Phải chăng vì sự đồng điệu tâm hồn mà ký âm cùng giai điệu bài hát “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang” của Vũ Đức Sao Biển đã quyện chặt cùng ký âm giai điệu “Dạ cổ hoài lang” của soạn giả Cao Văn Lầu.
Nói về nhạc sĩ - nhà báo Vũ Đức Sao Biển, mọi người thường nghĩ đến nhạc phẩm nổi tiếng của ông khi vừa 20 tuổi “Thu hát cho người”. Ca khúc này được ông sáng tác trước năm 1975, tại quê hương Quảng Nam và đi vào lòng người ngay từ thời ấy. Song bên cạnh “Thu hát cho người” và một số tình khúc được nhiều người yêu thích, Vũ Đức Sao Biển còn có duyên với các nhạc phẩm mang âm hưởng dân ca Nam Bộ.
Vũ Đức Sao Biển sinh năm 1948. 18 tuổi, ông vào Sài Gòn, theo học ngành Triết và Văn học tại một trường đại học sư phạm. Ra trường, ông được bổ nhiệm dạy bậc trung học tại Bạc Liêu theo đúng ngành ông từng học từ năm 1970-1975.
5 năm làm thầy giáo vùng đất của đờn ca tài tử, có lẽ chàng trai từng chơi đàn măng đô lin đã dần ngấm sâu vào máu thịt các làn điệu phương Nam da diết, mênh mông sông nước. Ông như một lữ khách đi sâu vào không gian Nam Bộ với những tác phẩm âm nhạc thấm đẫm hồn đất, hồn người phương Nam một thời mở cõi như “Điệu buồn phương Nam” hay “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”, “Bài ca Vĩnh Long”, “Dạ cổ hoài lang” (chuyển thể)... Trong đó nhạc phẩm “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang” được xem là thành công nhất của ông khi viết về vùng đất này.
Vũ Đức Sao Biển từng nói, mỗi tác phẩm của ông là một câu chuyện có thật, từ đó làm ông hứng khởi để sáng tác theo một cảm xúc riêng và khán giả khi nghe cũng sẽ có một cảm xúc chân thật của mình. Ca khúc “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang” ra đời khi ông quay lại Bạc Liêu để thăm vùng đất ngày trước mình từng ở, từng đi dạy, từng ấp ủ nhiều đề tài âm nhạc, văn học một thời tuổi trẻ của mình.
“Ngày ấy, tôi trở về Bạc Liêu với nhiều nỗi bồi hồi thương nhớ. Đêm đó là một đêm trăng sáng, ngồi thuyền trên sông, tôi nghe có tiếng radio văng vẳng trên Gành Hào vọng lại bản Dạ cổ hoài lang nên đã lấy ý tưởng sáng tác ca khúc “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”, Vũ Đức Sao Biển chia sẻ.
Bài “Dạ cổ hoài lang” của soạn giả Cao Văn Lầu lúc ấy là những ký âm rồi chuyển qua vọng cổ rồi trở thành tuồng “cải lương vua” trên đất Bạc Liêu lúc bấy giờ. Ca khúc “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang” đã quyện chặt cùng ký âm của “Dạ cổ hoài lang” và chuyển thể lời bài ca của Vũ Đức Sao Biển tạo nên một bài nhạc hòa chung là một... Xề u xế u liu phạn/ Dây tơ đàn kìm buông thiết tha/ Xề u xế u liu phạn/ Đưa cung đàn về trên bến xưa/ Đường dù xa ong bướm/ Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang...
Nghệ sĩ Cao Văn Lầu và “Dạ cổ hoài lang” của ông đã trở thành một di sản văn hóa phi vật thể của Bạc Liêu, của đờn ca tài tử Nam Bộ. Dù gần 100 năm qua, “Dạ cổ hoài lang” có nhiều thay đổi, nhưng 20 câu trong bài vẫn nguyên giá trị để Vũ Đức Sao Biển chuyển thể đúng chất Nam Bộ: Từ là từ phu tướng, báu kiếm sắc phong lên đàng... Nét hay trong bài nhạc “Đêm Gành Hào nhớ điệu hoài lang” của Vũ Đức Sao Biển là lấy câu chuyện có thật của mình khi trở lại Gành Hào nghe được bản “Dạ cổ hoài lang” trên sông nước, cả hai đều có nỗi nhớ thương da diết về một tình yêu.
Một nghệ sĩ đàn kìm năm xưa ở miệt Vàm Cỏ - Long An về với Bạc Liêu. Một nghệ sĩ đầu tiên chơi đàn măng đô lin ở cạnh sông Thu Bồn - Quảng Nam đến với Bạc Liêu và hòa quyện câu ca trên sông nước: Gành Hào ơi! Nửa đêm ai hát lên câu hoài lang/ Vầng trăng nghiêng xuống trên vạt rừng tràm/ Xề u xế u liu phạn...
“Đêm Gành hào nghe điệu hoài lang” là một câu chuyện thấp thoáng bóng dáng người phụ nữ trong lòng nghệ sĩ năm nào đã trở thành một hoài niệm. “Dạ cổ hoài lang” của nghệ sĩ Sáu Lầu có lối ca cổ (sáng tác vào cuối năm 1918 đến năm 1919 thì phổ biến), nhưng vẫn hàm chứa câu chuyện tình yêu nam nữ, chồng vợ phương Nam nên phương ngữ, làn điệu nhẹ nhàng, tinh túy đã thu hút hàng triệu người nghe và đồng cảm.
Mỗi chúng ta luôn mang trong người những hoài niệm một thời và người nghệ sĩ càng chất chứa nhiều hoài niệm hơn, đó là hành trang trong sáng tác của họ. Nhạc sĩ, nhà báo Vũ Đức Sao Biển cũng vậy, vùng đất phương Nam đã để lại rất nhiều những ca khúc, nơi nuôi dưỡng ông và ông đã tri ân bằng cả tấm lòng cùng tâm hồn dào dạt yêu thương của mình. Ngày ông rời Bạc Liêu lên Sài Gòn, khi ấy mùa hoa lục bình nở tím trên Gành Hào chập chùng tràm, đước: Rừng đước mênh mông, đêm Gành Hào chợt thương nhớ ai. Ngày ấy ra đi, con sông buồn tím một dòng trôi...
Những bài hát mà Vũ Đức Sao Biển sáng tác bắt nguồn từ câu chuyện có thật đi cùng hoài niệm một thời để ông đan cài vào nhau tạo nên sự nối tiếc thật mềm mại bởi ca từ đẹp về trong nỗi nhớ: “Bạc Liêu ơi, có nhớ chăng ai. Thuở ấy thanh xuân, trăng Gành Hào tròn như chiếc gương. Giờ tóc pha sương, qua Gành Hào tiếc một vầng trăng (nhớ nhịp hoài... lang). Trăng Gành Hào tròn như chiếc gương khi ấy, nếu nghĩ là ai... chắc mọi người cũng hiểu dụng ý của tác giả, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.
Đất phương Nam đâu chỉ có những bài cải lương nổi tiếng, những câu vọng cổ ngọt lịm, mà còn có các ca khúc vang vọng Nam kỳ lục tỉnh ngày trước với dòng Cửu Long giang cuộn sóng: nói về Bến Tre thì ai cũng biết “Dáng đứng Bến Tre” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý; nghĩ về Cà Mau thì có “Áo mới Cà Mau” của nhạc sĩ Thanh Sơn; nhắc đến Hậu Giang ta lại không quên nhạc sĩ Trần Thiện Thanh với ca khúc “Chiếc áo bà ba” và nếu nói vùng đất Bạc Liêu thì ngoài ruộng đồng thẳng cánh cò bay, nơi xuất phát đờn ca tài tử lẫn những công tử Bạc Liêu lắm tiền, nhiều của thì còn có “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang” và người dân ở đây luôn tự hào về vùng đất của mình.
HUỲNH THẠCH THẢO