Xe bon bon trên con đường như một sợi chỉ xuyên qua mênh mông rừng đước ngập mặn. Sau khoảng 2 giờ, chúng tôi bồi hồi xúc động chạm tay vào cột mốc tọa độ quốc gia. Chúng tôi hăm hở chụp ảnh lưu niệm tại mũi tàu và rưng rưng cầm trên tay nắm đất nồng nàn phù sa nơi cuối trời Tổ quốc.
Đoàn văn nghệ sĩ Phú Yên chụp ảnh lưu niệm tại mũi tàu - Mũi Cà Mau - Ảnh: VIỆT HÀ |
Ngại chi đường xa không tới…
Từ Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), đoàn văn nghệ sĩ Phú Yên theo con đường liên tỉnh đến với vùng đất cuối trời Tổ quốc. Cà Mau, trong hình dung của tôi, là những cánh đồng bất tận xập xòe gió chướng trong truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, mênh mang sông nước trong ca khúc trữ tình và rất ngọt của nhạc sĩ Thanh Sơn về Đất Mũi.
“Nghe nói Cà Mau xa lắm,
Ở cuối cùng bản đồ Việt Nam
Ngại chi đường xa không tới,
Về để nói với nhau mấy lời…”
Đường quả thật là xa, từ TX Hà Tiên đến TP Cà Mau gần 250km, với vô số cầu kênh. Còn nếu tính từ Phú Yên thì để đến Cà Mau, chúng tôi phải vượt cả ngàn cây số, tương đương quãng đường từ xứ Nẫu đến Hà Nội. Đã vượt đường xa mà tới, thì không thể chỉ để nói với nhau mấy lời!
Trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau tọa lạc trên con đường Lưu Tấn Tài rợp bóng cây, trong TP Cà Mau sầm uất. Ở đó có những con người vô cùng nồng hậu, hiếu khách, như nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Trọng Thêm, nhà biên kịch Trịnh Thanh Vũ, nhà văn Nguyễn Việt Hà… Họ đón anh em, bạn bè văn nghệ đến từ miền Trung bằng tấm lòng thênh thang như sông nước miền Tây. Họ mang đến cho chúng tôi cảm giác ấm áp, thân tình khi đến với cuối trời Tổ quốc.
Theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, vùng đất Cà Mau được mở mang vào thế kỷ XVII, cách đây hơn 300 năm. Trong hành trình hun hút, nhọc nhằn tìm vùng đất mới để sinh cơ lập nghiệp, một số lưu dân người Việt đã dừng chân nơi này. Và xã Cà Mau ra đời sau đó. Đến năm 1714, xã Cà Mau có tên trên bản đồ nước Đại Việt.
Một số tài liệu viết rằng, dưới thời Gia Long, xã Cà Mau được nâng lên thành huyện Long Xuyên thuộc tỉnh Hà Tiên. Trải qua bao biến động, sau nhiều lần nhập - tách, đến đầu năm 1977, tỉnh Cà Mau trở về với tên gọi của mình.
Những ai lần đầu đến Cà Mau hẳn sẽ ngỡ ngàng trước sự sầm uất, tràn đầy năng lượng của thành phố trung tâm tỉnh lỵ, cách TP Hồ Chí Minh gần 350km và cách Hà Nội hơn 2.000km. Người Kinh, người Khmer và người Hoa sinh sống tại đây, cùng nhau gìn giữ những sắc màu văn hóa độc đáo, được thể hiện qua phong tục tập quán và phần nào là qua kiến trúc của các ngôi chùa…
Tại TP Cà Mau, một trong những điểm đến thu hút du khách là vườn chim trong lòng thành phố. Khi vạt nắng cuối ngày còn vương, từ khắp nơi, chim bay về từng đàn, đậu rợp các vòm cây.
Tác giả bên mốc tọa độ quốc gia ở Mũi Cà Mau - Ảnh: VIỆT HÀ |
Đặt chân lên Đất Mũi
Đến Cà Mau, người Việt nào cũng nóng lòng muốn đặt chân lên Đất Mũi - vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Sử liệu chép rằng Mũi Cà Mau hướng về phía tây thuộc xóm Mũi, xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển); bên trái Mũi Cà Mau là biển Đông, còn bên phải là biển Tây (vịnh Thái Lan). Nơi này cách TP Cà Mau hơn 100km. Hồi trước, cách duy nhất đến Đất Mũi là đi tàu, mất khoảng 2-3 giờ đồng hồ. Lướt trên sóng nước rất thú vị nhưng cũng có những bất tiện. Vậy mới có câu hát “Cà Mau đường đi không khó, mà chỉ khó qua sông vắng đò”. Giờ đây, mọi chuyện đã khác.
Xe chúng tôi qua cầu Năm Căn - cây cầu nằm trên mạch giao thông nối liền tuyến đường Hồ Chí Minh đến Đất Mũi. Cầu Năm Căn bắc qua sông Cửa Lớn - nơi có địa hình, địa chất thủy văn rất phức tạp. Thi công cây cầu này, các kỹ sư, thợ cầu Việt Nam đã cho thấy bước tiến vượt bậc của mình.
Đường Hồ Chí Minh, đoạn từ cầu Năm Căn đến Đất Mũi đã thông xe vào đầu năm 2016, sau gần 7 năm thi công. Nhà văn Nguyễn Việt Hà say sưa nói về con đường xuyên rừng dài hơn 50km, đã phá thế ốc đảo của Đất Mũi sau hơn 300 năm. Không còn đò giang cách trở, người Cà Mau và du khách không phải ngóng đợi những chuyến tàu để đến với vùng đất cuối trời Tổ quốc.
Xe bon bon trên con đường như một sợi chỉ xuyên qua mênh mông rừng đước ngập mặn. Ai nấy đều dõi sang hai bên đường, thu vào tầm mắt những hình ảnh rất đặc trưng của Cà Mau. Đi cùng “hướng dẫn viên du lịch” Nguyễn Việt Hà là người bạn thú vị của chị - cô giáo Ngọc Nhiên - người có giọng ca xao xuyến lòng.
Sau khoảng 2 giờ đi ô tô từ TP Cà Mau, chúng tôi bồi hồi xúc động chạm tay vào cột mốc tọa độ quốc gia. Chúng tôi hăm hở chụp ảnh lưu niệm tại mũi tàu và rưng rưng cầm trên tay nắm đất nồng nàn phù sa nơi cuối trời Tổ quốc.
Việt Hà kể rằng có những lần chị đưa đoàn khách gồm các bậc cao tuổi đến đây. Cầm nắm đất của Mũi Cà Mau trên tay, họ bật khóc vì xúc động. Hình ảnh đó làm cho “chủ nhà” rưng rưng nước mắt.
Có nhiều nơi để du khách chụp ảnh, lưu lại khoảnh khắc đặc biệt trong lần đầu tiên đến với Đất Mũi. Một trong những nơi đó là con đê chắn sóng biển. Từ đây, phóng tầm mắt ra xa là cụm đảo Hòn Khoai - cách Đất Mũi khoảng 2 giờ đi tàu. Trên đảo có rừng nguyên sinh, nơi bạn có thể bắt gặp những chú khỉ đùa nghịch trên đường đi, nghe tiếng của bầy voi vui sống giữa thiên nhiên hoang dã.
“Đặc sản” Cà Mau
Văn nghệ sĩ, nhất là những người cầm bút, đến với vùng đất cuối trời Tổ quốc đều muốn gặp gỡ một người con đặc biệt của Cà Mau: nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Cây bút nổi tiếng của miền Tây Nam Bộ, đã viết nên những tác phẩm khiến độc giả say mê, đau đến tận cùng, xót xa đến tận cùng và yêu thương đến tận cùng, là một phụ nữ giản dị, thân tình và dí dỏm. Các đồng nghiệp ở miền Tây nói vui rằng Nguyễn Ngọc Tư chính là một… đặc sản của Cà Mau.
Buổi giao lưu văn nghệ sĩ hai Hội thật thân tình và sôi nổi. Không có khoảng cách, không có sự bỡ ngỡ trong lần đầu tiên đặt chân đến nơi này, tình cảm của văn nghệ sĩ Cà Mau khiến chúng tôi xúc động. Trong buổi giao lưu đó, chúng tôi nghe giọng ca Thanh Chung (Chi hội Sân khấu - Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau) ca bài Ngược dòng lịch sử, điệu xuân tình; nghe nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Để thể hiện tài ca hát; nghe nghệ sĩ nhiếp ảnh kiêm đầu bếp Nguyễn Trọng Nguyễn hào hứng giới thiệu những đặc sản của sông - biển Cà Mau. Đáp lại tình cảm của “chủ nhà”, chị Thiều Thu Sa, “anh hiệu” Phùng Long Ẩn (Chi hội Sân khấu - Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên) “chiêu đãi” bạn phương xa “đặc sản” bài chòi xứ Nẫu.
Đến Cà Mau, chúng tôi được bạn văn nghệ đãi nhiều món ngon, trong đó có món cá nâu kho trái giác. Con cá nâu, trông giống cá dìa, điểm thêm những chấm tròn đen trên thân, thịt chắc và béo. Cá nâu kho trái giác - loại trái có vị chua thanh, ăn kèm với cây cù nèo, mác, bông súng… Hương vị vừa dân dã, vừa đậm đà khó quên.
Mắm ba khía là một đặc sản của Cà Mau. Dân địa phương nói rằng đây là món ăn của những người đi mở đất. Chỉ cần vài con ba khía muối mặn, xé ra thì ăn… hết cơm.
* * *
Rời Cà Mau với nắm đất đậm vị phù sa của Đất Mũi, lòng luyến lưu bởi ân tình của những người anh, người chị, người bạn trong làng văn nghệ, bởi sự mộc mạc dễ thương của người dân nơi tận cùng Tổ quốc. Thầm hẹn một ngày sẽ vượt đường xa, nao nức trở lại nơi này…
YÊN LAN