Thứ Năm, 10/10/2024 19:17 CH
Hóa vàng nỗi nhớ...
Chủ Nhật, 11/02/2018 15:40 CH

Năm nay tết muộn. Không khí tết nơi thành phố nhỏ có vẻ ít nhộn nhịp so với mọi năm bởi ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 12. Cuối Chạp, ông trời tự nhiên phà hơi lạnh se sắt như muốn con người hãm cái âu lo gấp gáp, rứt chút thời gian cho miên man. Mà cũng phải, tất bật chi khi người ta gần như chỉ sắm tết từ siêu thị, chợ đủ đầy các thứ. Dần dà, ánh lửa bập bùng của nồi bánh tét hay mùi thơm sực từ những chảo rim gừng, rim dẻo... lạc đâu mất cùng với ánh mắt trẻ con chong háo hức cạnh bếp than hồng mỗi đêm.

 

Minh họa: NGUYỄN THI CA

Ký ức lan man về những năm đi học xa, tầm rằm tháng Chạp là chẳng còn tâm trí để nhét chữ vào đầu, đếm ngược từng ngày. Tan trường, sù sụ trong cái áo bông phi xe đạp thật nhanh về ký túc xá ăn cơm rồi xúm làm rim mứt. Mứt quất, mứt cóc, rim gừng... Căn phòng nhỏ của 4 chị em rộng chừng 20m2 ngổn ngang thau chậu. Quất Huế nổi tiếng, người Huế hầu như dùng quất thay chanh, còn làm đủ loại mứt, nhưng cầu kỳ và công phu nhất là mứt quất nguyên trái. Lúc đầu tôi chỉ phụ giúp các chị, sau thấy thành phẩm đẹp mắt, lại khá ngon nên quyết định tết sau sẽ làm. Quất làm mứt phải lựa trái vừa, đều nhau, dùng dao lam gọt sạch vỏ ngoài nhưng phải giữ lớp vỏ lụa bên trong, rồi lấy cây ráy tai bằng đồng chọc lỗ nhỏ vào phần dưới moi hết hạt ra. Đây chính là công đoạn tỉ mỉ nhất, đòi hỏi người làm thật khéo léo và kiên nhẫn. Trái quất sau khi gọt vỏ moi hạt đem ngâm nước vôi trong 1 đêm, vớt ra rửa sạch, để ráo rồi mới cho vào chảo đường sên. Khi sên cũng phải nhỏ lửa, nhẹ tay để tránh trái quất bị bẹp, móp... Những đêm sên mứt, tôi được các chị cử làm trực canh. Chốc chốc chạy xuống 3 tầng lầu nghe ngóng xem cô quản lý ký túc xá có đi kiểm tra thì về cấp báo vì nội quy cấm nấu ăn trong phòng. Còn những lần làm mứt cóc, các anh ở gần phòng thi thoảng ghé ngang, la to: “Bọn mi đang làm chi rứa? “Mứt cóc” à?” Rồi phá lên cười ầm ĩ. Các chị chỉ buông: “Quỷ nờ!” Vui và hồi hộp vậy nên khó mà quên.

 

Cái tết sinh viên thứ hai, tôi mua 3 ký quất mang về nhà. Ba thấy tôi và má cắm cúi, cặm cụi bày mấy rổ quất dưới hiên nhà gọt gọt, moi moi từ sáng tới tận chiều tối, thì hết ra lại vào, liếc nhìn rồi tặc lưỡi: “Trời! Món gì mà công kỹ khiếp vậy con?”. Ba quay sang càu nhàu má: “Bà bắt con nhỏ làm phải không? Dẹp, dẹp, hết. Nó về chơi mấy bữa mà bày đủ trò”. Má chỉ cười, tiếp tục “học nghề”, không thanh minh. Má hiểu ba thấy xót chứ thừa biết con gái tính tò mò, ưa học hỏi và có chút khéo tay thừa hưởng từ ba. Khuya. Chảo quất cũng vừa tới, trái nào trái nấy tròn vo như những quả bóng bàn nhỏ, thơm ngọt. Má hài lòng lắm. Ba thử một miếng, nhận xét: “Ngon, lạ. Nhưng làm bán chắc phải 5 ngàn/trái”. Tết năm đó, khách đến thăm nhà thử mứt quất ai cũng khen “Con gái khéo giống mẹ!”. Xin nói thêm, thời điểm năm 1995-1996 cơm sinh viên chỉ 1.500-2.000 đồng/dĩa, mà ba định giá món mứt quất trên trời vậy đấy. Mứt quất thành phẩm là những trái tròn nguyên hình dáng ban đầu, óng ả màu đường dẻo, khi ăn có vị ngọt the, nhân nhẩn, rất hợp để tiếp khách cùng với bình trà nóng trong tiết trời mưa phùn, lạnh hây hẩy ngày xuân. Thú ẩm thực cầu kỳ mà tao nhã của người Huế là vậy!

 

Lại nhớ ngày còn nhỏ, năm nào má cũng chở mấy chị em về nhà ngoại để xúm xít cùng các dì làm rim, gói bánh. Má dạy tôi gói bánh từ năm 10 tuổi. Trước đó tôi chỉ phụ phơi và lau lá. Hiên nhà ngoại rất rộng, có thể đặt 2-3 cái nong lớn. Tôi dành riêng một nong, bày những tấm lá chuối đã phơi héo ra, tỉ mẩn lau sạch cả 2 mặt lá rồi xếp chuyển cho má và chị Bé con dì Hai gói. Được 2 cái tết, chừng thấy tôi đã quen các bước gói bánh và tay cũng đủ cứng cáp, má cho tôi buộc lạt. Những cọng lạt ngâm mềm nhưng vẫn còn khá cứng với đứa bé 10 tuổi. Má gói đòn bánh tét, buộc 3 sợi lạt ở giữa và 2 đầu rồi đưa tôi, dặn nhìn mấy đòn bánh má đã cột mà làm theo. Thấy tôi hăm hở, cậu Năm đang chất bếp chuẩn bị nấu bánh, cười cười: “Chị để nó cột chắc đòn bánh tét thành cháo”. Tôi nổi cơn tự ái, nhủ thầm “Con sẽ làm ngon lành cho cậu coi”, rồi hì hục vật lộn với đòn bánh, cột cả đống dây nhợ làm dấu cho khỏi nhầm với những đòn bánh khác của má và chị Bé. Tối đó tôi nhất quyết ở lại nhà ngoại, nằm trên chiếc giường xếp kê dưới hiên để canh nồi bánh tét với cậu. Trời lạnh, tôi trùm mền co ro, đầu hướng về phía nồi bánh, hơi nóng từ bếp hắt ra ấm hĩm, tôi ngủ lúc nào chẳng biết. Đến khi nghe tiếng má gọi, tôi giật mình dụi mắt thì nắng đã lên, má vừa chở 2 em về phụ ngoại chuẩn bị cúng tất niên. Đòn bánh tôi gói được bà ngoại cho tét ra, sắp cúng. Bà ngoại khen tôi buộc lạt vừa tay, bánh không nhão, cũng không sượng. Cúng xong, lúc ăn tôi gắp ngay một lát bánh tét cho vào chén, nhìn cậu vênh vênh. Năm sau tôi được tham gia đủ mọi công đoạn gói bánh tét. Nhiều năm sau nữa, việc gói bánh được giao cho tôi và chị Bé. Rồi chị đi học, lấy chồng, tôi thăng hạng làm thợ chính, đem bánh gói tại nhà. Năm nào cũng gói chục ký nếp, chung cho cả nhà ngoại và các dì, cậu. Má dắt hai đứa em đi chợ mua nếp, mua thịt... Bọn nhỏ phơi và phụ giúp lau lá...

 

Mấy năm má ăn tết ở Sài Gòn, rồi má đi xa. Chục năm trôi qua nhà chưa một lần gói bánh tét. Năm nay, mấy chị em thống nhất phải gói bánh tét, làm thịt ngâm mắm và làm rim dừa để tìm chút không khí tết ngày xưa, cũng là tập cho đám con cháu làm quen. Nhìn ảnh má, tôi nghĩ, mình thấy má đang cười. Đã 23 tháng Chạp, đưa ông Táo lên trời xin hóa vàng luôn nỗi nhớ.

 

KHÁNH UYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek