Thứ Năm, 10/10/2024 13:27 CH
Nga – truyện ngắn của Y NGUYÊN
Chủ Nhật, 11/03/2018 07:00 SA

1. Tôi chọn nghề giáo như chuyện “chuột chạy cùng sào”, bất đắc dĩ. Mạnh mẽ, cá tính, ưa phiêu lưu, ngày còn cắp sách tôi mơ sẽ làm hướng dẫn viên du lịch, nhà báo, phi công, cảnh sát và vân vân. Mẹ chửi: Con gái mà “bợm”, tìm cái nghề gì hiền hiền chút cho tao. Ba nhẹ nhàng hơn: Đừng phiêu lưu, thực tế đi con. Phụ nữ rồi còn phải lo làm vợ, làm mẹ… Lòng vòng chê chán, cuối cùng, cái nghề hay ho mọi nhẽ được hai đấng sinh thành nhứt trí chọn cho tôi là… đi dạy: Con gái làm nghề ấy hợp tạng; nhẹ nhàng, chừng mực, ổn định, an toàn, lo được cho chồng con…; trong khi mấy cái nghề mộng mơ kia chứa hiểm nguy bất trắc đủ bề, đẹp mã ngoài nhưng bên trong đầy gian khó! Lập luận khít rin cấm có đường cãi (còn hỏi, ba mẹ tôi đều là… nhà giáo!). Ấm ức nhưng đành thúc thủ, chỉ còn cách nhượng bộ hoãn binh: Được, con sẽ đăng ký dự tuyển thêm sư phạm (cạnh mấy trường kia) nhưng ba mẹ phải hứa: Con trúng tuyển trường nào thì cho con học trường đó! Gật.

 

Định mệnh trớ trêu, điểm thi tôi không cao, nhóm trường tôi chọn chỉ có sư phạm điểm vào tương đối thấp. Giao kèo với ba mẹ trở thành sợi dây tôi tự mua tự buộc. Vùng vằng cách mấy rồi cũng phải khăn gói lên đường nhập học. Ba cười, an ủi: Đừng buồn con gái, “ý trời” đã vậy chứng tỏ con duyên nợ với nghề giáo thiệt. Chờ đi, phía trước có khi còn lắm cái bất ngờ…

 

2. Xong 4 năm sư phạm tôi ra trường, được đẩy lên miền núi công tác. Chẳng có bất ngờ nào xảy ra như tiên tri sớm của ba. Chán hoàn chán: Trường sở nhếch nhác, học trò lam lũ, nửa phần Kinh nửa phần dân tộc, học hành đa số bí bét. Nội trú là cái trạm y tế cũ bỏ hoang nằm heo hút trên đồi cao.

 

Những ngày “đen tối” ấy tôi chưa bỏ việc là nhờ Nga.

 

Cùng tuổi, về trường cùng năm, lại cùng tổ chuyên môn nên tôi và Nga khá thân nhau. Nga học xong xin về địa phương công tác. Hỏi: Sao không tìm nhiệm sở nào “tương đối” chút (Nga có ông chú làm ở Sở Giáo dục, nhờ vả được), về chi chỗ khỉ ho cò gáy? Nga cười: Muốn dạy gần nhà. Với lại, mình thương lũ nhỏ…

 

“Lũ nhỏ” Nga nói là đám nhóc cùng quê. Thương thật. Nghe đồn cô giáo Nga thường bỏ tiền mua dầu gội, xà bông tắm, dép, áo mưa… nhét vào cặp cho học trò khó khăn lớp cô chủ nhiệm. Chuyện cổ tích? Tôi không tin, tự mình tới gặp học trò để xác minh. Đúng thật. Chúng kể thêm: Cô còn đóng phí thay cho mấy bạn nghèo nữa cô! Lặng người. Từ bữa ấy, tôi thân với Nga hơn. Biết tôi chết nhát, ở một mình sợ ma, Nga chủ động mang đồ ra nội trú ở chung. Còn hỏi, tôi mừng vấp té. Chắc chắn động lực đầu tiên giữ được chân tôi ở lại với ngôi trường chốn “thâm sơn” là chuyện có Nga ở cùng!

 

3. Chủ nhật.

 

Tôi bưng ly cà phê, ôm đàn ra hiên chuẩn bị cho một buổi sáng thư giãn thì Nga đâm bổ vào, tất tưởi:

 

- Bà đi chơi không?

 

Núi đang vào mùa mưa. Trời âm u, chẳng hứa hẹn điều gì tốt lành. Tôi ngần ngại:

 

- Chơi đâu?

 

- Cứ đi rồi biết, thú vị lắm, đảm bảo bà sẽ không hối hận…, Nga cười bí ẩn.

 

Chọc tới óc hiếu kỳ của tôi thì quả gãi đúng chỗ ngứa!

 

Rời lộ chính, xe băng vào con đường mòn hẹp, hai bên cây cối xanh um. Gọi đường cho sang, chứ những cơn mưa đầu mùa đã biến nó thành một “dòng sông” bùn trơn trượt, nhão nhoét! Thì ra Nga muốn rủ tôi lên thôn Tây - thôn xa nhất xã - tìm nhà em Y Đậm người Ê Đê, học sinh lớp Nga chủ nhiệm. Đã 3 ngày nay Y Đậm không đến lớp.

 

Lội bùn đẩy xe cùng Nga, tôi càm ràm không dứt tiếng. Nga cười ngất:

 

- Xin lỗi bà, nhưng thực tình tui muốn “dụ” bà đi đặng phụ… đẩy xe. Mùa này, mình tui sao vô nổi thôn Tây…

 

Tức cành hông nhưng đã lỡ “trúng kế”. Thôi, đành bấm bụng!

 

Tìm được tới nhà Y Đậm đã trưa trật. Người nhà nghe giới thiệu cô giáo đến thăm lập tức lảng đi, mặc hai cô đứng lớ ngớ ngoài sân. Tình huống oái oăm nhưng Nga không chịu thua. Chẳng đợi mời, Nga nắm tay tôi… xông đại vào nhà, “túm” được cả bố lẫn mẹ Y Đậm ra hỏi chuyện. Nổi xung vì bị cô giáo “bắt”, chẳng đợi hỏi han, bố Y Đậm quát tháo phủ đầu: Các cô về đi, nhà nghèo, thằng Đậm lại dốt, học chi cho tốn cơm! Quát xong, đùng đùng xách điếu ra khỏi cửa! Tình hình rất nản, triệu chứng chín phần mười toi công. Đói và mệt, tôi chỉ còn duy nhất một ý muốn trong đầu: Biến khỏi chỗ này, càng nhanh càng tốt!

 

Tôi bỏ ra ngoài, mặc Nga xoay xở.

 

Nửa tiếng sau, Nga ra theo. Xong! Nga cười hớn hở. Xong gì? Mẹ Y Đậm đồng ý cho nó đi học. Trời, bà “dụ” sao giỏi? “Nghề của nàng” mà, Nga lại cười khoái chí, về nhà kể sau…

 

Hóa ra Nga hứa sẽ quan tâm giúp đỡ, kèm cặp Y Đậm nhiều hơn. Nhưng cái chính là lời hứa… tìm nguồn tài trợ giúp Y Đậm trang trải chi phí học tập, sách vở! Rồi tiền đâu bà tài trợ? Cứ hứa ẩu vậy cho mẹ chàng đồng ý cái đã, từ từ xoay sau…

 

Bài “xoay” của Nga là mở chiến dịch tổng… đi xin, tức vận động các mạnh thường quân có máu mặt trong xã mở hầu bao vì sự nghiệp giáo dục! “Đại gia” xóm núi thì có mấy người, lại đi lên nhờ chắt chiu cực nhọc nên rất ky bo. Vậy mà không biết cách nào Nga vẫn “cạy” được. Không nhiều nhưng cũng đủ hỗ trợ cho số em có hoàn cảnh quá khó khăn như Y Đậm. Bà “dân vận” sao tài dữ? Nga cười: tài gì đâu, mình… khéo nói chút thôi nhưng cái chính là chân thành. Muốn người ta chịu hy sinh thì bản thân mình phải hy sinh trước đã… Có lẽ vậy. Tôi biết: Không tháng lương nào Nga mang về nhà đủ số. Chẳng chi việc này cũng tiêu chuyện kia. Cho những đứa học trò nghèo của Nga. Nghèo khó luôn là cái thùng không đáy, và ngôi trường chốn “thâm sơn” này còn có quá nhiều học trò nghèo…

 

4. Trường được tập huấn phương pháp giảng dạy bằng giáo án điện tử, được trang bị máy chiếu hình (projector) nhưng chưa có máy vi tính. Giám đốc sở động viên: Kinh phí dự án còn hạn hẹp, chỉ lo được tới đó; còn lại, nhà trường và anh chị em giáo viên cố gắng tự lo! À, té ra tập huấn… cho vui, nhiều người thở ra. Được, chờ khi nào trên cấp máy hẵng triển khai, ai điên tự bỏ tiền ra mua máy? Tâm lý chung là… đợi. Phải, trường vùng sâu, ai hối thúc đâu mà vội mà vàng…

 

Chỉ mình Nga nghĩ khác.

 

Lại sáng chủ nhật. Tôi đang loay hoay chăm mấy giò lan thì Nga ào vào. Bà xuống phố với tui không? Xuống làm gì? Đi mua… vi tính! Trời, gan dữ! Tiền đâu mua? Tui vay ngân hàng…

 

Nga lập gia đình, có đứa con đầu lòng. Vợ chồng mới ra riêng, xây gian nhà nhỏ nợ nần còn chồng chất. Mình thương đám học trò lam lũ quá, chẳng lẽ cứ đổ tại trường nghèo mà bắt chúng dài hạn chịu đựng cảnh “học chay”? Bà có thấy số học sinh bỏ học đi bào mì, chặt mía ngày càng tăng không? Chúng ớn học…

 

*

 

Trưa, tôi đang thiêm thiếp ngủ thì chuông điện thoại reo. Anh đồng nghiệp kêu tôi mặc đồ ra xe đi gấp. Đi đâu vậy anh? Con Nga…, giọng anh đứt quãng, nghẹn tắc. Hốt nhiên, một linh cảm chẳng lành khiến tôi run bắn. Tôi đã từ chối không xuống phố cùng Nga vì lười, vì chẳng muốn mất toi một ngày chủ nhật cho mấy chuyện “vác tù và” vô bổ. Hiện trường tai nạn: Chiếc mũ bảo hiểm bị cán nát, đôi giày còn nằm lăn lóc dưới lòng xe. Nga đã được một chiếc xe tải khác đi ngang đưa giúp vào bệnh viện. Chúng tôi tức tốc chạy xuống bệnh viện, người ta chỉ ra nhà xác…

 

5. Đêm. Tôi ngồi bên quan tài Nga, đau quặn ruột mỗi khi nhìn dàn máy vi tính nằm câm lặng nơi góc nhà. Tai nạn khủng khiếp; nhưng, kỳ lạ thay, dàn máy lại chỉ sây sát nhẹ. Đứa con gái nhỏ chưa hiểu chuyện gì, đưa mắt liên tục nhìn người thân, học trò, đồng nghiệp của mẹ vào nhà. Người ta khóc, cô bé cũng khóc…

 

Ngày đưa Nga ra nghĩa trang, nhìn dãy dài học sinh đi phía sau, nghe tiếng khóc, tiếng nấc, tiếng gọi “cô ơi...” của học trò - nhiều đứa mặt mày còn lem luốc, sạm nắng - không ai cầm được nước mắt. Nga ơi, giờ thì mình hiểu: Bạn không chết. Bạn còn sống mãi trong tim bạn bè, đồng nghiệp, người thân, và quan trọng hơn là trong tim những đứa học trò. Có điều gì đang thức giấc trong tôi. Tôi biết: Từ mai mình sẽ phải nghĩ khác, sống khác…

 

Bất giác nhìn lên di ảnh, tôi thấy Nga đang cười tươi rói. Mắt Nga nhìn tôi khuyến khích. Và, lạ kỳ chưa, văng vẳng đâu đây, tôi lại nghe ra giọng Nga một thuở nào, mồn một bên tai: Bà sẽ không phải hối hận đâu… 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek