Thứ Năm, 10/10/2024 03:28 SA
Quang Đặng với Muôn nẻo đường về trong ký ức
Thứ Ba, 08/05/2018 09:04 SA

Một cách rất ngẫu nhiên mà như cơ duyên, tôi được tặng quyển Muôn nẻo đường về của tác giả Quang Đặng từ nhà thơ Nguyễn Tường Văn. Tên và bìa quyển sách quen và giản dị đến mức dễ bị trộn lẫn vào nhiều ấn phẩm khác. Tôi tò mò mở sách và đã bị lôi cuốn từ lời tự giới thiệu mở đầu sách rất chân tình, giản dị của tác giả cho đến hết tác phẩm. Với Quang Đặng, văn chương là cách bày tỏ, chia sẻ của ký ức, với bạn bè và với chính mình.

 

Bìa tập sách Muôn nẻo đường về - Ảnh: TƯỜNG VĂN

Rất khó để xếp tác phẩm Muôn nẻo đường về̀ vào thể loại nào của văn xuôi. Là tập truyện ngắn: Không hoàn toàn! Là tự truyện: Chưa phải! Là nhật ký/ hồi ký: Cũng không hẳn!? Vậy tản văn hay tạp văn: Hình như không chính xác lắm... Tác giả xếp 30 câu chuyện kể một cách ngẫu nhiên như bản chất của ký ức bao giờ cũng lộn xộn nguyên sơ. Những chuyện ở phần đầu của tập sách như Ở lại cung đường, Chỉ là người dưng, Biển động, Nửa vời yêu thương... cócấu trúc và nhân vật, tình tiết như truyện ngắn, nhưng với nhiều chuyện khác như Tình xưa giờ mới kể, Áo dài ơi, Mùa thu bay đi... làkýức về tuổi học trò còn vẹn nguyên sự trong trẻo. Một số lại như những bài du ký ghi nhớ chuyện đường xa của tác giả như Tokyo ngày bình yên, Con đường đến Mỹ, Tản mạn Cali, Nhớ biển... Cónhững chuyện giống như cuốn phim lưu giữ cuộc đời của chính tác giả, trong đó từ tên nhân vật cho đến tên thầy cô, tên đường phố, địa danh đều có thật. Có một số bài viết lại như tản văn chợt nhớ, chợt nghĩ, không hẳn là chiêm nghiệm triết lý, cũng không phải là kiểu ghi hồi ký để kể về cuộc đời mình.

 

Điểm nhất quán và cũng là sợi dây xuyên suốt, xâu chuỗi các câu chuyện tưởng như khó định dạng của tập Muôn nẻo đường về chính là ký ức của tác giả. Như trăm suối đổ về sông và trăm sông đổ ra biển lớn, cuộc đời nhân vật dù trải qua nhiều biến cố khác nhau, chứng giám nhiều sự đổi thay, nếm trải cả niềm hạnh phúc lẫn nỗi bi thương, nhưng cuối cùng vẫn giữ được bản ngã tốt đẹp, cội nguồn thương yêu. Tập sách này chính là bài hát giản dị không có tên, là bức tranh nhiều màu không có chủ đề, nhưng đều hướng đến một thông điệp chung là ca ngợi quê hương, bạn bè. Có vẻ như tác giả không đặt ra mục tiêu là viết về cái gì, như thế nào, mà chỉ đơn giản là cần chữ nghĩa để chia sẻ, thương yêu với chính tâm hồn mình. Người đọc sẽ quý trọng tập sách này không phải vì giátrịvăn chương, không phải vì ám ảnh bởi số phận cuộc đời nhân vật nào trong đó, mà vì tấm lòng của tác giả. Để nhớ về tất cả, người ta thường phải quên, nhất là với những đớn đau, mất mát mà bản thân đã phải nếm trải hay chứng kiến:

 

Phải mất một thời gian dài mình mới thích nghi với thực tại và bài học đầu tiên là phải quên những gì cần phải quên. Và bạn cũng không nằm ngoài vùng quên lãng...” (tr.102).

 

Trong tập sách Muôn nẻo đường về có nhiều nụ cười nghịch ngợm, hồn nhiên của tuổi học trò, có tình bạn, tình thầy trò thơ mộng, cao thượng, nhưng cũng có những lấm láp đời thường, có những vết xước đau đớn vì sự lãng quên, vì lỗi lầm, vì chia ly, mất mát. Cái hay là dù rất nâng niu dĩ vãng, tác giả Quang Đặng cũng không linh thiêng hóa quákhứ, không lấy “chuyện ngày trước” ra phủ nhận, che chắn thực tại. Nhiều đoạn trong sách, người viết bày tỏ rất chân thành:

 

Nhiều lúc tôi tự hỏi, mình đã già thật sao khi mỗi ngày mỗi ngoái đầu về phía ngày cũ nhiều hơn, một việc làm rất hiếm hoi trong những năm tháng tuổi trẻ luôn lao về phía trước...”(tr.171)

 

Trước đây tôi thường hình dung tuổi sáu mươi của mình như thế nào qua hình bóng của mẹ tôi, một bà cụ tóc bới phía sau, suốt ngày quanh quẩn trong nhà, không bao giờ dám qua đường một mình và chợ Bến Thành một địa chỉ xa thăm thẳm, dù cách nhà chỉ hơn một cây số. Ngày nay mọi sự đã khác, thế giới dường như phẳng hơn, y học tiến bộ hơn, con người cũng trở nên trẻ trung hơn và tuổi sáu mươi chưa phải là dấu chấm hết...” (tr.162)

 

Như vậy, Muôn nẻo đường về - tập sách đầu tiên ra đời khi tác giả đã ở tuổi “60 năm cuộc đời”, không hẳn chỉ là do áp lực của quá khứ hay sự dồn nén của kỷ niệm, nỗi niềm ngày xưa. Tác phẩm luôn có chiều trở về, nhưng thực tại vẫn là đối tượng chính để nhận thức, phản ánh, để so sánh, đối chiếu. Giữa “muôn nẻo đường” ra đi và trở về đó, người đọc sẽ nhận ra Tuy Hòa của thời trước 1975 khác với hiện nay thế nào từ trường học, chợ búa, đường sá đến núi, biển và chùa chiền. Người đọc Sài Gòn cũng dễ nhận ra thành phố trước đây và của những thập niên đầu thế kỷ XXI khác nhau ra sao. Tôi nhớ nhà văn Võ Hồng nhiều lần nói rằng một nhà văn chân chính bao giờ cũng nặng lòng với mảnh đất mà họ được sinh ra hay cư ngụ. Tôi cũng nghĩ rằng, không cứ gì phải là nhà văn, một người có tâm hồn giàu yêu thương, cảm xúc thường sẽ có khả năng ghi nhận cuộc sống nhiều hơn người khác, cảm nhận về hạnh phúc và đau đớn cũng nhiều hơn người khác. Chính thực tại và những trải nghiệm cuộc đời đã hướng tác giả Quang Đặng đến nhu cầu cần chia sẻ, tâm sự bằng ngòi bút.

 

Muôn nẻo đường về̀ trước hết là món quà tác giả Quang Đặng dành tặng cho bạn bè, quê hương của mình, dành để tri ân cuộc đời. Vìlẽ đó, Muôn nẻo đường về chỉmở ra mà không khép lại và ai một lần được “hạnh ngộ” với tác phẩm chắc sẽ vui vì gặp ở đó có một nét rất thân quen...

 

NGUYỄN THỊ THU TRANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek