Thứ Năm, 10/10/2024 19:16 CH
Mẹ ơi sáng nay xuân về...
Thứ Hai, 12/02/2018 08:00 SA

Minh họa: NGUYỄN VĂN NHỚ

Giữa nhịp đời hối hả những ngày cuối năm, chợt một góc nào trên phố không gian ngập tràn giai điệu bài hát Mùa xuân gọi của Trần Tiến: “Mẹ ơi sáng nay xuân về, mẹ trông ra ngoài hiên nắng, mẹ mong đứa con xa nhà…”. Thoáng một chút sững sờ, vậy là mùa xuân về rồi.

 

Vòng quay của vũ trụ cứ tiếp diễn không ngừng. Xuân Mậu Tuất - một mùa xuân mới đang về. Xuân về bằng những chồi non lộc biếc đang cựa mình vươn lên, bằng ánh nắng vàng như trải mật trong cái lạnh se se… Sức sống mãnh liệt của mùa xuân đang khỏa lấp những dấu tích khủng khiếp của cơn bão số 12 vừa qua. Những làng hoa đang vào vụ, những làng nghề đang tấp nập, cuộc sống vẫn hối hả tiến về phía trước. Để nao lòng khi nghĩ mẹ giờ này đang lặng lẽ trông ra ngoài hiên nắng chờ con…

 

Cứ vẩn vơ nghĩ rằng, người sống ở thành phố thì mấy ai cảm nhận được những điều man mác đằng sau giai điệu rất xuân kia. Phải, ở phố mấy nhà có được cảm giác ngóng trông những đứa con đi làm ăn xa về đoàn tụ trong gia đình ngày đầu xuân mới? Thằng Hai, nhỏ Tư... có lập nghiệp cũng chỉ loanh quanh cách nhau vài con phố. Nó có về nhà với mẹ thì cũng cuốn theo bạn bè đến quán bar, quán cà phê nào đó đón năm mới cho hết đêm giao thừa…

 

Giai điệu rộn ràng rất xuân kia cứ kéo tôi về một vùng quê bình yên. Một vùng quê của khúc ruột miền Trung, rất đẹp mà nghèo. Mảnh ruộng quê chỉ thơ mộng dưới cái nhìn của thơ văn chứ không đủ nuôi sống người. Làng quê ấy vẫn hiền hòa sau lũy tre, vẫn có cánh đồng lúa sáng sớm mờ hơi sương chấp chới cánh cò bay lẻ, vẫn những nếp nhà lặng lẽ bên hàng cau… nhưng làng quê ấy ngày càng vắng người. Những chàng trai, cô gái đến tuổi trưởng thành cứ như những cánh chim, lần lượt bay đi muôn phương, kiếm tìm tương lai. Phương Nam kêu gọi, những đô thị mới mọc lên, những khu công nghiệp mới mọc lên… đã hút hết tinh lực của những làng quê bình yên ấy. Trong mái nhà lặng lẽ kia, chỉ còn cha mẹ già ngày đêm ra vào, mong ngóng tin của những đứa con.

 

Tâm trí tôi còn đi xa hơn, khi nhớ đến những ngày còn bom rơi đạn nổ. Có những người con lên đường theo tiếng gọi của sơn hà nguy biến, không hẹn ngày về. Những ngày ấy, nỗi lo, niềm linh cảm của người mẹ và tình thương khôn nguôi cứ đè nặng lên vai mẹ. Những ngày tết, nỗi lo, niềm nhớ càng cồn lên, ngỡ vắt kiệt đi tâm lực của mẹ. Chị em tôi im thin thít khi chiều 30 tết, mẹ làm mâm cơm tất niên xong mà quên cả giục lũ con. Mẹ lặng lẽ ngồi bên thềm nhà, ngóng ra cổng, đôi mắt xa xăm dõi theo bóng hình anh Hai nơi mũi tên hòn đạn đã mấy cái tết chưa về. Hình như qua mỗi chiều 30, ánh mắt mẹ đau đáu hơn, thẫn thờ hơn. Mãi sau này tôi mới hiểu, bao năm ấy mắt mẹ đã thầm chảy vào trong bao dòng nước mắt…

 

Mùa xuân tới rồi. Mẹ hiểu những đứa con của mẹ lăn lộn mưu sinh nơi đất khách quê người vất vả lắm, nhưng ngày tết mẹ vẫn mong gia đình sum họp, để mẹ được nghe thấy tiếng cười đùa, chọc ghẹo nhau của lũ con như ngày nào còn ấp bẹ. Đáp lại những ngóng trông của triệu bà mẹ ấy, cũng có cả triệu con người cứ dịp tết về lại làm cuộc “di dân” nhọc nhằn. Bằng tất cả khả năng, bằng mọi phương tiện, cả triệu công nhân từ những khu công nghiệp của Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh… lại tranh thủ về quê ăn tết. Những dòng xe bất tận chảy về Trung, xuôi về miền Tây, thả về làng quê những đứa con miệt mài lăn lộn cả năm chỉ mong có ngày này, được đắm mình trong tình cảm gia đình, quê hương trong mấy ngày xuân đoàn viên, để có thêm nghị lực cho một năm tới xa nhà.

 

Nhưng Tết Mậu Tuất này, sẽ có nhiều lắm những đứa con bấm bụng ở lại, cho dù nhớ đứt ruột ánh mắt mẹ chờ nơi quê nhà. Làng quê vừa gượng dậy sau cơn bão số 12, sau những trận lụt lút mái nhà, mà nhu cầu cuộc sống đâu có bớt được, thôi thì ở thêm mấy ngày tết, kiếm thêm chút tiền gửi về phụ mẹ chăm em. Mùa xuân sau con sẽ về với mẹ, mẹ ơi!

 

Có ai nói, mỗi một người đều có chút góc quê trong sâu thẳm tâm hồn. Dẫu người phố thị bao đời, cũng bắt đầu từ một miền quê nào đó. Vậy nên ai cũng cố kéo chút hương quê về căn nhà phố. Nhưng những tình cảm ruột rà quê hương, ngày thường bị che khuất đi bởi những bận rộn, lo toan đủ màu của cuộc sống. Đến những ngày cuối năm, trong cái se lạnh của không gian, trong mùi khói trầm thơm ngát, người ta vẫn bâng khuâng nhớ tới một miền ký ức, lại muốn náo nức hòa mình vào cái dòng “di dân” khổng lồ kia, bất chấp vất vả chỉ để tìm về cội nguồn.

 

Mẹ ơi, sáng nay xuân về…

 

Tôi cũng đã có bao ngày náo nức trước tết, mong từng ngày để được về ăn tết với mẹ. Chặng đường khổ ải tàu xe, chen lấn, quăng quật… có là gì đâu, khi phía trước là ngôi nhà nhỏ có mẹ ngồi chờ, là sum họp đủ đầy bên mâm cơm chiều 30, là thoáng hương trầm tha thiết phút giao thừa. Như bầy chim di trú, đến ngày, đến tháng là phải lên đường.

 

Và cũng đã mấy năm rồi, tôi chỉ còn bồi hồi mỗi khi tết đến. Mẹ từ ngày hóa thành vầng mây trắng, có còn ai đâu ngồi đợi bên hiên nhà để mà náo nức, mà trông mong? Như con thuyền mất bến đậu, như bầy chim kia lạc mất chốn bay về…

 

Hạnh phúc vô ngần cho những ai còn một hiên nắng chờ mong.

 

THỦY NGÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek