Thứ Tư, 09/10/2024 23:28 CH
Sức sống của bài chòi
Thứ Bảy, 02/06/2018 14:00 CH

Có thể nói, đa phần người dân Phú Yên thuộc một vài câu bài chòi để hát những lúc vui, buồn. Bài chòi ghi dấu ấn trong kháng chiến, tiếng hát át tiếng bom. Bài chòi hiện diện trong hội hè. Bài chòi có mặt trong các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ. Từ trong lao động sản xuất, bài chòi đi lên cùng quê hương đất nước.

 

Tái hiện hội bài chòi tại lễ đón bằng UNESCO vinh danh nghệ thuật bài chòi - Ảnh: YÊN LAN

 

Rủ nhau xem hát bài chòi

 

Nghe hô, nghe hát bài chòi là một phần quan trọng trong sinh hoạt đời sống văn hóa, tinh thần của quê tôi ngày ấy. Thời đó, các gánh hát hô cũng ăn nên làm ra lắm. Cứ vào tầm sau Tết đến tháng 3 âm lịch, thời tiết tốt, mùa màng rảnh rang, gặp lúc nông nhàn là các gánh hát “ra quân”. Làng nào cũng có gánh hát về hát, có khi làng mời, trả tiền bồi dưỡng và bao hết ăn ở, còn phần nhiều là gánh hát tự lo, ban ngày nghỉ, ban đêm chong đèn măng-xông hát đến tận khuya. Sân khấu được làm bằng ván dựng nơi sân trường, có khi là một khoảnh đất trước đình làng, lẫm xóm. Tối diễn thì ngày đó có người đi rao hát. Ông đi rao mang một cái trống “bum” (trống chiến) trước bụng, vừa đi vừa đánh lum tum, lum tum… Đến những nơi có nhiều người tụ tập như chợ xổm, cổng trường…, ông dừng lại, vừa đánh trống vừa hô một vài câu bài chòi trong vở tuồng đêm đó diễn để mọi người chú ý. Bọn trẻ con chúng tôi chạy bu theo, ông phát mỗi đứa một tờ rơi nhỏ, nội dung quảng cáo đêm diễn, được in “li-tô” trên giấy màu vàng, đỏ, xanh. Và bọn trẻ con chúng tôi rủ rê, nói chuyền nhau, chẳng mấy chốc làng trên xóm dưới đều biết tối có hát.

 

Có câu nói đã thành một thành ngữ “Đông như đám hát”. Thật vậy, vừa sẩm tối, đèn măng-xông chưa kịp bật sáng sân khấu mà người xem đã đến ngồi xí chỗ trước rồi. Đêm đó gánh hát hát tích truyện Lang Châu - Lý Ân. Đến bây giờ ngồi viết bài này, cảm giác của tôi vẫn còn rung động với các làn điệu bài chòi mà vai diễn Lang Châu và Lý Ân hát. Những câu hát làm say đắm người xem, đến lúc tan hát rồi mà nhiều người không muốn về!

 

Cứ thế, những đêm tiếp theo, các tuồng Tam Hạ Nam Đường rồi các tích truyện thơ dân gian: Thoại Khanh Châu Tuấn, Lâm Sanh Xuân Nương, Phạm Công Cúc Hoa… đã lấy nước mắt bao nhiêu người, trong đó có những người trong gia đình tôi. Rồi mãn đợt hát, gánh hát nhổ rạp lưu diễn nơi khác, cả làng tôi gần như ủ ê mấy ngày mới trở lại trạng thái bình thường!

 

Cái cách hát hô thật hấp dẫn, sau này lớn lên theo nghề ca hát, tôi mới biết cách hát đó quá độc đáo. Các nghệ nhân hô bài chòi luôn biến hóa tiết tấu sinh động, hát đảo phách, đạp nhịp, các trọng âm trong câu hát thường rơi ngoại nhịp, nghe lạ tai với các điệp ngữ (hát lặp lại câu hát trước), hư từ (mà, thởi mà này, quơ quơ, ư ư…) đệm thêm và nhắc lại. Cách hát ngẫu hứng, tài tình của các nghệ nhân là một thành tố đặc biệt trong hát hô bài chòi. Chưa kể trong lời hô cũng phá niêm luật của thơ lục bát, tạo hiệu ứng mới: Nước ngược, ta bỏ sào ngược/ Ta chống chẳng được ta bỏ sào xuôi/ Núi cao chi lắm núi ơi/ Núi che mặt trời chẳng thấy người thương, hoặc hô dãn ra theo lục bát biến thể: Vô phúc, múc phải anh chồng già/ Ra đường người ta hỏi rằng cha hay chồng/ Nói ra nó cực cả tấm lòng/ Cái nợ truyền kiếp đó, có phải chồng tôi đâu.

 

Phải nói thể thơ lục bát, lục bát biến thể, song thất lục bát đã được các nghệ nhân bài chòi sử dụng một cách nhuần nhuyễn, uyển chuyển trong các làn điệu: xuân nữ (hơi oán), xàng xê lụy (hơi lụy), nam xuân (hơi xuân) và xàng xê dựng (hơi dựng), cùng hát pha với một số làn điệu của hát bộ, đã làm cho đêm hát giàu sắc màu âm điệu, phong phú về cách diễn xướng. Cái thời ấy ai cũng mê giọng hát hô như chuông của nghệ nhân Ba Niêm, hay giọng ngọt ngào của Ngọc Ơi, giọng thanh tao của Ngọc Xanh, giọng thổ của Văn Sửu… Ở một nơi mà nhiều người mê hát hô bài chòi như vậy nên miền quê ấy đương nhiên cũng sinh ra nhiều nghệ nhân hát hô bài chòi. Cái làng nhỏ Phú Nông (nay thuộc xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) lúc đó ngoài Ba Niêm còn có Thanh Sang, Văn Hơn, Tám Nhất và cả gia đình bà Thìn, trong đó có Kim Tỵ, Kim Phụng hát hô rất hay. Xa hơn, ở Hòa Mỹ (huyện Tây Hòa ngày nay) có gánh bà Ơi, ông Nhạc, ra Phú Thứ có gánh ông Nhưng Hai, chưa kể gánh hát của Ngọc Xanh - Văn Sửu nổi tiếng với cách hát hô bài chòi pha với hát bộ mê đắm! Họ là những nghệ nhân bán chuyên, họ chỉ trở thành nghệ sĩ mỗi khi Tết đến xuân về, các dịp hội hè, đình đám hoặc những khi rảnh rỗi việc đồng áng.

 

Hội bài chòi tại lễ hội Đền Lê Thành Phương (huyện Tuy An) - Ảnh: THIÊN LÝ

 

Bài chòi trong lửa đạn

 

Sau Đồng khởi, phong trào cách mạng ở miền Nam lớn mạnh. Quê tôi trở thành vùng tranh chấp. Đêm đêm nghe tiếng đạn cà-nông xé gió rẹt rẹt nổ ầm ầm, xóm làng không yên giấc ngủ. Những đóm hỏa châu rạch ngang dọc màn đêm, tiếng súng lúc xa lúc gần, có lúc rộ lên như bắp rang… Rồi vùng giải phóng ngày càng mở rộng. Cứ ngỡ trong thời chiến không ai nghĩ tới hát hò nữa, nhưng có một buổi chiều, khoảng giữa năm 1965, má thầm thì với cha điều gì đó, rồi sâm sẩm tối má dẫn tôi đi. Tôi hỏi má đi đâu, má bảo đi coi văn công hát. Lần đầu tiên tôi nghe hai tiếng “văn công” nhưng không hiểu gì. Trên đường đi gặp nhiều dân quân, du kích, mũ tai bèo, súng ống ngang vai; nhiều người ở xóm tôi cũng đi coi hát. Tôi đi mỏi chân, tới nơi thì sân khấu đã sáng đèn măng-xông, có người đón và hướng dẫn chỗ ngồi xem. Tôi chú ý: người xem đã ngồi chật kín đám ruộng vừa gặt xong, người dẫn chương trình xuất hiện giới thiệu rằng đây là đoàn văn công của tỉnh Phú Yên, về phục vụ nhân dân vùng giải phóng. Trong các tiết mục biểu diễn, tôi nhớ có hát, múa, kịch, tấu hài. Khi xem có lúc phải dừng loa, tắt đèn vì có tiếng cà-nông nổ ở đâu đó vọng lại; có lúc mọi người nhốn nháo. Nhưng rồi tiếng hô hát bài chòi mùi quá, tự nó đã ổn định mọi người.

 

Những câu hát cho đến nay tôi vẫn còn nhớ: Quê anh Tiến Thọ Lâm Hòa Hiệp/ Gia đình anh mẹ mất sớm còn cha/ Chị bốn anh đã có tư gia/ Còn đàn em dại sống qua ngày tháng/ Anh biết làm trai trong thời ly loạn/ Không thể ngồi yên nhìn bầy quạ đen xâu xé nước non ơ… nhà/ Thế rồi anh từ bỏ quê nhà/ Nhập vào lực lượng giải phóng ta cho trọn tình… Những câu hô bài chòi đó và tiếng đàn măng-đô-lin trong các bài hát, điệu múa đã theo tôi trên đường về, lòng vui rộn ràng nên tôi không thấy mỏi như lúc đi, đến sáng ngủ dậy đôi chân tôi rã rời. Tôi nghe cha nói đêm hôm qua má con tôi đi coi hát tận trên Phú Thứ, từ nhà tôi đi và về trên 10 cây số, hèn chi mà chân cẳng mỏi nhừ!

 

Lần đầu tiên tôi coi hát của Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Phú Yên là vậy. Những làn điệu bài chòi đó, sau này, cả làng tôi gần như ai cũng thuộc, không trọn bài thì cũng vài câu. Sự lan tỏa mạnh mẽ của bài chòi là vũ khí sắc bén của cách mạng và cách mạng đã đưa bài chòi theo kháng chiến!

 

Chiến tranh ngày càng ác liệt hơn, dấu giày của lính Mỹ, lính Nam Triều Tiên tràn ngập làng quê. Khi gia đình tản cư xuống Đông Tác để tránh bom đạn, gần 10 năm tôi không còn nghe hát, nghe hô bài chòi nữa, chỉ thỉnh thoảng gặp một vài người hát rong ngửa nón hát bên đường với các trích đoạn của truyện thơ Lâm Sanh Xuân Nương, Thoại Khanh Châu Tuấn… kiếm sống qua ngày. Nghệ thuật dân gian bài chòi cũng chìm nổi trong cuộc chiến.

 

Sức sống mãnh liệt của bài chòi

 

Sau ngày Phú Yên giải phóng, tôi tham gia đội văn nghệ xã Hòa Bình. Bài chòi sống lại mạnh mẽ, luôn là các tiết mục chính trong chương trình biểu diễn của các đội văn nghệ thôn, xã… Các sinh hoạt văn hóa văn nghệ của cơ quan, đoàn thể đều có tiết mục bài chòi. Bài chòi cổ động mọi người tham gia phong trào khai hoang phục hóa. Bài chòi có mặt trong các buổi họp của dân chuẩn bị vào hợp tác xã. Bài chòi động viên mọi người tham gia lao động sản xuất, ca ngợi cuộc sống mới… Đoàn văn công của tỉnh từ chiến khu về có điều kiện hơn để đưa các tiết mục bài chòi với các điệu xuân nữ, xàng xê, cổ bản, hò quảng của tác giả Vũ Trung Uyên, Thế Kỷ, Đồng Thụ, Lê Hữu Phước, Cao Cường, Bùi Văn Thông, Thế Linh… viết trong những năm lửa đạn để phục vụ rộng rãi nhân dân với các giọng hát của đoàn như Ngọc Thừa, Vũ Hoài, Nguyễn Phụng Kỳ… Lúc đó Đoàn Văn công Phú Yên diễn ở đâu tôi đều có mặt để xem và tìm kiếm các sáng tác bài chòi về tập cho đội văn nghệ xã tôi. Rồi Phú Yên, Khánh Hòa sáp nhập thành tỉnh Phú Khánh. Đoàn Văn công Phú Yên chia làm ba, ai hát bộ về Đoàn Tuồng Phú Khánh, ai ca múa nhạc về Đoàn Ca múa nhạc tổng hợp Phú Khánh, ai hát bài chòi nhập vào Đoàn Dân ca Liên khu 5 ở miền Bắc mới về. Từ đó, bà con có dịp thưởng thức các vở kịch dân ca bài chòi trên sân khấu lớn, với đầy đủ cảnh trí, âm thanh, ánh sáng hoành tráng, như các vở: Đội kịch chim chèo bẻo (Nguyễn Văn Niêm và Hoàng Lê), Tiếng sấm Tây Nguyên (Thanh Nha, Thế Lữ), Thoại Khanh Châu Tuấn (Nguyễn Tường Nhẫn), Nghìn thu vọng mãi (Lưu Trọng Lư), Tầm vóc đại hồng (Trúc Đường). Có một vở mà bối cảnh câu chuyện ở đồng bằng Tuy Hòa trong những năm xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, là Chuyện tình dưới chân núi Đá Bia (kịch bản Nguyễn Tường Nhẫn, đạo diễn Nguyễn Khánh, trợ lý đạo diễn NSND Lệ Thi, họa sĩ Văn Na, âm nhạc Hoàng Lê). Bà con ở Tuy Hòa ai xem cũng thích, vì câu chuyện làng quê gần gũi, vì có 2 diễn viên của đoàn là Bùi Thành và Lê Hạ là người Tuy Hòa chính gốc, mới tuyển sau lúc sáp nhập tỉnh mà đã vào vai diễn rất tốt.

 

Sau khi Phú Yên tái lập tỉnh, về làm việc ở Đoàn Ca múa nhạc Sao Biển (tiền thân của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển), tôi có dịp hiểu thêm về nghệ thuật dân gian bài chòi. Tôi biết ngành Văn hóa của tỉnh đã quan tâm sưu tầm, tổ chức nhiều buổi hội thảo rồi in sách, làm phim, phục dựng để lưu giữ, bảo tồn và có hướng phát triển bộ môn nghệ thuật này. Sở VH-TT-DL cũng đã tổ chức các hội diễn, liên hoan hát dân ca và bài chòi. Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển cũng đã mạnh dạn đưa bài chòi tham gia Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc (2009) và chương trình thi diễn đoạt huy chương. Trong kịch mục của Nhà hát Sao Biển phục vụ khách du lịch, phục vụ nhân dân và giao lưu tại các lễ hội lớn trong nước hoặc giao lưu quốc tế luôn có phần hát bài chòi, với sự thể hiện của các nghệ sĩ: Quang Thơm, NSƯT Khánh Trang, Thanh Huệ, Thanh Vân, Quốc Dũng, Minh Khương... và các nhạc công: Ngọc Thanh (đàn bầu, nhị), Quốc Huy (sáo), Thanh Tuấn (trống), Xuân Huy (sến), NSƯT Thanh Hải. Đặc biệt, mỗi năm Nhà hát Sao Biển phối hợp với các cộng tác viên là nghệ nhân bài chòi tổ chức gần 20 buổi biểu diễn chuyên hát bài chòi tại các địa phương trong tỉnh. Sao Biển là một trong những đơn vị kế thừa, gìn giữ, phát huy nghệ thuật dân gian bài chòi. Từ khi Bộ VH-TT-DL công nhận bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, từ miền quê đến thành phố, hội bài chòi đã được phục hồi và tổ chức thường xuyên hơn, trong những ngày Tết Nguyên đán, các dịp hội hè. Các CLB Bài chòi được củng cố và hoạt động đều hơn. Các nghệ nhân bài chòi kỳ cựu: Thu Hồng (TX Sông Cầu), Thanh Hằng (TP Tuy Hòa), Vũ Hoài, Trọng Tích (TP Tuy Hòa), Bình Thảng (Đông Hòa), Minh Uông (Phú Hòa)… cùng với các nghệ nhân lớp sau: Tấn Minh, Hoàng Long (Tuy An), Trình Thị Liên (Phú Hòa), Ngọc Ánh, Thanh Gởi (TP Tuy Hòa), Ái Phi, Thu Sa (Đông Hòa), Thùy Trang, Thanh Hằng (Tây Hòa)… cùng các nhạc công: Mai Hoàng (sến), Bảy Cảnh, Ngọc Dũng, Đình Thám, Ngọc Danh (guitar phím lõm), Duy Nhiên (hạ cầm), Trọng Thống, Hữu Lợi… (nhị), Khắc Huynh, Mười Ký (trống)… ngày đêm khổ luyện ngón đàn để đồng hành với diễn viên nâng hồn lời hô, giọng hát, đưa nghệ thuật dân gian bài chòi vang xa. Các tác giả chuyên viết lời bài chòi: Nguyễn Phụng Kỳ, Bình Thảng, Trần Đông, Nguyễn Ngọc Thừa, Huỳnh Trọng Thống… cũng góp phần cho bài chòi bay bổng.

 

Có thể nói ở Phú Yên, đa phần người dân thuộc một vài câu bài chòi để hát những lúc vui, buồn. Bài chòi ghi dấu ấn trong kháng chiến, tiếng hát át tiếng bom. Bài chòi hiện diện trong hội hè. Bài chòi có mặt trong các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ. Từ trong lao động sản xuất, bài chòi đi lên cùng quê hương đất nước.

 

Nhìn lại nghệ thuật dân gian bài chòi, ta thấy sự phát triển từ câu thai, bài chòi chiếu đến hội bài chòi rồi hô diễn bài chòi (bài chòi lớp, bài chòi truyện tích). Bài chòi từ đất lên dàn, phát triển lên thành một bộ môn ca kịch hẳn hoi. Không chỉ gói gọn ở 4 làn điệu cơ bản là xuân nữ, xàng xê, hò quảng và cổ bản, ca kịch bài chòi còn mở rộng, tiếp thu những làn điệu dân ca Khu 5 như lý tang tít, lý vãi chài, lý con ngựa, lý thượng, hò giã vôi, lý vọng phu… và phát triển một số làn điệu mới: lía phôn (âm nhạc: Cung Nghinh, lời: Liên Nguyễn), lía phấu (Hoàng Lê), vọng kim lang (âm nhạc: Hoàng Lê, lời Lưu Trọng Lư), làm phong phú thêm các làn điệu, âm nhạc và lời hát phù hợp với các tình huống trong kịch bản. Lâu rồi, tôi có đọc một tài liệu nói về thể loại sân khấu này. Nhà thơ, nhà viết kịch Thế Lữ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đã nhận xét: “Bài chòi biến đổi mau lẹ, có khả năng thích ứng với bất kỳ hoàn cảnh mới nào. Bài chòi đã tiếp thu và phát triển chất liệu dân ca tại địa phương mình… tức là thu hút một nguồn sinh lực âm nhạc trong lành, khỏe khoắn mà các loại sân khấu kịch hát đi trước (tuồng, chèo, cải lương…) cũng bắt nguồn như vậy”.

 

NS-NSƯT CAO HỮU NHẠC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Cơn bão” mang tên Phút 89
Thứ Năm, 31/05/2018 13:00 CH
Boléro đang nhạt
Thứ Năm, 31/05/2018 09:43 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek