Thứ Năm, 03/10/2024 22:34 CH
Để văn hóa là động lực phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập
Thứ Năm, 03/01/2008 14:10 CH

“Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển, đồng thời là mục tiêu cao cả của chủ nghĩa xã hội” - Văn kiện Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ V (khoá VIII) đã khẳng định như vậy. Làm thế nào để văn hoá thực sự là động lực phát triển kinh tế  - xã hội tỉnh Phú Yên trong thời kỳ hội nhập? Dưới đây là ghi nhận của phóng viên tại hội thảo xung quanh nội dung trên do Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật, Sở VHTT và Trường Đại học Phú Yên vừa phối hợp tổ chức tại TP Tuy Hòa...

 

080103-Ho-ba-trao--DTX.jpg

Hò bá trạo trong lễ hội Cá ngừ đại dương ở phường 6 TP Tuy Hòa – Ảnh: D.T.XUÂN

 

PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÚ YÊN NGUYỄN HUY VỊ: Khắc phục các khó khăn của văn hoá cổ truyền

 

Đại bộ phận người dân Phú Yên là nông dân, về cơ bản, nền kinh tế cổ truyền ở Phú Yên là kinh tế thuần nông. Đặc điểm nhận thức của cư dân sống trong nền kinh tế này là tư duy tổng hợp, trọng quan hệ, dẫn đến thuận lợi cơ bản là văn hoá của bộ phận dân cư  đặc tính linh hoạt, tương đối  thích hợp cho sự thâm nhập của kinh tế thị trường có đặc điểm là năng động, nhanh nhạy. Đây là nguyên nhân chủ yếu giải thích vì sao Phú Yên là tỉnh nông nghiệp, không giàu so với nhiều tỉnh khác  ở Nam Trung Bộ nhưng người dân tiếp nhận nền kinh tế thị trường nhẹ nhàng như cư dân cả nước nói chung. Tuy vậy, văn hoá cổ truyền dựa trên kinh tế thuần nông cũng để lại  không ít khó khăn  và các thứ “bệnh”  như tùy tiện (biểu hiện là tật dễ thay đổi ý kiến, chưa quen sống và làm việc theo pháp luật),  làm ăn  sản xuất nhỏ, gia đình chủ nghĩa, tật xuề xoà đại khái, thói đố kỵ cào bằng, tác phong đủng đỉnh, phép vua thua lệ làng… Phát huy thuận lợi, khắc phục thành công những khó khăn  của văn hoá cổ truyền chính là điểm mấu chốt trong giải quyết tối ưu mối quan hệ biện chứng giữa hai nhiệm vụ nâng cao đời sống, phát triển kinh tế đi đôi với bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc trên quê hương Phú Yên mà trước hết là vùng nông thôn, nơi có đại bộ phận dân chúng tỉnh nhà đang sinh sống. Giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa hai nhiệm vụ ấy là chúng ta thực hiện quá trình xây dựng tỉnh Phú Yên giàu có, công bằng, dân chủ, văn minh đúng theo nguyên lý “Văn hoá vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển”.

 

PHÓ CHỦ TỊCH LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC KỸ THUẬT PHÚ YÊN    NGUYỄN HOÀI SƠN: Đổi mới phương hướng xây dựng đời sống văn hoá cơ sở

 

Xây dựng môi trường văn hoá ngay tại cơ sở có ý nghĩa to lớn về mọi phương diện, tạo động lực để ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xây dựng tinh thần đoàn kết, cởi mở, tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau. Vì vậy, cần đổi mới phương hướng xây dựng, chú ý nhiều hơn đến tính đặc thù về điều kiện sinh thái nhân văn, đặc điểm tâm lý tập quán tộc người và đặc điểm văn hoá từng dân tộc. Một trong những vấn đề cần chú trọng đúng mức là làm sao nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số.  Trong giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, đặc biệt chú trọng những tấm gương điển hình về cán bộ gắn bó với dân, một biểu hiện  thiết thực  và sống động của nếp sống văn hoá.

 

CHỦ TỊCH HỘI KHUYẾN HỌC PHÚ YÊN LÊ VĂN HỮU: Xây dựng văn hóa lãnh đạo và quản lý

 

Văn hoá trong lãnh đạo và quản lý phải nhằm phát huy tính dân chủ và sáng tạo trong quần chúng nhân dân, làm cho mọi người dân Phú Yên tự hào về truyền thống  anh hùng vẻ vang  và trách nhiệm công dân. Từ đó, ra sức thực hiện tốt nghĩa vụ của mình trong bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước ngày càng phồn vinh. Văn hoá lãnh đạo – quản lý thể hiện việc thực thi công vụ ở các cơ quan công quyền qua sự tôn trọng lẫn nhau giữa đơn vị này với đơn vị khác, công chức phải biết tôn trọng, lắng nghe, cung cấp thông tin đầy đủ và thường xuyên đối thoại giữa chính quyền với công dân. Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, để thực hiện tốt văn hoá lãnh đạo – quản lý, điều cần thiết trước hết là bộ máy và cán bộ quản lý phải có tầm và có tâm.

 

TRƯỞNG PHÒNG QUẢN LÝ NGHIỆP VỤ SỞ VHTT PHÚ YÊN NGUYỄN HỮU BÌNH:Có cơ chế, chính sách riêng để phát triển văn hóa miền núi

 

Lâu nay,  việc hưởng thụ văn hóa giữa đồng bào miền núi với các huyện đồng bằng và TP Tuy Hoà còn có khoảng cách. Để thu hẹp khoảng cách này, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư tài trợ một phần hoặc toàn bộ cho các thiết chế văn hoá, có cơ chế chính sách riêng để phát triển mạnh mẽ văn hoá đồng bào ba huyện miền núi trong tỉnh. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân, đơn vị ngoài công lập tham gia gìn giữ, tạo ra các sản phẩm văn hoá truyền thống, xây dựng làng nghề, khu sinh thái ở vùng dân tộc ít người, bảo tồn các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của 3 dân tộc Êđê, Bana, Chăm H’roi ở Đồng Xuân, Sơn Hoà, Sông Hinh mà sử thi, cồng chiêng là những minh chứng sinh động. Phú Yên là vùng phụ cận của vùng không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên – kiệt tác văn hoá phi vật thể nhân loại đã được Tổ chức văn hoá khoa học giáo dục của Liên hiệp quốc công nhận. Phát huy hiệu quả giá trị của cồng chiêng cũng là tạo nguồn cho khách du lịch đến với tỉnh trong thời gian đến.

 

THẠCH BI SƠN (lược ghi)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek