Thứ Tư, 09/10/2024 23:23 CH
Da diết tiếng rao trên sông
Thứ Ba, 29/05/2018 09:14 SA

Ảnh minh họa: PV

Trẻ con ai cũng thích ăn quà. Tuổi thơ tôi cũng thế. Nhớ hồi ở quê, cứ trưa hè, lũ trẻ chúng tôi thường xúm xít lại dưới những gốc cây xoài, bên dưới là bến nước, chỉ để trông chờ những người bán hàng rong bơi xuồng ngang qua. Hồi đó giao thông chưa phát triển, quê tôi kênh rạch chằng chịt, nên mọi việc mua bán thường diễn ra trên sông. Cứ mỗi lần nghe tiếng rao ngọt lịm “Bánh lọt, sương sa, sương sáo, khoai lang, khoai mì, bánh bò, bánh ít… đây” từ xa, là lũ trẻ chúng tôi đã nhốn nháo tranh giành phần mua trước. Khi ghe hàng cập bến nước, cô bán hàng nhanh tay cắm cây dầm vào bờ giữ cho ghe đừng trôi và bắt đầu bán cho từng đứa một. Chẳng những trẻ con thích ăn quà vặt mà ngay cả người lớn cũng thèm thuồng. Thỉnh thoảng nhiều anh chị, cô chú cũng đứng xếp hàng để đợi mua bánh mứt. Có nhiều đứa tinh nghịch hễ thấy ghe hàng là leo lên mui nhảy nhót. Có lần chúng bị sóng của những chiếc tàu lớn dập chao đảo, ngã lọt sông, uống nước cả bụng. Trẻ con ở quê tôi đứa nào cũng biết bơi, bơi rất cừ từ lúc 6-7 tuổi nên không sợ đuối nước.

 

Những chiếc ghe hàng to hơn thường dành cho người lớn. Họ thường bán thịt cá, rau củ và các đồ dùng gia đình nên con nít chẳng lấy làm thích thú. Điểm đặc biệt khi mua hàng trên sông là ngoài việc trả tiền mặt ra, khách hàng có thể lấy lúa để đổi nếu thấy giá cả phù hợp. Vì chợ xa nhà dễ chừng 5 cây số, lại bất tiện về đường đi nên ghe hàng thực phẩm bao giờ cũng đắt khách. Chỉ khi nhà có tiệc, cưới hỏi, đám giỗ, thôi nôi…, người quê tôi mới chịu khó bơi xuồng ra chợ từ tờ mờ sáng. Còn ngày thường thì chỉ biết trông ngóng ghe hàng. Nếu ngày hôm đó tiếng rao trên sông tắt lịm, người quê tôi phải chịu ra đồng tìm mớ rau, con cá về làm bữa cơm.

 

Lớn thêm một tí, tôi đến trường huyện. Những chiếc ghe hàng vẫn theo tôi ra thị trấn. Cứ đến giờ ra chơi, bọn học sinh chúng tôi tranh nhau mua quà bánh như ong vỡ tổ. Phải dễ chừng 3-5 ghe hàng mới phục vụ đủ cho cả trường. Lắm lúc vì quá đông, các chị bán quà không kịp, nhiều bạn giận dỗi bỏ vào trường. Nhất là bọn con gái, chúa ăn hàng và chúa hờn dỗi. Thương nhất là những ngày mưa bão, các chị bán hàng dầm mưa chịu trận. Mảnh ny long bé nhỏ không che đủ thân mình làm người bán hàng co ro, run rẩy. Chúng tôi không thể ra bờ kè được. Chỉ biết đứng trong hiên trường nhìn ra mà lòng buồn rười rượi. Hôm ấy, tiếng rao của các chị trĩu nặng hơn trên chuyến về nhà.

 

Khi chúng tôi ra trường tỉnh, tiếng rao bỏ lại sau lưng. Xa lạ, ngỡ ngàng là cảm giác đầu tiên mà tôi đón lấy. Nơi đây, mọi chuyện buôn bán đều diễn ra trên đất liền. Thứ gì cũng có, cũng đẹp, choáng ngợp. Người bán không cần phải cất giọng rao mà người mua phải tự tìm đến. Thỉnh thoảng cũng có vài gánh, xe hàng rong đứng trước cổng trường nhưng họ ít rao mà chỉ mời gọi. 18 tuổi, tuy đã bước vào ngưỡng thành niên nhưng chúng tôi vẫn còn khoái ăn hàng. Xung quanh trường không có một con sông nên chẳng có ghe hàng nào cập bến. Hàng rong ở đây nhiều món hấp dẫn hơn, đẹp mắt hơn, ngon hơn nhưng hương vị làng quê tìm hoài không thấy. Mỗi tháng chúng tôi về thăm nhà một lần bằng đò chở khách. Dù lớn tướng, có đứa còn bước vào giai đoạn tương tư, rung động, nhưng vẫn tụ họp dưới gốc cây xoài để chờ tiếng rao lảnh lót của những chị bán hàng. Con sông trước nhà vẫn đục ngầu phù sa, mạnh khỏe vỗ sóng rì rào, chỉ có chị bán hàng là già đi thấy rõ. Tiếng rao không còn trong trẻo, ngọt ngào, mà giọng trở nên chùng đi, khan khản. Có lẽ nỗi lo toan về cơm áo gạo tiền đã làm tiếng rao phai nhạt.

 

Lúc tôi lên thị thành trọ học thì làng quê cũng kịp thay áo mới tinh. Chương trình nông thôn mới về làng. Nhiều cây cầu, con đường bê tông mọc lên như nấm sau mưa làm người dân mừng như trúng số. Hàng loạt quán ăn, cửa hàng tập hóa, nhà hàng… cũng mọc lên ăn theo.Từ đó, chúng tôi không còn nghe tiếng rao trên sông nữa. Mỗi lần về thăm nhà, chiều lãng đãng ngồi trên bờ sông ngắm nhìn ghe đò xuôi ngược, chợt nhớ lại tuổi học trò tham ăn quà vặt. Thèm được nghe câu nói: “Ai ăn bánh lọt, bánh canh, bánh bò, sương sáo… hông?”. Tiếng rao ngọt lịm ấy giờ đã về đâu?

 

ĐẶNG TRUNG THÀNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tác giả Nơi đảo xa đã về nơi xa
Chủ Nhật, 27/05/2018 11:00 SA
Thương lắm bài chòi ơi!
Thứ Bảy, 26/05/2018 16:16 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek