Thứ Sáu, 11/10/2024 03:30 SA
Giáo sư - Tiến sĩ y học - Bác sĩ Bùi Đức Phú: Người hai lần làm nên lịch sử
Thứ Sáu, 05/01/2018 13:00 CH

GS-TS-BS Bùi Đức Phú trao đổi với một đồng nghiệp trẻ ở Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City, Hà Nội - Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

BÀI CUỐI: Hạnh phúc khi được làm việc, cứu người

 

Ở tuổi ngoài 60, GS-TS-BS Bùi Đức Phú vẫn tràn đầy năng lượng, tâm huyết với nghề. Chuyên gia hàng đầu Việt Nam về phẫu thuật tim mạch và ghép tạng nói rất giản dị: “Tìm thấy niềm vui trong công việc, đó là hạnh phúc. Mình áp dụng kỹ thuật mới, cứu được bệnh nhân, và hàng ngày háo hức đi làm, đó là hạnh phúc nhất”.

 

Nghề chọn người

 

Những ai sống ở Tuy Hòa lâu năm đều biết rạp Đại Nam trên đường Nguyễn Công Trứ. Đây là rạp chiếu phim nổi tiếng từ trước năm 1975, do cha mẹ GS Bùi Đức Phú gây dựng nên. Ngay bên cạnh rạp Đại Nam là ngôi nhà của gia đình chủ rạp. GS Bùi Đức Phú chào đời tại Tuy Hòa và lớn lên trong ngôi nhà đó. Tuổi thơ ông gắn liền với dòng sông, cánh đồng… Ký ức ông vẫn còn thấp thoáng hình ảnh cùng bạn bè đi câu cá, vẫn ấm áp tình cảm của những người thầy thương học trò như con mình…

 

Cụ Bùi Phương, cha GS Bùi Đức Phú, muốn con trai theo nghề Y. Khi con đang học cấp ba ở Sài Gòn, cụ đưa con đến gặp một người bạn là bác sĩ Ngoại khoa nổi tiếng, để có thể hình dung đôi nét về công việc của một bác sĩ Ngoại khoa.

 

Thi đậu tú tài, anh thanh niên Bùi Đức Phú ra Huế chơi và đến Trường đại học Y khoa Huế, nơi anh rể đang giảng dạy. Anh ghi danh, nộp hồ sơ thi và đậu, thế là học luôn. Từ trước đến nay, lối vào trường y luôn là “cánh cửa hẹp”, thế nhưng với Bùi Đức Phú thì mọi chuyện dường như đơn giản. Có thể nói rằng nghề y đã chọn ông - người sẽ tiếp bước các bác sĩ - nhà khoa học nổi tiếng: Tôn Thất Tùng, Đặng Hanh Đệ, Phạm Gia Khải, Tôn Thất Bách… và cùng các đồng nghiệp viết nên trang rực rỡ cho ngành Phẫu thuật tim mạch Việt Nam.

 

Trong trường y, sinh viên Bùi Đức Phú rất chịu khó học hỏi nên năm thứ tư, ông đã vững vàng về Ngoại khoa. Được nhà trường chọn làm cán bộ giảng dạy nên đến năm thứ 5, ông được gửi ra Hà Nội học. Thời điểm đó không có lớp Ngoại khoa mà có lớp gây mê hồi sức, thế là ông cùng một sinh viên khác học gây mê hồi sức trong 6 tháng ở Bệnh viện Việt Đức, do GS Tôn Đức Lang giảng dạy.

 

Ngày nọ, bác sĩ chuyên phụ mổ cho GS Tôn Thất Tùng bị ốm. Các thầy giới thiệu với thầy Tùng: Có học trò Phú từ Huế ra học, xin được phụ mổ thay. Thế là ông được vào phòng phẫu thuật trong vai trò phụ mổ cho GS Tôn Thất Tùng. Sau ca mổ đó, giáo sư gọi ông lên hỏi han. Thầy ngồi trên ghế, bảo học trò đi qua đi lại và… đưa tay cho thầy xem.

 

GS Bùi Đức Phú nhớ thầy Tôn Thất Tùng từng nói: Làm nghề này thì phải có khả năng thiên bẩm và có thể lực. Bác sĩ phẫu thuật tim mạch phải chịu được áp lực, bình tĩnh kiểm soát trong những tình huống nguy cấp và có thể lực tốt, vì nhiều ca phẫu thuật kéo dài suốt mấy giờ liền. Bởi vậy, thầy chọn học trò rất kỹ để có thể tiếp tục đầu tư cho học trò. Kiến thức thì được tích lũy theo năm tháng, riêng tố chất sẽ thể hiện ngay; thầy Tôn Thất Tùng biết ai có thể tiếp tục học và phát triển ở lĩnh vực này.

 

GS Bùi Đức Phú chia sẻ, người có ảnh hưởng lớn nhất đối với sự nghiệp y khoa của ông là cố GS Tôn Thất Tùng, còn người có ảnh hưởng trực tiếp đến ông trên lĩnh vực tim mạch là GS Đặng Hanh Đệ - học trò chân truyền của cố GS Tôn Thất Tùng, và cố PGS Tôn Thất Bách - con trai thầy Tôn Thất Tùng. Tuổi trẻ đầy hoài bão, ông mơ ước một chân trời rộng lớn của y học. Chính các thầy - những nhà khoa học hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực tim mạch - đã chắp cánh ước mơ cho ông. GS Bùi Đức Phú học từ các thầy tinh thần tận hiến cho khoa học, cho nghề y, biến những cái phức tạp thành đơn giản, luôn có các phương án xử lý những tình huống phức tạp. Các thầy đã truyền sang ông niềm say mê khoa học, say mê nghề y và là những tấm gương ngời sáng về nhân cách.

 

Trên cương vị Trưởng Bộ môn Ngoại - Trường đại học Y Dược Huế, GS Bùi Đức Phú đề cao tính chủ động và khơi dậy niềm đam mê cho các học trò, bởi có đam mê thì mới vượt qua được áp lực rất lớn của nghề này. Ông nói: “Đó là điều quan trọng nhất, còn tất cả thì đã có trong sách vở”.

 

Không muốn bệnh nhân mang ơn

 

Tiếp bước những người thầy lừng danh, GS Bùi Đức Phú đã trực tiếp phẫu thuật tim mạch khoảng 5.000 ca, công bố hơn 80 bài báo khoa học, hàng chục cuốn sách giáo trình và chuyên khảo. Năm 2008, GS Bùi Đức Phú được phong tặng danh hiệu cao quý Thầy thuốc Nhân dân.

 

Năm 2009, cuốn Quy trình kỹ thuật và hệ thống tổ chức trong ghép tim lấy từ người cho chết não của GS Bùi Đức Phú được xuất bản, rất có giá trị đối với các phẫu thuật viên tim mạch. Đặc biệt, nhắc đến GS Bùi Đức Phú thì phải nói đến vai trò chỉ huy đồng thời là phẫu thuật viên ca ghép tim trên người lấy từ người cho chết não làm nức lòng giới y khoa Việt Nam. GS-TS-BS Huỳnh Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Trung ương Huế, nói: “Đó là ca phẫu thuật mang tính lịch sử, trong đó GS Phú có vai trò nổi bật, đã đưa Việt Nam lên “bản đồ” ghép tim của thế giới, mở ra triển vọng mới về ghép tạng ở Việt Nam. Mấy năm sau, GS Phú tiếp tục chỉ huy ca cấy tim nhân tạo bán phần Heartware đầu tiên tại Việt Nam…”.

 

Dưới sự chỉ huy của GS Bùi Đức Phú, lần đầu tiên kíp bác sĩ Việt Nam thực hiện ca ghép tim trên người lấy từ người cho chết não  - Ảnh: TƯ LIỆU

 

Với những cống hiến rất có giá trị cho nền y học nước nhà, sáng 3/3/2013, tại Bệnh viện Trung ương Huế, GS-TS-BS Bùi Đức Phú, Giám đốc bệnh viện, đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến dự và trao tặng cho giáo sư danh hiệu cao quý này.

 

Là chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật tim mạch và ghép tạng ở Việt Nam, niềm hạnh phúc của GS Bùi Đức Phú là chọn đúng nghề phẫu thuật và sâu hơn nữa là phẫu thuật tim mạch. Công việc khó khăn đặt ra cho phẫu thuật viên tim mạch cái đích cao hơn trong cuộc sống. “Mình đã chọn công việc khó và đạt được mục đích của mình. Thứ hai là mình có một quá trình trải nghiệm trong nghề, hạnh phúc khi đã trực tiếp cứu được nhiều người”, GS Bùi Đức Phú chia sẻ. Song có một điều rất lạ là ông không muốn nhớ những người mà mình đã cứu sống. “Khi cứ hoài niệm chuyện đó thì sẽ không muốn làm chuyện gì khác.

 

Và mình không muốn người ta mang ơn. Nếu lúc nào cũng nói: A, đó là bệnh nhân của mình, đó là người mà mình đã cứu sống, thì người ta nghĩ rằng họ phải làm điều gì đó cho mình. Còn về kỹ thuật, làm được kỹ thuật này, chuyển giao rồi thì làm kỹ thuật khác. Tôi luôn muốn làm chủ những kỹ thuật mới và tìm thấy niềm vui trong công việc”, giáo sư nói.

 

Nơi ấy, quê nhà…

 

Gắn bó với Bệnh viện Trung ương Huế suốt 35 năm, trong đó có 9 năm giữ cương vị giám đốc, sau khi nghỉ hưu thì ra Hà Nội làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City, GS Bùi Đức Phú xa quê rất lâu song trong trái tim ông luôn có hình bóng quê nhà. “Mẹ tôi mất ở TP Hồ Chí Minh, được đưa ra Huế. Xe tang đến Tuy Hòa vào buổi tối, đậu phía trước nhà; gia đình lập bàn thờ trong nhà để bà con thân thuộc đến viếng vì họ không có điều kiện ra Huế. Bà con ở phường 3 đến rất đông, dù trời mưa lâm râm. Ký ức đó làm cho tôi cảm nhận sâu sắc về tình làng nghĩa xóm, tình quê hương”, GS Bùi Đức Phú chia sẻ.

 

Sống xa quê song vị giáo sư danh tiếng trong lĩnh vực phẫu thuật tim mạch và ghép tạng vẫn dõi theo những bước đi của quê nhà. Khi có chương trình chỉ đạo tuyến, ông đôn đốc anh em ở Bệnh viện Trung ương Huế thể hiện vai trò chỉ đạo tuyến, giúp Bệnh viện Đa khoa Phú Yên trong lĩnh vực ung bướu, tim mạch… Bệnh viện Đa khoa Phú Yên là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Trung ương Huế. “Làm được điều gì cho quê hương thì làm”, ông tâm niệm. Bà con Phú Yên ra Huế mổ tim cũng được ông nhiệt tình tạo điều kiện, giúp đỡ…

 

Hai ngày trước khi tôi đến Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City gặp GS Bùi Đức Phú, tại TP Vũng Tàu, Hội nghị khoa học ghép tạng lần thứ IV được Hội Ghép tạng Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức. Tại sự kiện đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh 17 kỷ lục về ghép tạng, trong đó GS Bùi Đức Phú được vinh danh với hai kỷ lục: Ca ghép tim đầu tiên do người Việt Nam thực hiện và ca cấy tim nhân tạo bán phần Heartware đầu tiên tại Việt Nam.

 

Ở tuổi ngoại lục tuần, GS Bùi Đức Phú vẫn tràn đầy năng lượng và tâm huyết với nghề. Ông nói rất giản dị: “Tìm thấy niềm vui trong công việc, đó là hạnh phúc. Mình áp dụng kỹ thuật mới, cứu được bệnh nhân, và hàng ngày mình háo hức đi làm, đó là hạnh phúc nhất”. Ông đang có được niềm hạnh phúc ấy trên hành trình mới, sau khi khép lại chặng đường gần 40 năm với biết bao cam go, biết bao nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu vẻ vang.

 

GS-TS-BS Bùi Đức Phú sinh năm 1956 tại Tuy Hòa, hiện giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Hội Các nhà phẫu thuật lồng ngực và tim mạch châu Á nhiệm kỳ 2014-2015… Ông được trao giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2011, được tôn vinh trong chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ IX và đã hai lần đoạt giải thưởng Global Award in Medicine (năm 2011 và 2013). GS Bùi Đức Phú là ĐBQH khóa XIII (nhiệm kỳ 2011-2016), Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội.

  

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek