Hay cười, tóc hoa râm, chuyện trò thì đậm chất “Nẫu” nhưng khi bước lên sân khấu lại hoàn toàn khác, Phan Kim Việt là một giọng thơ quen thuộc qua bao mùa trăng xuân dưới chân tháp Nhạn. Hào sảng khi thể hiện bài thơ thần Nam quốc sơn hà, tình cảm, sâu lắng khi đọc những bài thơ chứa đầy tâm tư, cảm xúc của các tác giả khác, ông dường như đã trở thành một phần của hội thơ Nguyên tiêu. Không chỉ là người trình diễn thơ, Phan Kim Việt còn là một cây bút thơ có sắc màu riêng, dung dị và hào sảng.
Cứ nghĩ sẽ gặp Phan Kim Việt tại cơ quan, Hội Nông dân tỉnh Phú Yên, tôi hơi ngạc nhiên khi biết ông nghỉ hưu sau hơn 1/4 thế kỷ gắn bó với cơ quan này. Hóa ra ông đã ngoài 60, vậy mà đôi lúc vẫn rất hồn nhiên, nụ cười vẫn trẻ. Nhưng trong thơ ông, người yêu thi ca “nhìn thấy” một Phan Kim Việt khác: phóng khoáng câu chữ và chất chứa suy tư.
Luyện từ gian khó
mẹ dành cho con cả bầu sữa ngọt ngào
luyện từ cuộc đời
cha dành cho con trọn vẹn khối thép đỏ.
..….
Rồi con hãy đi cùng cha
vào tận rừng sâu, lên tận đỉnh núi cao
không phải để ngắm hoa ngàn và xem công múa
mà để biết nhờ đâu núi rừng nên xanh cây xanh lá
để biết những dòng sông bắt nguồn từ đâu
và để biết nhìn xuống khi ta ở trên cao...
(Con hãy đi cùng cha)
Phan Kim Việt kể rằng, ông tập tành làm thơ từ năm 8, 9 tuổi. Đó là những bài thơ viết về làng xóm quê mình (nay là xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa) trong khói lửa chiến tranh. “Thơ thấm vào tâm hồn tôi từ nhỏ, qua những bài thơ học lúc vỡ lòng”, Phan Kim Việt tâm sự. Lớn lên, ông vẫn thích làm thơ về quê hương đất nước, về con người gắn với lịch sử. “Lịch sử giáo dục con người biết trước biết sau, biết trên biết dưới. Đến giờ, tôi vẫn thuộc lòng những bài thơ có bóng dáng lịch sử được học từ hồi nhỏ”, ông chia sẻ.
Thơ của Phan Kim Việt có sắc màu riêng, dung dị và cũng rất hào sảng. Ông trăn trở khi sáng tác chứ không viết rào rào. Đến nay, “gia tài” của ông khoảng 400 bài thơ, hầu hết đã in trên các báo, tạp chí, nhiều nhất là Văn nghệ Phú Yên. Đặc biệt, Phan Kim Việt sáng tác 3 trường ca, Đất nước thiêng liêng là một trong số đó.
…Em ơi em
đất nước ngàn năm
đất nước thiêng liêng
chúng mình gọi là Tổ quốc
là của chúng ta
của lớp lớp mẹ cha
của đời đời tổ tiên lặn lội, tảo tần gầy dựng
từ đỉnh non cao đến đáy sâu biển rộng
đếm sao cùng nước mắt, mồ hôi
đếm sao cùng máu đổ, xương rơi
mỗi hạt đất, từng giọt nước em ơi
nghĩa núi, tình sông sâu nặng!
Em ơi em,
đất nước ngàn năm
gừng cay muối mặn
gánh hy sinh vô bến vô bờ
từ gò mả ở mỗi làng quê
đến nghĩa trang ở mỗi miền xứ sở
có nơi đâu đã đón hết người về?
và, em ơi
cả những ngôi mộ gió kia
những ngôi mộ gió nơi bão vờn, sóng dập
những ngôi mộ gió nơi chót vót đỉnh non cao
những ngôi mộ gió nơi đầu nguồn, cuối bãi
cùng che chắn cho non sông đơm hoa, kết trái
nói sao cho hết, cho cùng!
(Trích trường ca Đất nước thiêng liêng)
Phan Kim Việt đến với đêm thơ Nguyên tiêu từ năm 1990. Đầu tiên, ông đọc thơ mình. Khi đêm thơ được đưa lên đỉnh núi Nhạn, quy mô hơn, ông được ban tổ chức giao đọc thơ của một vài tác giả khác. Những người yêu thi ca ở Phú Yên quen mặt, nhớ tên và nhớ giọng đọc của ông, nhất là khi thể hiện bài thơ thần Nam quốc sơn hà. Tự lúc nào, Phan Kim Việt đã trở thành một phần của đêm thơ Nguyên tiêu.
Có một điều thú vị là những “tiệc thơ” trên đỉnh núi bát ngát gió trăng không chỉ làm đầy thêm cảm xúc cho hồn thơ Phan Kim Việt mà còn đắp bồi tình yêu thi ca cho cô bé Phan Thị Hà Tuyên, con gái đầu của ông. Cô bé tập tành làm thơ từ khi còn nhỏ xíu và được cha chỉnh sửa, truyền cảm hứng. Hà Tuyên học chuyên Lý, song là cây bút trẻ đáng chú ý ở Phú Yên và hiếm khi vắng mặt trong các “tiệc thơ” Nguyên tiêu. Cô bé yêu thơ ngày đó giờ đang học cao học năm cuối tại TP Hồ Chí Minh, ngành Hải dương học.
Không chỉ làm thơ, Phan Kim Việt còn viết truyện ngắn trong một giai đoạn. Có năm, ông viết cả chục truyện ngắn, truyện nào cũng gai góc, được đăng trên các tạp chí Đất Quảng, Sông Hương, Cửa Việt… Lạ là ông sáng tác nhiều, từ thơ cho đến văn xuôi, nhưng chưa in tập thơ, tập truyện nào.
Nhìn lại chặng đường sáng tác văn chương, cây bút sinh năm 1957, Chi hội phó Chi hội Văn học (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên) nói rằng điều ông hài lòng nhất là đã sống thật với chính mình, với tác phẩm.
Phan Kim Việt chỉ làm thơ khi có cảm xúc. Anh không đánh bóng câu chữ, không “bài trí” tác phẩm của mình. Thơ anh rất dung dị, gần gũi, có chất riêng và thường có bóng dáng lịch sử. Anh là một người cầm bút cẩn trọng.
Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên |
YÊN LAN