Thứ Sáu, 11/10/2024 11:30 SA
Tập sách Văn hóa dân gian Làng cổ Hoành Lâm - Lưu giữ những giá trị văn hóa dân gian
Chủ Nhật, 22/10/2017 10:00 SA

NXB Khoa học Xã hội vừa xuất bản tác phẩm Văn hóa dân gian Làng cổ Hoành Lâm của tác giả Nguyễn Hoài Sơn (Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Yên). Đây là tập sách được tác giả đầu tư khảo cứu, biên soạn rất công phu với mục đích giới thiệu những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của ngôi làng cổ Hoành Lâm có tuổi đời trên 400 năm của Phú Yên.

 

Bìa sách “Văn hóa dân gian Làng cổ Hoành Lâm” - Ảnh: B.Đ DIỄN

Tập sách Văn hóa dân gian Làng cổ Hoành Lâm, với độ dày 328 trang, tác giả đã xây dựng bố cục thành 4 chương (Chương I: Khái quát làng cổ Hoành Lâm; Chương II: Văn hóa vật thể; Chương III: Văn hóa phi vật thể; Chương IV: Văn học và nghệ thuật diễn xướng dân gian). Qua quá trình biên soạn bản thảo tập sách này, tác giả đã dày công khảo sát thực tế nhiều lần, đồng thời ghi chép tỉ mỉ qua lời kể của các bậc cao niên, sưu tầm tư liệu thành văn từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có sử dụng một số tư liệu từ các công trình lịch sử, văn hóa của các tác giả trong và ngoài tỉnh đã được xuất bản và sử dụng một số tư liệu do đồng nghiệp cung cấp.

 

Đọc tập sách Văn hóa dân gian Làng cổ Hoành Lâm, ta biết được làng Hoành Lâm nằm phía hữu ngạn châu thổ sông Đà Rằng, khu vực xứ Đà Diễn, một trong những tâm điểm tụ cư đầu tiên của người Việt thời mở đất. Trải qua thời gian năm tháng, làng Hoành Lâm xưa đã nhiều lần tách nhập, thay đổi tên gọi. Xưa kia người dân làng Hoành Lâm chủ yếu làm nghề nông, trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản trên sông, trên biển bằng các công cụ thô sơ nên cuộc sống thiếu thốn, khó khăn; quá trình phát triển công cụ sản xuất được cải tiến, người dân tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống vật chất, sinh hoạt tinh thần được nâng cao và đã có nhiều đổi thay. Dẫu vậy, trên địa phận theo ranh giới của làng Hoành Lâm xưa (nay là các phường Phú Lâm, Phú Thạnh và Phú Đông thuộc TP Tuy Hòa) vẫn còn giữ gìn được những giá trị văn hóa dân gian, gồm văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Theo đó, có một số công trình kiến trúc tôn giáo tâm linh như: đình, chùa, lăng, miếu; đặc biệt là những tư liệu thần tích - thần sắc làng cổ Hoành Lâm vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay. Qua tài liệu nghiên cứu, ThS Nguyễn Hoài Sơn xác định niên đại của làng cổ Hoành Lâm: “Nếu dựa vào địa bạ triều Nguyễn lập năm 1815 thì cũng trên 200 năm; song dựa vào việc Lương Văn Chánh chiêu tập cư dân vào khai phá ở khu vực cửa Đà Diễn từ năm 1597 và một mốc quan trọng khác là năm 1611 phủ Phú Yên được thành lập với hai huyện là Tuy Hòa và Đồng Xuân, thì có thể nhận định làng Hoành Lâm được thành lập vào khoảng giữa thế kỷ XVII là có cơ sở”. Việc nghiên cứu để nhận diện những giá trị văn hóa dân gian ở làng cổ Hoành Lâm cần được bảo tồn và phát huy tuy có muộn; nhưng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể còn lưu truyền đến nay vẫn hội đủ các giá trị văn hóa của ngôi làng cổ ven biển Phú Yên.

 

Hiện tại di sản văn hóa vật thể ở làng cổ Hoành Lâm có gần 20 di tích, bao gồm đình, chùa, lăng, mộ, miếu, nhà thờ, phế tích tháp, các nhà thờ họ...; trong đó Lẫm Phú Lâm đã được Bộ VH-TT-DL cấp bằng công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào tháng 9/2016. Cùng với những di sản vật thể quý giá đó, còn có kho tàng văn học dân gian như: Truyện cổ, thành ngữ, tục ngữ, những tri thức dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ; văn hóa ẩm thực, trò chơi dân gian; những nghi thức theo vòng đời; những phong tục tập quán trong văn hóa tín ngưỡng dân gian đều chứa đựng sâu sắc giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thêm nữa làng cổ Hoành Lâm còn bảo lưu được nhiều lễ hội truyền thống: lễ hội cầu ngư, hội đánh bài chòi, lễ tá, nhiều nghề truyền thống đặc sắc như: Nghề đóng ghe thuyền, nghề đan lưới, nghề chế biến mắm và hải sản...

 

ThS Nguyễn Hoài Sơn đã say mê nghiên cứu, sưu tầm để xuất bản tác phẩm Văn hóa dân gian Làng cổ Hoành Lâm nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân gian truyền thống làng cổ Hoành Lâm trong đời sống đương đại. Đây là việc làm cần thiết và bổ ích, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập.

 

Nhà nghiên cứu, ThS Nguyễn Hoài Sơn (SN 1960) sinh ra và lớn lên ở thôn Xuân Lũng, xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, hiện là Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Yên. Là người con “đất Tổ” nhưng có hơn 30 năm gắn bó với xứ sở “hoa vàng cỏ xanh”. Anh đã có gần 10 đầu sách viết về văn hóa, văn học dân gian có giá trị về đất và người Phú Yên thân yêu. Tập sách Văn hóa dân gian Làng cổ Hoành Lâm, là tác phẩm thứ bảy của ThS Nguyễn Hoài Sơn, sau Truyện cổ Tuy Hòa (2001); Tuy Hòa môi trường văn hóa và phát triển (2003); Di sản văn hóa đá Phú Yên (2011); Văn học dân gian làng biển Đông tác (2011 - đồng tác giả); Đá bia huyền ảo (2013); Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã An Ninh Đông - Tuy An (2017 - đồng tác giả).

 

BỐN ĐÀ DIỄN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thổn thức với bản cover “Người ta nói”
Chủ Nhật, 22/10/2017 09:00 SA
Bảo tồn văn hóa các dân tộc Việt Nam
Chủ Nhật, 22/10/2017 08:22 SA
Có một bản tình ca say đắm
Thứ Năm, 19/10/2017 14:00 CH
Thêm sắc màu cho ngày cưới thăng hoa
Thứ Năm, 19/10/2017 11:59 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek