Thứ Sáu, 11/10/2024 11:22 SA
Bảo tồn và phát huy dân ca, nhạc cổ
Chủ Nhật, 22/10/2017 13:00 CH

Buổi sinh hoạt định kỳ của CLB Dân ca - Nhạc cổ tại Nhà văn hóa Diên Hồng - Ảnh: THIÊN LÝ

Những làn điệu vọng cổ, trích đoạn cải lương... từ lâu đã trở thành những món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhiều người. Câu lạc bộ (CLB) Dân ca - Nhạc cổ thuộc Trung tâm Văn hóa Phú Yên không những là nơi mang lại niềm vui cho người yêu dân ca mà còn là nơi để giao lưu, học hỏi, góp phần bảo tồn và phát triển những giá trị nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc.

 

Kết nối đam mê

 

Câu lạc bộ (CLB) Dân ca - Nhạc cổ thuộc Trung tâm Văn hóa Phú Yên được thành lập vào tháng 7/2014, hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Hiện CLB có 30 hội viên (17 nam, 13 nữ), trong đó, hội viên lớn nhất là 72 tuổi, nhỏ nhất là 15 tuổi. Các thành viên trong CLB, dù mỗi người có nghề nghiệp và cuộc sống riêng nhưng họ đều có chung niềm đam mê với âm nhạc dân tộc.

 

Anh Nguyễn Duy Vinh (25 tuổi), Chủ nhiệm CLB Bài chòi dân gian An Phú (TP Tuy Hòa), một trong những thành viên trẻ tuổi của CLB Dân ca - Nhạc cổ, chia sẻ: “Ngày trước, cha mẹ tôi đều là những thành viên chủ chốt trong CLB nên từ nhỏ, tôi đã được tiếp xúc với những làn điệu vọng cổ, bài chòi... Mỗi lần xem cha mẹ hát là tôi lại chăm chú lắng nghe và thuộc lòng nhiều bài. Từ đó, niềm đam mê với dân ca - nhạc cổ ngấm vào tôi tự lúc nào không hay. Năm 10 tuổi, tôi bắt đầu hát. Giờ đây, khi đã trưởng thành, ngoài công việc chính là đi biển, thời gian còn lại tôi đều dành cho âm nhạc truyền thống của dân tộc”.

 

Tuy các thể loại âm nhạc hiện đại thu hút nhiều sự quan tâm của giới trẻ nhưng những giai điệu vọng cổ, cải lương ngọt ngào, sâu lắng vẫn tồn tại và giữ một vị trí quan trọng nhất định trong mỗi con người Việt Nam. Là thể loại nhạc truyền thống nhưng dân ca, nhạc cổ không quá kén người nghe. Vì thế, bằng những cung đàn trầm bổng, khi réo rắc, lúc trầm buồn ai oán, khi vui tươi của đàn ghi ta, đàn sến, đàn nhị, đàn hạ uy di... đã tạo ra những khúc tâm tình lắng sâu vào lòng người. Chính vì vậy, các tiết mục vọng cổ, cải lương hay bài chòi luôn được đón nhận, nhất là trong những buổi biểu diễn ở làng quê hay trong các hội thi tuyên truyền như: phòng chống ma túy, an toàn giao thông, kế hoạch hóa gia đình, nông thôn mới, bảo vệ môi trường...

 

Ông Phan Thanh Kính, Chủ nhiệm CLB Dân ca - Nhạc cổ, cho biết: “Trong những năm qua, CLB là nơi sinh hoạt của nhiều người yêu thích dân ca, nhạc cổ đến từ các CLB trên địa bàn tỉnh. Ở đây, họ cùng nhau giao lưu, chia sẻ tâm tư tình cảm qua lời ca tiếng hát sau những ngày mưu sinh vất vả. Niềm đam mê của họ đã góp phần phổ biến rộng rãi nghệ thuật dân tộc đến quần chúng nhân dân, đồng thời tạo ra sân chơi giải trí lành mạnh, bổ ích cho các hội viên”.

 

Bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống

 

Trong 3 năm qua, CLB đã tổ chức nhiều cuộc giao lưu và tham gia nhiều chương trình văn hóa văn nghệ trong và ngoài tỉnh như: Liên hoan Dân ca Việt Nam khu vực Nam Trung Bộ (2005), Hội Xuân tỉnh Phú Yên năm 2015, Chuông vàng vọng cổ (2015), Hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II-2017 tại Bình Dương... Đặc biệt, từ tháng 6/2017, CLB đã tổ chức sinh hoạt 2 lần/tháng vào tối mùng 1 và 15 âm lịch tại tiền sảnh Nhà Văn hóa Diên Hồng. Mặc dù không phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhưng các nghệ sĩ “cây nhà lá vườn” của CLB vẫn tự tin cất cao giọng hát qua từng câu hò, điệu lý bằng tình cảm dạt dào, thắm đượm tâm hồn chân chất, mộc mạc như chính con người của họ.

 

Ông Nguyễn Ngọc Thừa, Chủ nhiệm CLB Dân ca bài chòi phường 5 (TP Tuy Hòa), năm nay đã 72 tuổi nhưng vẫn là một trong những cây văn nghệ chủ lực. Ông Thừa chia sẻ: “Tôi chỉ mong muốn có thể giới thiệu âm nhạc truyền thống của dân tộc đến với đông đảo các bạn trẻ, bởi mỗi làn điệu vọng cổ, cải lương... không chỉ là lời ca tiếng hát để giải trí, mà hơn hết, nó thể hiện hồn phách, trí tuệ được kết tinh của ông cha ta qua bao đời”.

 

Với tâm niệm “tre già măng mọc”, các thành viên lớn tuổi trong CLB không ngại vất vả, miệt mài truyền dạy, hun đúc cho các thế hệ trẻ. Qua các cuộc giao lưu, giới thiệu, mỗi người đều cố gắng tìm kiếm những năng khiếu còn tiềm ẩn. Nhờ những nỗ lực ấy mà mỗi ngày, CLB lại có thêm những “hậu duệ” dân ca - nhạc cổ tiếp nối truyền thống cha ông. Em Nguyễn Khắc Hà Đan (15 tuổi), học sinh Trường THCS Trần Cao Vân (TP Tuy Hòa), vui vẻ nói: “Từ nhỏ, em đã thích hát vọng cổ qua những làn điệu xuân nữ, xàng xê, cổ bản hay điệu lý tăng tít, lý cái mơn, lý qua cầu… mà cha mẹ thường ru em ngủ. Vì thế, khi tham gia CLB này, được các nghệ nhân hướng dẫn tập luyện những làn điệu có độ khó và phức tạp, em càng thích các làn diệu dân ca. Em tự nhủ lòng sẽ cố gắng thật nhiều để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc ”.

 

Ông Võ Thành Đông, Phó Trưởng Phòng Nghệ thuật quần chúng, Trung tâm Văn hóa Phú Yên, cho biết: “Hiện nay, CLB Dân ca - Nhạc cổ hoạt động sôi nổi, nhiều hội viên không quản ngại đường sá xa xôi duy trì lịch sinh hoạt đều đặn. Với thế mạnh về thể loại đờn ca tài tử và bài chòi, các thành viên trong CLB đã góp phần gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, hoạt động của CLB vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề kinh phí, đều do các hội viên trong CLB đóng góp. Để tạo điều kiện cho CLB hoạt động và phát triển, Trung tâm Văn hóa tỉnh hỗ trợ về địa điểm, thiết bị âm thanh và phương tiện đi lại... Trong thời gian tới, tôi hy vọng không chỉ CLB Dân ca - Nhạc cổ mà các đội nhóm thuộc các thể loại khác cũng được các cấp quan tâm, tạo điều kiện phát triển”.

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek