Thứ Tư, 09/10/2024 17:18 CH
Đọc “Bức tranh quê” của lão nông Vũ Hoàng Giang
Thứ Ba, 24/07/2018 09:50 SA

Tôi quen Vũ Hoàng Giang từ hơn hai mươi năm trước, khi tôi thường về Hòa Thịnh chơi với ông bạn cùng dạy học ở huyện Sông Hinh.

 

Khi ấy, với tôi Vũ Hoàng Giang là một nông dân thích những người làm thơ, văn. Cứ nghĩ tôi là giáo viên Văn chắc đọc nhiều và am hiểu về thơ nên anh đem những bài thơ anh đã viết tay trên giấy đưa tôi xem và bảo tôi góp ý. Anh đọc vang những câu tâm đắc và luôn giải thích vì sao anh sử dụng ngôn từ như vậy, đơn giản là anh muốn tôi hiểu thơ anh! Thật sự cái thời bao cấp khó khăn, con người phải chật vật với cái ăn cái mặc nên tôi cũng không mặn mà chuyện thơ (ngoài những bài thơ trong sách phải dạy học trò). Thấy anh say sưa, tôi nói “hay quá” mà không bàn luận gì thêm. Cứ thế, mỗi lần có dịp gặp nhau, anh lại giới thiệu thêm mấy câu vừa làm, đọc vài câu thơ của ai đó mà anh cho là hay.

 

Tác giả Vũ Hoàng Giang - Ảnh: ĐOÀN PHÁP

 

Không ngờ từ dạo ấy anh cứ âm thầm viết, sửa, rồi viết… và mới đây anh cho ra đời tập thơ đầu tay của mình - “Bức tranh quê” với 106 bài mà anh tâm đắc nhất. Anh nói: “Đây là tập đầu tiên, nhưng có lẽ cũng là tập cuối cùng vì mình già rồi, vậy cũng đủ rồi…”.

 

Vũ Hoàng Giang tên thật là Võ Văn Phước, sinh vào những ngày Cách mạng Tháng Tám, hiện là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên. Anh sinh ra ở một miền quê nghèo, giáp chân dãy Trường Sơn thò ra biển, nơi thiên nhiên khắc nghiệt với những cơn mưa dai dẳng đã đi vào ca dao “Mưa Đồng Cọ, gió Tu Bông”, nơi đã đi vào lịch sử với quê hương Đồng khởi Hòa Thịnh. Khi Đồng khởi thành công, anh về học Trường Chân Bầu - tiền thân của Trường Lương Văn Chánh. Trường bị ném bom, theo con chữ anh lại rời quê về thị xã học cho đến lớp đệ tam, rồi đi làm thầy đồ dạy trẻ em ở Đắk Lắk. Sau năm 1975, anh quay về nơi chôn nhau cắt rốn của mình và làm ruộng nuôi con. Bên cạnh việc đồng áng, mỗi tối bên tách trà trong căn nhà nhỏ, anh hoài niệm về quá khứ bằng thơ.

 

Đọc thơ Vũ Hoàng Giang, người đọc không khó để hiểu về anh. Trong bài “Lời trần tình” in đầu tập như lời tự bạch, anh viết: Quê nghèo nên chữ còn nghèo/ Vần thơ rơm rạ gieo neo nỗi niềm…, Quê nghèo mà chữ nghĩa sang/ Vần thơ tôi trộn bùn non, nâu sồng/ Không bác học, chỉ bình dân/ Chút hương bay khắp xa gần mong sao/ Bốn phương thi hữu kết giao. “Không bác học, chỉ bình dân” nên mọi thứ trong thơ anh trần trụi, hình ảnh được mô tả rất thật, ngôn từ không trau chuốt. Như chuyện đến quán uống cà phê, anh viết: Bữa nay trời mưa lâm thâm/ Tôi ngồi trong quán ngóng trông một người/ Xung quanh tôi nhiều tiếng cười/ Nhìn ai cũng có một người ngồi bên (“Cà phê Chủ nhật”). Ở quê anh nói riêng và các vùng nông thôn miền Trung nói chung, Tết đến thanh niên đi làm ăn xa lại về sum họp với gia đình, xong rồi lại đi. Cảnh này anh mô tả trong mấy câu: Tháng Giêng rày đã cạn ngày/ Làng tôi vắng bóng trai cày gái quê/ Tôi ngồi nhìn những chuyến xe/ Chất người lên phố mà tê tái lòng/ Đời quê chân lấm tay bùn/ Làm sao giữ được bước chân trai làng (“Những chuyến xe tháng Giêng”).

 

Vũ Hoàng Giang đôi khi cũng hóm hỉnh, chiêm nghiệm cuộc sống bằng những vần thơ triết lý như trong bài “Mứt gừng”, anh viết: Đừng tưởng xuân bước qua/ Nghĩa là xuân sắp tàn/ Đừng nhìn sợi tóc trắng/ Bảo rằng xuân không còn…! hoặc Tuổi này sợi tóc xót xa/ Bóng câu qua cửa chiều pha ráng hồng/ Xin đời độ lượng bao dung/ Cho tôi chúm chím nụ hôn tuổi này? Nhưng những bài như vậy không nhiều. Thơ Vũ Hoàng Giang vẫn thiên về ký ức mà ở đó luôn có “em”. Cho dù anh đang nói chuyện ngày nay nhưng lúc nào anh cũng “đá” đến chuyện ngày xưa; và ngày xưa của Vũ Hoàng Giang gắn liền với tâm trạng của anh chàng nhà quê ra phố học và ở đó có bóng dáng của tình yêu, của mộng mơ, lãng mạn thời học sinh. Tôi hỏi anh sao thơ anh bài nào cũng nhắc đến “em” vậy, anh thừa nhận điều này và bảo, “em” ở đây là nói chung, là những người phụ nữ đâu đó trong ký ức, là những cô bạn học thời trường làng, trung học, người con gái nhà kế bên nơi ở trọ, có thể là một thôn nữ làng bên xinh đẹp, duyên dáng đã làm say mê bao trai làng, trong đó có anh. Thảo nào anh đã viết trong bài “Tự tình”: Một ánh mắt qua đường/ Một nụ cười đâu đó/ Hay một làn môi đỏ/ Cũng làm tôi vấn vương.

 

Sau bao năm xa phố, một ngày đầu xuân, lão nông Vũ Hoàng Giang cút kít chiếc xe đạp trên 20 cây số từ làng quê Hòa Thịnh về lại chốn xưa lòng bâng khuâng một bóng hình: Tháng giêng tôi về phố/ Ghé vườn hoa Diên Hồng/ Chiều rưng rưng nỗi nhớ/ Người ấy giờ tay bồng… (“Qua Tết về phố”). “Người ấy” là ai? Là PT trong “Có một miền quê xanh ngát”: Sao em không về Tuy An/ Chiều nay núi đứng mơ màng bóng trăng/ Chợ Đèo ngày ấy họp phiên/ Em đi xõa tóc nón nghiêng vai gầy/ Từ em vào phố đến nay/ Cốm làng Phong Hậu hương bay theo mùa; hay là TTM mà anh nhớ cả tiếng guốc của người con gái ấy: Đã bao năm rồi còn thương/ Những hẻm phố, những con đường hàng cây.../ Thương sao tiếng guốc em đi/ Khua trên đường phố mỗi khi tan trường (“Hướng về thành phố tôi yêu”). Và đây, lại một ai đó nữa mà Vũ Hoàng Giang đã gặp, và anh “ước”: Đôi bờ xa tít tắp/ Làm sao bắc nhịp cầu?/ Ước gì trời cho gặp/ Ta sóng bước bên nhau (“Dòng sông tôi mơ”).

 

Vũ Hoàng Giang trở về nơi chôn nhau cắt rốn nhưng trong anh không quên thị xã nhỏ của ngày xưa, bởi: Tuy Hòa trong tôi có quá nhiều kỷ niệm/ Tôi nhắm mắt có thể vẽ ra “bản đồ” đường phố Tuy Hòa (“Xa lắc rồi sao còn nhớ”). Một cơn mưa dai dẳng trong chiều, mưa ở cái xứ Đồng Cọ quê anh đã gợi nhớ về những ngày mưa phố thị: Mưa Đồng Cọ, mưa chín chiều tê tái/ Tôi chợt nhớ những mùa mưa xa ngái/ Những mùa mưa tôi trọ học Tuy Hòa/ Có một mùa mưa ngấp nghé vườn hoa/ Nước ngập ngã năm, nước băng qua chợ/ Em cầm tay tôi dung dăng khắp phố/ Tuổi mười lăm, mười bảy mối tình đầu (“Mỗi mùa mưa đến”). Và đây là hình ảnh sông Chùa - con sông chảy vòng qua chân núi Nhạn, trước ngôi chùa Kim Cang cổ kính: Từng hồi chuông đổ chiều ngân/ Nao lòng sông nước triều dâng nỗi niềm/ Tôi về đây không gặp em/ Sông Chùa thao thức trắng đêm tự tình (“Dòng sông thao thức”).

 

Hoài niệm trong thơ Vũ Hoàng Giang, đôi chỗ thoáng buồn. Anh tâm sự, đời riêng ai chẳng có, và anh gửi nó vào thơ như một sự giải thoát: Những lúc buồn tôi vịn câu thơ/ Câu thơ dìu tôi đi lang thang trong đêm sâu lắng/ Tôi thấy lòng mình thanh thản/ Nỗi buồn vơi đi và tôi lại mộng mơ (“Nơi nương tựa”). Vậy là anh lại mộng mơ trong thơ, trong mạch nguồn tâm hồn ông cụ ngoài bảy mươi chân lấm tay bùn: Bảy mươi tuổi, vẫn còn xuân/ Vẫn còn thao thức những đêm trăng đầy/ Ra đường mắt vẫn còn say/ Mùi hương hoa dại thoáng bay qua đường/ Tình cờ gặp ánh mắt nhìn/ Cũng làm xao xuyến nhịp tim đôi lần!

 

Vũ Hoàng Giang nói rằng: Trời cho tôi đôi mắt/ Tôi có quyền say em/ Trời cho em nhan sắc/ Em có quyền lên ngôi/ Trời cho tôi trái tim/ Tôi có quyền cất giấu/ Lúc buồn lấy ra nhìn… Bởi vậy thơ với anh cũng như với tất cả những ai yêu thơ đều đi đến sự chung nhất: Thơ là tiếng nói của tâm hồn. “Bức tranh quê” của Vũ Hoàng Giang là tiếng nói của tâm hồn lão nông xứ Đồng Cọ.

 

ĐOÀN PHÁP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek