Thứ Năm, 10/10/2024 23:31 CH
Người sáng tạo slogan “Đất võ trời văn” ra sách mới
Thứ Năm, 11/01/2018 08:30 SA

Nguyễn Thanh Mừng là nhà thơ định danh phổ quát trong công chúng, nhưng gọi anh là nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà folklore… đều được. Ở lĩnh vực nào, anh cũng có những thành tựu nhất định. 

 

Bìa sách “Văn hóa dân gian vùng đất võ” của Nguyễn Thanh Mừng - Ảnh: ĐÀO TẤN TRỰC

Nếu như trong sáng tác, anh có cảm quan lịch sử mà một số nhà nghiên cứu văn học đã từng nhận định, xoáy sâu về yếu tố thời gian lịch sử, nhất là trong tập thơ Ngàn xưa (1998) của anh thì trong nghiên cứu, anh luôn dựa vào phong vận của một mảnh đấtngàn năm hưng vong. Xứ sở này in đậm dấu ấn của nhiều cuộc hợp lưu nên cái mệnh đề định danh “Đất võ trời văn” và phẩm cách trong văn có võ, trong võ có văn của Bình Định được anh lý giải khá thấu đáo và xuyên suốt trong công trình nghiên cứu Văn hóa dân gian miền đất võ (NXB Sân khấu, năm 2017). Công trình này thuộc “Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam” do Chính phủ phê duyệt, giao Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thực hiện, vừa đến tay bạn đọc.

 

Trong tập sách mới này, Nguyễn Thanh Mừng tập hợp 9 bài: Đất võ trời văn, Nghi lễ Bàu Đá: Vọng lên đỉnh núi cụng vài ly, Chỉ thêu nên gấm, Tư duy Bình Định, Số phận một anh hùng dân gian, Sứ mệnh văn hóa của sông nước vùng kinh thành xưa ở Bình Định, Dân gian với “Văn hóa Đi”, Khi những nhịp cầu văn hóa đổ gãy, Phù sa nhân nghĩa với 124 trang sách mà anh đã dày công nghiên cứu từ thế kỷ trước đến nay. Trước hết, phải ghi nhận rằng, anh là người có công khá lớn trong việc dụng công sáng tạo các cụm từ khái quát về văn hóa cho vùng đất quê hương anh. Chẳng hạn các cụm từ “Sông Côn núi Kiếm” (khái quát về lịch sử văn hóa Bình Định), “Cảo thơm làng võ” (viết về các thế võ thượng thừa do Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu chế tác) trên Báo Nhân Dân, hoặc cụm từ “Làm văn trên đất võ” trong một bài anh nghiên cứu từ thế kỷ XX về hoạt động văn học nghệ thuật của bản thân anh, sau đó VTV3 dùng lại làm tít cho phóng sự về hoạt động văn chương của gia đình anh. Riêng cụm từ “Đất võ trời văn” giờ thành cụm từ cửa miệng của nhiều người Bình Định.

 

Về bài viết này, anh tâm sự: “Tôi sáng tạo cụm từ “đất võ” ghép với “trời văn”, và làm cái tít đề cho một tham luận được trình bày trong Hội thảo Khoa học và thực tiễn văn hóa dân gian Nam Trung Bộ. Phải nói rằng trong tôi vừa có những nao nức vừa có những e ngại. Nao nức vì nghĩ đến cái chữ văn rộng lớn, không chỉ ở phạm vi văn chương, của hương hồn các thế hệ Bình Định và khi đưa ra một tiểu đối với “đất võ”, nó phát lộ rõ rệt sự hoàn chỉnh về ngôn từ. E ngại vì tôi là người Bình Định, cái niềm tự hào quá mức về địa phương do chính tôi phát ra, dễ gây một hiểu nhầm với bốn phương bè bạn”. Và đôi lúc, một vài ý kiến nhỏ lẻ của người hôm nay cũng chứa đựng một phản đề nào đó. Tuy nhiên, cụm từ làm tít đề này đã gây hiệu ứng tương đối rộng rãi, gần như trở thành một slogan của Bình Định. Từ đó, rất nhiều tác giả đã sử dụng cụm từ này, như: đến từ “đất võ trời văn”, người Bình Định tự hào với mỹ hiệu “đất võ trời văn”, tour du lịch tham quan “đất võ trời văn” , “đất võ trời văn” bố cáo… vào nhiều bài báo, tạp văn, tùy bút… của mình khi nói về Bình Định. Những câu mang theo cụm từ “đất võ trời văn” rải rác xuất hiện từ năm 2004 đến nay, rộ lên nhất là vào dịp Festival Tây Sơn - Bình Định, diễn ra vào tháng 8/2008, khi cơ quan chức năng đưa slogan này vào quảng bá cho thương hiệu Bình Định. Nó chẳng những được dùng trên văn bản hoặc các bài báo, mà còn được người Bình Định và bạn bè bốn phương nhắc đến. Điều đó tạo nên sự hứng khởi, cho thấy một hiệu ứng văn hóa khi nội hàm thông điệp truyền đi có ấn tượng, khơi gợi nhiều suy tưởng. Một số người viết hỏi vui anh rằng sao không có “bản quyền”, anh cười trả lời rằng họ dùng lại là mình vui rồi vì con chữ của mình có sức lan tỏa và ảnh hưởng.

 

Nếu như bài Đất võ trời văn, Nguyễn Thanh Mừng nghiêng về lý giải sự hợp lưu của nhiều mặt đối lập trong một Bình Định mang chỉnh thể biện chứng giữa tĩnh tại và biến dịch, giữa kinh kỳ và thôn dã, giữa đại thần và người dân, giữa văn chương và võ thuật, giữa cương và nhu... để tạo nên một Bình Định hào sảng lẫy lừng thì trong các bài Tư duy Bình Định, Số phận một anh hùng dân gian, Sứ mệnh văn hóa của sông nước vùng kinh thành xưa ở Bình Định… là những nghiên cứu, lý giải sự thăng hoa của một vùng đất từng là phên giậu của Việt Nam thời trung đại. Những tâm sự về hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật được anh lồng ghép trong một số bài nghiên cứu Chỉ thêu nên gấm, Phù sa nhân nghĩa

 

Có thể nói trong mấy chục năm qua, Nguyễn Thanh Mừng đã viết hàng trăm bài với các nhóm chủ đề khác nhau, in rải rác trên các sách, báo, tạp chí chuyên ngành. Tuy nhiên, ở tập sách này, anh đã đi sâu nghiên cứu về chủ đề liên quan đến cụm từ “Đất võ trời văn”. Điều đó cho thấy chính vùng đất Bình Định đã tiếp cho anh rất nhiều năng lượng và sự nặng lòng thiết tha của anh với quê hương đất nước nói chung.

 

ĐÀO TẤN TRỰC  

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek