Thứ Năm, 03/10/2024 13:26 CH
Vui buồn sử thi Tây Nguyên
Thứ Năm, 17/01/2008 07:18 SA

Hội thảo - Hội nghị diễn ra tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vừa qua đã chính thức khép lại chương trình “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng Sử thi Tây Nguyên”.

 

080116-su-thi-1.jpg

Đọc sách sử thi. - Ảnh: SGGP

 

Chương trình khởi động từ tháng 10/2001, qua ba bước thực hiện: điều tra- sưu tầm, văn bản hóa và biên dịch, xuất bản, lưu trữ và bảo quản các sử thi, đến hết năm 2007 vừa tròn 5 năm. Tổng kinh phí được cấp chính thức gần 18 tỉ đồng.

 

Niềm vui xen lẫn lòng tự hào và sự ngưỡng mộ chắc chắn sẽ dâng đầy lên trong tâm trí những người quan tâm đến văn hóa Việt Nam, khi được nhìn thấy (cho dù không đầy đủ đi nữa) 62 cuốn sách in thật đẹp và dày dặn (mỗi cuốn có độ dày hơn 1.000 trang khổ lớn), của 75 bản sử thi ghi lại được từ các nghệ nhân thuộc 6 dân tộc Êđê, Bana, Mnông, Răglay, Chăm, Sê Đăng, tại 5 tỉnh Tây Nguyên và các vùng phụ cận: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Yên và Ninh Thuận (riêng sử thi của dân tộc Jrai chưa có người dịch). Mà đó mới chỉ là một phần của tổng số các sử thi đã được ghi âm. Vì còn tới 650/801 tác phẩm nữa đã sưu tầm nhưng chưa được phiên âm, dịch nghĩa và biên tập để xuất bản.

 

Vui hơn nữa nếu ai cũng được nghe GS-TS khoa học Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN, người đã từng đến nhiều vùng văn hóa trên thế giới, khẳng định rằng: “Không ở đâu trên thế giới này có một kho tàng văn hóa dân gian truyền miệng giàu có và độc đáo tương tự như thế”. Vậy là sau không gian văn hóa cồng chiêng, sử thi - trường ca Tây Nguyên lại một lần nữa khẳng định giá trị cao đẹp của văn hóa dân gian cổ truyền các dân tộc thiểu số bản địa vùng cao nguyên đất đỏ trên dãy Trường Sơn.

 

Đây cũng là một trong 10 sự kiện văn hóa của năm 2007 đã được báo Nhân Dân bình chọn.

 

Vui là thế. Còn buồn?

 

Nhiều người Việt Nam quan tâm đến giá trị trường tồn của văn hóa Việt Nam, nhưng không hiểu có bao nhiêu người đánh giá đúng giá trị của những thông tin tưởng chừng đơn giản này? Có bao nhiêu đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên biết đến điều quý giá mà mình có? Và tại sao lại phải đặt ra câu hỏi này nhỉ? Vâng! Vì nếu làm một phép so sánh như GS Tô Ngọc Thanh rằng: gần 18 tỉ đồng của Nhà nước chi cho chương trình, mà khẳng định được một kho tàng văn hóa giàu có và độc đáo, duy nhất thế giới không đâu có như thế, thì liệu có ai đó “chép miệng” hay giật mình không chứ? Điều này đồng nghĩa với nhiều ý kiến cho rằng văn hóa - đặc biệt là văn hóa truyền thống - chưa được chú trọng so với vấn đề kinh tế. 

 

080116-Su-thi-2.jpg

Sử thi Gilgamesh bản bằng đất

 

Theo bà Bùi Thanh Vân, Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Kon Tum, để làm được công việc tốt đẹp này, đã phải đạt tới 5 có: Có sự quan tâm của Nhà nước, có nghệ nhân, có đội ngũ sưu tầm - biên dịch, có các nhà khoa học và có sự phối hợp đồng bộ từ trung ương đến địa phương, giữa các “nhà”… Vậy nếu “cái sự có thứ 2” trong 5 có nêu trên - là các nhà biên dịch - mà mất đi (vì trong số các nhân sĩ làm công việc biên dịch cần mẫn này, cụ Điểu Kâu, dân tộc Mnông đang mang bệnh ung thư phổi), liệu số phận những tác phẩm nào trong số các sử thi chưa được văn bản hóa và dịch thuật còn lại kia, sẽ mãi mãi vẫn chỉ là bí ẩn thách đố các nhà khoa học, khi mà những vị nhân sĩ “cô độc” nói trên, từ biệt cõi thường ra đi về cõi sử thi?

 

Điều này, nhà văn Y Điêng, một trong những người tham gia sưu tầm sử thi sớm nhất (từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX), còn đang ở lại với chúng ta đã khẩn thiết đặt vấn đề: “Hãy đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ngay cho lớp trẻ người dân tộc thiểu số, để đảm nhận được công việc này, trước khi các cụ ra đi”. Cụ Điểu Kâu thì cho rằng: “Sử thi để trong kho thì còn đó, chứ nghệ nhân và nhân sĩ thì mất dần rồi”. Vậy là lại hai nỗi buồn nữa được nêu ra, rằng: Thiếu trầm trọng người am hiểu để dịch thuật từ tiếng dân tộc sang tiếng phổ thông. Và đau đớn hơn là sử thi không còn tồn tại trong các sinh hoạt cộng đồng nữa.

 

Chính vì vậy mà nhiều người ủng hộ việc tôn vinh xứng đáng các vị nghệ nhân, nhân sĩ và các nhà khoa học đã và đang thực hiện chương trình sử thi, đồng thời đề nghị nhiều biện pháp làm sống lại môi trường diễn xướng của hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo này, trong các buôn làng.

 

Trong khi chờ đợi hai đề tài “Sử thi Tây Nguyên với cuộc sống đương đại-thực trạng, triển vọng và giải pháp” của GS-TS Phan Đăng Nhật và “Một phương pháp đưa sử thi trở về với cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên” của GS-TS Nguyễn Xuân Kính được nghiên cứu và đưa ra một số giải pháp, thì xin hãy làm ngay một số việc:

 

- Sau khi in ra CD để bảo quản, hãy trả lại những cuốn băng cassette đã thu thanh sử thi cho gia đình các nghệ nhân đã hát-kể (bà con sẽ biết cách gìn giữ và  phổ biến tốt hơn nhiều).

 

- Tổ chức cuộc liên hoan, gặp gỡ những nghệ nhân hát kể sử thi toàn quốc và có sự tưởng thưởng, tri ân xứng đáng.

 

- Các địa phương lần lượt tổ chức các cuộc thi hát-kể trường ca, sử thi theo từng nhóm tộc người tại chỗ.

 

- In, sang và bán tại Tây Nguyên những CD sử thi, DVD nghệ nhân hát-kể đã được thực hiện trong chương trình vừa qua. Tiền thu được lập quỹ hỗ trợ các nghệ nhân và nhân sĩ biên dịch sử thi vẫn hiện đang có đời sống rất khó khăn ở các buôn làng…

 

Đây chỉ là một số biện pháp tình thế nằm trong tầm tay. Còn lâu dài, các nhà khoa học đang nghiên cứu đề tài nêu trên, sẽ có kiến nghị để Nhà nước hoạch định chủ trương, chính sách… Chỉ mong sao một di sản có thể cũng sẽ được đánh giá là “Kiệt tác nhân loại” của Tây Nguyên như sử thi - trường ca, sẽ không chỉ tồn tại trong tủ kính của các nhà nghiên cứu, mà tiếp tục sống lại giữa đời sống đầy nắng, đầy gió và đầy nhọc nhằn của các tộc người Tây Nguyên, như nó vốn thế vài chục năm về trước.

 

Theo SGGP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thăm nhà thơ Hoàng Cầm
Chủ Nhật, 13/01/2008 14:00 CH
Sân khấu bao giờ đủ sức hội nhập?
Chủ Nhật, 13/01/2008 07:00 SA
Eva Longoria - bà nội trợ kiều diễm
Thứ Bảy, 12/01/2008 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek