Thứ Sáu, 11/10/2024 03:30 SA
Giáo sư - Tiến sĩ y học - Bác sĩ Bùi Đức Phú: Người hai lần làm nên lịch sử
Thứ Năm, 04/01/2018 11:00 SA

BÀI 2: Từ Trung tâm Tim mạch đến ca ghép tim chấn động cả nước

 

Nói đến Trung tâm Tim mạch thuộc Bệnh viện Trung ương Huế là nói đến quyết tâm biến điều không thể thành có thể của một thế hệ thầy thuốc đầy tâm huyết, là sự giúp đỡ tận tình về chuyên môn của các chuyên gia Pháp, là tấm lòng hào hiệp của các nhà tài trợ đến từ đất nước ở phía Tây bán cầu. Người có công lớn nhất trong sự ra đời của Trung tâm Tim mạch là GS Bùi Đức Phú. Và từ trung tâm này, giáo sư cùng các đồng nghiệp thực hiện ca ghép tim đầu tiên.

 

GS-TS-BS Bùi Đức Phú (bên phải), phẫu thuật viên và là người chỉ huy ca ghép tim có tính lịch sử - Ảnh: CTV

 

Biến điều không thể thành có thể

 

GS-TS-BS Đặng Hanh Đệ, Chủ tịch sáng lập Hội Phẫu thuật tim mạch - Lồng ngực Việt Nam và là người thầy của GS Bùi Đức Phú, đánh giá: “Anh Phú rất có công khi “kéo” được viện trợ của nước ngoài vào để xây dựng một trung tâm tim mạch hết sức hiện đại, đầy đủ trang thiết bị và đào tạo đội ngũ những người làm nghề phẫu thuật tim mạch có chất lượng. Tầm ảnh hưởng của Trung tâm Tim mạch không chỉ ở Thừa Thiên - Huế mà còn đến các tỉnh, thành khu vực Bắc và Nam miền Trung. Anh Phú đã xây dựng được một trung tâm hết sức tốt”.

 

Để có được đội ngũ thầy thuốc chuyên sâu về tim mạch nội - ngoại khoa, tim mạch can thiệp, Bệnh viện Trung ương Huế đã gửi các kíp bác sĩ sang Pháp, Mỹ, Đức…, đào tạo tại các trung tâm tim mạch lớn của thế giới. Mặt khác, bệnh viện kiện toàn nhân lực tại chỗ và cơ sở vật chất.

 

Học hỏi mô hình trung tâm tim mạch của Bệnh viện Pontchaillou Rennes (Pháp) và điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế, GS Bùi Đức Phú đưa ra ý tưởng thiết kế, hoàn tất các thủ tục xây dựng dự án quy mô này. Ông đã thuyết phục các nhà tài trợ người Mỹ về tính khả thi của dự án, đặc biệt là lợi ích vô cùng to lớn mà Trung tâm Tim mạch sẽ mang lại cho người dân. Và, những tấm lòng hào hiệp từ bên kia đại dương đã đồng ý tài trợ gần 10 triệu USD để triển khai xây dựng, trang bị máy móc và đào tạo nhân lực chuyên sâu cho Trung tâm Tim mạch.

 

Từ ca phẫu thuật tim kín đầu tiên vào năm 1986, GS Bùi Đức Phú cùng các đồng nghiệp ở Bệnh viện Trung ương Huế trải qua hành trình 13 năm trước khi tiến hành ca phẫu thuật tim hở, và thêm 8 năm nữa để có Trung tâm Tim mạch!

 

Được khởi công xây dựng vào năm 2004, đi vào hoạt động từ năm 2007, Trung tâm Tim mạch thuộc Bệnh viện Trung ương Huế có đội ngũ thầy thuốc chuyên sâu, được trang bị máy móc hiện đại bậc nhất Việt Nam lúc bấy giờ như DSA - thiết bị chụp mạch máu xóa nền sử dụng tia X, máy chụp cắt lớp 64 lát cắt, thiết bị Cardiospect… Bình quân mỗi năm, Trung tâm Tim mạch thực hiện hơn 800 ca phẫu thuật tim hở, gần 1.000 ca can thiệp nong và đặt stent mạch vành, đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn 2-3 buồng, đặt máy khử rung tim vĩnh viễn…

 

Ca ghép tim đầu tiên do kíp bác sĩ Việt Nam thực hiện

 

Đến năm 2008, chương trình ghép thận ở Bệnh viện Trung ương Huế do GS Bùi Đức Phú phụ trách về chuyên môn đã “chạy” tốt, thực hiện thành công 30 ca. Kíp thầy thuốc tích lũy được kinh nghiệm ghép tạng cũng như điều trị chống thải ghép, chăm sóc bệnh nhân toàn diện. Bệnh viện đã thực hiện thành công 8.000 ca phẫu thuật tim hở. GS Bùi Đức Phú, với cương vị Giám đốc bệnh viện, đặt ra cho mình và các đồng nghiệp mục tiêu mới: ghép tim.

 

Trong thời gian tu nghiệp tại Pháp, bác sĩ Bùi Đức Phú đã tham gia các ca phẫu thuật ghép tim nên nắm được quy trình kỹ thuật này. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước “Triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não tại Bệnh viện Trung ương Huế” của đội ngũ ghép tim, đứng đầu là GS Bùi Đức Phú, Giám đốc bệnh viện, được gửi đến Bộ KH-CN. Sau khi được Bộ KH-CN xét duyệt, đề tài được chuyển sang Bộ Y tế. Trong thời gian đó, GS Bùi Đức Phú xây dựng quy trình, đưa các thầy thuốc giỏi nghề vào nhóm, tuần nào cũng “nhắc bài” và rà soát từng khâu. Ai nấy đều hiểu rõ tầm quan trọng của công việc này và tự rèn luyện liên tục.

 

Trung tâm Tim mạch thuộc Bệnh viện Trung ương Huế - Ảnh: CTV

 

Dựa trên các tiêu chí về hạ tầng cơ sở, trang thiết bị y tế, nhân lực và hệ thống tổ chức, tháng 8/2010, Bộ Y tế ra quyết định công nhận Bệnh viện Trung ương Huế là cơ sở đủ tiêu chuẩn tiến hành ghép tim lấy từ người cho chết não. Vấn đề còn lại là chờ có người hiến tim.

 

Biết bao trắc trở, chờ đợi. Những bệnh nhân suy tim nặng, vì không có tim để ghép nên lần lượt tử vong, chỉ còn lại hai người, trong đó có Trần Mậu Đức, 26 tuổi, bị bệnh cơ tim giãn, suy tim độ IV. Rồi cũng có người hiến tim. Đó là một thanh niên 27 tuổi, bị tai nạn giao thông dẫn đến chết não. Hội đồng chuyên môn họp khẩn, cân nhắc kỹ tất cả các yếu tố. Hơn 30 xét nghiệm đã được thực hiện, từ người hiến tim chết não đến người nhận tim nhằm đánh giá chức năng các cơ quan, sự tương hợp miễn dịch, đồng thời phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn… Cuộc họp thứ hai của hội đồng chuyên môn đưa ra quyết định: Ghép tim. Tất cả phập phồng chờ kết quả xét nghiệm đo chéo máu giữa người cho và người nhận tim từ Hà Nội báo về (test đầu tiên làm tại Bệnh viện Trung ương Huế), trong khi bệnh nhân chết não cận kề tử vong.

 

8 giờ sau, tin từ Hà Nội báo về Huế: Kết quả âm tính. 22 giờ ngày 1/3/2011, bệnh nhân Trần Mậu Đức được đưa vào phòng phẫu thuật của Trung tâm Tim mạch. Các bác sĩ tiến hành gây mê và mở lồng ngực, lấy ra quả tim đã suy kiệt của người thanh niên này.

 

Trong phòng mổ sáng choang ở một tòa nhà khác của Bệnh viện Trung ương Huế, trái tim khỏe mạnh được lấy ra khỏi lồng ngực người thanh niên đã chết não, đưa đến Trung tâm Tim mạch. Kíp phẫu thuật tiến hành ghép tim.

 

Ca ghép tim diễn ra trong 5 giờ đồng hồ, với gần 100 thầy thuốc ở Bệnh viện Trung ương Huế tham gia, trong đó có khoảng 40 bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng… làm việc trực tiếp trong phòng phẫu thuật. GS Bùi Đức Phú cùng các đồng nghiệp đứng ròng rã suốt 5 tiếng đồng hồ trong phòng mổ nhưng không hề có cảm giác mệt mỏi, tất cả tập trung cao độ vào công việc. Là phẫu thuật viên đồng thời chỉ huy ca phẫu thuật có tính lịch sử này, GS Bùi Đức Phú thổ lộ: “Tôi rất tin vào sự thành công của ca ghép tim. Nếu không tự tin thì không làm, mình không thể nào mạo hiểm trước bệnh nhân. Đó là nguyên tắc làm việc của tôi. Phải tin rằng 98% là thành công, còn 2% là xác suất rủi ro ngoài ý muốn. Và một khi đã bước vào phòng phẫu thuật, tôi tập trung vào mục tiêu duy nhất: cứu sống bệnh nhân”.

 

3 giờ sáng hôm sau, ngày 2/3/2011, kíp thầy thuốc hoàn tất ca ghép tim. Bệnh nhân được chuyển đến phòng hậu phẫu, các chỉ số sinh tồn đều ổn định. GS Bùi Đức Phú trở về phòng làm việc của mình, soạn 3 tin nhắn: một gửi cho các thầy ở Việt Nam, một gửi cho Bộ trưởng Bộ Y tế, một gửi cho vợ con. Đến 6 giờ sáng, giáo sư trở lại phòng hậu phẫu, kiểm tra tình hình của bệnh nhân. Mọi việc đều ổn. 6 giờ 30, ông gửi các tin nhắn, báo tin Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công ca ghép tim trên người lấy từ người cho chết não.

 

Lịch sử ngành phẫu thuật tim mạch Việt Nam đã được GS Bùi Đức Phú cùng các đồng nghiệp ở Bệnh viện Trung ương Huế mở sang trang mới. Lần đầu tiên, kíp bác sĩ Việt Nam thực hiện ca ghép tim trên người lấy từ người cho chết não và đã thành công.

 

“Không có một người nước ngoài nào! Anh Phú chỉ huy ê kíp ghép tim lấy từ người cho chết não và ghép thành công. Đó là đóng góp rất lớn! Nói về lần đầu tiên ghép tim ở Việt Nam thì người ta nêu anh Phú, nêu Bệnh viện Trung ương Huế”, GS-TS-BS Đặng Hanh Đệ, Chủ tịch sáng lập Hội Phẫu thuật tim mạch - Lồng ngực Việt Nam, khẳng định.

 

Ca cấy tim nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam

 

Ba năm sau ca ghép tim làm nức lòng giới y khoa cả nước, sáng 6/6/2014, với sự hỗ trợ của chuyên gia đến từ Bệnh viện Saint Vintcent (Australia), GS-TS-BS Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cùng kíp thầy thuốc bệnh viện này tiến hành ca cấy tim nhân tạo bán phần Heartware đầu tiên tại Việt Nam. Giáo sư giải thích: “Trong thời gian chờ đợi để được ghép tim lấy từ người cho chết não, nhiều bệnh nhân suy tim đã chết vì chờ quá lâu mà chưa có người cho tim. Có một giai đoạn gọi là giai đoạn bắc cầu nhằm kéo dài thời gian chờ đợi để được ghép tim lấy từ người cho chết não, bác sĩ cấy máy hỗ trợ tim cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối. Tôi làm đề án trình Bộ KH-CN và xin phép Bộ Y tế để triển khai kỹ thuật mới này. Cũng như việc ghép tim trước đây, tôi đi theo con đường nghiên cứu khoa học rồi áp dụng vào thực tiễn. Ca cấy tim nhân tạo này ít áp lực hơn ca ghép tim, tuy nhiên vì công nghệ mới nên thời gian huấn luyện lâu hơn”.

 

Người được cấy tim nhân tạo bán phần là ngư dân H.Q.B, khi đó 39 tuổi, ở Quảng Bình. Anh B. mắc bệnh cơ tim giãn giai đoạn cuối, không còn đáp ứng với điều trị nội khoa, tiên lượng sống dưới 6 tháng. Trong 5 giờ, kíp thầy thuốc do GS Bùi Đức Phú làm trưởng kíp đã cấy thiết bị hỗ trợ tâm thất Heartware cho anh B. Sau ca phẫu thuật, cung lượng tim từ 2 lít/phút đã tăng lên 4 lít/phút, quả tim nhân tạo hoạt động rất hiệu quả, bệnh nhân hồi phục tốt. Ca cấy tim nhân tạo bán phần này đã mang lại cho bệnh nhân B. thêm cơ hội được ghép tim, một khi có người cho chết não thích hợp.

 

BÀI CUỐI: Hạnh phúc khi được làm việc cứu người

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek