Thứ Sáu, 04/10/2024 00:27 SA
Nỗi truân chuyên của bài hát “Mùa xuân đầu tiên”
Thứ Ba, 01/01/2008 13:47 CH

Trong suốt đời mình, dường như Văn Cao chẳng có mùa xuân nào cảm thấy được trọn vẹn như mùa xuân thống nhất năm 1976.

 

080101-Van-Cao.jpg

Nhạc sĩ Văn Cao

Từ khi bắt đầu tơ vương cùng nghệ thuật, cảm hứng chính trong sáng tác của Văn Cao thường là mùa thu hay mùa đông. Có lẽ vì ông sinh vào dịp cuối thu và chớm đông (15/11/1923). Mùa xuân trong sáng tác của Văn Cao chỉ chợt lóe lên trong Bến xuân được vài năm thì lại phải chìm khuất đi thành Đàn chim Việt. Khi ông bắt đầu reo lên “Mùa xuân tới nước băng qua ngàn, nước in ven bờ xanh bóng tre” ở Sông Lô, và muốn bay cao với Sérénatte mùa xuân năm 1948 “Lắng nghe mùa xuân – Tiếng chim nào vui – Bao mùa xuân đã qua – nay mùa xuân tới đây...” thì khói lửa chiến tranh khốc liệt lại bắt ông phải rắn lại “Mười năm qua tôi đã mất một mùa xuân – Tuổi thanh xuân nơi ta không bao giờ được nở” (Mùa xuân không nở - 1957)... Nhưng tác động mạnh mẽ của mùa xuân thống nhất năm 1976 đã khiến Văn Cao bừng thức sau bao nhiêu năm. Ông cảm thấy trẻ lại, cảm thấy những ngày đầu năm 1976 cũng rạo rực chẳng khác gì năm 1946. Lần đầu tiên sau 30 năm, cả hai miền cùng ăn chung một cái Tết thống nhất. Niềm hân hoan chợt dấy lên trong lòng Văn Cao. Và Văn Cao khẽ khàng ngồi vào đàn. Một nét gì đó có nhịp điệu của Làng tôi khi xưa bởi vì xuân này, bao người lính sẽ trở về bên mẹ hiền nhưng giai điệu dù có cùng tuyến đi lên thì cũng có gì dịu dàng hơn, thanh thản hơn. Và những câu đầu tiên của Mùa xuân đầu tiên:

 

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Mùa bình thường mùa vui nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Với khói bay trên sông gà đang gáy trưa

Bên sông một trưa nắng vui cho bao tâm hồn...

 

Không khí khải huyền dâng lên bất tận. Nỗi cảm thán như vừa thắt lại nghẹn ngào, vừa như bật ra nức nở:

 

Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên

Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm

Từ đây người biết quê người

Từ đây người biết thương người

Từ đây người biết yêu người...

 

Bản vallse cho ngày toàn thắng của Văn Cao thật sâu lắng, không ồn ào. Bởi vậy, cũng không lạ gì khi nó bị chìm nghỉm giữa những tiếng reo hò sung sướng lúc đó. Riêng “cặp mắt xanh” của NXB Âm nhạc Moscou thì không nhầm. Mùa xuân đầu tiên đã được dịch ngay sang tiếng Nga là Pe-rờ-vai-a Véc-sna và ấn hành ngay vào mùa xuân 1977. Song dù cho nó được in mãi tận bên Liên Xô, dù cho đó là tác phẩm của Văn Cao, thì thói quen nghĩ về Văn Cao lúc đó cũng chẳng làm thế nào cho Mùa xuân đầu tiên vang lên được. Nó được Văn Cao cất cẩn thận trong chiếc tủ cũ và chấp nhận thời gian dần dà phủ bụi.

 

Sau Đại hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ ba, mùa thu 1983, sinh nhật 60 tuổi của Văn Cao được tổ chức tại căn gác nhà 51 Trần Hưng Đạo – Hà Nội. Lần đầu tiên, những Thiên thai, Trương Chi, Suối mơ... mới được hát trở lại sau quá nhiều lãng quên. Văn Cao cũng được bầu lại là Ủy viên Ban chấp hành Hội. Đấy là thời điểm quan trọng cho việc phục sinh một Văn Cao sừng sững.

 

Mùa thu 1994, tôi đưa Văn Cao trở lại trung du sau ngót 40 năm xa. Tình ca trung du – tác phẩm âm nhạc cuối cùng của Văn Cao ra đời vừa rất Văn Cao, vừa rất trẻ: “Một cánh tay sông Hồng – Một cánh tay sông Lô – Hai cánh tay như ôm trung du”. Qua nhiều tâm sự, chia sẻ, Văn Cao mới e dè đưa cho tôi xem Mùa xuân đầu tiên với bản dịch tiếng Nga vào mùa xuân 1985. Đọc giai điệu, tôi gai người. “Văn Cao lúc nào cũng thật Văn Cao. Hay thế này mà chẳng ai hay?”.

 

080101-hoa-xuan.jpg

Sắc xuân - Ảnh: KIM SA

 

Giữa lúc ấy, Văn Cao cùng Nguyễn Trọng Tạo và tôi được tỉnh Nghĩa Bình mời vào nhân Kỷ niệm 10 năm giải phóng tỉnh. Khi đó, in một tờ bướm theo kiểu Sê-len là không đùa. Để có một cái gì đó như kiểu danh thiếp khi vào tiếp xúc với cán bộ và nhân dân tỉnh Nghĩa Bình, tôi “liều mạng” cho in 3 người mỗi người một tờ nhạc bướm tác phẩm của mình. Văn Cao thì in Mùa xuân đầu tiên.

 

Làm như thế, tôi những mong Mùa xuân đầu tiên sẽ được hát lên.

 

Mãi tới mùa xuân năm 1988, những Đêm nhạc Văn Cao mới được tổ chức trở lại, thực sự làm thức tỉnh công chúng VN. Nhưng Mùa xuân đầu tiên vẫn chưa được hát trong các đêm nhạc đó. Không hát bởi vì mọi người vẫn mê mải “hoài cổ” phần lãng mạn tiền chiến của Văn Cao mà chưa để mắt tới Mùa xuân đầu tiên trong tuyển tập nhạc Thiên thai của Văn Cao. Mùa xuân 1988 – mùa xuân phục sinh Văn Cao ở tuổi 65, ông đã viết lại một bài thơ về mùa xuân: “Mùa xuân thả trên bàn tay em – Có lẽ cuộc đời chúng ta còn đi – dài như mùa xuân đã đến – ta đợi nhau – như chờ mùa xuân...”.

 

Song Mùa xuân đầu tiên quả là “cao số”. Biết bao Đêm nhạc Văn Cao tổ chức mà Mùa xuân đầu tiên vẫn cứ nằm im trên khuôn nhạc. Mãi tới mùa xuân năm 1991, lần đầu tiên Tố Hữu đến chúc Tết Văn Cao sau bao nhiêu năm không gặp nhau, hình như xui khiến đó mới tự nhiên giải tỏa cho Mùa xuân đầu tiên. Năm ấy, do được Ban Việt kiều Trung ương đặt làm phim về Văn Cao, tôi quyết định thu thanh Mùa xuân đầu tiên và Tình ca trung du. Ca sĩ Quốc Đông trở thành ca sĩ đầu tiên hát Mùa xuân đầu tiên và Tình ca trung du qua phần đệm khá điệu nghệ của nhạc sĩ Hoàng Lương.

 

Mãi tới mùa thu 1993, trong đêm nhạc “Văn Cao – Một đồng hành tuổi trẻ”, nhân kỷ niệm Văn Cao 70 tuổi, Mùa xuân đầu tiên mới được nữ ca sĩ Minh Hoa thể hiện. Rồi trong video ca nhạc Văn Cao – Giấc mơ một đời người, Mùa xuân đầu tiên mới được vang lên, với giọng ca của Thanh Thúy xinh đẹp.

 

Song, dường như phải chờ đến khi Văn Cao tạ thế (10/7/1995) Mùa xuân đầu tiên mới thực sự loang sâu vào đời sống âm nhạc hôm nay. Đó là nỗi truân chuyên của từng tác phẩm. Phải nói rằng, trong những sáng tác âm nhạc của Văn Cao thì Mùa xuân đầu tiên được biết đến chậm nhất, phải sau 20 năm (1976 – 1996), phải tới mùa xuân đầu tiên, Văn Cao mãi mãi vắng trên cõi đời thì bài hát Mùa xuân đầu tiên của ông mới thực sự có đời sống.

 

NGUYỄN THỤY KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek