Thứ Sáu, 11/10/2024 09:18 SA
Họa sĩ Văn Dương Thành: Xa quê, nặng lòng với quê
Thứ Năm, 16/11/2017 14:00 CH

Là một họa sĩ nổi tiếng, tác phẩm được trưng bày tại nhiều bảo tàng danh tiếng và đã giảng dạy trên những giảng đường lớn ở châu Âu, “người phụ nữ của ánh sáng” Văn Dương Thành vẫn đau đáu về quê nhà Phú Yên. Con gái tài năng của liệt sĩ Văn Gói, người đã được vinh danh với nhiều giải thưởng về mỹ thuật, trong đó có giải thưởng cao quý “Nghệ thuật kiệt xuất quốc tế” của CFMI năm 1995 và “Vinh danh đất Việt” năm 1997 dường như luôn nặng lòng với quê hương.

 

Họa sĩ Văn Dương Thành vẽ tranh tặng các em học sinh trong một lần đến Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên - Ảnh: YÊN LAN

 

Vẽ chân dung bác Đồng, bác Giáp

 

Là con gái của một nhà cách mạng yêu nước, hy sinh vì quê hương đất nước, họa sĩ Văn Dương Thành đi qua tuổi thơ và trưởng thành ở Hà Nội trước khi nổi tiếng khắp Á - Âu. Bà từng được gặp và vẽ chân dung Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là những kỷ niệm không thể nào quên đối với nữ họa sĩ tài danh này. “Bác Phạm Văn Đồng là vị Thủ tướng đầu tiên của một đất nước non trẻ vừa đánh đổ chế độ thực dân. Bác là một nhà trí thức thông tuệ và đôn hậu. Tôi đã nhiều lần được dùng cơm cùng khi bác về sống trên Tam Đảo. Bác Phạm Văn Đồng rất giỏi, am hiểu mỹ thuật. Khi tôi vẽ chân dung, bác không bao giờ xem. Bác nói con cứ vẽ đi, đừng lo lắng! Con vẽ bác hôm nay chưa xong thì tháng sau, năm sau. Sau này con sẽ có những bức tranh đẹp. Và con cũng đừng bị áp lực gì, cứ vẽ thoải mái như vẽ một người ông, người cha. Rồi bác hỏi cháu Sơn, con trai tôi, học lớp mấy, cuộc sống của con bây giờ thế nào? Rất thương mến, gần gũi, và không bao giờ bác hỏi các chú thư ký xem tôi vẽ có đẹp không, có giống không. Thẩm mỹ của bác rất cao, bác nói vẽ chỉ giống vài nét thôi đã là một tác phẩm nghệ thuật. Mà tranh thì khác ảnh, vậy tại sao lại yêu cầu nó là bức ảnh, trong khi những người khác cứ phải vẽ họ giống như chụp ảnh thì mới thích và thấy đẹp”, họa sĩ Văn Dương Thành kể.

 

Được gặp và vẽ chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 1999 là kỷ niệm sâu sắc đối với họa sĩ Văn Dương Thành. Đã nghe nhiều câu chuyện về sự giản dị, gần gũi của Đại tướng song qua những hồi ức của họa sĩ Văn Dương Thành, nhiều người sẽ hiểu thêm về một vị tướng đã trở thành huyền thoại. “Khi tôi vẽ, bác kể chuyện rất vui, thỉnh thoảng còn bảo ra chơi vài bản nhạc cho có cảm xúc để vẽ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà trí thức rất trân trọng văn nghệ sĩ. Bác đã cầm bút vẽ cho tôi mấy bức chân dung tuyệt đẹp, bây giờ trở thành tài sản vô giá. Mình chỉ là một người “bé tí hon”, còn bác là vĩ nhân của dân tộc, của thế giới, thế mà bác chăm sóc, kể chuyện, cho nghe nhạc, và rồi cầm bút vẽ mình, mà vẽ tuyệt đẹp! Những người có chuyên môn mà xem tranh của bác đều phải trầm trồ. Đấy là những người có chuyên môn, chứ không phải vì Đại tướng là vĩ nhân nên khen tranh của bác. Đại tướng rất tinh tế và gu thẩm mỹ thì tuyệt vời. Bác cũng nói như bác Phạm Văn Đồng: Thành cứ vẽ đi, vẽ thoải mái. Bức tranh là tác phẩm nghệ thuật, là sáng tạo của Thành chứ có phải bức ảnh đâu”.

 

Lần vẽ chân dung Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme cũng là một kỷ niệm khó quên. Chính trị gia nổi tiếng với chủ trương hòa bình, chống chiến tranh, phân biệt chủng tộc này đã bị ám sát vào tháng 2/1986, khi vừa cùng vợ bước ra từ một rạp chiếu phim ở thủ đô Stockholm. Vợ ông, bà Lisbet Palme, rất quý bức tranh của họa sĩ Văn Dương Thành. Bà nói bức tranh thể hiện đúng tinh thần của chồng bà, rất đẹp. “Với khả năng thẩm mỹ của mình, họ biết rằng hội họa có tiếng nói riêng, có ngôn ngữ riêng chứ không phải là một bức ảnh chụp”, họa sĩ Văn Dương Thành đúc kết.

 

Nặng lòng với quê nhà

 

Sống và làm việc tại Thụy Điển, Việt Nam song họa sĩ Văn Dương Thành đã có rất nhiều trải nghiệm nghề nghiệp ở các nước. Bà kể rằng các trường đại học ở Mỹ và châu Âu thường cộng điểm hội họa, âm nhạc để trao học bổng cho sinh viên. Họ nhận thấy rằng nếu thiếu văn hóa nghệ thuật thì con người có phần khiếm khuyết nên rất chú trọng đến kiến thức văn hóa, kỹ năng sống và khả năng “thẩm thấu” văn hóa nghệ thuật, cho đấy là điểm rất cơ bản để hình thành con người tốt, nhân bản.

 

Điều mà nữ họa sĩ tài danh này trăn trở, day dứt là chưa giúp được cho quê hương. “Mình là người con Phú Yên, ba má mình sinh ra ở Phú Yên nhưng mình hoạt động ở rất nhiều địa bàn khác, ở các nước khác. Đối với nơi chôn nhau cắt rốn thì mình đóng góp ít quá. Đó là điều tôi rất băn khoăn. Nhưng khách quan mà nói, ngành chuyên môn của mình rất hữu hiệu ở những nơi khác, ví dụ như Hà Nội. Đại học quốc gia Hà Nội mời tôi giảng dạy cho các đoàn sinh viên của Mỹ sang. Người ta rất muốn tìm hiểu về hội họa Việt Nam, về vốn cổ Việt Nam, về quá trình kiến trúc… Những điều đó nằm trong tầm tay; tôi giảng bài và dùng thù lao cho hoạt động thiện nguyện”, bà chia sẻ.

 

Trò chuyện với nữ họa sĩ quê Phú Yên, tôi mới biết rằng trong một sự kiện kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ (1995-2015), Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tổ chức đấu giá hai bức tranh của họa sĩ Văn Dương Thành. Hai bức tranh được một người Mỹ và một người Việt mua với giá 136 triệu đồng chỉ sau 12 phút đấu giá. Kể về sự kiện đó, họa sĩ Văn Dương Thành bày tỏ mong muốn sẽ có những đơn vị, tổ chức đứng ra làm cầu nối, để những người sáng tác như bà có thể đem tác phẩm, kiến thức của mình giúp ích cho cộng đồng, như gây quỹ thiện nguyện giúp đỡ trẻ em khuyết tật hay tiếp sức cho học sinh - sinh viên nghèo vượt khó vươn lên.

 

“Những trí thức, nghệ sĩ như tôi tặng kiến thức, tác phẩm của mình để có tác động lâu dài trong xã hội. Ví dụ khi tôi đến các trường giảng dạy, các em sẽ biết về một người “chân đất” mồ côi từ một vùng quê nghèo đã học như thế nào, giảng dạy tại bao nhiêu giảng đường quốc tế… Như vậy, các em sẽ có động lực vượt khó vượt nghèo để mà học. Một ngày kia em cũng sẽ đứng trên bục giảng, một ngày kia các em cũng có thể đưa tay ra và nâng đỡ các em khó khăn như mình lúc trước. Nếu tại quê hương mình có những đơn vị, tổ chức đứng ra kết nối thì tôi sẽ tặng kiến thức, tặng những bức tranh mà mình đã vẽ bằng tấm lòng để bán đấu giá và ủng hộ các hoạt động thiện nguyện. Là người sáng tác, tôi rất vui, rất vinh dự nếu được đóng góp hữu ích cho quê nhà. Chứ cứ đi làm tận Mỹ tận Pháp thì… chán quá”, nữ họa sĩ chân thành chia sẻ.

 

YÊN LAN 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek