Thứ Tư, 09/10/2024 17:19 CH
Âm vang cồng chiêng Cà Lúi
Thứ Ba, 24/07/2018 14:00 CH

Về xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) tận mắt xem trình diễn cồng chiêng mới cảm nhận hết nét độc đáo trong văn hóa của người đồng bào dân tộc thiểu số Chăm H’roi nơi đây. Nghệ thuật cồng chiêng không những là loại hình giải trí trong ngày hội của buôn làng mà hơn hết được ví như tiếng lòng, là hồn thiêng của đại ngàn.

 

Phần trình diễn cồng chiêng của các đội tại liên hoan Văn hóa cồng chiêng xã Cà Lúi - Ảnh: THIÊN LÝ

 

Nét văn hóa độc đáo

 

Khi mặt trời dần khuất núi, ánh hoàng hôn bắt đầu tắt lịm, thì chúng tôi cũng vừa đến nơi công diễn liên hoan Văn hóa cồng chiêng xã Cà Lúi lần thứ V, năm 2018.

 

Đêm buông xuống, ngọn lửa hội trại nổi lên, cũng là lúc các chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi từ khắp các thôn, buôn trong xã Cà Lúi hòa mình vào những giai điệu rộn ràng bên ánh lửa bập bùng. Các đội trình diễn cồng chiêng lần lượt xuất hiện bên ngọn lửa trại. Mỗi đội có gần 20 thanh niên, thi nhau thể hiện tài năng. Hòa vào âm thanh cồng chiêng rộn rã là những điệu múa xoan uyển chuyển. Các cô gái xúng xính trong những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình, nhún nhảy theo nhịp điệu của tiếng nhạc, trong khi các chàng trai tay đánh chiêng, chân bước điệu nghệ, người lắc lư theo điệu nhạc của núi rừng.

 

Phiêu theo điệu nhạc được phát ra từ bộ cồng chiêng truyền thống của dân tộc mình, anh So Y Dược, một trong những thành viên của đội thôn Ma Đĩa chia sẻ: “Những âm thanh cồng chiêng đã gắn liền với mỗi người con đồng bào chúng tôi từ khi cất tiếng khóc chào đời. Giai điệu chiêng thong thả, nhịp nhàng mà khoan thai với nhịp cồng rộn ràng, sôi nổi tạo nên nền nhạc lúc trầm, lúc bổng làm say đắm lòng người”. Bởi tâm niệm cồng chiêng là linh hồn của dân tộc nên dù điều kiện kinh tế của bà con còn khó khăn nhưng anh và nhiều thanh niên trong thôn vẫn “nhín nhịn” góp tiền sửa sang lại bộ cồng chiêng để kịp góp vui trong ngày hội.

 

Tại liên hoan Văn hóa cồng chiêng xã Cà Lúi, ngoài mang đến không khí nghệ thuật dân gian đầy màu sắc với kỹ năng trình diễn cồng chiêng điêu luyện, thành thục và không kém phần sáng tạo, các diễn viên không chuyên còn dàn dựng các tiết mục công phu, hoành tráng với âm thanh rộn ràng, náo nức lòng người, phản ánh chân thực đời sống văn hóa, tinh thần của các dân tộc thiểu số nơi đây.

 

Yêu những giai điệu đại ngàn, nghệ nhân Ma Ngun - người múa trống đôi giỏi nhất nhì buôn làng - đã chọn độc tấu đàn bầu (goog) và đàn knay để thi diễn tại liên hoan Văn hóa cồng chiêng xã Cà Lúi năm 2018. “Không ai chỉ dạy, tôi thích là đánh rồi tự cảm thấy ưng cái bụng là được! Lúc đó, nghe những người lớn tuổi chơi đàn, tôi bắt chước làm theo”, ông Ma Ngun nói.

 

Kết nối cộng đồng

 

Địa phương còn nhiều khó khăn, chưa có sự hỗ trợ vật chất đầy đủ cho các thôn, buôn nên các bộ cồng chiêng được sửa lại hoặc được mua mới hoàn toàn là nhờ vào sự đóng góp của cộng đồng, nhất là lực lượng thanh niên tại địa phương. Vì vậy, ai nấy tham gia liên hoan đều cảm thấy vui vẻ. Niềm hạnh phúc ấy còn thể hiện rõ trên khuôn mặt nhiều người. Chàng trai Lê Mô Y Nguyệt (thôn Ma Lúa) vui vẻ nói: “Năm 2016, thôn Ma Lúa chưa có điều kiện tham gia liên hoan Văn hóa cồng chiêng xã Cà Lúi thì năm nay, thôn chúng tôi đã quyết tâm sửa sang lại bộ cồng chiêng để kịp góp vui trong ngày hội của xã nhà. Điều này khiến tôi cảm thấy ấm lòng. Chỉ mong sao, sau những giờ lên rẫy, trồng củ sắn, cây mía, nuôi con bò, chúng tôi lại có cơ hội được đánh cồng chiêng, nhảy điệu xoan, góp sức giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc mình trong các ngày hội lớn”.

 

Ông So Y Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Cà Lúi, Trưởng Ban tổ chức hội trại và liên hoan Văn hóa cồng chiêng xã Cà Lúi lần thứ V, năm 2018, cho biết: “Liên hoan đã thu hút hơn 200 diễn viên, nghệ nhân chủ yếu là đồng bào dân tộc Chăm H’roi đến từ các thôn trong xã tham gia. Đây là hoạt động truyền thống của địa phương được tổ chức hai năm một lần, nhằm phát triển phong trào văn hóa văn nghệ của xã, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc; tạo sân chơi lành mạnh cho người dân địa phương. Đồng thời còn là dịp để thanh niên các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, học hỏi lẫn nhau về văn hóa giữa các dân tộc nói chung và văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm H’roi nói riêng, tăng cường tinh thần đoàn kết giữa các xã trong cụm”.

 

Xã Cà Lúi là địa phương đầu tiên trên địa bàn huyện tổ chức và duy trì thường xuyên liên hoan văn hóa cồng chiêng cấp xã. Để liên hoan diễn ra thành công là sự nỗ lực rất lớn từ địa phương, đặc biệt là nhờ sự đóng góp của các cơ quan, đoàn thể và nhà tài trợ. Chúng tôi mong rằng, nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc được các cấp chính quyền quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn nhằm duy trì và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng.

 

Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sơn Hòa

Nguyễn Thiện Tình

 

THIÊN LÝ 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek