Thứ Sáu, 11/10/2024 09:22 SA
Sống đẹp
Thứ Bảy, 18/11/2017 11:00 SA

Một buổi tối khá lâu trước khi bão lũ ào tới, chúng tôi đến Tiệm cà phê Tuy Hòa 1975 trên đường Lý Thái Tổ. Vừa ngồi xuống chút xíu thì thấy một cô bé bưng rổ “tạp hóa” xuất hiện bên ngoài cửa sổ. Cô bé gầy gò, tươi cười mời mấy chị em chúng tôi mua kẹo cao su. Tôi không có thói quen dùng loại kẹo này nhưng nụ cười rất tươi của cô bé khích lệ tôi mua một vỉ. Tôi đưa 20.000 đồng và nói: “Con không cần thối lại đâu”. Ngạc nhiên thay, cô bé lắc đầu: “Nếu cô không mua gì nữa thì con phải thối lại tiền cho cô”. Tôi cũng lắc đầu: “Con cứ giữ lấy, mai ăn sáng”. Cô bé vẫn khăng khăng: “Không, con phải thối tiền cho cô. Tính con không phải vậy”. Cô bé đã khẳng định mạnh mẽ rằng mình kiếm tiền phụ giúp cha mẹ bằng công việc bán hàng rong, chứ không có ý kiếm tiền bằng cách khác.

 

Anh Lưu Thanh Hà (bên phải) và trọng tài quốc tế Nguyễn Đăng Phúc (ảnh từ Facebook)

Tôi nhìn đôi mắt trong veo, nụ cười trong veo của cô bé, vừa ngạc nhiên vừa cảm phục. “Thôi được rồi. Bán cho cô một vỉ kẹo nữa. Và con giữ lấy mà dùng”. Con bé kỳ lạ này lại tiếp tục… lắc đầu: “Cô mua thì cô phải lấy kẹo chớ. Với lại con không được ăn kẹo. Con đang bị đau răng”. Nói xong con bé hồn nhiên há to miệng, chỉ vào cái răng sâu ở hàm dưới rồi… toe toét cười.

 

Tôi nghiêng người bên cửa sổ, ngắm cô bé gầy gò có nụ cười tươi tắn ngay cả khi bị đau răng, ngay cả khi phải bưng rổ bánh kẹo, trái cây bán dạo trong đêm, lúc những đứa trẻ cùng trang lứa đang học bài, đang xem tivi bên cha mẹ, đang ăn gà rán ở siêu thị, đang chơi games trên điện thoại di động thông minh, trên máy tính bảng… Tôi muốn ôm con bé vào lòng. Tôi nói: “Ngày mai, khi đi học, con đến phòng y tế của trường, chỉ cho nhân viên y tế xem chỗ bị đau. Họ sẽ phát thuốc cho con, nếu không thì sẽ hướng dẫn con đến cơ sở y tế để khám và chữa đau răng mà không phải tốn tiền, nghen!”. Con bé “dạ” rõ to và lại… mỉm cười. Hình như con bé không biết rằng mình là đứa trẻ nghèo và thiệt thòi (nếu không nghèo khó, cha mẹ nỡ lòng nào để con ra đường bán hàng rong lúc đêm hôm!). Mà cũng có thể, con bé đã quen với cảnh nghèo, đã quen với nỗi vất vả này nên thấy bình thường, rồi xem việc bán được hàng là niềm vui, giống như những đứa trẻ khác được trao cho món quà ưa thích thì thấy vui.

 

Trước khi mang theo nụ cười như nắng và rổ bánh kẹo, trái cây rời khỏi khung cửa sổ, cô bé nói: “Con thường bán ở đây, cô có thể gặp lại con”. Rồi con bé mất hút. Tôi đi vào phòng vệ sinh và nước mắt cứ thế rơi xuống. Tôi nghĩ đến những đứa trẻ đang phải san sẻ gánh mưu sinh cùng cha mẹ, trên đôi vai gầy gò non nớt của mình. Tôi nghĩ đến cô bé hay cười và đầy tự trọng này. Cô bé nói rằng đang học lớp ba, tức là chỉ hơn con gái tôi một tuổi…

 

Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống, đôi khi những cuộc gặp ngắn ngủi, tình cờ lại như những món quà quý giá. Và ta càng tin rằng chung quanh ta vẫn còn nhiều người sống đẹp, sống tử tế biết bao!

 

Vào một đêm tháng 8, đang bon bon trên quốc lộ 1 đoạn qua xã Quất Động (huyện Thường Tín, TP Hà Nội), một người đàn ông bị tai nạn giao thông. Tỉnh lại, anh thấy mình ở trong bệnh viện. Một người dân địa phương đã nỗ lực đưa anh đi cấp cứu, giữ gìn giấy tờ, tài sản của anh và bàn giao lại không thiếu thứ gì!

 

Sau khi bình phục, người đàn ông đến thôn Quất Lâm, xã Quất Động, tìm nhà ân nhân của mình. Ngôi nhà ở gần chùa, vợ chồng chủ nhà là người lao động bình thường như bao người khác ở nông thôn. Điều đặc biệt ở chỗ, vào đêm 10/8, khi nhìn thấy người đàn ông nằm sóng soài bất động trên quốc lộ 1, mặt úp xuống đường; xe máy văng về phía trước khoảng 10 mét, nông dân này đã không để tâm đến những phiền toái, rắc rối có thể xảy ra mà chỉ quan tâm đến việc duy nhất: cứu người. Anh kể với người đã được mình cứu: “Lúc đó mọi người xúm lại vây quanh làm tắc đường, tưởng ông chết nên không ai dám động đến. Tôi đánh liều đến lật mặt lên nhìn thấy mắt ông trắng dã, không còn lòng đen, mọi người càng tin ông đã chết. Tôi gỡ khẩu trang bịt mặt đưa vào mũi ông, thấy rung rinh chứng tỏ ông vẫn thở. Tôi liền nói với mọi người rằng ông vẫn sống nhưng ai cũng nghĩ va chạm mạnh như thế này trước sau gì cũng “ra đi”. Tôi bỏ ngoài tai tất cả lời nói, liền chạy ra vẫy taxi để đi cấp cứu nhưng taxi đều né tránh vì kiêng chở người chết, họ sợ đen đủi. Lúc đó tôi liền bế ông ra giữa đường chặn xe, may có một xe tải nhẹ dừng lại để đưa ông vào bệnh viện. Vào trong đó muốn gọi điện cho người nhà của ông, lấy ví ra thì thấy giấy tờ tùy thân, các thẻ tín dụng và gần 10 triệu đồng. Điện thoại của ông bị khóa nên không làm cách nào mở ra liên lạc với bạn bè hay người thân của ông được. Tôi liền gọi bác sĩ ra làm chứng những thứ có trong ví, ghi vào biên bản, chờ người nhà ông đến và trao trả đầy đủ...”.

 

Nông dân tốt bụng và dũng cảm đó tên là Lưu Thanh Hà, sinh năm 1976. Còn người được anh cứu là trọng tài dancesport quốc tế Nguyễn Đăng Phúc.

 

Tìm đến nhà ân nhân để cảm tạ, trọng tài Nguyễn Đăng Phúc còn được anh Hà tặng quà quê mang về. Anh Đăng Phúc viết trên trang cá nhân facebook:

 

“Rất trân trọng, cảm phục và biết ơn anh - người tử tế!

 

Tình người là thứ đáng trân trọng nhất. Khi hoạn nạn ta càng thấu hiểu!”.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek