Thứ Năm, 10/10/2024 17:25 CH
Năm mới tết trâu bò
Thứ Năm, 15/02/2018 09:00 SA

Minh họa: TRẦN QUYẾT THẮNG

Theo tập quán cổ truyền, mỗi khi năm mới đến có nhiều sinh hoạt lễ tết diễn ra, trong đó Tết bò trâu không thể thiếu trong các gia đình nông thôn xưa. Đối với những người sống bằng nghề nông, "con trâu là đầu cơ nghiệp". Bò trâu giúp nông dân khai hoang vỡ hóa, cày bừa, góp phần không nhỏ làm ra lúa gạo cung ứng cho con người và ích lợi nhiều mặt khác.

 

Thường lệ Tết bò trâu được tiến hành vào mùng 4 Tết Nguyên đán. Nhưng có nhà Tết bò trâu khi cúng tạ, kết thúc những ngày gia tộc vui tết, có chỗ tiến hành lúc hạ nêu, vài nơi diễn ra sau rằm Thượng nguyên vào chiều 16 tháng Giêng âm lịch... Sau khi làm vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, người ta thiết bàn lễ cúng trước cửa chuồng, gồm: hương hoa, nước sạch, trà rượu, bánh trái, rim mứt, giấy vàng bạc; đặc biệt phải có bánh tét, bánh chưng. Nhiều nơi còn có muối gạo và một tô lúa. Cạnh bàn cúng dựng thêm nhành cây lá còn tươi, trên mắc cái nón. Vật dụng này vừa cách điệu chuyện thằng Cuội ngồi gốc cây đa và cũng là biểu tượng cho mục đồng - người trực tiếp chăn dắt, nuôi nấng, tắm rửa, săn sóc loài gia súc. Riêng bánh tét, bánh chưng Tết bò trâu cũng khác với bánh thông dụng cho người. Bánh dành Tết bò trâu không gói thịt hoặc các loại nhân làm bánh chay vào giữa. Bánh này chỉ có nếp với đỗ đen hoặc đỗ ngự. Sau khi ngâm, gút sạch sẽ, người ta trộn nếp và đỗ vào nhau, gói thành đòn bánh tét cho trâu bò đực, bánh chưng cho trâu bò cái. Ngày trước có nhà nuôi bao nhiêu trâu bò, gói bấy nhiêu cái bánh. Trâu bò lớn tết bánh to, trâu bò nghé thì tết bánh nhỏ hơn.

 

Mọi thứ sắp đặt xong xuôi, chủ nhà chỉnh tề trước hương án khấn vái Thần nông, Thành hoàng, thần Ngưu lang cùng gia súc tay chân bộ hạ của quý ngài về đây hưởng tết hàng năm, phù hộ cho bò (trâu) của tín chủ trong năm mới luôn khỏe mạnh, cày bừa bền bỉ, kéo xe kéo cộ dẻo dai... để giúp nhà nông tín chủ mùa màng bội thu, lúa thóc ngũ cốc đầy nhà, cuộc sống sung túc...

 

Khi chủ nhà khấn vái, bò trâu nên có mặt trong chuồng. Chủ nhà đọc tên từng con để được phù hộ. Tên các con bò đực thường là Cộ, Xe, Pháo, Mẫm...; tên của bò cái thì Bầy, Bĩnh, Lũ, Nhũ... Cúng xong, chủ nhà đem giấy vàng bạc dán ngay trước cổng chuồng và dán lên sừng con bò, trâu đầu đàn. Số giấy vàng bạc còn lại đốt bái tạ cùng việc rắc gạo muối như tưởng thưởng công lao, tỏ bày sự biết ơn đối với loài vật quanh năm suốt tháng đồng cam cộng khổ cùng nông dân, đồng thời mừng bò, trâu thêm một tuổi mới.

 

Riêng phẩm vật đặt trên bàn Tết bò trâu tăng giảm mỗi nơi một khác, ở vùng này thì số bánh tét, bánh chưng phải tương xứng với số bò trâu của nhà đang nuôi, vùng khác chỉ vài ba bánh tượng trưng. Có thể nơi kia lễ Tết bò trâu không có muối gạo nhưng ở nơi này lại có. Thậm chí nhà nông cùng trong một địa phương cũng Tết bò trâu không giống nhau hoàn toàn. Tuy nhiên dù đơn giản hay bài bản, Tết bò trâu đầu năm mới là nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa ở nông thôn Việt Nam tự ngàn xưa, thể hiện sự ứng xử nhân văn, hài hòa của con người đối với gia súc trong cuộc sống bao đời nơi miền quê thân thương nước Việt.

 

NGUYỄN TƯỜNG VĂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek