Thứ Năm, 10/10/2024 11:25 SA
Hành trình khám phá cảnh đẹp Việt của họa sĩ Nguyễn Thị Tâm
Chủ Nhật, 11/03/2018 13:00 CH

Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm - Ảnh: CTV

Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm là vị khách thường xuyên có mặt tại Phú Yên trong những chuyến đi thực tế sáng tác, tham gia triển lãm. Phong cảnh đẹp của xứ “hoa vàng cỏ xanh” đã trở thành nguồn cảm hứng cho bà sáng tạo nên một số bức tranh ấn tượng. Nguyễn Thị Tâm là một trong những nữ họa sĩ hiếm hoi của Việt Nam gặt hái nhiều thành công từ cuối thế kỷ XX, đặc biệt là mảng tranh lụa cổ truyền dân tộc mà bà dấn thân tìm tòi, thể nghiệm, sáng tạo, tìm ra bí quyết kỹ thuật bảo tồn tranh lâu bền và trở thành người vẽ tranh lụa nhiều kỷ lục...

 

Một xã hội thu nhỏ và đại gia đình nghệ sĩ

 

Hoạ sĩ Nguyễn Thị Tâm vừa bước sang tuổi 82. Quê gốc Sài Gòn nhưng bà sinh trưởng tại Mỹ Tho, nay thuộc tỉnh Tiền Giang, trong một gia đình đông con, có tinh thần học vấn, yêu nghệ thuật. Đối với phái nữ thời bấy giờ được học hành và theo đuổi niềm đam mê như bà không nhiều. Học hết trung học, Nguyễn Thị Tâm thi vào học khóa 2 Khoa Sơn dầu Trường quốc gia cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn và tốt nghiệp năm 1958, rồi tiếp tục đỗ thủ khoa khóa sư phạm 1 năm sau đó.

 

Trò chuyện với chúng tôi, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm cho biết: “Hồi nhỏ tôi mơ ước làm bác sĩ để cứu người khỏi bệnh tật. Có lẽ tôi tên Tâm nên sớm có ý hướng ấy. Tuy nhiên, lớn lên thấy nhiều tai nạn máu me, tôi sợ đến chóng mặt. Cha tôi vốn làm nghề thuốc, học vẽ “tay trái” trường Pháp và có tranh được đăng báo bên Tây. Thấy vậy tôi thích lắm. Nhà đông con, cha tôi muốn mỗi đứa theo học một nghề khác nhau để gia đình như một xã hội thu nhỏ. Tôi muốn học luật, nhưng mẹ không đồng ý, vì bà cụ cho rằng luật sư cãi trắng thành đen, cãi đen thành trắng. Còn học nhạc thì mẹ nói “xướng ca vô loài”. Cuối cùng tôi chọn học vẽ. Mẹ tôi cũng bảo họa sĩ… cùi. Nhưng cha thì ủng hộ: Thôi, trong nhà nên có một đứa học vẽ!”.

 

Ước mơ của Nguyễn Thị Tâm đã thành, mà mơ ước của cụ thân sinh về gia đình có nhiều nghề như một xã hội thu nhỏ cũng đã toại nguyện. Đó cũng là niềm hạnh phúc của bậc sinh thành suốt đời hy sinh vì con cái trong hoàn cảnh gian khó. “Qua đó, tôi cũng nghiệm thấy rằng, đối với mỗi người khi đã lập gia đình, điều quan trọng nhất là phải có con cái và nuôi dạy chúng thành người chân chất, lương thiện, có nghề nghiệp ổn định, biết yêu quý lao động; có thể nghèo về tiền bạc nhưng hoàn hảo về đời sống tinh thần. Như vậy, cha mẹ mới là người thành đạt”, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm tâm sự và từ kinh nghiệm sống của mình, bà còn nói: “Từ nhỏ lớn lên mình nợ rất nhiều, từ công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, thầy cô đến chén cơm của xã hội. Ông bà mình để lại nhiều thứ rất hay. Vì vậy, mỗi người trong đời cố gắng để lại một cái gì đó mong trả được nợ cơm áo. Dù lớn tuổi nhưng đến nay, thi thoảng tôi vẫn tranh thủ dạy học, vì yêu nghề và cũng vì mong muốn truyền lại những kinh nghiệm nghiên cứu cho thế hệ sau”.

 

Một điều may mắn với họa sĩ Nguyễn Thị Tâm là có người bạn đời đồng cảm đồng điệu - họa sĩ Nguyễn Long Sơn, vốn yêu nhau từ thời sinh viên trường mỹ thuật, rồi nên vợ nên chồng khi trở về làm việc ở miền Tây, sống và chia sẻ vui buồn với nhau đến trọn đời. Hai ông bà có được 5 người con đều đã trưởng thành, trong đó có 4 người theo con đường hội họa. Chẳng những trong việc nuôi dạy con cái mà cả trong nghề nghiệp, họ cùng đào tạo nên nhiều học trò giỏi, nhất là những thành viên của nhóm Sơn Tâm. Từ những năm 1980, hai người còn đồng sáng lập Câu lạc bộ Họa sĩ Cùng Sánh Bước - Họa thất 5P quy tụ nhiều bạn bè họa sĩ, mở nhiều cuộc triển lãm bán đấu giá tranh từ thiện hỗ trợ người nghèo, trẻ em bất hạnh.

 

Hồn thiền - tranh của Nguyễn Thị Tâm - Ảnh: CTV

 

Tình yêu phong cảnh đất nước

 

Với tư cách người thầy từ trung học đến đại học ở Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh và Nam Bộ trong 25 năm, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm đã góp phần đào tạo nên nhiều thế hệ họa sĩ trẻ. Nhưng chưa dừng ở đó, sau khi rời nhà trường, bà vẫn tiếp tục gắn bó với công việc giáo dục bằng con đường riêng của mình, phát hiện và chỉ dạy tận tình nhiều học trò phát huy năng khiếu mỹ thuật để trở thành những nghệ sĩ sáng tạo thực thụ.

 

Về hoạt động sáng tác mỹ thuật, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm nổi tiếng với những bức tranh phong cảnh đồng quê, đã tham gia gần 100 cuộc triển lãm cá nhân, tập thể. Đặc biệt, bà đã có 25 cuộc triển lãm riêng về tranh lụa trong và ngoài nước như Pháp, Đức, Italia, Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ, Mỹ, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan… Tại những cuộc triển lãm ở nước ngoài, tranh của bà rất được ưa chuộng, có khi bán hết cả phòng tranh.

 

Hoạ sĩ Nguyễn Thị Tâm có tranh được lưu giữ trưng bày trang trọng tại nhiều nơi, trong đó có 2 bức tranh được treo trong Bảo tàng Tòa thánh Vatican ở Roma - Italia, và nhiều địa chỉ mỹ thuật khác như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Hội An. Ở trong nước có hai nhà sưu tập hiện lưu giữ mỗi người hơn 100 bức tranh của Nguyễn Thị Tâm, dự định mở bảo tàng triển lãm tư nhân. Còn ở nước ngoài, nhà sưu tập lưu giữ nhiều nhất tranh của bà là một người Mỹ khi ông mua hơn 50 bức.

 

Nhớ về thuở ban đầu bước vào con đường mỹ thuật, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm cho biết: “Khi học, tôi chưa khẳng định mình sẽ đi hướng nào. Ra trường, làm việc, lập gia đình ổn định thì tôi mới bắt đầu thực hiện hoài bão của mình. Ở trường mỹ thuật thì được học mọi thứ, từ hiện thực đến siêu thực, tượng trưng… Ngẫm lại mình chọn con đường nào phù hợp với mình nhất. Và tôi quyết định chọn vẽ phong cảnh, gần như hiện thực”.

 

Việc chọn vẽ phong cảnh đối với họa sĩ Nguyễn Thị Tâm trước hết là thỏa mãn ước muốn đi du lịch, muốn trực tiếp quan sát thực tế phong cảnh, đời sống đất nước mình. Sự thích thú này “ám” bà qua trang viết của các nhà văn Tự lực văn đoàn mà bà đọc từ thời trẻ. Đồng thời qua tranh phong cảnh, bà mong làm cầu nối giới thiệu miền này với miền kia, bởi không phải ai cũng có cơ hội đi hết mọi nơi, thưởng thức hết những khoảnh khắc đẹp trên đất nước mình. Hơn nữa, tranh phong cảnh có nhiều người thưởng ngoạn hơn, dễ cảm hơn tranh tượng trưng hay siêu thực. Cũng theo bà: “Muốn vẽ được tranh phong cảnh trước hết phải đến tận nơi quan sát để vẽ, như vậy mới truyền được xúc cảm đến với người xem, chứ không thể qua ảnh chụp mà vẽ lại được, vừa xơ cứng vừa dễ mắc lỗi đạo ảnh người khác. Và khi đứng trước thiên nhiên, cảnh vật bao la, mình phải biết cảm nhận cái gì, lấy được cái gì, xem nó có cần thiết cho mình lẫn người thưởng ngoạn không. Từng khoảnh khắc thiên nhiên khác nhau có những vẻ đẹp khác nhau”.

 

Từ sự thích thú những trang viết của Tự lực văn đoàn, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm cảm nhận được sự gần gũi giữa hội họa với văn chương và những bộ môn nghệ thuật khác. Khi đọc một áng văn hay thì tự nhiên bà cảm giác hình ảnh văn chương đập trong đầu mình hình ảnh hội họa. Chẳng hạn Thuở trời đất nổi cơn gió bụi/ Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên trong Chinh phụ ngâm, hoặc nhiều hình ảnh trong Truyện Kiều mang lại cho bà xúc cảm vẽ thành tranh. Từ đó, bà thấy rằng trong văn thơ có hội họa thì người họa sĩ làm sao trong tranh cũng phải có chất thơ chất văn, như vậy tranh mới đẹp.

 

PHAN HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek