Thứ Năm, 10/10/2024 13:26 CH
Rộn rã tiếng cồng chiêng đầu xuân
Thứ Ba, 06/03/2018 13:00 CH

Không những là loại hình nghệ thuật giải trí trong ngày hội của buôn làng mà hơn hết, trống đôi, cồng ba, chiêng năm được ví như tiếng lòng, là hồn thiêng của người đồng bào. Đặc biệt, trong lễ hội Trống đôi, cồng ba, chiêng năm huyện Đồng Xuân năm 2018, những âm thanh ấy tiếp tục được vang lên, mang niềm vui, phấn khởi cho người dân và du khách thập phương vào những ngày đầu năm mới.

 

Màn trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm trong lễ hội Trống đôi, cồng ba, chiêng năm huyện Đồng Xuân năm 2018 - Ảnh: THIÊN LÝ

 

Độc đáo văn hóa thôn Xí Thoại

 

Ông Nguyễn Hữu Từ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: “Hiện nay, để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể này, huyện Đồng Xuân đã quy hoạch diện tích khoảng 2ha kết hợp với du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư còn hạn chế nên huyện mong muốn sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cấp...”.

Đến hẹn lại lên, cứ đúng ngày 16 tháng Giêng, chúng tôi lại về thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân) để cùng hòa vào những động tác múa nhịp nhàng, mềm mại theo điệu aráp, trong khúc biến tấu của cồng ba, chiêng năm rồi chìm đắm trong hơi rượu thơm nồng mùi nếp mới. Chúng ta có xem tận mắt mới cảm nhận được nét độc đáo của loại hình nghệ thuật trống đôi, cồng ba, chiêng năm. Trong diện tích nhỏ hẹp trên sân khấu, nhưng người đồng bào Ba Na, Ê Đê, Chăm H’roi đã khéo léo tái hiện những nếp sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc mình một cách sinh động, chân thực.

 

Những điệu múa xoan uyển chuyển kết hợp với giai điệu chiêng thong thả, nhịp nhàng mà khoan thai với nhịp cồng rộn ràng, sôi nổi, các nghệ nhân xã Canh Hòa, huyện Vân Canh (Bình Định) đã mở ra khung cảnh cưới xin của một đôi trai gái. Trong tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã, đại diện nhà gái mời nhà trai những chén rượu nồng, trong lúc em vợ dắt chú rể vào nhà. Trước khi bước qua thềm nhà, Ma dong (người làm mối) sẽ dùng sáp ong đốt lên, hơ bàn chân chú rể nhằm cầu chúc sức khỏe. Còn cha mẹ và họ hàng nhà gái tiến hành nghi thức nhận chú rể. Lúc này, Ma dong trao vải thổ cẩm được dệt công phu cho chú rể và cô dâu, cầu chúc đôi trẻ mãi yêu thương nhau, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

 

Trong lễ cầu hôn, tiếng trống đôi, cồng ba, chiêng năm như nhắc nhở đôi trai gái phải yêu thương nhau bền chặt, thủy chung thì trong những cuộc sinh hoạt hàng ngày, chúng lại tạo sự gắn kết, mang niềm vui, tiếng cười rộn rã cho buôn làng. Còn trong đám ma, tiếng cồng chiêng xập xèng như tiếng lòng, buồn bã, nỉ non, mong muốn sẻ chia nỗi mất mát của gia đình hay bước vào cuộc giao lưu, giai điệu lại lắng xuống, nhịp điệu trở về chậm rãi, tình cảm; khi tiễn khách, âm điệu êm ái, thiết tha như muốn níu chân người… Tất cả đều được nghệ nhân đến từ các đội lột tả qua trống đôi, cồng ba, chiêng năm.

 

Anh Bùi Văn Hiệp, đội trưởng thôn Xí Thoại, vui vẻ nói: “Lễ hội năm nay, thôn Xí Thoại tham gia khoảng 24 người. Các nghệ nhân đội chủ yếu ở độ tuổi từ 40-50. Mặc dù tất bật với việc rẫy, rừng nhưng họ đều tranh thủ thời gian để tập luyện, chuẩn bị cho ngày hội lớn”. Còn anh Ma No ở thôn Suối Mây, xã Xuân Phước, thổ lộ: “Tôi rất vui vì các cấp lãnh đạo đã quan tâm, tạo điều kiện giúp chúng tôi có cơ hội được giao lưu và trình diễn bản sắc dân tộc của mình”.

 

Chị Nguyễn Thị Hằng ở phường 7 (TP Tuy Hòa) bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên tôi được hòa mình vào những điệu múa, âm thanh độc đáo thế này. Tham gia lễ hội, tôi được trải nghiệm văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số và tìm hiểu thêm về con người, văn hóa của các dân tộc anh em sống trên địa bàn tỉnh”.

 

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa

 

Lễ hội năm nay, ngoài 7 đoàn nghệ nhân các dân tộc thiểu số của 6 xã trên địa bàn huyện Đồng Xuân còn có sự tham gia của đoàn nghệ nhân dân tộc thiểu số 2 xã Canh Hòa, Canh Liên (tỉnh Bình Định). Lần đầu tiên tham gia lễ hội này, ông Sô Y Lũy, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Vân Canh, cho biết: Tôi rất vui khi được về tham dự và xem trình diễn những âm điệu đặc sắc của cồng chiêng, trống đôi. Đây là cơ hội để các nghệ nhân giao lưu, phô diễn các giá trị văn hóa, cũng là cơ hội để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

 

Theo ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, trống đôi, cồng ba, chiêng năm là một trong những di sản đã được công nhận là văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là bộ nhạc cụ có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần, nhất là trong những sinh hoạt văn hóa và lễ hội của đồng bào dân tộc Ba Na, Chăm H’roi ở thôn Xí Thoại nói riêng và cộng đồng các dân tộc thiểu số của tỉnh nói chung. Vì vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa này, từ năm 2017, Sở VH-TT-DL Phú Yên đã phối hợp với UBND huyện Đồng Xuân tổ chức lễ hội Trống đôi, cồng ba, chiêng năm huyện Đồng Xuân vào ngày 16 tháng Giêng làm tiền đề hình thành một lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số ở huyện Đồng Xuân mỗi độ Tết đến, xuân về, gắn với điểm du lịch - văn hóa thôn Xí Thoại.

 

Để bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của nghệ thuật trình diễn Trống đôi, cồng ba, chiêng năm, huyện Đồng Xuân đang xây dựng kế hoạch sưu tầm và ký âm các bài nhạc; đồng thời tổ chức để các nghệ nhân lớn tuổi truyền dạy cách biểu diễn nghệ thuật này đến thế hệ trẻ.

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek