Thứ Năm, 10/10/2024 01:22 SA
Thương lắm bài chòi ơi!
Thứ Bảy, 26/05/2018 16:16 CH

Đông đảo người dân xem hội bài chòi được tổ chức tại Bảo tàng Phú Yên - Ảnh: THIÊN LÝ

Được sinh ra và lớn lên ở một vùng quê, tôi có nhiều kỷ niệm với bài chòi trước khi gắn bó với nghệ thuật biểu diễn. Trong niềm vui khi các tỉnh miền Trung đón nhận bằng UNESCO công nhận nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tôi ghi lại những ký ức về bài chòi, như một chút tình của mình đối với loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này.

 

1 Vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, người dân quê tôi một nắng hai sương, tất tả sớm chiều, hết mùa đồng áng đến mùa làm soi, làm thổ… Trẻ con ở miền quê ấy, bắt đầu đi học vỡ lòng cũng là lúc được cha mẹ phân công làm những việc nhỏ trong gia đình. Tôi cũng vậy, buổi đi học trường làng, buổi mang nước, đem cơm, chăn bò, trông nhà, giữ em… Bà nội tôi mất sớm, bà ngoại còn khỏe nên vẫn làm lụng, bắn bông, kéo vải cả ngày, vì vậy má không gửi chúng tôi cho ngoại trông coi được. Tôi là con lớn trong nhà, nên má giao tôi giữ em.

 

Trong tất cả các việc thì cái việc giữ em là mệt nhất, nhưng tôi không ngờ nó ảnh hưởng lớn đến cuộc đời tôi sau này. Ở tuổi lên bảy, lên tám, tôi đã thuộc hầu hết các câu ru con của má tôi và còn “học lỏm” các điệu hát của cha. Vào những đêm trăng sáng, cha vừa đạp lúa vừa hát: “Thầy ta Thánh mẫu Lê Sơn/ Nay cho đồ đệ nguồn cơn thăm nhà…”.

 

Tôi thuộc cả các câu hò vào mùa dựng che đạp mía, nấu đường mà nhiều người hát để tạo không khí vui vẻ trong mùa mía mật: “Kỳ này hết mía dỡ che/ Lấy gì lên xuống mà ve cô nàng”… hoặc những câu đồng dao “Mía cháy/ chạy chè/ bò què/ che gãy/ lủng chảo/ hao đường/ là cái nòi ham ăn”… Tôi hát ru em bằng tất cả những câu hát mà tôi thuộc, không phân biệt được câu nào là hát ru, câu nào là hò khoan, câu nào là bài chòi…

 

Có một đêm trăng, bọn nhỏ chúng tôi đang chơi trò u mọi trong sân nhà, bỗng nghe tiếng hát từ phía nhà bác Năm vọng tới. Bọn tôi dừng chơi ngóng nghe, rõ ràng là giọng hát của bác Năm tôi, điệu hát vọng vang, lôi cuốn… Cả bọn chạy về phía tiếng hát. Dưới ánh trăng, tôi thấy chiếu trải hai hàng trên sân, bác Năm và vài người nữa ngồi ở chiếc chiếu giữa sân, chung quanh người ngồi, kẻ đứng. Giọng bác Năm đầy hứng khởi: “Vạn cổ trung can huyền nhật nguyệt/ Thiên thu nghĩa khí quán càn khôn/ Quan Công hầu… Quan Công hầu tiết liệt nhứt môn/ Lập đoan văn bắt Tào Tháo, chẳng tha hồn Tào mang, chốn chiến trường…”.

 

Nghe cái giọng thổ, rền rền của bác Năm đổ xuống quá ngọt ngào, mọi người vỗ tay tán thưởng. Bác cao hứng hát tiếp trong tiếng gõ nhịp đệm theo cốc cốc cốc… cốc cốc cốc… bằng cái bàn xắt thuốc lá bằng gỗ đen bóng gõ xuống sân gạch. Bọn trẻ nhỏ chúng tôi mê mẩn! Đứa ngồi hai tay chống cằm chăm chú, đứa dỏng tai nghe, đứa đã phê phê đôi mắt vì nghe hát quá mùi! Tôi nghe người lớn nói đó là điệu hô bài chòi…

 

Thằn lằn đã điểm hết canh một, trăng đã lên cao mà chưa ai chịu về, vẫn nghe bà Hai hô tiếp: “Trước đèn xem truyện Tây Minh/ Gẫm cười hai chữ nhơn tình éo le/ Hỡi ai lẳng lặng mà nghe/ Dữ răn việc trước lành dè thân sau/ Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh là câu trau mình…”.

 

Rồi đến bác Năm tôi: “Bà Tiều trong dạ héo hon/ Cáo lui từ giã nhanh chân lên đàng/ Thương con nhớ rể nào an/ Nổi lên chết sững giữa đàng mẹ nằm ngay/ Lâm Sanh vừa chạy theo rày…”. Đó là lần đầu tiên tôi nghe hô bài chòi và bài chòi đã mê hoặc tôi, đến nỗi đêm về trong giấc ngủ tôi còn mớ, hát ú ớ trong cổ, má tôi phải đập tôi mấy lần… Những đêm sau, tôi cứ trốn học bài, lén ra sân bác Năm để nghe hô, nghe hát, có đêm giọng hát mùi mẫn đã đưa tôi vào giấc ngủ lúc nào không hay. Tan cuộc, cha tôi phải bồng tôi về.

 

Hết mùa trăng ấy, tôi thuộc một số câu hô bài chòi. Bài chòi đã ngấm vào tôi, đi học tôi cũng nghêu ngao hát trên đường làng. Rồi khi giữ em, có lần em khóc, tôi hát các câu ru, câu hò mà tôi thuộc lòng, có lúc em ngủ mùi, nhưng có lúc em tôi khóc không chịu nín, tôi liền hô mấy câu bài chòi vừa học lỏm được: “Lâm Sanh liền chạy theo này/ Tới nơi thấy mẹ hai tay anh đỡ liền/ Nhờ người xin quế xin riềng/ Kỳ nam mài đổ mẹ tôi liền tỉnh ngay/ Ngước lên thấy rể mẹ than dài…”. Và lạ chưa, em tôi không khóc nữa, mắt đã lim dim chìm dần vào giấc ngủ. Tôi sướng lắm!

 

Kỷ niệm đầu tiên của tôi với bài chòi là vậy. Sau này lớn lên, tôi mới biết, cách hát bài chòi trên sân bác Năm trong những mùa trăng đó là một kiểu của bài chòi chiếu, bài chòi lớp. Một đặc sản của nghệ thuật dân gian bài chòi.

 

2 Trong ký ức của tôi, hồi đó, cứ sáng mùng một Tết, sau khi cúng gia tiên đầu năm xong là cha đưa tôi đi hội bài chòi để lấy may. Cha thường đưa tôi đi hội bài chòi làng Lạc Nghiệp (vì đây là quê bà nội tôi, nơi có nhiều kỷ niệm gắn với thời thơ ấu của cha chăng? Nên cha không đi hội làng tôi mà đi hội làng Lạc Nghiệp). Lần đầu tiên đi theo chơi hội bài chòi, tôi rất bỡ ngỡ, thấy cái gì cũng mới, cũng lạ. Tôi háo hức, tò mò quan sát. Trên một cái gò đất rộng giữa làng, người ta cất 9 cái chòi theo hình chữ nhật, mỗi bên 4 chòi nhỏ đối mặt nhau.

 

Chính giữa đầu bên này là chòi cái, phía đối diện là một cái rạp nhỏ, có kê một bộ phản, có 2 trống chầu, trước bộ phản là cái bàn lớn, trên đặt khay tiền và nhiều lá cờ hiệu, đuôi nheo làm bằng giấy màu đỏ. Chính giữa các chòi, người ta trồng một cây tre được trảy nhánh sạch sẽ, trên ngọn còn để một chòm lá, nhiều ống tre như ống so đũa được treo lên đó để đựng những thẻ bài. Nơi đó cũng là nơi anh Hiệu đứng hô bài, bên cạnh là chỗ ngồi của anh đàn cò, anh đánh trống chiến và anh thổi kèn.

 

Niềm vui của người thắng cuộc - Ảnh: THIÊN LÝ

 

Chòi được làm bằng tre, lợp tranh, phần gác ngồi đánh bài cao phả đầu của tôi (hơn 1m), ba mặt được che kín, mặt trước có gắn mấy bậc thang tre để leo lên chòi. Mỗi chòi đều có treo chiếc mõ tre lớn dùng để đánh báo hiệu khi “ăn” bài, một phía để một đoạn cây chuối dùng để cắm những thẻ bài đã “ăn” khi chơi. Mỗi chòi rộng vừa 3-4 người chơi. Chòi cái có chiếc trống con có tay nắm. Các chòi được trang trí đẹp, tạo nên khung cảnh đầy sắc màu, hấp dẫn.

 

Cuộc chơi chuẩn bị bắt đầu. Cha nhanh chân dẫn tôi giành một chòi. Tôi nhìn quanh, các chòi đều đã có chủ. Những người có chức sắc trong làng đã ngồi trên bộ phản sau cái bàn có để bộ khay cắm đầy cờ xí. Một người mặc áo dài, đầu đội khăn đóng mang 2 ống tre có đựng các con bài ra giơ cao trình làng và xóc mạnh hai ống, tiếp đến đưa một ống cho anh Hiệu, một ống mang về chòi cái để làm bài tì.

 

Một hồi trống chầu vang lên khai hội, như mở đầu đêm hát bộ. Anh Hiệu xuất hiện, mặc bộ đồ “quân sĩ xưa”, đầu chít khăn chéo, lưng thắt dây đỏ, mặt vẽ như kép hát, nhận ống bài xong lần lượt đi chia mỗi chòi 3 thẻ bài và thu tiền các chòi góp vào hội, mang về để trên chiếc khay đặt trên bàn tại rạp. Trống chầu thúc liên hồi.

 

Chia bài cho các chòi xong, anh Hiệu đến trước rạp trình với làng (ban tổ chức), bằng điệu bộ và kiểu nói của hát bội: “Hiệu phát bài đã đủ/ Cho hiệu thủ bài tì”. Ban tổ chức đánh một tiếng trống chầu đồng ý, rồi anh Hiệu bước đến chòi cái, xóc cỗ bài trong ống, mang ra chỗ cây nêu rút từng con bài tì, hô lên cho các chòi con nghe, chòi nào “ăn” bài là gõ mõ 3 tiếng để anh Hiệu mang bài “ăn” tới. Cứ như vậy, mỗi con bài là một bài hô. Anh Hiệu hôm đó hô rất hay từ nói vè, hò khoan, hát bộ, ngâm thơ, nhưng thích nhất là hô bài chòi kèm với bộ tịch diễn xướng. Tôi sướng đã đời khi nghe những câu hô pha hài hước của anh Hiệu trước cửa chòi của cha con tôi: “Chồng nằm chính giữa/ Hai vợ hai bên/ Lấy chiếu đắp lên/ Hô là ba bụng”.

 

Rồi anh Hiệu hô lớn: “Ba bụng quơ là ba bụng, hoặc: Tiếc công bỏ mẳn nuôi cu/ Cu ăn cu lớn cu gù cu bay/ Cu say mũ cả áo dài/ Cu chê nhà khó phụ hoài duyên anh”. Hô lớn: “Chín cu quơ là chín cu…”.

 

Chòi của cha con tôi may mắn, gõ mõ 3 lần, anh Hiệu cũng 3 lần đem bài và cờ đuôi nheo cắm trên đoạn cây chuối đặt trước chòi, riêng lần thứ ba cha gõ mõ một hồi dài. Anh Hiệu đến xem và xướng rất to: “Quơ mà quơ quơ/ Chín chòi lẳng lặng, lẳng lặng mà nghe: Chòi này ăn một đôi Ba bụng, một đôi Chín cu và tới một đôi Bạch huê! Thiệt đó, quớ là cửu trại, quơ là cửu trại!”.

 

Làng xổ một hồi trống chầu xác nhận có chòi tới, các chòi khác cũng nổi mõ lên chúc mừng chòi của cha con tôi thắng cuộc, cha tôi có mang theo cuộn pháo tép, hứng chí ông đốt tạch tạch tạch tạch… Tôi nhìn bộ dạng anh Hiệu rất oai phong, một tay bưng khay tiền, có đặt bình rượu và ly rượu; trên cổ áo (phía sau lưng) cắm chéo 2 lá cờ đuôi nheo, một chân đá lên làm ngựa, một tay ra bộ quất roi ngựa, miệng xướng to: “Vâng lệnh làng đỡ lấy cơi tiền/ Lên tráng mã cấp cờ đệ nhứt”. Rồi anh Hiệu cắm cờ trước mái chòi; trong khi tay rót rượu mời thì miệng và chân diễn xướng một điệu hát bộ. Cha tôi nhận lấy rượu và khay tiền, không quên lì xì anh Hiệu chút lộc đầu năm. Rồi anh Hiệu thu bài, chuẩn bị cho cuộc chơi tiếp…

 

Thắng cuộc, cha không chơi nữa để nhường chòi cho người khác, tôi chần chừ, tiếc không muốn về, cha phải gọi mấy lần. Tôi vừa đi vừa ngoái đầu nhìn, giọng anh Hiệu: “Gió xuân phảng phất ngọn tre/ Mời bà con cô bác tới nghe bài chòi…” như níu chân tôi lại. Còn cha tôi, khỏi phải nói, mặt mày rạng rỡ như mùa xuân, vừa đi vừa hát: “Ham mê cái nghệ bài chòi/ Bỏ con nó khóc cho lòi rún ra…”. Về tới nhà, cha nói từ đầu ngõ chia vui với má tôi: Nhà mình phát lộc đầu năm rồi má thằng Nhạc ơi.

 

Hội đánh bài chòi ngày đó vẫn in đậm trong tôi cho tới bây giờ.

 

* *

*

 

Gần 40 năm gắn bó với nghệ thuật biểu diễn, tôi có nhiều kỷ niệm với bài chòi. Tôi rất vui khi biết Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc công nhận nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bởi đây cũng chính là sự vinh danh các thế hệ nghệ nhân đã sáng tạo, giữ gìn và phát triển bài chòi để có như ngày hôm nay. Đó là những con người cần cù, vui tính, dí dỏm, sáng tạo và yêu thơ ca của mảnh đất miền Trung ruột thịt đầy nắng gió.

 

Tôi xúc động đến rơi nước mắt khi nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói những lời này trong buổi lễ đón nhận bằng UNESCO ghi danh nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Chơi bài chòi là để chia sẻ cảm xúc, tri thức và kinh nghiệm sống. Nghe bài chòi là để tu dưỡng lòng nhân ái, tình yêu quê hương, đất nước.

 

Thưởng thức bài chòi là để phê phán thói hư tật xấu, sảng khoái vui cười, phấn đấu cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Có lẽ, ít có loại hình nghệ thuật nào vừa mang tính giải trí sáng tạo cao lại vừa gắn kết nhân dân lao động như bài chòi. Do vậy, thông qua việc UNESCO ghi danh nghệ thuật bài chòi, cộng đồng thế giới đã tái xác nhận và khẳng định kho tàng di sản văn hóa phong phú của Việt Nam và trân trọng ghi nhận những đóng góp của dân tộc chúng ta vào việc làm giàu hơn nữa kho tàng văn hóa của nhân loại…

 

Đây chính là thương hiệu quốc gia mà thế giới dành cho chúng ta, qua đó góp phần giới thiệu với bạn bè quốc tế phẩm cần cù, sáng tạo, nhân ái của con người miền Trung Việt Nam, góp phần làm cho khu vực này phát triển du lịch mạnh hơn trong tương lai.

 

Yêu thương lắm bài chòi ơi! 

NS-NSƯT CAO HỮU NHẠC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek