Thứ Năm, 10/10/2024 17:24 CH
Bóng người đi trong sương - truyện ngắn của HUỲNH THẠCH THẢO
Thứ Năm, 15/02/2018 14:00 CH

- Sương, tư Sương!

 

Tôi đang chở chú Sáu đi trên đường, con đường đẹp nhất vào chiều sắp tắt nắng, vừa định rẽ sang đường khác để sang bên kia có chiếc cầu dài vắt ngang thành phố thì chú kêu lớn và vẫy tay liên tục. Xe chưa dừng hẳn chú đã nhảy xuống rồi khập khễnh chạy đến bên người phụ nữ định bước qua đường, tôi cười nhìn hai người tóc bạc chạm mặt nhau. Người thì rối rít, người thì ngơ ngác, và kết lại là cùng cười, cùng nắm tay, cùng long lanh mắt khi nhận ra nhau.

 

Minh họa: TRẦN QUYẾT THẮNG

 

- Sương đi đâu đây, anh cứ nghĩ em đang ở ngoài đó, định nhờ thằng cháu đang đứng kia mai đưa đến.    

 

- Em lên thăm con trai, nó làm ở phố, anh vô khi nào?

 

- Thì mới vào, bảo đứa cháu chở đi thăm phố xá kẻo lạc đường như đận ấy!

 

Người phụ nữ lại cười, chỉ tay phía trước, phía có ngôi nhà khuất dưới tàng cây bông giấy trổ hoa tím. Không một lời gì cả, chú Sáu khoát tay ra sau cho tôi đi theo và tay kia, rất tự nhiên dẫn cô Sương băng qua đường.

 

Chiến tranh đã lùi xa, câu chuyện của quá khứ luôn đẩy về một góc vì bao lo toan bộn bề, nhưng độ lùi của nó sẽ được kéo ngược trở lại như hôm qua, hôm kia nếu ta gặp một người quen, hay chạm vào nỗi nhớ hoặc đến ngày kỷ niệm là sẽ không thể nào quên bởi đấy là sinh mệnh một con người hoặc số đông người. Và   không gian tôi cùng chú Sáu, cùng cô Sương đang đi trên phố thị sắp vào một mùa xuân nhưng câu chuyện họ kể, có độ lùi đến năm mươi năm. Lúc ấy họ còn thanh xuân, còn trẻ hơn tôi bấy giờ, đó là mùa xuân 1968 mà người trong cuộc ai cũng nhắc: Tết Mậu Thân.

 

Thưa người đọc, sẽ không thể làm mất thời gian của bạn, nhất là lúc đang sum họp gia đình đón tết trong nắng hanh vàng. Nhưng cũng xin năm, bảy phút cho một câu chuyện có thật mà giờ đây cả tôi, một đứa con nít lúc ấy, và chú Sáu cùng cô Sương đã trở thành người trong cuộc. Mà không, còn một người nữa, một người Hải Dương đã được đón về đất mẹ Thanh Miện ngoài ấy, và luôn im lặng để lắng nghe câu chuyện có mình dù đang trong khoảng trời xanh mây trắng bay.

 

*  * *

 

Câu chuyện của đứa trẻ vào đận tết 1968:

 

“Cái tuổi mà bất cứ đứa trẻ nào đều luôn mong chờ một cái tết đến, dù là ít nhiều cũng là tết vì được mặc đồ mới, được tiền mừng tuổi, được nghỉ học dài ngày, được ngồi bên cha canh nồi bánh tét vào đêm giao thừa, và ngồi bên mẹ chờ vét nồi mứt thơm lựng. Buổi chiều cuối năm yên tĩnh trong tiếng pháo đì đùng, tiếng người cười nói nhà bên cho đến giao thừa thì tiếng pháo, tiếng súng và những đốm hỏa châu sáng rực mừng năm mới. Nhưng rồi tiếng súng càng rộ, kéo dài. Mọi nhà khép cửa, chỉ hé mở dõi theo các bóng người trong mờ sương lành lạnh thoáng ẩn, thoáng hiện lao về thành phố để tất cả chờ trời sáng”.

 

Câu chuyện của chú Sáu:

 

- Chúng tôi được các đơn vị chủ lực miền ngoài tăng cường, trung đội có thêm mấy anh nơi Hải Dương, Thanh Hóa và được ăn tết sớm để đợi giờ G. Đơn vị sẽ thọc sâu vào chi khu cảnh sát, Trung đoàn 47 và tỉnh đường phía biển. Các ảnh sẽ bám theo chúng tôi vượt mấy cánh đồng vì lần đầu đặt chân trên đất này và cơ bản là tập kích bất ngờ, địch sẽ lúng túng vào dịp tết, từng đơn vị sẽ đánh nhanh, chắc thắng hòa với toàn miền. Tuấn, bên chủ lực bổ sung về tiểu đoàn và trực tiếp với trung đội. Dân học sinh cứ cậu cậu, tớ tớ đầy nho nhã so với tụi tôi là nông dân thứ thiệt, nhảy núi kẻo bị bắt lính. Chiều giáp tết, chúng tôi di chuyển về địa điểm để ém quân, đồng thời sẽ phối hợp các đơn vị mà đồng loạt nổ súng.

 

Câu chuyện của cô tư Sương:

 

- Lúc ấy, tôi đi học sư phạm ngoài Quy Nhơn năm đầu. Được nghỉ về quê ăn tết thì không gì vui sướng bằng. Tôi về giúp mẹ làm bánh, giặt giũ líu lo ca hát trong nắng se vàng khi cha thì chuẩn bị mọi thứ đón tết vì ông là nhân dân tự vệ nên không biết khi nào sẽ gọi đi trực gác ở xã. Mà lính đó thì khỏi quân dịch, chứ có bắn được phát nào ra hồn đâu.

 

* * *

 

Sáng mùng một trời nắng hanh, không khí tự dưng nặng nề, thỉnh thoảng vài tiếng nổ như nhắc nhở là đang năm mới. Rồi thì những chiếc trực thăng ồ ạt bốc quân, những đoàn xe GMC chở đầy lính và trên bầu trời từng đợt máy bay ném bom vụt ngang, những cụm khói cũng dần bốc lên đan xen trong nắng, đan xen trong không khí mùi diêm sinh không phải là những viên pháo tết mà là của những viên đạn từ nòng súng bắn ra, bắn dồn dập, đan cài xối xả ở dọc các ngả đường vào thành phố. Bầu trời rì rầm tiếng động cơ L.19 cùng máy bay Đakota kêu gọi mọi người không được di chuyển hoặc rời khỏi phố thị có trật tự.

 

“…Riêng lũ trẻ chúng tôi, những đứa trẻ chân đất đầu trần được bận quần áo mới, miệng còn nhóp nhép các loại rim mứt vẫn háo hức đón tết, chạy tìm nhau trên đường làng phía ngã ba xóm mặc ba mẹ kêu réo gọi về. Và nơi ấy, nơi giếng nước đầu xóm; chúng tôi, lần đầu tiên gặp một người lạ đang vội vã đi đến có tiếng nói cũng là lạ. Tay anh nâng súng ngang ngực, mắt nhìn về phía trước và hỏi dồn:

 

- Đường xuống biển, chỗ tỉnh đường đóng phía nào các em?

 

Tôi chỉ con đường hun hút tre xanh phía trước đang vắng bóng người và yên tĩnh đến lạ:

 

- Anh đi gần cuối con đường thì gặp ao nước có ụ mối, băng qua đường cái quan, rồi… À không, anh băng tắt cánh đồng về xóm nhà trước mặt để hỏi thì nhanh hơn.

 

Cả bọn thấy anh cười, gật đầu dù vội vã.

 

Anh đi, súng lại chuyển qua vai với tấm lưng áo bạc thếch màu cỏ úa. Chiếc quần xanh xắn đến khuỷu lộ bắp chân trần trắng nhờ bùn đất và bên dưới, dưới đó là đôi dép cao su lấm lem bụi đường. Tôi nhìn anh dừng lại, khom người thắt chặt nịt đạn khi đến ngả rẽ tiếp giáp cánh đồng rồi ôm súng nhảy qua mương nước nhỏ mất hút nơi lũy tre dưới bầu trời xanh lồng lộng gió, dọc theo bờ ruộng đang lúa trổ dòng có nắng hanh vàng trộn lẫn bụi khói của các đám cháy. Thằng Nam lên tiếng:

 

- Tụi mày, đó là chú du kích!

 

- Không, anh bộ đội. À, chú giải phóng miền Bắc! - Lại có tiếng cãi.

 

Cả bọn chợt im lặng. Tự dưng không ai bảo ai liền chạy đến gò duối, nơi nhìn rõ phía cánh đồng mà người lính giải phóng đang đi phía xa và sững người lại, cánh đồng giờ đây không vắng người, không phải là nơi tụ tập cả bầy chó làng trốn pháo nổ, mà cánh đồng lố nhố bóng người của dân trong xóm và tốp lính tảo thanh đang ập đến. Tôi đang dõi nhìn thì má tôi đã đến kéo giật tay lôi tôi về…”

 

*  *  *

 

Tiếng cô tư Sương nghèn nghẹn:

 

- Họ đã đến trú nhà tôi vào xế chiều hôm trước vì vườn rất rộng, trong đó có anh, anh Sáu à. Chỉ có năm người xin ở tạm chờ đêm về và anh Tuấn đang lên cơn sốt. Cha tôi được cơ sở báo trước nên yên tâm. Tội nghiệp ảnh, sốt rét rừng khi ấy sợ lắm, cuộn bao nhiêu chăn cũng không đủ cho đến hết cơn thì rũ rượi, bã cả người. Anh Tuấn lại khác, dứt cơn sốt đã cười, nói là vùng này giống quê ảnh có đồng lúa, lũy tre, những mương nước nhỏ, chỉ khác giọng nói. Vậy mà, ảnh lại lên cơn sốt tiếp theo khi các anh đi. Trời sáng thì anh Tuấn dứt cơn liền vùng dậy mang súng để theo cho kịp mọi người. Tôi làm sao ngăn được, cha thì xã đã triệu tập lên ấy. Ảnh chỉ cười bảo tôi là sắp giải phóng rồi, ảnh không bỏ lỡ dịp này và sẽ quay lại thăm gia đình. Ảnh đi, nhòa vào màn sương sớm.

 

Tiếng trầm buồn của chú Sáu:

 

- Tuấn sốt cao khi đã đến giờ vào điểm nổ, chỉ còn cách nhờ gia đình em chăm sóc rồi chúng tôi sẽ quay lại đón. Tư biết không, năm đứa mà chỉ có tôi về, tôi bị thương ở đùi và lạc đơn vị khi địch nống ra, chặn các đường rút theo dự kiến.

 

“…Má tôi chuẩn bị gói đồ vào ruột nghé để chuẩn bị tản cư, mà tản cư nơi vùng tôi thì như cơm bữa bởi sống nơi vùng chiến sự nên tôi đợi bà không để ý liền phóng ra ngoài ngõ, chạy thẳng đến gò duối lúc này có cả lính trên sân bay Chóp Chài kéo đến. Không biết họ làm gì khi chụm đầu bàn tán rồi gọi điện đàm, lát sau chiếc Jeep phóng đến cày tung bụi đường. Gã sĩ quan lấy loa xách tay hướng ra cánh đồng, nơi người lính đang cúi người đi phía xa:

 

- Anh kia, bỏ súng xuống, giơ tay ngang đầu, quay lại nơi đây!

 

Anh ấy khẽ xoay người, ánh thép lưỡi lê nơi đầu nòng bắt ánh nắng lóe lên trong trời dần chiều và lại bước nhanh về phía trước.

 

- Muốn sống, hãy bỏ súng, đứng lại!

 

Tiếng gọi âm vang, rờn rợn, thôi thúc đưa theo gió chiều trong quãng đồng chao chao màu xanh của lúa, của một người yên lặng bước đi, nó len lỏi vào từng lũy tre, từng gia đình, từng rãnh nước róc rách. Khoảng cách sự sống và cái chết cận kề, anh đã chọn nên anh vẫn bước.

 

Gã sĩ quan lắc đầu, hạ lệnh và gạt tay những người dân. Một thuộc hạ lao đến ụ mối trước mặt bình thản lấy điểm ngắm từ khẩu M.79. Viên đạn màu vàng chóe rời nòng trong cự ly gần với tiếng rít thật rõ. Bóng người lính mất dạng trên vạt lúa lúc điểm nổ bắn nước tung tóe và hiển hiện buổi chiều bóng người lính vẫn đi cùng tiếng reo của mọi người dân. Thêm phát đạn nữa để cuộn mờ điểm nổ, và lúc này, anh ấy đã quay lại, nâng súng ngang tầm ngực lao đến. Gã sĩ quan đã tra đạn, lấy điểm ngắm cùng tiếng rít cuộn mờ nơi điểm nổ vào chiều đầu xuân lúc mọi người cúi đầu quay về”.

 

Tiếng cô Tư ráo hảnh:

 

- Đêm ấy, cha tôi cùng vài người dân trong xóm lặng lẽ đưa anh ấy về vườn nhà vì có tin ngày mai sẽ không cho ai lấy xác. Thật tội, chiếc áo màu cỏ úa và chiếc quần xanh xắn đến khuỷu bạc thếch đã lấm lem bùn đất. Mặt anh vẫn hướng về bầu trời xanh như vẫn không tin mình đã ra đi nơi vùng đất giống như quê mình. Anh biết không, làng này nổi tiếng trồng mai tết. Cứ mỗi năm, vào đận mai nở, thì tôi lại nhớ khuôn mặt Tuấn nhoẻn cười hẹn sẽ về thăm gia đình. Đã sắp đến một cái tết, dù đã bao năm ta không thể quên đận ấy, có thể cũng trở thành mối thù khi ta nhớ. Mà thôi anh Sáu à, tết là sum vầy, là tha thứ cho nhau phải không anh?!

 

Tôi thấy chú Sáu im lặng, mặt quay sang nơi khác rồi gật đầu. Chia tay cô Sương, tôi đưa chú Sáu về, đến đoạn rẽ sang đường khác thì tôi nhìn lại, vẫn thấy cô ấy nhìn theo, nhìn mãi trong màn sương chiều vào đận tết.

 

Thưa bạn đọc, câu chuyện được chắp nối để có một đoạn kết khi tôi được chú Sáu kể và đi thăm cô Tư. Chú Sáu cho biết, sau giải phóng thì cũng lần ra gã sĩ quan vào chiều đầu năm 1968 ấy. Nhưng thôi. Và chú cũng đã về Thanh Miện, nhà Tuấn gần đảo Cò, cũng ngay dịp tết để thấy từng đàn chim tung cánh chao chao về tổ ấm.

 

Đoạn kết của đứa trẻ đi qua cuộc chiến: “Và anh Tuấn sẽ chẳng biết, sau này, nơi cánh đồng làng tôi, nơi anh từng tìm kiếm đơn vị, tìm điểm đánh cuối cùng trong tỉnh lỵ để rồi ngã xuống thì đồng đội anh đã trở lại vào một buổi sáng còn mờ sương năm 1975. Trong đoàn quân chiến thắng ấy, tôi và mọi người ùa ra và bất chợt nhớ lại người giải phóng quân xuân 1968 với lưng áo bạc thếch, với quần xanh xắn đến khuỷu và bình thản đón đợi cái chết, bình thản bước đi trên cánh đồng làng để về đất Mẹ, vì một mai kia, rất gần, là chiến thắng…”.

 

50 năm qua rồi, nhưng bóng người đi trong sương vẫn chưa xóa nhòa như độ lùi thời gian của chiến tranh, càng lùi xa thì càng nhớ lại.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek