Thứ Năm, 10/10/2024 21:19 CH
Lê Tấn An và niềm đam mê điêu khắc đá
Thứ Tư, 17/01/2018 14:00 CH

Giới điêu khắc đá mỹ nghệ trong và ngoài tỉnh không ai còn lạ với nghệ nhân trẻ Lê Tấn An. 31 tuổi đời, anh đã có 15 năm tuổi nghề, một quãng thời gian đủ để chứng minh niềm đam mê, sự già dặn của chàng trai trẻ với nghề đá mỹ nghệ.

 

Nghệ nhân trẻ Lê Tấn An đang chế tác đá ở khu vườn tượng - Ảnh: QUỲNH MAI

 

Thương hiệu đá mỹ nghệ Tấn An

 

Cơ sở đá mỹ nghệ Tấn An với một khu vườn tượng trong không gian xanh của cây cối nằm ven quốc lộ 1, bên triền núi ở thôn Chính Nghĩa, xã An Phú, gần ngã ba đường tránh vào TP Tuy Hòa. Mỗi tháng, anh lại tổ chức giao những đơn hàng lớn đi các tỉnh, những sản phẩm điêu khắc mỹ thuật từ đá nguyên khối với trọng lượng có khi lên tới gần chục tấn. Cơ sở chế tác đá mỹ nghệ của anh có gần 20 thợ cơ hữu với mức lương bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng.

 

Anh chàng mảnh khảnh nhưng rắn rỏi, nước da đen láy bởi nắng gió vừa là thợ cả vừa là ông chủ DNTN Đá mỹ nghệ Tấn An. Xưởng đang tạc bức tượng Phật A di đà cao gần 7m, nặng gần 30 tấn (đá granit của Phú Yên), phải bắt giàn giáo mới có thể tạc được phần thân trên. Ông chủ Lê Tấn An rời búa đục, đón khách và vui vẻ cho biết: Bức tượng này do sư Thích Giác Hùng, trụ trì Tịnh xá Ngọc B (TP Tuy Hòa) đặt làm.

 

Còn nhớ tại hội chợ xuân Phú Yên cách đây đúng 10 năm, gian hàng điêu khắc đá mỹ nghệ của cơ sở Tấn An là một trong những gian hàng địa phương tham gia hội chợ tạo được sự chú ý của khách hàng bởi có nhiều sản phẩm đẹp và lạ mắt. Từ bộ bàn ghế làm bằng đá granit màu xanh lá ấn tượng cho đến các tượng đài, thú, phù điêu, chum nước, tranh, những đồ mỹ nghệ nho nhỏ, xinh xinh để trang trí. Sau lần ấy, gặp lại lần này, cơ sở đá mỹ nghệ Tấn An đã phát triển ở một “level” cao hơn. Cả một khu xưởng sản xuất rộng hơn 5.000m2 ngổn ngang những đá khối nguyên liệu, một khu riêng biệt trưng bày tác phẩm tượng thành phẩm, khu chế tác với âm thanh ồn ào của tiếng máy cắt, máy mài và gần 20 người thợ làm việc.

 

Chính niềm đam mê công việc đã giúp Lê Tấn An đến với nghề điêu khắc tượng đá từ khi còn là một cậu nhóc và tự mình học tập, trau dồi, xây dựng thương hiệu mà không qua trường lớp, bằng cấp.

 

 

KTS Lê Trọng Cường, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Phú Yên, nhận xét: “Các sản phẩm tượng điêu khắc đá của Lê Tấn An rất có hồn, tinh tế. Nếu như tôi bất ngờ về chất lượng sản phẩm một thì càng bất ngờ hơn nhiều lần khi biết về tác giả làm ra nó. Một người không được đào tạo bài bản về điêu khắc, chỉ học truyền nghề trong một thời gian ngắn nhưng có thể chế tác nên những bức tượng với các tỉ lệ hoàn hảo phải là người có một năng khiếu, khả năng đặc biệt về lĩnh vực này”.

Gian nan nhập môn - khởi nghiệp

 

Lê Tấn An năm nay vừa bước sang tuổi 31. Câu chuyện anh quyết định bỏ học phổ thông từ năm lớp 10 để học nghề, cho đến những ngày khởi nghiệp gian nan của một chàng trai 18, khiến nhiều người cảm phục, xúc động.

 

Chuyến nghỉ hè vào nhà người quen ở Sài Gòn chơi cuối năm học lớp 10 là chuyến đi quyết định cả tương lai của cậu học trò quê xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân). An được tham quan một xưởng điêu khắc đá mỹ nghệ. Cậu bé lớp 10 ngay lập tức bị thu hút và nhận ra đây chính là niềm đam mê của mình. Đó là năm 2002. Lê Tấn An quyết định ở lại học nghề, mặc cho cha mẹ phản đối. “Lúc đó, mình mê nghề quá, ba mẹ la mắng nhưng mình hiểu khả năng và sở trường của mình. Học được một tháng, cảm giác nhớ nhà, nhớ trường lớp, bạn bè đến cồn cào, nhưng niềm đam mê với nghiệp điêu khắc đã giúp mình vượt qua những trở ngại”, Lê Tấn An nhớ lại.

 

Không ai trong xưởng điêu khắc ấy có thể tin cậu bé mảnh khảnh Lê Tấn An có thể trụ được với công việc vừa đòi hỏi sự khéo léo, có tư duy nghệ thuật, vừa phải biết tính toán và có sức khỏe để “vật nhau với đá”. Vậy nhưng, An đã làm được, thậm chí làm tốt nhất trong số những học trò cùng thời điểm. Nếu như người bình thường theo học nghề điêu khắc đá theo kiểu truyền nghề, cầm tay chỉ việc phải mất từ 3-5 năm, thì Lê Tấn An chỉ mất 15 tháng.

 

Ra nghề năm 2004, An không ở lại làm công cho cơ sở mình học nghề mà quyết định về quê lập nghiệp, dù lúc đó nếu anh ở lại sẽ được hưởng mức lương khá cao. Một quyết định táo bạo của chàng trai 18.

 

Khách đến tham quan khu vườn tượng và khu chế tác đá mỹ nghệ Tấn An - Ảnh: QUỲNH MAI

 

Từ Đồng Xuân anh xuống Gành Đỏ (TX Sông Cầu), hỏi nhà người quen xin thuê khoảnh đất trống mặt tiền quốc lộ để mở xưởng. Có được ít vốn để dành khi còn học nghề, An đổ vào mua đá. Ngày dựng trại làm xưởng chế tác, trong tay An không còn đồng điếu. Trong cùng cực cũng có ánh sáng may mắn. Lục lại tờ vé số cũ, quả nhiên nó trúng giải bảy được vài chục ngàn! Anh dùng tiền ấy mua tre, bạt che tạm để có chỗ khởi nghiệp. Thương chàng trai nghèo có chí, bà chủ cho thuê đất đã không lấy tiền tháng, mà mỗi lần đi chợ về bà kín đáo “bồi dưỡng” cho miếng thịt, con cá qua ngày. Ngày đẹp trời, một vị khách cứu tinh xuất hiện, nhìn thấy những tượng Phật quá tinh tế, ông quyết định thỉnh một vị với giá 4 triệu đồng. “Cầm tiền trên tay tôi mừng run rẩy, nước mắt cứ chảy dài. Sau này, có những bức tượng nhận thanh toán đến gần cả tỉ bạc nhưng vẫn không có cảm giác như hồi bán được sản phẩm đầu tiên”, Lê Tấn An hiền lành nói.

 

Sau những gian nan đầu đời, cơ sở đá mỹ nghệ Lê Tấn An dần ổn định. Công trình ghi dấu ấn chuyên môn để Lê Tấn An được mọi người biết đến như một nghệ nhân điêu khắc đá trẻ là bức tượng Phật A di đà ở chùa Hoa Nghiêm (Bà Rịa - Vũng Tàu), thi công trong điều kiện rất khắc nghiệt. Nhiều cơ sở điêu khắc đến rồi đi. Thợ trẻ Lê Tấn An đến khảo sát kỹ lưỡng rồi quyết định “hợp đồng”. Sư trụ trì mừng, nhưng cũng chưa tin bởi một anh thợ trẻ măng trước một công trình mà nhiều người kinh nghiệm đã bó tay. Sư trụ trì chọn phương án thuê làm công, tới đâu hay tới đó. Bằng sự sáng tạo, Lê Tấn An đã bẩy được đá và triển khai tạc tượng trong suốt 200 ngày đêm. “Khi tượng đã hiện ra hình hài, sư trụ trì mới dám thảo và ký hợp đồng”, Lê Tấn An kể lại trong niềm vui.

 

Từ hai bàn tay trắng, trải qua nhiều gian nan, Lê Tấn An bước đầu khởi nghiệp thành công.

 

Giấc mơ thương hiệu đá mỹ nghệ Phú Yên

 

Nguồn nguyên liệu chính để sản xuất của cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ Tấn An trước đây là đá trắng Nghệ An, một số loại ở Bình Định, Thanh Hóa... Nhưng rồi anh phát hiện ra ở ngay chính trên quê hương Phú Yên có mỏ đá quý, loại đá granit màu đen tuyền độc đáo.

 

Hiện hầu hết các bức tượng do anh chế tác dùng đá granit Phú Yên đều được bên đặt hàng chấp nhận, bởi chất lượng đá tốt, đẹp và giá thành hợp lý. “Khách hàng là người quyết định chất liệu đá. Mình chỉ tư vấn tận tình nhất và bảo đảm chất lượng. Đến một ngày nào đó, các cơ sở điêu khắc sẽ biết và chọn đá granit Phú Yên như một thương hiệu mạnh không kém các loại đá hoa cương, granit các nơi trong nước, thậm chí nhập khẩu”, Lê Tấn An quả quyết.

 

Dòng sản phẩm chính hiện tại của cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ Tấn An là tượng chân dung cho các cơ sở chùa chiền, thờ tự, cơ quan, công viên… Anh đang hướng đến dòng sản phẩm đá mỹ nghệ nhỏ xinh phục vụ khách du lịch. Khách đến đây có thể tham quan quy trình chế tác, chọn mua sản phẩm và thư giãn trong vườn tượng giữa không gian sinh thái. Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, cho biết: “Chúng tôi rất ủng hộ hướng đi của Lê Tấn An và có cơ sở tin tưởng anh sẽ thành công, tạo thêm sản phẩm độc đáo cho du khách khi đến Phú Yên. Bởi trước đây An đã từng làm cửa hàng đá mỹ nghệ. Với sự quyết tâm của mình, hy vọng Lê Tấn An sẽ phát triển loại hình sản phẩm mới này”.

 

Không có vẻ ngoài của một “ông chủ bề thế”, hàng ngày Lê Tấn An vẫn tay búa tay đục cùng anh em bạn thợ làm tượng; thời gian còn lại anh dành cho giao dịch, giải quyết công việc “trị sự” doanh nghiệp và tự học qua sách báo chuyên về điêu khắc, quản trị doanh nghiệp và học ứng xử với cuộc sống. Những nỗ lực và niềm đam mê của An cũng được ghi nhận bằng những giải thưởng, chứng nhận cao quý dành cho người làm nghề như: Giải thưởng Lương Định Của, Bàn tay vàng trong hội thi Tay nghề giỏi toàn quốc, sản phẩm nông thôn tiêu biểu… Nói về sự dang dở trên đường học vấn của mình, An có chút tiếc nuối: “Hồi quyết định bỏ học phổ thông là do tôi đam mê nghề. Giờ nghĩ lại có chút tiếc nuối, nhưng không hối hận, tôi thấy mình quyết định đúng. Con đường thành công không chỉ dành cho những người học hành bài bản, mà là cơ hội cho tất cả mọi người khi nhận ra thế mạnh của chính mình và phù hợp với hoàn cảnh”.

 

Khởi nghiệp với nghề mình yêu thích, Lê Tấn An đã gây dựng cho mình một cơ nghiệp đáng nể. Không chỉ vậy, nghệ nhân trẻ Lê Tấn An còn đào tạo gần 20 thợ điêu khắc. Trong số họ, có người ở lại xưởng, có người đầu quân về các thành phố lớn, cũng có người ra riêng khởi nghiệp, bắt đầu một hành trình mới. Riêng ông chủ trẻ Lê Tấn An vẫn lặng lẽ vun đắp cho giấc mơ về thương hiệu đá mỹ nghệ Phú Yên.

 

QUỲNH MAI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Một chuyến tàu đêm
Chủ Nhật, 14/01/2018 17:00 CH
Mùa lúa chét
Chủ Nhật, 14/01/2018 16:00 CH
Nhớ giọt mưa Mê Kông – thơ XUÂN SINH
Chủ Nhật, 14/01/2018 16:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek