Thứ Năm, 10/10/2024 17:21 CH
Vài kỷ niệm cùng nhà thơ Triệu Lam Châu
Thứ Tư, 14/02/2018 17:00 CH

Triệu Lam Châu (thứ hai từ phải) trên núi Hàm Rồng, Sa Pa - Ảnh: CTV

Buổi chiều ấy trời đang lạnh, chiều ngày 9/1/2018, nhà văn Đào Minh Hiệp, là ông anh, cũng là ông sếp cũ, gọi điện: “Quốc ơi! Triệu Lam Châu mất rồi, em biết chưa?” Tôi thẫn thờ, sau đó vào Facebook: các tường nhà friend đều có tin này!

 

Khi đó nhà văn Đào Minh Hiệp nói tôi nên viết một bài về anh Châu. Tôi không nghĩ là sẽ viết được, vì không phải đồng niên đồng nghiệp như anh Hiệp, nên tôi nói anh viết sẽ kỹ hơn, phần em nếu được sẽ viết sau. Và anh Hiệp đã có bài kịp thời đăng báo, đầy đủ ý nghĩa, lẽ ra tôi không viết thêm, nhưng nghĩ đến việc “thất hứa” là tôi cứ áy náy trong lòng, nhất là hứa trước người lớn và người đã khuất! Vừa rồi, đang tập hợp và chọn bài cho tuyển tập Thơ Nguyên tiêu 2018, tôi lại thấy những dòng chữ do chính anh Châu gõ gửi qua e-mail, những con chữ như nhảy múa, như có mắt nhìn tôi, tôi như thấy hiện lên hình ảnh anh trước mặt. Là người dễ xúc động, tự nhiên tôi không sao cầm được nước mắt khi ngồi một mình trong phòng, ngay cả khi gõ những dòng này. Vậy là, không viết là không được nữa rồi…

 

Theo Thông báo mời tham gia thơ Nguyên tiêu năm 2018 của Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên phát hành ngày 1/11/2017, thì có lẽ anh Châu là người gửi tham gia sớm nhất. E-mail đề ngày 3/11/2017 từ tài khoản trieulamchau@gmail.com ghi: “Chào nhà thơ Huỳnh Văn Quốc. Chúc em ngày mới tốt lành nhé. Anh gửi em chùm thơ hai bài mới. Tham gia vào Nguyên tiêu và số Xuân năm 2018 nhé. Chúc em và bạn bè văn nghệ Phú Yên ta mạnh giỏi, thành công. Triệu Lam Châu”. Ở phần “Tệp đính kèm”, anh gửi kèm 2 bài thơ: Non sông ta liền một dải thiêng liêng, cuối bài ghi thời gian “Cao Bằng phố núi, lúc 6 giờ 14’ sáng 3/7/2017”; và bài Muốn đưa chị nhà về thăm Tuy Hòa, ghi thời gian “Cao Bằng phố núi, lúc 6 giờ 59’ sáng 3/7/2017”. Vậy mà, việc “muốn đưa chị nhà về thăm Tuy Hòa” của anh, cùng lời hẹn trong thơ “Vậy thì ta hẹn nhau vào mùa thơ, em nhé/ Rằm lại tròn đỉnh trăng Núi Nhạn bồng bềnh/ Hai nhà chúng mình cùng nắm tay bè bạn/ Hát Bài chòi bên biển gió mênh mang…” đã thành dang dở! Đó là hai bài thơ cuối cùng anh gửi về Tạp chí Văn nghệ Phú Yên nói riêng và Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên nói chung.

 

Từ thư gửi e-mail lần cuối đó, tôi “lần giở trước đèn” những e-mail cũ, thì kỷ niệm về anh càng ăm ắp ùa về. Anh Châu thường gọi tôi là “nhà thơ” hoặc “nhà thơ trẻ”, còn tôi thì gọi đùa anh là “nhà thơ vĩ đại”, cứ vậy mà cười, mà thành bạn vong niên từ lúc nào chẳng rõ. Cũng nên nói thêm, có nhiều người cuồng danh, quan trọng hóa cái danh từ “nhà thơ” hoặc “nhà văn” nên thường đòi hỏi phải là “hội viên trung ương” mới đủ tư cách. Tôi thì nghĩ khác, chẳng vinh dự gì và cũng chẳng mặc cảm gì, muốn gọi sao cũng được, vì hễ làm nghề gì được xã hội công nhận thì gọi là “nhà” nấy thôi, ví dụ “nhà nông”, “nhà doanh nghiệp”… Chẳng lẽ họ làm nghề ấy mà phải đợi hội nào đó ở “trung ương” công nhận mới được gọi là… nhà nông hay nhà doanh nghiệp sao? Sở dĩ tôi mở ngoặc điểm này vì trong các e-mail tôi trích dẫn, anh Châu thường gọi tôi là “nhà thơ”, và tôi phải “trung thành với nguyên tác” anh viết chứ cũng chẳng “khoái chí” gì!

 

E-mail ngày 10/4/2016 ghi: “Chào Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc. Qua trao đổi hôm nọ, bạn đã nhận lời viết lời giới thiệu cho tập thơ Ngâu tím nẻo trời (Của Triệu Lam Châu - Nguyễn Tuyết Mai), mình rất vui mừng. Bởi bạn đã là tri âm của mình hơn hai chục năm qua trên phương diện thi ca. Hôm nay mình gửi bạn bản thảo tập thơ ấy, để bạn đọc và suy ngẫm rồi viết giùm nhé”. Khi nhận e-mail này và từ chối không đành, tôi đề nghị với anh là sẽ viết, nhưng tôi lấy bút danh khác chứ không muốn dùng cụm từ “Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc” như anh dự định, vì anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, còn tôi chẳng có hội nhà nào cả. Lúc ấy thầm mong anh không chịu và chuyển người khác có tên tuổi viết cho, nhưng cuối cùng anh vẫn… kiên trì “bạn dùng bút danh khác cũng được”, thế là phải viết. Tôi viết bài này khá mệt, phải đọc mấy trăm bài rồi lọc ra những câu, những bài mà tôi cho là “đắt” để viết, nhưng chẳng biết anh có tâm đắc với cái “đắt” tôi chọn không? Cũng may, có bài tôi góp ý anh sửa chữa hoặc có bài đề nghị bỏ hẳn, anh cũng đồng ý; và những điều tôi nhận xét trong tập, anh “vô cùng” tán thành qua e-mail đề ngày 9/6/2016: “Chào nhà thơ Quỳnh Văn (bút danh tôi đề nghị - NV)! Mình đã nhận được lời giới thiệu (Ngâu tím nẻo trời) từ tốn mà rất nặng ký của em rồi. Vui quá. Bởi vì em đã bắt được mạch hồn của hai tác giả rồi. Cảm ơn em rất nhiều nhé. Chúc em vui khỏe và mọi thành công! Triệu Lam Châu”.

 

Ấy là những lần anh “nhờ” tôi, còn nhiều lần khác tôi nhờ anh, và anh giúp đỡ nhiệt tình không nề hà gì. Tôi nhớ nhất lần làm tạp chí vào tháng 7 năm ngoái, nguồn bài “Văn học nước ngoài” của những dịch giả có uy tín đã cạn, vì họ bận làm việc dài hơi. Như dịch giả Đào Minh Hiệp toàn dịch tiểu thuyết in sách, không có bài lẻ để in tạp chí. Vậy là tôi gọi anh Châu, lúc anh đã chuyển về ở hẳn Cao Bằng được vài tuần. Tôi kêu khó “gấp lắm rồi anh, tối anh gửi liền được không?” Tuy giọng nói có phần bị yếu do bệnh, nhưng anh bật cười trong máy: “Hì hì, mình đang nằm ở bệnh viện Cao Bằng, làm sao mà gửi liền được. Mình vừa nhận số Văn nghệ Phú Yên kỳ trước có bài mình do người nhà mang vào, đang nằm đọc đây. Làm báo chí văn nghệ cũng gấp gáp quá nhỉ, thôi để mình bảo thằng con mang laptop vào, tối sẽ chuyển cho bạn”. Tính anh dễ chịu là thế! Lần ấy anh gửi 2 truyện ngắn dịch là Chóng mặt Nhà thơ, của nhà văn Tiệp Khắc Karen Trapek. Truyện Chóng mặt đã in ngay số ấy, còn truyện Nhà thơ in vào số tết này.

 

Với nhà thơ Triệu Lam Châu, tôi chỉ có những kỷ niệm đẹp và trong veo như thế, chỉ xoay qua­nh “chuyện nghề” mà thôi.

 

Trong bài viết của nhà văn Đào Minh Hiệp có câu: “Nếu so sánh về niềm đam mê văn học - nghệ thuật, thì Triệu Lam Châu thuộc loại “cuồng tín” hơn tôi nhiều”. Anh Nguyễn Tường Văn, là nhà thơ - nhà báo từng phụ trách mảng văn nghệ Đài Phát thanh Phú Yên, khen dùng chữ “cuồng tín” rất đắc địa. Tôi hoàn toàn đồng ý, không những vậy, còn đồng cảm với nhận xét này. Đồng cảm bởi tôi gặp anh Châu chia sẻ những điều anh tâm đắc là rất khác lạ. Có lẽ, anh là người luôn “duy mỹ” trong đời thường và trong sáng tác, ví dụ như đi đâu cũng áo tay dài cài khuy, cổ thắt cà vạt dù có nóng nực đến mấy; với thơ thì chữ dùng không phải “đêm hương núi Nhạn” mà là “đêm hường”; gửi e-mail thì luôn luôn chọn chữ màu xanh dịu. Cái thời mà điện thoại còn là của hiếm, giá cước “cắt cổ”, tôi mới chỉ có máy bàn và hàng xóm còn chạy qua chạy lại gọi hoặc nghe nhờ, anh đã có di động. Vậy mà có khuya anh từng gọi bằng di động sang máy bàn cho tôi hát nguyên một ca khúc vừa mới sáng tác xong, không chỉ một lần! Còn nhớ mới hồi tháng 3/2017, anh cùng đoàn văn nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên đi thực tế sáng tác một số tỉnh miền Nam. Anh nói “Mình đi với các bạn chắc là kỷ niệm lần cuối với Hội Văn nghệ Phú Yên đây, tháng tư mình sẽ về Cao Bằng luôn.” Chuyến đó, anh đi đến đâu cũng chụp ảnh miệt mài, tối lo làm thơ đến khuya, không la cà quán xá gì. Tại đêm giao lưu với văn nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật Bạc Liêu, anh là “tâm điểm” chú ý khi đọc và “biểu diễn” hồn nhiên những bài thơ nóng hổi cảm xúc về vùng đất phương Nam, và cả những bài hát tự sáng tác mà anh tâm đắc.

 

Cho nên, việc sống hết mình vì nghệ thuật của anh, như bài viết của nhà văn Đào Minh Hiệp đã nhắc đến, là hoàn toàn có thật.

 

Có một lần anh ưu tư. Lần đó là dịp Hội thơ Nguyên tiêu năm 2016, ban tổ chức có mời anh đọc thơ trên tháp Nhạn. Anh lên đọc và quên vài chỗ. Chuyện cũng chẳng có gì (tôi còn tệ hơn anh khi phải nhớ thơ mình trước chốn đông người mà), nhưng hôm sau anh đến Hội Văn học Nghệ thuật gặp tôi nói với giọng buồn buồn: “Bạn à, có lẽ mình già rồi chăng?”. Tôi chưa hiểu ý anh muốn nói gì, vì nếu nói già ngoại hình thì không phải. So với anh, tôi chỉ là “con nít” mà tóc đã bạc hết rồi, còn anh tóc vẫn đen mun, da dẻ hồng hào. Anh tiếp: “Mình thấy chương trình thơ ngày càng có nhiều bạn trẻ, còn mình đã lớn tuổi, nghỉ hưu rồi còn gì? Như lứa các bạn thì cũng đã già dặn nhiều, mình gặp nói chuyện cũng khác trước. Sao mình không biết điểm dừng, còn bon chen lên đó đọc thơ làm chi chứ. Đồng lứa với mình, như Đào Minh Hiệp có còn lên mấy chỗ đông người như thế đâu. Mình còn ham hố quá chăng? Lỡ lần này thôi, sau này mình sẽ không lên đọc nữa. Mình chỉ làm việc mình yêu thích thôi”. Nói cho chính xác, không phải anh “đòi lên”, mà do năm nào thơ anh chất lượng cũng phù hợp với không khí nguyên tiêu, nên ban tổ chức mời và anh nhận lời, vậy mà sau đợt đó anh cứ dằn vặt mãi, thiệt khổ! Tuy nhiên, cái câu “sau này mình sẽ không lên đọc nữa” cứ ám ảnh tôi, giờ đây lại ứng vào anh đến vậy, hỡi anh, nhà thơ Triệu Lam Châu!

 

Tuy Hòa, những ngày giáp Tết Mậu Tuất 2018.

 

HUỲNH VĂN QUỐC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek