Thứ Sáu, 11/10/2024 01:18 SA
Giáo sư - Tiến sĩ y học - Bác sĩ Bùi Đức Phú: Người hai lần làm nên lịch sử
Thứ Tư, 03/01/2018 17:45 CH

GS-TS-BS Bùi Đức Phú (bên trái) thăm hỏi một bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City, Hà Nội - Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Lịch sử ngành phẫu thuật tim mạch đã sang trang mới, khi lần đầu tiên kíp bác sĩ Việt Nam thực hiện ca ghép tim trên người lấy từ người cho chết não tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ba năm sau, bệnh viện này tiến hành ca cấy tim nhân tạo bán phần Heartware đầu tiên tại Việt Nam.

 

Phẫu thuật viên chỉ huy và trực tiếp phẫu thuật hai ca mổ có tính lịch sử trên là GS-TS-BS Bùi Đức Phú, một người con Phú Yên cả đời cống hiến cho y học.

 

BÀI 1: Dấn thân 

 

Hà Nội, một buổi sáng đầu đông. Nắng tràn khắp lối đi xanh rợp, lấp lóa trên những khung cửa khi tôi đến Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City để gặp Thầy thuốc Nhân dân - Anh hùng lao động - GS-TS-BS Bùi Đức Phú. Violon réo rắt nơi sảnh đón bệnh nhân. Hai nghệ sĩ vĩ cầm say sưa hòa tấu một tác phẩm khí nhạc. Những ai lần đầu bước vào Vinmec Times City hẳn sẽ có đôi chút ngỡ ngàng…

 

Sau khi khép lại chặng đường 35 năm gắn bó với Bệnh viện Trung ương Huế - nơi ông đã cùng các đồng nghiệp lập nên những kỳ tích, góp phần làm rạng rỡ nền y học hiện đại của Việt Nam, GS Bùi Đức Phú giữ cương vị Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City từ tháng 1/2017. Rồi ông đảm nhận thêm trọng trách Phó Tổng giám đốc chuyên môn Hệ thống y tế Vinmec.

 

Truyền lửa đam mê

 

Ở tuổi ngoài 60, chuyên gia hàng đầu Việt Nam về phẫu thuật tim mạch và ghép tạng vẫn tràn đầy năng lượng. Cuộc trò chuyện của giáo sư và tôi không phải bắt đầu từ các thành tựu y khoa mà theo hướng khác. Tôi được biết một người con của giáo sư - anh Bùi Đức An Vinh - nối nghiệp cha, trở thành bác sĩ phẫu thuật tim mạch. Giáo sư đã chỉ cho con mình thấy rằng để làm được công việc này thì phải học rất nghiêm túc, rất lâu. Thời gian làm việc lại kéo dài, áp lực rất cao, trách nhiệm rất lớn, chính vì vậy mà số người theo học Ngoại tim mạch không nhiều như các chuyên ngành khác. Công việc của bác sĩ Ngoại tim mạch đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân, của cả tập thể, nhất là khi chăm sóc người bệnh. “Đó là văn hóa chuyên nghiệp trong chăm sóc người bệnh. Đó là sự chăm sóc bệnh nhân toàn diện, bao nhiêu tinh hoa về chăm sóc người bệnh đều tập trung vào lĩnh vực chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật tim”, giáo sư chia sẻ. Tất cả những điều đó, con trai ông đã biết. Và niềm đam mê của giáo sư đối với chuyên ngành Ngoại tim mạch, đối với công việc phẫu thuật tim đã truyền sang con trai. Bác sĩ trẻ được trao học bổng tu nghiệp ở Pháp nói với cha rằng: “Mình cứ dấn bước vào thử thách, làm được thì giá trị của mình sẽ tăng lên. Nếu ai cũng nghĩ phẫu thuật tim mạch vất vả, áp lực mà từ chối nó thì chuyên ngành này sẽ đi về đâu?”. GS Bùi Đức Phú rất xúc động khi nghe con nói vậy. Ông như nhìn thấy hình ảnh của mình thời trẻ, đầy đam mê, tâm huyết và không ngại dấn thân. 

 

GS-TS-BS Bùi Đức Phú (bên phải), khi đó là thành viên Hội đồng Bảo vệ luận án tiến sĩ y khoa tại Đại học Strasbourg, Pháp (ảnh tư liệu)

Nuôi ước mơ phẫu thuật tim mạch

 

Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, tại Hà Nội, các chuyên gia đầu ngành trên lĩnh vực tim mạch bắt đầu thử nghiệm phẫu thuật tim hở, ở TP Hồ Chí Minh chỉ mới tiến hành phẫu thuật tim kín, còn miền Trung vẫn là một vùng trắng trên “bản đồ” phẫu thuật tim mạch của Việt Nam. Chuyên ngành này phát triển chậm là bởi cần có sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại, đắt tiền, trong khi nhiều bệnh viện lớn vẫn còn ngổn ngang mối lo, nhất là về các bệnh truyền nhiễm. Việc đào tạo nhân lực chủ yếu là để ứng phó với tình huống, chưa đào tạo chuyên sâu. Và sự quan tâm đến chuyên ngành này hầu như chưa có.

 

Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Huế, được theo học nội trú Ngoại khoa tại Bệnh viện Việt Đức và Trường đại học Y Hà Nội (từ 1981 đến 1984), bác sĩ trẻ Bùi Đức Phú mới biết đôi chút về phẫu thuật tim. “Tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ bắt đầu mổ thực nghiệm trên chó, sau đó xin tài trợ thiết bị và tiến đến phẫu thuật trên người. Thầy Tôn Thất Tùng mời kíp chuyên gia từ Pháp sang chuyển giao kỹ thuật. Khi kíp bác sĩ bên Pháp đến Bệnh viện Việt Đức, may mắn là tôi đang học nội trú tại đây. Lúc đó tôi mới biết phẫu thuật tim phức tạp, khó khăn đến chừng nào! Cả nước đang rất thiếu bác sĩ phẫu thuật tim, trong khi bệnh nhân thì rất đông. Và dịp may đã đến khi tôi được tiếp cận với các chuyên gia giàu kinh nghiệm, được học từ họ khi họ đến với chúng ta”, GS Bùi Đức Phú nhớ lại.

 

Kết thúc 4 năm học nội trú ở Hà Nội, bác sĩ Bùi Đức Phú công tác tại Bệnh viện Trung ương Huế và Trường đại học Y Dược Huế, đồng thời nuôi ước mơ phẫu thuật tim. Chính vì vậy, ông mạnh dạn trao đổi với các thầy ở Hà Nội, đề xuất với vị giám đốc đầy tâm huyết của bệnh viện lúc bấy giờ về phẫu thuật tim kín. Bệnh viện Trung ương Huế đã mời GS Đặng Hanh Đệ, GS Phạm Gia Khải, GS Tôn Đức Lang… từ Hà Nội vào Huế chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tách van hai lá. “Các thầy chính là chỗ dựa, có các thầy mình mới dám triển khai”, GS Bùi Đức Phú nói. Năm 1986, Bệnh viện Trung ương Huế bắt đầu triển khai phẫu thuật tim kín. Đây là dấu ấn đầu tiên của bệnh viện ở chuyên ngành tim mạch.

 

Vượt qua rất nhiều trở ngại, năm 1988, bác sĩ Bùi Đức Phú tiếp tục trúng tuyển và lần này, ông được sang Pháp học nội trú. Người thầy thuốc trẻ quê Phú Yên đặt chân đến châu Âu, mang theo niềm khao khát phẫu thuật tim hở. Hai năm học nội trú tại Bệnh viện Pontoise (Paris), bác sĩ Bùi Đức Phú đã lĩnh hội nhiều kiến thức quý báu từ các thầy - những chuyên gia trong nghề, đồng thời ông cũng cho thấy khả năng thiên bẩm của mình trong lĩnh vực Ngoại khoa. Vì vậy, ông được giữ vai trò phẫu thuật viên chính trong nhiều ca mổ tại Pháp.

 

Hoàn thành xuất sắc khóa học, bác sĩ Bùi Đức Phú trở về Huế; niềm khao khát triển khai phẫu thuật tim hở càng cháy bỏng trong lòng. Việc đào tạo nhân lực bắt đầu được chú trọng. Bệnh viện Trung ương Huế cử một kíp vào Viện Tim TP Hồ Chí Minh để đào tạo về phẫu thuật tim, đồng thời cử kíp khác đi đào tạo ở các trung tâm bạn.

 

Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường đại học Y Hà Nội, năm 1997, TS-BS Bùi Đức Phú trở lại Pháp, tu nghiệp tại Bệnh viện Pontchaillou Rennes. Ông đã khẳng định năng lực chuyên môn của mình ở vị trí Trưởng Khoa Lâm sàng, đồng thời học hỏi cách thức tổ chức trung tâm tim mạch ở nước bạn với ước mơ trong tương lai không xa, một trung tâm tim mạch hiện đại sẽ được xây dựng tại Bệnh viện Trung ương Huế, điều trị các bệnh lý tim mạch cho người dân trên dải đất miền Trung.

 

Ca phẫu thuật bắc cầu nối chủ - vành và thông liên nhĩ đầu tiên ở Huế

 

Một năm sau, TS Bùi Đức Phú về nước với tấm bằng chuyên khoa sâu về phẫu thuật tim của Đại học Rennes. Được bổ nhiệm Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, ông bắt tay vào việc tổ chức lại cơ sở hạ tầng, xin viện trợ trang thiết bị. “Hồi đó rất khó khăn, bệnh viện xin được máy tuần hoàn ngoài cơ thể đã qua sử dụng, máy trao đổi nhiệt thì không có. Còn máy theo dõi huyết động, bệnh viện phải mượn của một công ty trong vòng một năm, khi nào triển khai thành công thì sẽ mua thiết bị đó. Cả một quá trình mày mò, chuẩn bị, tích góp chứ đâu có kinh phí. Ngân sách phẫu thuật tim cho Hà Nội, TP Hồ Chí Minh còn chưa có, ai cho Huế làm gì. Lúc đó mình còn trẻ chứ có phải lão làng đâu mà xin được”, GS Bùi Đức Phú mỉm cười nhớ lại.

 

Năm 1999, bệnh viện mời một kíp bác sĩ từ Pháp sang giúp TS Bùi Đức Phú rà soát công tác chuẩn bị và hỗ trợ về mặt chuyên môn. Ca phẫu thuật tim hở đầu tiên của Bệnh viện Trung ương Huế được tiến hành trong năm đó. Ca đầu tiên không sử dụng máy tuần hoàn ngoài cơ thể khi phẫu thuật cho bệnh nhân bị tắc mạch vành, kíp thầy thuốc mổ bắc cầu nối chủ - vành, tái tưới máu cơ tim. “Ca thứ hai dùng máy tuần hoàn ngoài cơ thể để làm ngưng tim rồi mổ vá lỗ thông liên nhĩ cho cháu bé 14 tuổi. Áp lực rất lớn nhưng hồi đó mình còn trẻ, áp lực mấy cũng không sợ vì mình chuẩn bị khá tốt. Có  các thầy đứng bên, thế là mình yên tâm làm”, GS Bùi Đức Phú hồi tưởng. Với hai ca mổ hở trên, Bệnh viện Trung ương Huế ghi dấu ấn rất lớn trong lĩnh vực phẫu thuật tim mạch. 

 

Đáng chú ý là ngay trong năm đầu tiên triển khai phẫu thuật tim hở, Bệnh viện Trung ương Huế đã đạt chỉ tiêu đề ra: thực hiện 100 ca mổ tim hở, không có ca nào tử vong. Làm được điều này thì phải xây dựng được kíp mổ làm chủ kỹ thuật, thạo nghề. “Để thực hiện 100 ca mổ tim hở là không biết bao nhiêu ngày vất vả “bám” bệnh nhân. Anh em đều mới đi học về, đầy tâm huyết, hoài bão và gắn bó như một gia đình”, GS Bùi Đức Phú kể.

 

Những thành tựu quan trọng bước đầu trên lĩnh vực phẫu thuật tim mạch của Bệnh viện Trung ương Huế đã thuyết phục các tổ chức quốc tế. Tỉ phú người Mỹ Chuck Feeney, vốn thân thiết và cảm kích tài năng, tâm huyết của TS Bùi Đức Phú, đã đặt vấn đề hỗ trợ bệnh viện xây dựng cơ sở hạ tầng. Năm 2002, Khoa Nhi được đầu tư xây dựng. Tiếp theo đó, TS Bùi Đức Phú rốt ráo chuẩn bị cho sự ra đời của một trung tâm có vai trò đặc biệt quan trọng trong điều trị các bệnh lý đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới cũng như tại Việt Nam: Tim mạch.

 

BÀI 2: Từ trung tâm tim mạch đến ca ghép tim chấn động cả nước

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek