Thứ Tư, 09/10/2024 23:21 CH
Loại dần khói thuốc trong… tác phẩm văn học nghệ thuật
Thứ Ba, 29/05/2018 11:00 SA

Bức ảnh mô tả sự tàn phá của khói thuốc lá đối với phổi của con người - Nguồn: Internet

Nhiều năm về trước, hình ảnh nhân vật sử dụng thuốc lá xuất hiện khá thường xuyên trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, phổ biến nhất là phim ảnh. Sau khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ra đời đi vào cuộc sống và Bộ VH-TT-DL có thông tư quy định hạn chế sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh, mọi chuyện đã thay đổi.

 

Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Thanh Xuân, người gắn bó với nhiếp ảnh từ thập niên 80 và có gần 20 năm làm phóng viên ảnh tại Báo Phú Yên, trước đây, khi việc sử dụng thuốc lá được coi là bình thường và tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe chưa được đề cập nhiều, hình ảnh nhân vật hút thuốc lá xuất hiện khá phổ biến trên phim ảnh. Ở lĩnh vực nhiếp ảnh, một số nghệ sĩ nhiếp ảnh đã thành công với những tác phẩm ghi lại hình ảnh người đàn ông, phụ nữ dân tộc thiểu số cầm tẩu thuốc, khói ngoằn ngoèo bay lên. Tác phẩm của họ đoạt giải thưởng quốc tế. Vậy là một số người cầm máy khác hào hứng thực hiện theo mô típ đó. Thậm chí có trường hợp nhân vật không hút thuốc thì người chụp ảnh cũng ấn cái tẩu bự chảng vào tay họ, để có được hình ảnh làn khói mỏng ngoằn ngoèo bay lên.

 

Trong hàng loạt truyện ngắn của nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, cây bút rất có duyên với đề tài đồng ruộng, khắc họa hình ảnh người nông dân ở những góc nhìn khác nhau, một số nhân vật có sử dụng thuốc lá. “Ví dụ như bác nông dân mang ấm nước đi ra ruộng, ngoài cái nón cời trên đầu, cái khăn vắt trên vai, bác nông dân còn mang theo bọc thuốc rê để hút trong lúc nghỉ tay giữa buổi cày. Đó là thực tế cuộc sống đi vào tác phẩm”, nhà văn Huỳnh Thạch Thảo nói. Cá biệt có một truyện ngắn được anh mở đầu bằng câu thoại, nhân vật gọi một bao thuốc lá. Đấy như là cái cớ để rồi những ký ức, kỷ niệm ùa về…

 

Năm 2012, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ra đời và từ ngày 1/5/2013, luật này đi vào cuộc sống; các hoạt động truyền thông về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe ngày càng được tăng cường. Bộ VH-TT-DL cũng đã có Thông tư 02/2014 quy định hạn chế sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh. Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014, thông tư này quy định nguyên tắc hạn chế sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh: Không thể hiện trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh hành vi bị nghiêm cấm và hành vi vi phạm nghĩa vụ của người hút thuốc lá, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án các hành vi này; không ca ngợi tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh thuốc lá; không sử dụng thuốc lá trong tácphẩmsân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em.

 

Theo Thông tư 02/2014, chỉ sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh trong trường hợp khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử có thật; tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định; phê phán, lên án hành vi sử dụng thuốc lá. Các trường hợp nhằm mục đích nghệ thuật khác phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trên cơ sở đề nghị của hội đồng nghệ thuật. Khi sử dụng thuốc lá, diễn viên không thực hiện hành vi hút thuốc thật trên sân khấu. Đối với tác phẩm điện ảnh, trường hợp phim có nhiều hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá theo đánh giá của hội đồng thẩm định thì trước hoặc trong khi chiếu phim phải có cảnh báo sức khỏe về tác hại của thuốc lá bằng chữ hoặc hình ảnh và được phân loại để phổ biến theo lứa tuổi...

 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Thanh Xuân chia sẻ rằng khi thực hiện các tác phẩm ảnh nghệ thuật, ông không bao giờ đưa vào ống kính những hình ảnh sử dụng thuốc lá: “Vẻ đẹp của khói bếp, khói đốt đồng thì tôi ghi lại, riêng khói thuốc lá thì không bao giờ”. Còn khi thực hiện các tác phẩm ảnh báo chí, gặp lúc nhân vật đang hút thuốc lá, nếu không chụp ảnh để phê phán thì nhà báo Dương Thanh Xuân sẽ nhẹ nhàng đề nghị nhân vật bỏ điếu thuốc xuống hoặc đợi họ sử dụng xong mới chụp. “Khi mình đề nghị bỏ điếu thuốc đi, nhân vật vui vẻ làm theo. Khói thuốc lá chưa bao giờ xuất hiện trong khuôn hình của tôi. Giữa cái mà có người cho là đẹp và cái đúng, tôi chọn cái đúng”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Thanh Xuân nói.

 

Khi luật và các văn bản dưới luật đi vào cuộc sống, khi văn nghệ sĩ thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc hạn chế tác hại của thuốc lá, hình ảnh nhân vật mơ màng rít thuốc không còn phổ biến trong các tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung, tác phẩm của văn nghệ sĩ Phú Yên nói riêng. “Tùy thuộc vào bối cảnh của tác phẩm và đặc trưng nhân vật; có rất nhiều bối cảnh và nhân vật không thể nào xuất hiện cùng điếu thuốc lá. Xã hội càng tiến bộ, người ta càng không chấp nhận việc sử dụng thuốc lá”, nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, nói.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nhiều tiết mục đặc sắc, hấp dẫn
Thứ Ba, 29/05/2018 08:37 SA
Hồn thơ neo dưới trăng vàng
Chủ Nhật, 27/05/2018 14:00 CH
Tác giả Nơi đảo xa đã về nơi xa
Chủ Nhật, 27/05/2018 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek