Là cánh chim đầu đàn trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe ở đô thị miền Nam trước năm 1975, sau nửa thế kỷ, dấu ấn của nhạc sĩ Tôn Thất Lập trong công chúng vẫn rất đậm nét, gắn với những lời hát hừng hực khí thế đấu tranh: “… Ngày nào thênh thang dân đứng lên phá xiềng nô lệ/ Ngày nào hiên ngang ta cùng nhau đứng chung đồng bào/ Giành lại dòng sông này cho lúa chín khắp đồng xanh/ Giành lại thành phố đó bàn tay nâng cao hòa bình…”.
Nhắc đến nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, người yêu nhạc nhớ ngay đến các ca khúc xuống đường của ông: Hát cho dân tôi nghe, Hát trong tù, Người đợi người, Tiếng gọi sinh viên, Xuống đường… Sau khi đất nước thống nhất, ông sáng tác rất nhiều tình ca, như Tình ca mùa xuân, Tình ca tuổi trẻ, Trị An âm vang mùa xuân, Tình yêu mãi mãi, Mưa thì thầm…
Nhạc sĩ tranh đấu ngày nào tiếp tục được công chúng yêu mến qua những ca khúc tươi trẻ, tràn đầy yêu thương. Mới đây, khi nhạc sĩ Tôn Thất Lập đến xứ “hoa vàng cỏ xanh” dự Đại hội Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Phú Yên, một bản tình ca của ông đã vang lên trong đêm nhạc của các nghệ sĩ.
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập phát biểu tại Đại hội Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Phú Yên - Ảnh: YÊN LAN |
* Thưa nhạc sĩ, ông đánh giá như thế nào về hoạt động sáng tác và biểu diễn âm nhạc ở Phú Yên?
- Tôi theo dõi hoạt động của các nhạc sĩ trong Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Phú Yên cũng như hoạt động âm nhạc ở Phú Yên đã lâu, thấy phấn khởi nhất là anh em sáng tác rất đều đặn, mỗi thế hệ nhạc sĩ đều có những tác phẩm phục vụ nhu cầu của xã hội và góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân ở đây. Đặc biệt, trong sáng tác, anh em có sự đổi mới về ngôn ngữ. Điều đó quan trọng lắm!
Để có một tác phẩm vượt lên, mang tính chất thời đại thì trước hết là phải đổi mới về bút pháp. Ở Phú Yên, đa số anh em nhạc sĩ được đào tạo qua trường lớp, học các khóa chuyên môn, thành ra nắm vững kỹ thuật, tìm tòi đề tài. Ngôn ngữ âm nhạc Phú Yên có màu sắc, bản sắc riêng, khác với Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa… Tác phẩm của anh em đã chắp cánh bay lên.
* Sau giải phóng, ông sáng tác rất nhiều tình ca - những nhạc phẩm tươi tắn, lạc quan, tràn đầy tình yêu thương và được công chúng yêu thích. Song nhắc đến nhạc sĩ Tôn Thất Lập, người yêu nhạc nghĩ ngay đến loạt ca khúc hừng hực lửa tranh đấu - những ca khúc xuống đường. Nhạc sĩ nghĩ gì về điều này?
- Chiến tranh chấm dứt từ lâu, hòa bình lập lại từ lâu và phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe đã đi vào quá khứ. Tuy nhiên mỗi khi những ca khúc xuống đường được cất lên, ngay cả bản thân tôi là tác giả, cũng có cảm xúc đặc biệt. Những ca khúc đó đưa người nghe trở về thời kỳ xuống đường tranh đấu. Sở dĩ tôi sáng tác được những ca khúc đó là vì thời tuổi trẻ tôi đã sống trong phong trào đó.
Chính đồng bào, chính sự dũng cảm của những em học sinh sinh viên đấu tranh, của các má, các chị ở những khu chợ, khu lao động… đã thúc đẩy tôi có những tác phẩm như vậy. Nếu như thời đó không có sự hừng hực lửa của công chúng, không có sự yêu thương đùm bọc nhau, nhất là tập thể sinh viên không đoàn kết đấu tranh thì không có những tác phẩm như tôi đã viết.
* Hai giai đoạn sáng tác khác nhau: trong chiến tranh và sau ngày đất nước hòa bình, ông thấy mình thành công hơn ở giai đoạn nào, thưa nhạc sĩ?
- Tôi nghĩ rằng giai đoạn nào mình cũng viết được, tác phẩm cũng gắn với những vấn đề của xã hội, của thời đại. Trong thời kỳ chống Mỹ, giành độc lập, âm nhạc của tôi hừng hực lửa, thôi thúc mọi người nhưng trong đó vẫn có tình yêu gắn kết mọi người. Đó là tình yêu đồng bào, tình yêu nhân loại, tình yêu con người, tình yêu lứa đôi cũng ẩn trong đó, tạo chiều sâu của ca khúc. Trong thời kỳ hòa bình, tôi viết tình ca, như Tình ca mùa xuân viết về anh lính trẻ nửa đêm bồng súng đứng gác, tràn đầy tình yêu. Trái tim tôi luôn rung động với xã hội, với thời đại.
* Ông thích được gọi là nhạc sĩ của phong trào tranh đấu hay nhạc sĩ của tình yêu?
- Cả hai (bật cười)
* Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập (còn có bút danh Trần Nhật Nam, Lê Nguyên) sinh năm 1942 tại Huế. Ông là người khởi xướng phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe trong sinh viên, học sinh đô thị miền Nam trước năm 1975, có sự tham gia tích cực của các nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Tân, Trần Quang Long, Nguyễn Văn Sanh, Miên Đức Thắng...
Mireille Garnel (Pháp) viết về sức mạnh của tiếng hát đấu tranh trên tờ Le Monde ngày 11/2/1972: “Vừa mới viết ra, vừa mới xướng lên nó đã được truyền đi từ miệng người này đến miệng người khác. Nó nảy nở giữa gọng kìm siết chặt, nơi mà mỗi cử chỉ, mỗi lời nói là một vấn đề sống chết. Những lời hát cất lên giữa những dùi cui, đàn áp, lặp lại giữa những chiếc xe bọc thép, rồi vang lên ở góc phố, nơi mà sinh viên bị đuổi bắt. Nó đã đánh thức lương tâm của tuổi trẻ và lòng nhiệt thành của họ. Tất cả cơ đồ của “lối sống Mỹ” đã bất lực, không thể bóp nghẹt tiếng nói của một thế hệ trẻ sinh ra dưới những trận bom và chưa bao giờ họ được biết gương mặt của hòa bình”. |
YÊN LAN (thực hiện)