Thứ Tư, 09/10/2024 17:21 CH
Câu lạc bộ bài chòi... thôn
Chủ Nhật, 29/07/2018 14:00 CH

Buổi tập luyện của các thành viên CLB Bài chòi dân gian thôn Mỹ Hòa - Ảnh: THIÊN LÝ

Dù chỉ là một nhóm người say mê hát bài chòi nhưng Câu lạc bộ (CLB) Bài chòi dân gian thôn Mỹ Hòa (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) đã góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc, không ngừng hun đúc, truyền lửa đam mê bài chòi cho thế hệ mai sau.

 

Tiếng hát từ đam mê

 

Từ căn nhà nhỏ dưới tán cây bàng, chị Trình Thị Liên (51 tuổi) tươi tắn, niềm nở chào hỏi, đón chúng tôi vào nhà. Cùng với những thành viên trong CLB Bài chòi dân gian thôn Mỹ Hòa, chị Liên say sưa kể những câu chuyện nghề hát xướng mấy chục năm qua.

 

Với ánh mắt đam mê cháy bỏng, chị Liên, Chủ nhiệm CLB Bài chòi dân gian thôn Mỹ Hòa, kể: Trước đây, thôn Mỹ Hòa từng có nhiều người hát bài chòi. Nhưng thời gian đã lấy đi nhiều giọng ca bài chòi gạo cội của làng, khiến loại hình này không còn phát triển mạnh mẽ. Nghĩ về vốn quý của cha ông đang dần bị mai một, lãng quên theo thời gian, tôi lại đau đáu nỗi niềm làm sao giữ gìn nét văn hóa độc đáo truyền thống này của dân tộc. Đến khi anh Huỳnh Trọng Thống, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Phú Hòa, mở lời đề nghị thành lập CLB bài chòi để gắn kết những con người tâm huyết với loại hình nghệ thuật này, tôi mới mạnh dạn kêu gọi một số anh em, bạn bè có tâm huyết với nghệ thuật bài chòi trong và ngoài CLB Tuồng 10 Tháng 5 thành lập CLB Bài chòi dân gian thôn Mỹ Hòa.

 

Đầu năm 2017, CLB Bài chòi dân gian thôn Mỹ Hòa chính thức được thành lập. Ban đầu, số lượng thành viên còn khá khiêm tốn, chỉ được vài người. Đến nay, CLB có 13 thành viên, hầu hết là người dân của thôn Mỹ Hòa, một số ít ở xã khác. Niềm đam mê ca hát dân ca bài chòi đã kéo họ lại gần nhau hơn. Vào những buổi sinh hoạt định kỳ hay những thời gian thảnh thơi, họ tập hợp lại để được đờn, được hát. Phút chốc, anh nông dân, chị nội trợ hay người buôn bán... như lột xác, trở thành một nghệ sĩ say sưa hát, say sưa diễn.

 

Những câu hát bài chòi vừa mộc mạc, dễ hiểu lại vừa hóm hỉnh, vui tươi nhưng vẫn toát lên nét duyên dáng riêng biệt của người dân miền Trung. Càng hát càng say mê, nên nhiều người quyết tâm học hát bài bản. Vốn sẵn có năng khiếu hát và sự nhiệt huyết nên mỗi thành viên trong CLB Bài chòi dân gian thôn Mỹ Hòa đã tìm thấy nhiều điều thú vị về nghệ thuật dân gian truyền thống này.

 

Chị Đặng Thị Phiến (sinh năm 1966, ở thôn Đại Bình, xã Hòa Quang Nam) là thành viên ở xa nhất nhưng lại có duyên gắn bó với CLB Bài chòi dân gian thôn Mỹ Hòa từ lúc mới thành lập đến giờ. Chị Phiến vui vẻ nói: “Lớn lên cùng những giai điệu quê hương trong những câu hát ru của bà, của mẹ, nên từ nhỏ, 7 anh chị em gia đình tôi đều có “máu” văn nghệ. Năm hơn 40 tuổi, tôi tham gia CLB Tuồng 10 Tháng 5. Lúc ấy, tôi với Liên là chị em thân thiết trong CLB nên ngày Liên đứng ra tập hợp thành lập CLB Bài chòi thôn Mỹ Hòa, tôi xung phong đăng ký một chân hát bài chòi, một phần là mong muốn gìn giữ nét đẹp của quê hương, phần lớn là vì niềm đam mê bài chòi luôn sục sôi trong huyết quản”.

 

Bảo tồn nét văn hóa truyền thống

 

Những khúc hát bài chòi reo vui trong gió như xua tan đi cái nóng oi ả của mùa hè, giúp mọi người ai nấy đều cảm thấy vui vẻ, thấy có động lực để vượt lên những vất vả, lo toan trong cuộc sống. Buổi sinh hoạt vang lên những tiếng đàn, các thành viên trong CLB say sưa hát điệu xàng xê: Tôi đây đã hiểu ra rồi/ Con đông khó nhọc gia đình lao đao/ Ta nên dừng lại hai thôi/ Cho con học giỏi ngày mai giúp đời/ Thầy cô dạy bảo những lời/ Em ơi chăm học mai này thành công/ Chim trời tung cánh biển Đông/ Vinh quy bái tổ, là anh Nhứt Trò...

 

Bài chòi dân gian thu hút người xem đầu tiên phải kểđến là ngôn ngữ bình dân đặc thù qua các làn điệu: xuân nữ, xàng xê, hò quảng, cổ bản... Mỗi câu hát chính là tâm tư, tình cảm của người dân gửi gắm. Vì vậy, đểlàm một anh Hiệu hay chị Hiệu đòi hỏi phải biết hô hát nhiều câu thai. Ông Huỳnh Trọng Thống, người đỡ đầu cho CLB Bài chòi dân gian thôn Mỹ Hòa, nói: “Trước khi vận động hình thành CLB bài chòi, tôi đã viết hoàn chỉnh 33 câu thai dành riêng cho CLB. Ngoài ra, tôi còn sáng tác hơn 40 bài mới, chủ yếu ca ngợi vẻ đẹp quê hương và con người vùng đất Phú Hòa để phục vụ sinh hoạt”. Không chỉ là một cây bút sắc sảo chuyên sáng tác lời mới bài chòi, kịch bản sân khấu, ông Thống còn là cây đàn đa năng của các CLB trên địa bàn huyện Phú Hòa, trong đó có CLB Bài chòi dân gian thôn Mỹ Hòa. Từ đàn nhị, ghi ta, organ..., món nào ông cũng đầu tư nghiên cứu tìm hiểu.

 

Là CLB tự nguyện cấp thôn nên kinh phí để tổ chức các hoạt động không nhiều, hầu hết là sựđóng góp của các thành viên. Mọi chi phí từ âm thanh - ánh sáng, chòi trại, trang phục... đều một tay các thành viên “nhín nhịn” đóng góp. Một người kiêm cả mấy nhiệm vụ. Ông Phạm TựQuyền (58 tuổi), thành viên CLB, đảm nhận vai trò kỹ thuật viên âm thanh ánh sáng, chia sẻ: “Lúc mới tham gia CLB, tôi còn lơ ngơ chưa biết gì về bài chòi dân gian. Nhưng nhờ từ nhỏ hay theo các dì, các chị đi xem đánh bài chòi nên cũng tự mường tượng được không gian hô, hát bài chòi dân gian. Từ đó, tôi sáng tạo ra những câu đối, chòi tranh... riêng cho mình. Dẫu bỏ nhiều công sức nhưng được sống trong không gian của những âm thanh, giai điệu của loại hình nghệ thuật mình thích, tôi rất vui!”.

 

Mới thành lập được hơn 1 năm nhưng CLB đã mang những làn điệu bài chòi đi khắp các ngõ ngách trong thôn xóm đến các xã trên địa bàn huyện Phú Hòa và TP Tuy Hòa... vào mỗi dịp lễ hội, Tết đến xuân về. Dù khó khăn nhưng các thành viên CLB vẫn luôn tựhào khi góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc.

 

Hầu hết thành viên CLB Bài chòi dân gian thôn Mỹ Hòa đều là những cây văn nghệ quần chúng có chung niềm đam mê bài chòi. Bằng niềm đam mê của mình, họ đã tạo ra những sân chơi nghệ thuật lành mạnh. Sự ra đời của CLB Bài chòi dân gian thôn Mỹ Hòa đã góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc khi nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 

Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện Phú Hòa Nguyễn Thành Sơn

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek