Thứ Năm, 10/10/2024 23:24 CH
Tạ ơn
Thứ Bảy, 13/01/2018 14:00 CH

Thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh - Ảnh: VĂN ĐẠT

“Trong số các đồng đội đã hy sinh trên mảnh đất Phú Yên, có những người chẳng còn ai thân thiết. Ước nguyện của tôi là tổ chức giỗ chung các liệt sĩ vào ngày 27/7 hàng năm và tạo cơ hội để những đồng đội còn sống có dịp gặp mặt, cùng nhau hàn huyên những kỷ niệm của một thời trận mạc, cùng nhau tri ân những đồng đội đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”...”. Đó là lời chia sẻ của cựu chiến binh Nguyễn Trọng Thuận - người đã thực hiện được ý nguyện tổ chức giỗ chung các liệt sĩ, như một nghĩa cử tạ ơn...

 

Sáng 27/7/2017, tôi có mặt rất sớm tại Nhà thờ liệt sĩ ở Đông Tác và hòa vào dòng người đến viếng mộ, dâng hương. Được chú Sáu Thuận mời ở lại dự đám giỗ, vậy là tôi có dịp trò chuyện thân tình với người cựu chiến binh này.

 

Chú Sáu Thuận có vóc dáng cao to, nước da đen sạm, tóc bạc đã gần hết, khuôn mặt hiền hòa, dễ gần. Giọng chú trầm xuống: “Chiến tranh đi theo quy luật nghiệt ngã của nó. Tôi may mắn còn sống trở về, được hưởng cuộc sống hòa bình. Khi gia đình tôi có của ăn của để, lập nên một công ty có uy tín trên thương trường, tôi nghĩ thành quả đó có một phần đóng góp của đồng đội đã khuất. Nghĩ về họ mà tôi vững lòng tin, vượt qua khó khăn, quyết chí làm ăn và thành đạt như hôm nay. Cho nên tôi phải tạ ơn đồng đội. Tôi quyết tâm tìm cách tổ chức giỗ chung các liệt sĩ”. Đám giỗ đầu tiên được tổ chức vào dịp 27/7 năm 2000 và chú Sáu Thuận là người đứng ra làm đầu mối cho nghĩa cử cao đẹp này.

 

Chú Sáu Thuận tên thật là Nguyễn Trọng Thuận, sinh năm 1947, quê ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa), hiện sống tại TP Tuy Hòa. Năm 1964, chú thoát ly tham gia cách mạng, trở thành bộ đội ở huyện Tuy Hòa 2. Một thời gian sau, chú được biên chế về đơn vị Thông tin K61 - Phân khu Nam. Đến tháng 6/1969, chú được chuyển về Đại đội Thông tin 18, Tỉnh đội Phú Yên. Chú Sáu Thuận chia sẻ: “Ngày ấy, tôi còn rụt rè lắm, được lớp đàn anh đi trước thường xuyên dìu dắt, giúp đỡ, dần dần rồi cũng quen. Hồi đó gian khổ lắm; sự sống và cái chết luôn cận kề. Người chiến sĩ cách mạng phải vững vàng về tư tưởng, xác định thà chết vinh còn hơn sống nhục. Nhận nhiệm vụ là cố gắng hoàn thành, dù có phải hy sinh. 11 năm tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường ở Phú Yên, tôi không thể nhớ hết đã bao nhiêu lần chứng kiến sự hy sinh của đồng đội...”.

 

Chú Sáu Thuận cũng không nhớ đã tham gia bao nhiêu trận đánh, song nhớ nhất là trận đánh Mỹ đầu tiên ở Phú Yên và cũng là trận đầu tiên đánh máy bay B-52 của Mỹ ném bom vào đội hình của ta ở suối Phẩn thuộc Tuy Hòa 1. Lúc đó, chú Sáu Thuận trực tổng đài ở sở chỉ huy. Trong trận đánh vô cùng ác liệt đó, nhiều đồng đội của chú đã anh dũng ngã xuống. “Có những trận đánh, lẽ ra mình chết nhưng không chết, và cũng có thể đồng đội đã hy sinh thay cho mình. Mình còn sống đây, hưởng thụ cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc như bây giờ thì phải nhớ đến đồng đội, phải tri ân những người đã ngã xuống. Ước nguyện của tôi đã ấp ủ từ lâu nhưng không thực hiện sớm được, bởi vì sau ngày hòa bình thống nhất, cuộc sống của gia đình tôi cũng rất khó khăn”, chú Sáu Thuận thổ lộ.

 

Đầu năm 1976, chú Sáu Thuận rời quân ngũ, chuyển ngành về Viện Kiểm sát TX Tuy Hòa, sau đó chuyển về Công ty Nông sản thực phẩm thị xã, đến năm 1993 thì nghỉ hưu. Với đồng lương hưu ít ỏi, để nuôi hai đứa con ăn học không phải là chuyện dễ dàng. Vì vậy, chú Sáu Thuận tự tìm tòi, học hỏi. Có niềm tin vào chính mình, chú dần dần đưa gia đình vượt qua túng thiếu, khó khăn.

 

Trong câu chuyện với tôi, chú Sáu Thuận không đề cập đến công việc kinh doanh của mình mà chỉ đau đáu về những đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn nằm trong lòng đất mẹ. Ánh mắt chú rưng rưng: “Trong số các đồng đội đã hy sinh trên mảnh đất Phú Yên, không phải ai cũng được cúng giỗ; có những người chẳng còn ai thân thiết. Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh là nơi yên nghỉ của hơn 6.200 liệt sĩ có tên và khuyết tên. Ước nguyện của tôi là tổ chức giỗ chung các liệt sĩ vào ngày 27/7 hàng năm, và như vậy lòng tôi cũng được nhẹ nhàng thanh thản. Mặt khác, qua việc tổ chức giỗ chung này, tôi muốn tạo cơ hội để những đồng đội còn sống của mình có dịp gặp mặt, cùng nhau hàn huyên những kỷ niệm của một thời trận mạc trong chiến tranh, cùng nhau tri ân những đồng đội đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đồng thời giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”.

 

Ông Nguyễn Trọng Thuận đặt bánh chưng tại Nhà thờ liệt sĩ - Ảnh: VĂN ĐẠT

 

Chú Sáu Thuận nhớ, từ năm 2000-2007, chú và anh Cường, người quản lý Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, chịu trách nhiệm chính trong việc sắm sửa mâm cỗ, cùng một số đồng đội tổ chức giỗ chung cho hơn 6.200 liệt sĩ từ mọi miền của đất nước yên nghỉ tại nghĩa trang này. Đến năm 2008, Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh tỉnh đề xuất ý kiến và nhận trách nhiệm chính trong việc duy trì giỗ chung các liệt sĩ. Càng về sau càng có nhiều đồng chí đồng đội tham gia góp giỗ, hầu hết là những người từng chiến đấu trên chiến trường Phú Yên, cho nên giỗ chung của các liệt sĩ được tổ chức với quy mô ngày một lớn. Ngoài các cựu chiến binh, người thân, con cháu liệt sĩ đang ở Phú Yên còn có không ít đồng đội đến từ Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Hải Dương, Hải Phòng… Có năm, do tuổi cao sức yếu không đi được, một số cựu chiến binh bảo ban con cháu đi thay đến dự đám giỗ.

 

Thương binh Võ Chí Hiền, 72 tuổi, vào bộ đội từ năm 1964, nguyên Chính trị viên phó Đại đội Đặc công 202 của tỉnh, hiện ở xã Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa) đến dự đám giỗ chung các liệt sĩ. Ông bày tỏ: “Tôi không nói hết lời cảm ơn đối với các anh đã có ý nguyện và tổ chức đám giỗ chung các liệt sĩ. Đây là việc làm đầy ý nghĩa, thể hiện đạo lý và sâu nặng tình đồng chí đồng đội. Trước hết tôi cảm ơn anh Sáu Thuận, anh Cường, chị Kính và Hội Cựu chiến binh tỉnh”.

 

Dự giỗ chung các liệt sĩ, đại tá Trần Minh Từ, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Yên, khẳng định: “Đây là việc làm rất có ý nghĩa, phù hợp với truyền thống, phong tục của người Việt Nam. Việc làm này không chỉ có ý nghĩa về mặt đạo lý mà còn có tác động thiết thực, nhắc nhở các thế hệ ghi nhớ, tri ân những người đã ngã xuống vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

 

Đến dự giỗ chung tại Nhà thờ liệt sĩ, ông Nguyễn Văn Hàn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Phú Yên đã trao cho Hội Cựu chiến binh tỉnh 10 triệu đồng để góp vào quỹ giỗ chung các liệt sĩ trong năm 2017. Đồng thời, ông hứa sẽ góp giỗ hàng năm để cùng Hội Cựu chiến binh tỉnh và đồng chí đồng đội các liệt sĩ tổ chức giỗ chung những người đã ngã xuống trong ngày 27/7. Đây cũng là dịp để ngành Ngân hàng tỏ lòng tri ân, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.

 

Trong buổi chuyện trò ngày hôm đó, chú Sáu Thuận chia sẻ với tôi rất nhiều điều. Lòng tôi trào dâng niềm xúc động xen lẫn sự khâm phục. Chú nói: “Là người may mắn còn sống, trở về sau chiến tranh và có được cuộc sống yên bình như ngày hôm nay, lúc nào tôi cũng nghĩ là phải có nghĩa vụ cúng giỗ các liệt sĩ. Từ suy nghĩ ấy, trong ngôi nhà riêng của mình suốt mấy mươi năm qua, tôi đã đặt bàn thờ Tổ quốc ở nơi trang trọng nhất để thờ cúng Bác Hồ và các liệt sĩ. Mỗi dịp cúng ông bà, tổ tiên và trong dịp lễ, tết, tôi đều dành riêng một mâm để cúng các đồng chí, đồng đội đã hy sinh”.

 

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau do chiến tranh vẫn còn hiện hữu, nhắc nhở mỗi người hãy biết trân trọng giá trị của cuộc sống hòa bình, ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ. Những việc làm thiết thực và ý nghĩa trong thời gian qua của cựu chiến binh Nguyễn Trọng Thuận là rất đáng trân trọng! Hy vọng rằng những nghĩa cử thể hiện đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” sẽ ngày càng lan tỏa.

 

TRỊNH VĂN ĐẠT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek