Thứ Sáu, 11/10/2024 11:26 SA
“Giữ lửa” cho sân khấu truyền thống
Thứ Ba, 24/10/2017 14:00 CH

Theo nghệ sĩ Lê Văn Hiếu, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại Phú Yên, “ngọn lửa” sân khấu truyền thống nhen nhóm được là từ niềm đam mê nghệ thuật của các nghệ sĩ, nghệ nhân và sự ủng hộ của các mạnh thường quân. Nếu được các cơ quan chức năng quan tâm, đầu tư thì sân khấu truyền thống sẽ phát triển bền vững, còn không thì nỗ lực của các nghệ sĩ, nghệ nhân cũng chỉ như những đốm lửa le lói sáng.

 

Thành viên CLB Tuồng 10 Tháng 5 biểu diễn tại Liên hoan Dân ca nhạc cổ lần thứ I - Ảnh: YÊN LAN

 

Tôi nhớ như in một chiều Phương Lưu nghiêng nghiêng nắng, tiếng đờn cò da diết ngân lên và tiếng hát thắc thỏm nỗi niềm cất lên trong ngôi nhà nhỏ của đôi vợ chồng Tấn Mân - Ngọc Lớn ở xã Xuân Thọ 1 (TX Sông Cầu). Họ là những nghệ sĩ thực sự. Họ đến với cổ nhạc, đến với tuồng từ khi còn trẻ và mê đắm, gắn bó cho đến lúc bạc đầu.

 

Khi tôi chạm vào tiếng đờn cò da diết ấy, nghệ sĩ Lê Tấn Mân đã gần 90 tuổi. Và tôi vô cùng kinh ngạc khi biết ở tuổi này, ông vẫn là một nhạc công trong dàn nhạc của Đoàn tuồng Thanh Bình do con trai mình lập nên. Còn người bạn đời của ông, nghệ sĩ Ngọc Lớn, do tuổi cao sức yếu đã chia tay với sân khấu hơn 10 năm trước, nhưng thanh sắc một thời vẫn thấp thoáng trên gương mặt, vẫn khiến người ta xao động khi bà hát những câu tuồng cổ u hoài.

 

Lão nghệ sĩ Tấn Mân - Ngọc Lớn có 7 người con, và 4 người trong số đó đã nối bước cha mẹ, thắp sáng sân khấu tuồng, dù đơn sơ, bằng ngọn lửa nhiệt thành, say đắm. Nghệ sĩ Minh Em (tức Lê Văn Minh), con trai của ông bà, quản lý Đoàn tuồng Thanh Bình. Anh lập đoàn tuồng này vào năm 2015, nói cách khác là “nâng cấp” CLB Tuồng Sông Cầu được thành lập từ thập niên 90 lên thành đoàn tuồng. Thành viên của đoàn đều là người trong gia đình.

 

May mà tuồng vẫn còn sức sống trong lễ hội cầu ngư dọc dài làng biển Nam Trung Bộ, nên các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn tuồng Thanh Bình vẫn thỏa niềm đam mê của mình khi hóa thân vào các nhân vật trung trinh tiết liệt trong những vở xưa. Nỗi lo cơm áo gạo tiền nhiều khi làm tâm tư trĩu nặng, nhưng nỗi lo đó không lớn bằng tình yêu mà họ dành cho sân khấu truyền thống, cho tuồng. “Ông bầu” Minh Em nói rất giản dị: “Tuồng đã theo gen của mẹ cha thấm vào máu chúng tôi!”.

 

Đoàn tuồng Thanh Bình làm tôi liên tưởng đến CLB Tuồng 10 Tháng 5 ở Phú Hòa, nơi quy tụ những “nghệ sĩ chân đất” chưa ngơi tay cuốc, tay cày nhưng vẫn luôn đắm đuối với nghệ thuật truyền thống của cha ông, mà gia đình chị Đào Thị Thu Sen là một minh chứng.

 

* * *

 

Theo nghệ sĩ Lê Văn Hiếu, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại Phú Yên, nếu như Sông Cầu và Phú Hòa mạnh về tuồng, TP Tuy Hòa mạnh về đờn ca tài tử, Tuy An mạnh về hội bài chòi thì Đông Hòa là địa phương mạnh về dân ca bài chòi. Nơi đây có một người say mê “truyền lửa” cho lớp trẻ trong mấy năm qua, đó là nghệ nhân Bình Thảng, hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại Phú Yên, Phó Chủ nhiệm CLB Đàn hát dân ca huyện Đông Hòa.

 

Những năm qua, nghệ nhân Bình Thảng đã miệt mài đưa dân ca bài chòi vào trường học. Từ “ngọn lửa” đầu tiên được ông và các thầy cô giáo trân trọng vốn quý của người xưa “nhóm” lên ở Trường THPT Nguyễn Văn Linh, tình yêu và niềm say mê các làn điệu dân ca bài chòi đã được truyền sang các em học trò. Sau khi lớp dạy hát dân ca bài chòi được mở thành công ở trường cấp ba này, nghệ nhân Bình Thảng tiếp tục “kết nối” với Trường THCS Lương Tấn Thịnh và nhận được sự ủng hộ của các thầy cô giáo ở đây. Các lớp dạy đàn hát dân ca rộn rã vào thứ năm hàng tuần, thu hút học sinh đam mê văn nghệ, yêu thích các làn điệu dân ca bài chòi theo học. Nhiều em trở thành hạt nhân trong phong trào văn nghệ ở trường, ở địa phương. Nhiều em sau khi tốt nghiệp THPT đã phát huy năng khiếu văn nghệ của mình ở giảng đường đại học.

 

Nghệ nhân Bình Thảng cho biết, lớp học hát dân ca ở Trường THCS Lương Tấn Thịnh thu hút khoảng 40 học sinh, lớp ở Trường THPT Nguyễn Văn Linh đang được tái khởi động, dành cho các học sinh khối 10, 11. Ngoài ra, ông còn một lớp dạy hát dân ca bài chòi tại nhà (khu phố Phú Thọ, thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa), dành cho những người yêu thích bộ môn này. Bao lần trò chuyện với nghệ nhân, tôi chưa từng nghe ông than thở về những vất vả khi “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, chỉ nghe ông hào hứng kể về các học trò, về công việc mà ông tin rằng sẽ có ích cho thế hệ sau. “Dân ca bài chòi là vốn quý của Phú Yên mình, là niềm đam mê của tôi. Tôi rất sợ những câu hát điệu hò bị mai một. Mà, muốn bảo tồn thì phải truyền dạy cho lớp trẻ. Các em, các cháu hiểu được cái hay của dân ca bài chòi và hát được thì dân ca bài chòi mới không bị mai một”, nghệ nhân Bình Thảng chia sẻ.

 

Phú Yên có gần 50 nghệ sĩ sân khấu, trong đó Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại Phú Yên có 6 hội viên, Chi hội Nghệ sĩ sân khấu thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh có gần 40 hội viên. Theo nghệ sĩ Lê Văn Hiếu, thời gian gần đây, sân khấu truyền thống có sự hồi sinh, thể hiện qua việc hình thành nhiều đội, nhóm, câu lạc bộ. Một số gia đình có thế hệ kế thừa như gia đình anh Minh ở Sông Cầu, gia đình chị Thu Sen ở Phú Hòa, gia đình chị Gởi ở Tuy An… Trong số những người gắn bó với sân khấu truyền thống, có người hát được cải lương, bài chòi, như chị Yến Nhùng ở Tuy An, có người sáng tác và dựng được tiểu phẩm như chị Trình Thị Liên ở Phú Hòa. “Khó khăn nhất là khâu sáng tác kịch bản và dựng vở cho “ra ngô ra khoai”, vì đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn cả về chất xám, kinh phí lẫn con người, trong khi lực lượng hội viên thì khá đông nhưng “chia nhỏ” ở nhiều địa phương. Đạo cụ, phục trang cũng rất thiếu, hầu hết là do anh chị em tự trang bị”, nghệ sĩ Lê Văn Hiếu cho biết. Cũng theo anh Lê Văn Hiếu, “ngọn lửa” sân khấu truyền thống nhem nhóm được là từ niềm đam mê nghệ thuật của các nghệ sĩ, nghệ nhân và sự ủng hộ của các mạnh thường quân. Nếu được cơ quan chức năng quan tâm, đầu tư thì sân khấu truyền thống sẽ phát triển bền vững, còn không thì nỗ lực của các nghệ sĩ, nghệ nhân cũng chỉ như những đốm lửa le lói mà thôi.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek