Nhiều người bảo cô ngu, đường quang không đi đâm quàng bụi rậm, cô cười. Bạn nghe chuyện, giơ ngón cái động viên: ok, mày cười được là khá. Ngu kệ ngu, thích thì cứ dạy cho tao…

 

Ăn ở. Ủy ban cung cấp đầy đủ gạo muối và các nhu yếu phẩm cho 6 tháng ăn theo tiêu chuẩn người mới nhập cư; còn đặc cách cho quyền lựa chọn vị trí xây nhà. Tốt thôi. Cô không chọn khu trung tâm tương đối đông vui mà lựa miếng đất hẻo lánh, hơi xa khu dân cư. Được cái nó rất gần trường…

 

2. Chuyện thứ hai: Gieo chữ

 

Cô làm chủ nhiệm lớp tôi, lớp 9 duy nhất của trường. Sĩ số vỏn vẹn mười lăm đứa; đã ít còn biếng học. Học chi cho nhiều. Xứ này học lực lớp 9 đã là… ghê gớm, xin vô làm cán bộ xã được rồi. Với có đậu lên lớp 10 thì cũng đâu đủ sức trèo đèo lội suối sang huyện bên mà học cấp 3? Nhà nào cũng rẫy rừng ruộng nương, công chuyện tùm lum. Cha mẹ cần người phụ việc; mà cũng không thừa tiền đi đầu tư cho những chuyện… xa xỉ như chữ nghĩa cấp 3 hoặc cao hơn! Con gái lại càng không nên học nhiều chi. Tới đó là quá, còn phải lo lấy chồng sinh con cho gia đình yên cái bụng. Mười đứa như mười, cứ rục rịch hằm hè trông cho mau tới cuối năm đặng… nghỉ. Ấy là quý cô chủ nhiệm lắm đó, chớ không còn nghỉ sớm hơn…

 

Cô biết chuyện, kêu lên làm “công tác tư tưởng” một thôi một hồi. Các em tới được lớp này rồi, ráng thêm chút nữa sau này còn có tương lai. Tương lai gì ư? Đây, cô nhanh chóng vẽ ra vài cái viễn cảnh tương lai (không tệ) nếu học hết cấp 3. Nghe cũng bùi tai nhưng… khó quá cô ơi, ba mẹ em không cho đi học nữa, bảo nhà thiếu người làm… Nhà em không có tiền, nghe nói học lên tốn kém lắm cô ơi. Lên cấp 3 đi học xa, em là con gái ba mẹ không yên tâm và... Mười lăm đứa hết mười nêu ra cái lý do ba mẹ không cho. Được, cô sẽ tới nhà giúp thuyết phục ba mẹ các em, được chưa?

 

Mấy đứa còn lại im re, không lý do lý trấu, cũng không tỏ thái độ.

 

Tháng tư. Nhóm “im re” đột ngột thằng Hùng, thằng Tứ bỏ lớp ngang hông. Gia đình Hùng, Tứ thuộc diện di dân tự do, nhà nằm sâu trong xóm núi. Cô hỏi thăm, lặn lội vào tận nơi, Hùng, Tứ lánh mặt. Gia đình hai đứa tiếp cô giáo, trả lời xụi lơ: nó không muốn học nữa tui cũng đành chịu, không ép nó được cô ơi! Lần đầu còn nhẹ giọng nhưng tới lần thứ ba thì đã mặt nặng mày treo, “đuổi” thẳng cô giáo ra về, viện lý do bận đi rừng không rảnh tiếp!

 

Lần đó, cô chảy nước mắt.

 

May, số còn lại “có nhúc nhích”. Gia đình thằng Huy, thằng Toàn té ngửa, kêu: nó không muốn học nên rủ rê bày chuyện chớ tui có bắt nghỉ hồi nào đâu? Hai ông tướng bị nhà nạt một trận, lo cun cút tới trường hết dám ho he. Mấy đứa còn lại gian nan hơn; đứa nào cô cũng phải mất công tới nhà “thuyết khách” năm bảy lượt mới xuôi. Tưởng đã yên; đùng cái, tới chuyện của Mỵ…

 

3. Chuyện thứ ba: Lời hứa “đền bò”

 

Mỵ dân tộc Tày, bạn thân tôi, học trò cưng của cô giáo. Học giỏi, hiền ngoan, nghiêm túc với tương lai. Đánh vật với cái lớp 9 nắng mưa thất thường, học hành chểnh mảng của chúng tôi, người cô yên tâm nhất chắc chỉ có Mỵ.

 

Vậy mà có tin Mỵ sắp phải nghỉ học.

 

Nghỉ học làm chi? Đi... lấy chồng! Tin ấy khiến cả lớp chút bật ngửa. Chuyện kết hôn sớm không phải người Kinh không có, nhưng lớp 9 thì sớm quá. Hỏi ra mới biết: gia đình Mỵ với đàng trai đã có hôn ước từ năm Mỵ học… lớp 7! Chuyện của đôi bên cha mẹ, Mỵ con nít có biết gì, hỏi thì ừ gật cho qua chuyện thôi. Cứ tưởng chuyện đâu năm mười năm sau. Giờ nghe chính thức thông báo: cuối năm nay nghỉ học lấy chồng mới tá hỏa!

 

Đang đêm Mỵ chạy tới tìm cô giáo. Khóc mếu.

 

Nghe xong, cô lặng cả người. Nghĩ ngợi lâu. Rồi cô quay hỏi Mỵ: giờ em tính sao? Em không biết tính sao nữa cô ơi. Em muốn học, em chưa muốn lấy chồng. Vậy sao ngày xưa em gật? Là em vâng lời a pá (mẹ cha - tiếng Tày). Em tưởng chuyện còn lâu… Thôi được, để cô thử. Nhưng cô không hứa gì đâu nha. Em về thưa với a pá mai cô tới nhà nói chuyện…

 

Lần “thuyết khách” này của cô gian nan gấp bội.

 

Thuyết phục được gia đình Mỵ không quá khó; nhưng đau đầu nhất là phía đàng trai. Họ cứ khăng khăng: hôn ước lập rồi, sính lễ nạp rồi, Mỵ là con dâu nhà chúng tao rồi, cưới thôi. Chờ 5, 7 năm nữa lỡ thằng Páo (chồng chưa cưới của Mỵ) nó mất vợ, cô giáo có đền được không?

 

Lý luận giản đơn mà khó cãi!

 

Mất nhiều ngày suy nghĩ, cô quyết định đi gặp nhà chồng Mỵ lần nữa, lần này là thương lượng chuyện “đền”. Nhà trai đòi cô giáo đứng ra bảo đảm, cam kết trả toàn bộ sính lễ, thêm… hai con bò đền bù thiệt hại nếu bên đàng gái học xong cái chữ mà có ý từ hôn!

 

Cô gật.

 

Gia đình chồng Mỵ hơi ngỡ ngàng. Cứ tưởng “làm khó” cỡ ấy chắc cô giáo không đời nào dám nhận. Người vùng cao nói lời giữ lời, lỡ đưa điều kiện thì không bao giờ nói lại nói đi. Miễn cưỡng đồng ý mà bụng không vui, cứ luôn miệng phàn nàn: là chúng tao nể, tin cô giáo lắm đấy, nếu không…

 

Tin cô giáo nhận lời hứa “đền bò” thành chuyện chấn động trường Y xã S. Mỵ ôm cô òa khóc. Thầy hiệu trưởng nghe chuyện cũng đâm lo: em suy nghĩ kỹ chưa? Người đồng bào nói một là một hai là hai, không đùa được đâu! Cô cười: không sao đâu anh, em tin ở học trò mình…

 

(Sau này, khi Mỵ tốt nghiệp ra trường về làm đám cưới với Páo; trò chuyện cùng đồng nghiệp, học sinh cô mới thú thật: mấy năm qua chưa đêm nào cô ngủ được yên giấc. Lo… lo phải “đền bò” hả cô? Cô cười…).

 

4. Chuyện thứ tư: Nợ một lời xin lỗi

 

Ngoài chuyện dạy, cô còn làm đậu hũ bán kiếm thêm thu nhập. Đậu hũ cô làm ngon, bán đắt.

 

Tôi là học trò cưng nên hay ghé cô giúp việc nọ việc kia. Có khi ăn ngủ luôn không về nhà. Cô tin tôi, giao luôn “tay hòm chìa khóa” mỗi khi có việc phải đi. Nhiều bữa, cô nhờ tôi trông gánh đậu hũ cho cô về đi chợ, giao luôn cả hộp tiền để thối cho khách mua.

 

Lần đó tôi vô ý làm mất cái máy tính Casio F500 của nhỏ bạn. Nhỏ khóc sướt mướt khiến tôi hoảng, hứa sẽ xin tiền mẹ mua cái khác đền. Hứa liều vậy cho nhỏ im nhưng tôi biết rõ: chuyện xin tiền mẹ còn khó hơn… lên trời. Nhà tôi gia cảnh khó khăn, cái máy tính hàng hiệu giá gần đến năm trăm nghìn chứ đâu phải ít? Dợm nói mấy lần; nhưng tưởng tượng đến những lời mắng mỏ, nhiếc móc của mẹ khiến tôi thối chí. Lần lữa miết, cái hạn hứa với nhỏ bạn cứ ngày một tới gần…

 

Sực nhớ tới hộp tiền bán đậu của cô giáo.

 

Lần đầu tiên trong đời tôi to gan làm chuyện ấy. Bí bách quá. Cô tha lỗi cho em, kiếm được tiền em hứa đem trả cô ngay… Món tiền năm trăm nghìn rút ra từ chiếc hộp đựng tiền bán đậu giúp tôi giữ được lời hứa (liều) với nhỏ bạn; nhưng lời hứa (thầm) với cô thì không! Tôi rời trường, chia tay cô đi học xa trong khi vẫn còn tay trắng, canh cánh mang theo trong lòng món nợ với người cô yêu quý cho dù tôi biết: cô tin tôi nên không bao giờ kiểm tra tiền trong hộp. Có thiếu cô cũng chỉ nghĩ mình tính lộn hoặc đánh rơi đâu đó chứ không mảy may nghi ngờ…

 

* * *

 

Lần lữa mãi, ngày nhà giáo năm nay, tôi quyết xếp việc, về thăm cô. Món nợ ngày xưa giờ không còn là điều quan trọng; nhưng chuyến bay hai nghìn cây số cho một lời xin lỗi là cần, rất cần…

 

Bất ngờ, không hẹn mà gặp gần như đầy đủ những khuôn mặt bạn bè năm xưa. Mừng. Chúng kêu: chỉ mày là “biệt tích”, bọn tao năm nào chả về thăm cô…

 

Sau những chúc tụng thường nhật, tôi cầm tay cô ngập ngừng:

 

- Cô…

 

- Gì vậy em?

 

- Em muốn thưa với cô rằng: từ lâu em nợ cô một lời xin lỗi…

 

Cô cười:

 

- Làm người ai chẳng mắc lỗi. Quan trọng là lỗi xong rồi biết sửa. Chuyện ấy, cô tin ở học trò cô…

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thương nhớ Gành Hào
Chủ Nhật, 21/10/2018 13:25 CH
Hấp dẫn Tuần lễ Sách hay lần thứ 12
Chủ Nhật, 21/10/2018 11:05 SA
Nữ tiểu thuyết gia Anna Burns được vinh danh
Chủ Nhật, 21/10/2018 09:34 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek