Thứ Sáu, 11/10/2024 09:17 SA
Thanh âm cộng hưởng và triển vọng giao lưu văn học Việt - Hàn
Thứ Bảy, 18/11/2017 14:00 CH

Đoàn nhà văn TP Hồ Chí Minh thăm Trường phổ thông Duy Tân (TP Tuy Hòa) - Ảnh: CTV

LTS: Hội thảo Triển vọng giao lưu văn học Việt Nam - Hàn Quốc là một trong những chương trình hoạt động quan trọng của Lễ hội Văn hóa thế giới TP Hồ Chí Minh - Gyeongju, do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và Hội Lưu niệm Dongni-Mogwol tổ chức ngày 23/11, hướng tới kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc. Nhân dịp này, nhà thơ Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Thơ, đồng Trưởng ban tổ chức hội thảo đã có bài viết, xin giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Sứ mệnh hòa giải của văn học và văn hóa

 

Tôi sinh ra và lớn lên ở Phú Yên, một tỉnh duyên hải miền Trung vừa chịu tổn thất nặng nề từ cơn bão số 12 mà quốc tế gọi là bão Damrey. Một mình chơi vơi trong căn nhà vắng, tôi chứng kiến cơn bão khủng khiếp này tung hoành trong gần 7 giờ liền của ngày 4/11 gây nhiều thiệt hại cho Phú Yên và duyên hải miền Trung.

 

Cơn bão diễn ra chỉ vài giờ sau tôi được tin đoàn nhà văn TP Hồ Chí Minh đi thực tế sáng tác ở Phú Yên đã trở về an toàn, chỉ riêng mình tôi ở lại thêm vài ngày với quê hương.

 

Phú Yên quê tôi cũng từng là chiến trường ác liệt, nơi xảy ra những trận chiến và những vụ thảm sát đau lòng mà quân đội Đại Hàn tham gia trong đội quân viễn chinh do Mỹ chỉ huy trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam. Tuổi thơ tôi cũng trải qua một phần hoàn cảnh bi thương ấy hoặc nghe qua những câu chuyện do người lớn kể lại. Ký ức đớn đau luôn là nỗi ám ảnh. Và nỗi ám ảnh chỉ nguôi ngoai dần khi gần đây tôi đứng trước Công viên Hòa bình Hàn - Việt do các bạn Hàn Quốc dựng lên như một sự sám hối, giao lưu với các đoàn văn hóa nghệ thuật sang biểu diễn và nhất là đọc tác phẩm văn học của các nhà văn, nhà thơ Hàn Quốc.

 

Đặc biệt, khi tôi được đọc tuyển thơ Năm nhà thơ hiện đại Hàn Quốc do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chuyển ngữ và gửi tặng năm 2002, nội dung chứa một cách tương đối trọn vẹn đời sống văn hóa tinh thần của con người và đất nước Hàn Quốc, thì trong tôi mới thực sự thay đổi cách nhìn vốn chẳng mấy thiện cảm về xứ sở kim chi. Qua thi ca tôi cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn, đức hy sinh, sự nhân hậu của con người Hàn Quốc nói chung chứ không phải chỉ cái ác và sự hiếu chiến ở những người lính cá biệt.

 

Và đó cũng là lý do, qua cầu nối của bạn văn Jae-Hong Ha, một dịch giả quen thuộc khi chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Hàn, tôi nhận lời tham gia góp phần cùng Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và Hội Lưu niệm Dongni-Mogwol tổ chức cuộc hội thảo mang tính mở đường này.

 

Cũng qua dịch giả Jae-Hong Ha, càng thú vị hơn khi tôi được biết nhà văn Dongni và nhà thơ Mogwol đều xuất thân từ thành phố cổ kính Gyeongju, có vai trò to lớn trên văn đàn Hàn Quốc. Hai con người quá cố này được người dân Gyeongju ngưỡng mộ, tự hào, tôn vinh lấy tên đặt cho Hội Lưu niệm Dongni-Mogwol, một hình thức hội nhà văn tiến bộ của TP Gyeongju và còn được xem như một dạng hội đồng văn học Nobel của Hàn Quốc. Đây là một nghĩa cử đáng trân trọng của người Gyeongju dành cho những người lao động sáng tạo văn chương và văn hóa của thành phố mình, mà cụ thể là nhà văn Dongni và nhà thơ Mogwol.

 

Bức tranh văn học thành phố

 

Lịch sử là một dòng chảy không ngừng. Quá khứ dù có đau thương, thù hận đến mấy thì cũng có lúc chúng ta cần phải hòa giải để hướng tới bến bờ yêu thương và hy vọng. Hòa giải trong lòng mỗi đất nước, dân tộc. Hòa giải với bạn bè thế giới vốn là cừu hận. Văn hóa trong đó có văn học mang một sứ mệnh to lớn trong việc hòa giải đó.

 

Tôi nhớ nhà thơ lớn Ko Un của Hàn Quốc đã từng tâm sự trong tuyển thơ của ông rằng: “Thơ tôi là một dòng chảy. Một dòng chảy mà đâu đó, lúc này lúc khác, nó tạo ra những suối nhạc khi vỗ vào bến bờ hay rộn ràng vang lên bởi sự va đập giữa ánh sáng và bóng tối. Vì vậy, thơ tôi là những thanh âm cộng hưởng”. Với giới cầm bút, nói theo nhà thơ Ko Un, mỗi người là một tứ thơ, một thanh âm cộng hưởng cho hai nền văn học, văn hóa Việt - Hàn hôm nay và hướng tới ánh sáng tương lai!

 

TP Hồ Chí Minh, nơi diễn ra Hội thảo Văn học Việt - Hàn, là một trung tâm văn hóa lớn của Việt Nam, trong đó có văn học, với những nét đặc thù không nơi nào trên đất nước này có được.

 

Đầu tiên là lực lượng sáng tác phong phú. Hiện nay vẫn còn nhiều nhà văn lớn tuổi thuộc thế hệ cầm bút trước ngày đất nước thống nhất năm 1975 tiếp tục gắn bó với văn đàn. Họ là những người từ trong chiến khu hoặc tập kết ngoài miền Bắc trở về. Có cả những người sống và viết ở Sài Gòn trước đây. Tiếp theo là thế hệ nhà văn trưởng thành sau năm 1975. Và đông đảo nhất là những cây bút trẻ xuất hiện vào cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI đến nay.

 

Mỗi thế hệ nhà văn có những thế mạnh riêng. Đề tài mà thế hệ cầm bút từ trước năm 1975 theo đuổi vẫn ký ức chiến tranh. Độ lùi thời gian và hoàn cảnh lịch sử giúp họ có cái nhìn ngày càng nhân văn hơn. Trang văn của họ đi sâu vào bi kịch số phận, nội tâm những người tham chiến nhưng vẫn gắn liền với trách nhiệm công dân trước vận mệnh đất nước. Ngoài nhà văn Văn Lê mà bạn đọc Hàn Quốc đã biết qua tác phẩm Nếu anh còn được sống thì còn những nhà văn khác thuộc thế hệ ông hoặc trước ông ở thành phố này có tác phẩm viết về chiến tranh đáng đọc như: Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Anh Đức, Lê Văn Thảo, Lý Văn Sâm, Hoài Vũ, Chim Trắng, Trần Văn Tuấn, Đoàn Thạch Biền, Mường Mán, Trần Luân Tín, Nguyễn Vũ Tiềm…

 

Thế hệ nhà văn trưởng thành những năm sau ngày đất nước thống nhất có một số phận đặc biệt. Cùng với dân tộc, họ vừa sống trong hòa bình lại vừa đương đầu với chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc. Các nhà văn, nhà thơ TP Hồ Chí Minh thế hệ này chủ yếu xuất thân từ người lính, thanh niên xung phong hoặc giới trí thức khoa học, công chức. Ngoài đề tài thời sự nóng bỏng của chiến trường và cuộc sống kinh tế khó khăn thời khủng hoảng, trang viết của họ cũng hướng vào đời sống nội tâm và thân phận con người. Nghĩa là ngoài trách nhiệm công dân, họ còn dần hướng trang viết của mình vào đời sống tự do cá nhân vốn trước đây như điều cấm kỵ.

 

Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, sáng tác văn học của TP Hồ Chí Minh cũng phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI. Cũng giống như các nước châu Á khác, một lớp nhà văn trẻ Việt Nam đông đảo và phong phú đã xuất hiện, mà tập trung chủ yếu là ở TP Hồ Chí Minh. Họ là những người sinh ra và lớn lên trong hòa bình, có điều kiện học hành, thừa hưởng sự ưu việt của công nghệ thông tin, tiếp thu nhanh kiến văn thế giới, giao lưu với bạn bè quốc tế… nên tài năng văn chương được phát huy mạnh mẽ. Đề tài rộng mở. Bút pháp phong phú. Sách xuất bản dễ dàng. Tuy nhiên, vì thiếu trải nghiệm sống, chưa tích lũy vốn kiến thức cần thiết, nóng vội chạy theo thị hiếu bạn đọc, nên không ít cây bút trẻ tỏ ra non tay nghề, sáng tác tùy hứng, còn những hạn chế.

 

Trên đây chỉ là vài nét phác thảo bức tranh rất đa dạng của TP Hồ Chí Minh, nơi thường xuyên tập trung những nguồn lực văn học từ khắp đất nước. Hy vọng qua cuộc hội thảo này, với sự nỗ lực từ nhiều phía của Việt Nam và Hàn Quốc, những tác phẩm văn học thực sự có chất lượng của Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng sẽ có nhiều cơ hội đến với bạn đọc xứ sở kim chi, mở ra triển vọng hợp tác giao lưu mạnh mẽ văn học giữa hai quốc gia.

 

PHAN HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek