Thứ Năm, 10/10/2024 19:15 CH
Mưa rơi ngoài hiên
Thứ Hai, 12/02/2018 13:00 CH

Minh họa: HƯNG DŨNG

Nửa đêm về sáng, tôi chợt thức giấc. Hình như mưa đang rơi ngoài hiên nhà. Tôi hình dung có một chiếc lá ướt lạnh và đang rơi xuống thềm, hình dung những giọt nước li ti bám vào cửa kính và trượt ngã âm thầm. Bỗng dưng tôi nhớ câu chuyện cổ tích của Andersen về tấm gương quỷ khi mang lên trời cao bị rơi và từ trên không trung hàng triệu mảnh vỡ rớt xuống. Ai bị mảnh vỡ của tấm gương quỷ trúng vào mắt, người đó sẽ nhìn thấy mọi thứ méo mó, xấu xí; còn nếu bị mảnh vỡ trúng vào tim, người đó sẽ thành vô cảm, quên hết ký ức. Nằm nghe tiếng mưa trong đêm khuya, tôi tưởng như đang có một nỗi buồn mênh mông đã bị mưa chia ra thành hàng vạn, hàng vạn sợi buồn nhỏ, giăng mắc xung quanh hiên nhà.

 

Hiên nhà xưa nhất trong ký ức tôi là bậc thềm xi măng loang lổ một cấp, phên che bằng tre đan. Tôi có đứa bạn thân thời thơ ấu thường chơi chung ở đó. Kề hiên nhà là vò nước, bụi chuối mà tôi không nhớ nổi là có mấy cây. Tôi chỉ nhớ người lớn mỗi lần múc nước uống, phần nước còn lại trong gáo sẽ tưới vào bụi chuối hay chậu hẹ gần đó; còn hai đứa tôi không uống, cũng múc nước tạt chơi và tưới bậy bạ vào tất cả cây cỏ ở gần. Vào dịp gần tết, má tôi với má nó thường đổ bánh thuẫn, bánh kẹp ngoài hiên. Hai đứa tôi luôn chực chờ bên sàng bánh, chỉ mong bánh không nở hay bị cháy để được ăn. Nhiều khi chưa kịp ăn bánh đã bị ăn roi vì cứ sán vào chỗ than lửa hay tự ý thò tay bốc bánh nóng.

 

Năm tôi lên 11 tuổi, cậu Sáu quyết định dạy kèm cho ba đứa (gồm tôi, thằng bạn tôi và thằng con trai của cậu) để chuẩn bị thi Đệ thất (lớp 6 bây giờ). Ba đứa tôi chiều nào cũng phải ngồi ở cái bàn vuông kê ngoài hiên nhà cậu. Nhà cậu cách nhà tôi cái hàng rào, nhưng hiên nhà cậu rất rộng và dài, có bậc tam cấp, có lớp cửa ngoài bằng gỗ chắc chắn, mùa hè mở ra rất mát, mùa mưa đóng lại ấm áp. Cậu tôi nghiêm khắc nên đứa nào cũng bị ăn roi, khi thì do làm toán sai, khi thì viết chữ cẩu thả. Nhưng lý do bị ăn đòn nhiều nhất là ham chơi. Đầu buổi học, cậu thường giảng bài, cho mấy bài tập rồi ra làm ở máy xay gạo (nhà cậu tôi có máy xay gạo). Sau đó khoảng 2 giờ, cậu sẽ quay lại kiểm tra, cho điểm. Thường chỉ đợi cậu tôi rời khỏi hiên nhà lớn, đi khuất khỏi bức vách nhà ngang là ba đứa tôi đồng loạt bỏ viết, nhào ra trèo lên cây ổi hay mang sào ra khèo trái keo, chơi cút bắt, xi banh, đá dế hay một trò gì đó. Có khi chơi xong lật đật vô làm bài, nhưng nhiều khi vui quá, nghe tiếng chân cậu bước lên bậc thềm mới nhớ ra thì đã không kịp. Cậu bắt cả ba đứa nằm dài trên bậc thềm mà quất roi thật đau. Lần nào bị ăn roi xong cũng phải vừa vòng tay, vừa khóc mếu vừa hứa với “ông thầy” là từ nay không ham chơi nữa, sẽ cố gắng học để thi đậu, vân vân và vân vân. Lạ kỳ là, dù thường xuyên bị đòn roi, chúng tôi vẫn lén chơi và vẫn không bỏ học. Kỳ thi đó cả ba đứa đều đỗ cao, cậu tôi đi coi điểm về đứng trên hiên nhà cậu, gọi với xuống báo cho má tôi biết với niềm hãnh diện không giấu giếm.

 

Năm tôi lên lớp 10, nhà chuyển đi chỗ khác. Nhà ở phố, không có hiên nhà, không có cây trái gì và cũng không có đứa bạn thân nào. Thằng bạn thời thơ ấu đang học rất giỏi đã qua đời đột ngột vì bệnh nặng. Tôi đạp chiếc xe mi-ni cọc cạch, đi sau đám tang nó, khóc ướt cả áo vì cái gì không hiểu rõ.

 

Năm tôi thi đại học, cả tôi và con cậu tôi đều đỗ. Cậu tôi gọi tôi về ăn tiệc mừng thằng con trai thi đậu đại học. Bàn tiệc bày ở ngoài hiên, trên cái bàn học ngày xưa của tụi tôi. Tôi bưng cái chén lên và nhận ra dấu mực đổ ngày trước vẫn còn. Mấy đứa bạn nghe hai đứa tôi kể chuyện bị đòn roi, lăn ra cười khoái chí. Má tôi chẳng tổ chức tiệc tùng gì, bà chỉ lo và thắc mắc vì sao con gái phải đi học xa vậy. Mùa mưa ấy dài hơn mọi năm. Má tôi đưa tôi ra bến xe đò, xe chạy chậm chậm trong mưa và tôi nhìn ra thấy má khoác cái tấm nhựa màu xanh, quần xắn tới đầu gối, đứng trong mái hiên ọp ẹp của bến xe nhìn theo.

 

Ấn tượng sâu đậm nhất trong ký ức của tôi là hành lang, hiên nhà của dãy ký túc xá. Trên hành lang ấy luôn tồn tại đủ các thứ từ xô chậu, bếp than đến áo quần treo phơi và cả những chậu hoa bé tí. Những ngày đi học của thời bao cấp rất khổ, nhưng hình như năng lượng dồi dào của tuổi trẻ đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả. Những đêm cúp điện, mang ghế ra ngoài hiên ngồi đàn hát say mê, còn khua thau chậu, gõ xoong nồi ầm ĩ. Những ngày mưa đói quá rủ nhau ngồi trước hiên làm bánh bột sắn, không có củi phải lén bẻ vạt giường làm củi nấu, vừa làm vừa canh chừng ban quản lý ký túc xá. Trong phòng, tôi là đứa ở xa nhất, nên vẫn thường nhìn mưa rơi ngoài hiên lén khóc vì nhớ nhà, nhớ má.

 

Cách đây ba năm, cả lớp hồi đại học của chúng tôi rủ nhau về trường cũ để kỷ niệm 30 năm ngày tốt nghiệp, ra trường. Sáu dãy nhà của ký túc xá cũ chỉ còn lại một hàng hiên chưa đập và đang chuẩn bị đập bỏ để xây nhà khách năm tầng khang trang và hiện đại. Cả bọn lại “ôn nghèo kể khổ” về thời sinh viên và tranh nhau chụp hình, tạo dáng đủ các kiểu với cái hành lang nhiều kỷ niệm đang chuẩn bị “ra đi về miền quá khứ”.

 

Má tôi già nhanh, bệnh và cứ yếu dần, khô dần như ngọn đèn cạn dầu từ từ, rồi tắt. Một năm trước khi mất, má tôi chỉ nằm một chỗ, mắt nhìn ra ngoài hiên nhà, không nói gì, trí óc lúc nào cũng lãng du ở đâu đó. Tôi bồng má tôi ra hiên và bồng vô nhà, má níu lấy tôi yếu ớt như một đứa trẻ. Một ngày hiên nhà đầy nắng, con cháu được nghỉ lễ nên về quây quần, má tôi lặng lẽ ra đi. Tôi ôm má tôi trong tay, ngực má vẫn ấm rất lâu trong khi tay chân lạnh ngắt.

 

Tôi không hiểu sao, lúc mới là đứa trẻ 11 tuổi, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có thể viết nên câu thơ trĩu nặng nhân tình như: “Nắng mưa từ những ngày xưa/ Lặn trong đời mẹ bây giờ chưa tan”. Tôi cũng không hình dung được bậc chân tu đời Lý là Mãn Giác Thiền sư trước khi về cõi Niết Bàn làm bài kệ nổi tiếng là Cáo tật thị chúng có nhìn ra mái hiên chùa và thấy trên sân một nhành mai nở thật không? Nhưng gần một ngàn năm qua, bông mai tượng trưng trong câu “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” vẫn còn nở, màu vàng soi sáng tâm thức và niềm tin con người vào vòng xoay của trời đất và cõi nhân sinh.

 

Bây giờ trời vẫn đang mưa! Mưa rơi ngoài hiên lặng lẽ như đêm đang khóc. Tôi chợt nhớ câu thơ không biết của ai: “Trăng du đãng ngủ nhờ thềm lạnh/ Muốn mời vào nhà không chiếu chăn/ Tỉnh giấc trăng đi còn để lại/ Nước mắt đầy thêm tạ cố nhân!”. Mưa rơi ngoài hiên sao giống nước mắt của kẻ tha nhân trong câu thơ! Điều ấm áp nhất của đoạn thơ là trăng dù chỉ ngủ nhờ ngoài hiên lạnh cũng đã coi tha nhân là cố nhân! Tôi nghĩ đường đời dù xa vạn dặm, dù mưa gió, thì kẻ hành nhân nào cũng sẽ thấy may mắn nếu những kẻ tha nhân mình gặp gỡ đều hóa thành cố nhân, cố tri!

 

Tôi nằm nghe mưa rơi ngoài hiên, thầm cảm ơn ngôi nhà đã che chở tôi ấm áp, tôi cũng cảm ơn những cơn mưa, những sợi buồn giăng mắc ngoài kia vì nhờ nó mà tôi hiểu hơn giá trị của tình yêu và hạnh phúc! Trời sẽ còn mưa, nhưng là mưa xuân cho cây tốt tươi và mưa chỉ rơi ngoài hiên...

 

Ngày mai, tôi sẽ trang trí nhà cửa và mua một chậu cúc vàng nở hoa thật đẹp để trước hiên nhà đón tết!

 

PGS-TS NGUYỄN THỊ THU TRANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek